GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHỦ TẾ VÀ GIẢNG LỄ TRỌNG KÍNH THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
"Một khuynh hướng liên tục đối với Giáo Hội, khuynh hướng khép kín bản thân mình
lại trước hiểm nguy. Thế nhưng cũng có những kẽ hở nho nhỏ nhờ đó Thiên Chúa có
thể ra tay. .. Cầu nguyện giúp ân sủng có thể mở lối thoát từ khép kín đến cởi mở, từ
sợ hãi đến can trường, từ buồn thương đến hân hoan... từ chia rẽ đến hiệp nhất".
Lời Chúa trong phụng vụ hôm nay cho thấy một thứ tương phản chính yếu rõ ràng giữa đóng và mở. Theo hình ảnh này chúng ta có thể coi biểu hiệu về những chìa khóa được Chúa Giêsu hứa trao cho tông đồ Simon Phêrô để ngài có thể mở cổng vào nước trời, chứ không đóng lại trước con người, như một số luật sĩ và biệt phái giả hình bị Chúa Giêsu khiển trách (xem Mathêu 23:13).
Bài Sách Tông Vụ (12:1-11) cho chúng ta thấy ba thí dụ về "đóng": Thánh Phêrô bị tống ngục; cộng đồng dân Chúa qui tụ lại nguyện cầu bên trong cánh cửa đóng kín, và - tiếp theo bài đọc của chúng ta hôm nay - Thánh Phêrô sau khi được giải thoát đã đến gõ vào cánh cửa ngôi nhà đóng kín của Maria là mẹ của Gioan cũng là Marco.
Nơi 3 thí dụ "đóng" này, cầu nguyện hiện lên cho thấy như là cách chính yếu để thoát ra ngoài. Đó là cách để thoát ra với cộng đồng, một cộng đồng có nguy cơ khép kín bản thân mình bởi bách hại và sợ hãi. Nó là cách thoát thân đối với Thánh Phêrô, vị mà ngay từ ban đầu sứ vụ được Chúa trao phó, bị quận vương Herođê tống ngục và có nguy cơ bị hành quyết. Trong khi Thánh Phêrô ở trong ngục, "Giáo Hội đã cầu nguyện thiết tha với Thiên Chúa cho ngài" (Acts 12:5). Chúa đáp lời nguyện cầu ấy và sai thiên thần đến giải thoát Thánh Phêrô, "giải cứu ngài khỏi tay Hêrôđê" (câu 11). Cầu nguyện, một cách khiêm tốn tin tưởng vào Thiên Chúa và vào ý muốn của Ngài, bao giờ cũng là cách thức thoát khỏi tình trạng chúng ta trở nên "khép kín", với tư cách cá nhân cũng như cộng đồng.
Cả Thánh Phaolô nữa, khi viết cho Thánh Timothêu, đã nói về cảm nghiệm được giải phóng của mình, được tìm thấy lối thoát khỏi cuộc hành quyết đang còn treo lơ lửng trên đầu ngài. Ngài nói với chúng ta rằng Chúa đã đứng ở bên ngài và ban cho ngài sức mạnh để thực hiện công cuộc truyền bá phúc âm hóa chư dân (xem 2Timothêu 4:17). Thế nhưng Thánh Phaolô cũng nói về một thứ "mở" rộng lớn hơn nhiều, hướng tới một chân trời bao la bất tận hơn. Nó là chân trời của sự sống đời đời đang đợi chờ ngài ở cuối cuộc "đua" trần thế của ngài. Chúng ta có thể thấy cả cuộc đời của vị Tông Đồ này theo chiều hướng "vươn ra" nơi việc phục vụ Phúc Âm. Cuộc đời của Thánh Phaolô là cuộc đời hoàn toàn phóng tới, trong việc mang Chúa Kitô đến cho những ai chưa biết Người, rồi sau đó thực sự lao vào vòng tay của Chúa Kitô, để "được cứu độ vào vương quốc thiên đình của Người" (câu 18).
Chúng ta hãy trở lại với Thánh Phêrô. Trình thuật Phúc Âm (Mathêu 16:13-19) về việc tuyên xưng đức tin của ngài và về sứ vụ được Chúa Giêsu trao cho ngài cho chúng ta thấy rằng cuôc đời của Simon, một tay đánh cá ở Galilêa - như cuộc đời của mỗi người chúng ta - cởi mở, cởi mở đến độ tràn đầy, khi nó được Chúa Cha ban cho ơn đức tin. Simon đã bắt đầu cuộc hành trình này - một cuộc hành trình dài lâu và khó khăn - sẽ dẫn ngài thoát ra khỏi bản thân mình, bỏ lại sau lưng tất cả mọi hỗ trợ của loài người, nhất là cái kiêu hãnh có vẻ dũng cảm và quảng đại quên mình của ngài. Trong tiến trình giải phóng của ngài, lời nguyện cầu của Chúa Giêsu là những gì quyết liệt: "Thày đã cầu cho con, để đức tin của con không bị thua bại" (Luca 22:32). Một yếu tố quyết liệt nữa đó là ánh mắt cảm thương của Chúa sau khi Thánh Phêrô chối bỏ Người 3 lần: một ánh mắt xuyên thấu lòng người mang lại những giọt nước mắt thống hối ăn năn (xem Luca 22:61-62). Vào lúc ấy tông đồ Simon Phêrô đã được giải phóng khỏi ngục tù kiêu hãnh vị kỷ và sợ hãi, và đã thắng vượt được khuynh hướng khép kín cõi lòng mình lại trước lời Chúa Giêsu kêu gọi ngài hãy theo Người tiến bước trên con đường thập giá.
Tôi đã đề cập rằng tiếp theo đoạn Sách Tông Vụ hôm nay còn có một chi tiết đáng lưu ý (xem 12:12-17). Khi Thánh Phêrô thấy rằng mình được giải thoát cách lạ lùng khỏi ngục tù của Hêrôđê thì ngài đã đi đến nhà mẹ của Gioan tức Marco. Ngài đã gõ vào cánh cửa đóng kín, và người đầy tớ tên là Rhoda ra xem. Khi nhận ra giọng nói của Thánh Phêrô thì vừa ngờ vực vừa vui mừng, thay vì mở cửa ra lại chạy đến nói với bà chủ của mình. Trình thuật này, có vẻ buồn cười, cho chúng ta thấy được bầu khí lo sợ khiến cộng động Kitô hữu ở bên những cánh cửa đóng kín, nhưng đồng thời cũng khép kín trước cả những gì ngỡ ngàng từ Thiên Chúa nữa. Chi tiết này nói với chúng ta về một khuynh hướng liên tục đối với Giáo Hội, khuynh hướng khép kín bản thân mình lại trước hiểm nguy. Thế nhưng cũng có những kẽ hở nho nhỏ nhờ đó Thiên Chúa có thể ra tay. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng ở ngôi nhà ấy "nhiều người đã qui tụ lại và đang cầu nguyện" (câu 12). Cầu nguyện giúp ân sủng có thể mở lối thoát từ khép kín đến cởi mở, từ sợ hãi đến can trường, từ buồn thương đến hân hoan. Chúng ta có thể thêm nữa: từ chia rẽ đến hiệp nhất. Phải, hôm nay chúng ta tin tưởng nói điều này, cùng với những người anh em của chúng ta từ phái đoàn Đại Biểu thay mặt Đức Thượng Phụ Toàn Cầu Bartholomew để tham dự vào cuộc cử hành Các Vị Thánh Quan Thày của Rôma đây. Hôm nay chúng ta cũng cử hành mối hiệp thông đối với toàn thể Giáo Hội, như được thấy nơi sự hiện diện của các vị tổng giám mục (mới được ĐTC bổ nhiệm năm ngoái - biệt chú của người dịch) đến tham dự nghi thức làm phép phẩm phục mà các vị sẽ lãnh nhận từ những vị đại diện của tôi ở nơi các giáo phận của các vị.
Xin Thánh Phêrô và Phaolô chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta có thể hân hoan tiến bước trong cuộc hành trình này, cảm nghiệm thấy tác động giải phóng của Thiên Chúa, và làm chứng cho cuộc giải phóng ây trước thế giới.
http://www.news.va/en/news/homily-for-solemnity-of-sts-peter-and-paul-full-te
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những
chỗ nhấn mạnh tự ý)