GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - CỬ HÀNH LỄ LÁ CHÚA NHẬT 20/3/2016
TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ TỪ 9:30 SÁNG
"Ngay cả ở cao điểm hủy thân của mình, Chúa Giêsu đã cho thấy dung nhan đích thực của Thiên Chúa, đó là lòng thương xót... Nếu mầu nhiệm sự dữ là một mầu nhiệm khôn dò thì thực tại của Tình Yêu được tuôn đổ qua Người lại vô cùng bất tận, tiến đến cả những nấm mộ và hỏa ngục"
"Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!" (Luca 19:38), đám đông ở Giêrusalem hân hoan hô hoán khi họ nghênh đón Chúa Giêsu. Chúng ta đã có được cái hào hứng này, ở chỗ khi chúng ta vẫy những cành lá cây Olive hay cây dừa là chúng ta bày tỏ lời chúc tụng của chúng ta và niềm vui của chúng ta, lòng chúng ta muốn đón nhận Chúa Giêsu đến với chúng ta. Như Người đã vào Thành Giêrusalem thế nào thì Người cũng muốn tiến vào các thành đô của chúng ta và vào cuộc đời của chúng ta. Như Người đã thực hiện trong Phúc Âm, bằng việc cưỡi trên một con lừa thế nào thì Người cũng đến với chúng ta một cách khiêm tốn; Người là Đấng "nhân danh Chúa" mà đến. Bằng quyền năng tình yêu thần linh của mình, Người tha thứ tội lỗi cho chúng ta và hòa giải chúng ta với Chúa Cha cũng như với bản thân chúng ta.
Chúa Giêsu hài lòng trước cảm tình của đám đông giành cho Người. Khi những người biệt phái xin Người bảo các trẻ em cùng nhưng người khác đang hô hoán im đi thì Người đáp lại họ rằng: "Tôi nói cho quí vị hay nếu họ mà im đi thì ngay cả những hòn đá này cũng sẽ vang lên" (Luca 19:40). Không gì có thể làm cụt hứng của họ trước việc Chúa Giêsu tiến vào ấy. Chớ gì không một sự gì có thể làm cản trở chúng ta trong việc chúng ta tìm thấy ở nơi Người nguồn mạch cho niềm vui của chúng ta, niềm vui chân thực, niềm vui tự tại và an bình; vì chỉ có một mình Chúa Giêsu mới là Đấng cứu chúng ta khỏi những cạm bẫy của tội lỗi, chết chóc, sợ hãi và buồn đau mà thôi.
Phụng vụ hôm nay dạy chúng ta rằng Chúa đã không cứu chúng ta bằng việc Người vinh quang tiến vào ấy hay bằng những thứ phép lạ quyền năng. Tông Đồ Phaolô, ở Bài Đọc thứ 2, đã tóm gọn con đường cứu chuộc vào hai động từ: Chúa Giêsu đã "tự hủy" và "tự hạ" Mình (Philiphe 2:7-8). Hai động từ này chứng tỏ cho thấy tính chất vô biên của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta. Chúa Giêsu đã tự hủy Mình, ở chỗ, Người đã không gắn bó với vinh quang của Người nơi tư cách là Con Thiên Chúa, nhưng đã trở nên Con Người để liên kết với thành phần tội nhân chúng ta trong tất cả mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Chưa hết, Người đã sống giữa chúng ta nơi "thân phận của một người tôi tớ" (câu 7); chứ không phải một ông vua hay một hoàng tử, mà là một đầy tớ. Bởi thế, Người đã tự hạ Mình và vực thẳm của việc Người hạ mình, như Tuần Thánh cho chúng ta thấy, hầu như là vô đáy.
Dấu hiệu đầu tiên của tình yêu "không cùng" (Gioan 13:1) này là việc rửa chân. "Vị Chúa và Sư Phụ" (Gioan 13:14) đã cúi mình xuống chân của các môn đệ của mình, một hành động chỉ có thành phần tôi tớ mới làm. Người làm gương để cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần để cho tình yêu của Người vươn đến chúng ta, một tình yêu cúi xuống trên chúng ta; chúng ta không thể làm gì kém hơn được nữa, chúng ta không thể nào yêu mà không để mình được Người yêu thương trước, mà không cảm nghiệm thấy sự êm ái dịu dàng lạ lùng của Người và không chấp nhận thứ tình yêu chân thực chất chứa nơi việc cụ thể phục vụ.
Thế nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Sự khiêm hạ của Chúa vươn đến tột đỉnh của mình nơi cuộc Khổ Nạn, ở chỗ, Người đã bị bán đi với giá 30 đồng bạc và bị phản nộp bởi cái hôn của một người môn đệ được Người chọn và gọi là bạn hữu của Người. Hầu như tất cả những môn đệ khác tẩu thoát lấy thân để bỏ mặc Người lại; môn đệ Phêrô đã chối bỏ Người 3 lần ở sân đền thờ. Tinh thần của Người bị nhục nhã bởi những lời mỉa mai châm biếm, bởi những lời nhục mạ và bởi bị khạc nhổ vào mặt, nơi thân xác của mình Người đã chịu những gì là dã man tàn bạo kinh hoàng khủng khiếp, với những trận đòn, với cuộc hành khổ và mạo gai khiến không còn nhận ra dung nhan của Người nữa. Người cũng bị thành phần thẩm quyền về tôn giáo và chính trị lên án một cách tủi hổ và nhục nhã: Người bị kết án có tội và bị coi là kẻ bất chính. Bấy giờ Philato giải Người sang cho Hêrôđê, nhân vật sau đó trao trả Người về lại cho quan tổng trấn Roma.
Ngay cả trong tình trạng Người bị chối bỏ bởi hết mọi hình thức về công lý, Chúa Giêsu cũng cảm thấy cái thái độ lãnh đạm nơi thành phần máu mủ ruột thịt của mình, vì không một ai dám đứng ra đảm nhận trách nhiệm về số phận của Người. Đám đông dân chúng, trước đó một chút vừa mới hoan hô Người, giờ đây biến lời chúc tụng của họ thành tiếng la hò tố cáo, thậm chí cho đến độ muốn một tên sát nhân được phóng thích hơn là Người. Thế rồi giờ tử giá đã đến, một hình thức nhục nhã đau đớn nhất được giành cho thành phần phản bội, thành phần nô lệ và những hạng tội phạm xấu xa ghê tởm nhất. Tuy nhiên, tình trạng bị cô lập, bị xỉ nhục và đớn đau vẫn chưa phải là tất cả những gì Người bị tước đoạt. Để hoàn toàn liên kết với chúng ta, Người cũng trải qua trên Thánh Giá việc Cha của Người bỏ rơi Người một cách lạ lùng. Thế nhưng, trong tình trạng Người bị bỏ rơi ấy, Người đã cầu nguyện và phó mặc bản thân của Người: "Lạy Cha, Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha" (Luca 23:47). Bị treo trên cây thập tự giá, ngoài việc bị chế giễu nhạo cười, bấy giờ Người còn phải đương đầu với chước cám dỗ cuối cùng đó là chước cám dỗ xuống khỏi Thánh Giá, để chiến thắng sự dữ bằng quyền năng mà tỏ cho thấy dung nhan của một Vị Thiên Chúa quyền năng bất bại. Tuy nhiên, ngay cả ở cao điểm hủy thân của mình này, Chúa Giêsu đã cho thấy dung nhan đích thực của Thiên Chúa, đó là lòng thương xót. Người tha thứ những ai đóng đanh Người, Người mở cửa thiên đàng cho người trộm thống hối và Người làm cho viên đại đội trưởng phải động lòng. Nếu mầu nhiệm sự dữ là một mầu nhiệm khôn dò thì thực tại của Tình Yêu được tuôn đổ qua Người lại vô cùng bất tận, tiến đến cả những nấm mộ và hỏa ngục. Người đã nhận lấy nơi bản thân Người tất cả mọi đớn đau của chúng ta để Người có thể cứu chuộc nó, mang ánh sáng đến cho bóng tối, mang sự sống đến cho sự chết, mang tình yêu đến cho hận thù.
Đường lối tác hành của Thiên Chúa dường như quá ư là xa vời với đường lối của chúng ta, đến độ vì chúng ta Người đã tự hủy, trong khi chúng ta dường như khó có thể quên mình một chút xíu. Người đến để cứu độ chúng ta, chúng ta được kêu gọi để chọn theo con đường của Người, con đường phục vụ, ban tặng, quên mình. Chúng ta hãy bước theo con đường này, khi dừng lại trong những ngày này để gắn ánh mắt vào Cây Thánh Giá, "vương tòa của Thiên Chúa", để học theo thứ tình yêu khiêm hạ cứu độ và ban sự sống, nhờ đó chúng ta có thể từ bỏ tất cả những gì là vị kỷ và tìm kiếm quyền lực cùng tiếng tăm. Bằng việc tự hạ mình, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta hãy bước theo con đường của Người. Chúng ta hãy quay mặt chúng ta về Người, chúng ta hãy xin ơn hiểu biết một chút nào đó nơi mầu nhiệm xóa mờ của Người vì chúng ta, để rồi, trong thinh lặng, chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm của Tuần Lễ này.
http://www.news.va/en/news/pope-francis-homily-for-mass-of-palm-sunday
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý
nhấn mạnh
(đoạn video clip dài 2 tiếng 33 phút 53 giây về
toàn bộ phụng vụ và kinh truyền tin Chúa Nhật Lễ Lá)
Tôi xion chào tất cả anh chị em đã tham dự vào việc cử hành này cũng như tất cả những ai đã liên hợp với chúng ta qua truyền hình, truyền thanh và các phương tiện truyền thông khác.
Hôm nay, chúng ta cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới thứ 31, một ngày sẽ đạt đến tột đỉnh của mình vào cuối Tháng 7 nơi một cuộc đại hội thế giới ở Krakow. Chủ đề là "Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương" (Mathêu 5:7). Lời chào của tôi đặc biệt gửi đến giới trẻ hiện diện ở đây hôm nay, và bao gồm tất cả mọi giới trẻ khắp thế giới. Tôi hy vọng rằng nhiều bạn có thể đến Krakow, nhà của Thánh Gioan Phaolô II, sáng lập viên của Ngày Giới Trẻ Thế Giới này. Chúng ta ký thác cho lời chuyển cầu của ngài những ngày tháng cuối cùng của việc sửa soạn cho cuộc hành trình ấy, trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ là một Năm Thánh của Giới Trẻ ở cấp Giáo Hội Hoàn Vũ.
Ở với chúng ta nơi đây có nhiều tình nguyện viên trẻ trung từ Krakow đến. Khi trở về lại Balan, họ sẽ mang về cho những vị lãnh đạo của quốc gia này những cành cây dầu được thu thập từ Giêrusalem, từ Assisi và từ Monte Cassino, và đã được làm phép ở Quảng Trường này hôm nay, như một lời mời gọi hãy vun trồng những ý hướng hòa bình, hòa giải và huynh đệ. Cám ơn các bạn về sáng kiến tuyệt vời này; hãy can đảm tiến lên!
Giờ đây chúng ta hãy cầu cùng Trinh Nữ Maria xin Mẹ giúp chúng ta sống Tuần Thánh bằng một tinh thần tha thiết linh thiêng.
https://zenit.org/articles/popes-angelus-address-on-palm-sunday/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý
nhấn mạnh
http://www.romereports.com/2016/03/19/pope-francis-will-preside-at-all-ceremonies-of-easter
(đoạn video clip dài 1 phút 49 giây hướng
đến phụng vụ Tuần Thánh của ĐTC Phanxicô)