GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐTC PHANXICÔ - CHỦ TẾ VÀ GIẢNG LỄ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT Ở ĐỀN THÁNH PHÊRÔ

CHÚA NHẬT 13/11/2016

VỚI THÀNH PHẦN BỊ XÃ HỘI LOẠI TRỪ

SÁU NGÀN NGƯỜI NGHÈO VÀ VÔ GIA CƯ TỪ ÂU CHÂU VÀ PHI CHÂU THAM DỰ

 

messa-omelia-giubileo-marginati

 

"Cái gì tồn tại, cái gì có giá trị trong đời sống, cái gì giầu có mà không mất đi? Chắc chắn là 2 sự này, đó là Chúa và tha nhân của chúng ta... Chúng ta tác hại bản thân mình biết bao khi chúng ta không nhận ra Lazarô bị loại trừ và bị tẩy chay! Đó là thái độ quay lưng lại với chính Thiên Chúa. Đó là biểu hiệu của một thứ sơ cứng về tâm linh khi chúng ta chỉ chú trọng đến các vật cần được sản xuất hơn là những con người cần được yêu thương"

 

"Mặt trời đã mọc lên với những bóng cánh chữa lành... cho các ngươi" (Malachi 4:2). Những lời của Tiên tri Malachi chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc 1 hôm nay đã làm sáng tỏ cho ngày Năm Thánh hôm nay. Những lời ấy đã đến với chúng ta từ trang cuối cùng của vị tiên tri sau hết trong Cựu Ước. Chúng là những lời trực tiếp ngỏ cùng những ai tin vào Chúa, Đấng đặt niềm hy vọng vào ngài, Đấng thấy ở nơi Ngài sự thiện hảo cao cả nhất của sự sống và không chịu sống chỉ cho bản thân mình cũng như cho các lợi ích riêng của mình. Mặt trời công chính sẽ mọc lên cho những ai nghèo khó về vật chất nhưng giầu có trong Thiên Chúa. Họ là những người nghèo khó trong tinh thần, thành phần được Chúa Giêsu hứa hẹn nước trời (xem Mathêu 5:3) và là những người Thiên Chúa, qua những lời của tiên tri Malachi, gọi là "sở hữu đặc biệt của Ta" (Malachi 3:17). Vị tiên tri này đã đặt họ vào vị thế ngược lại với thành phần kiêu hãnh, những kẻ tìm kiếm một đời sống an toàn nơi sự sung túc của mình cũng như nơi các thứ sở hữu trần gian của họ. Trang cuối cùng của Cựu Ước đây khơi lên những vấn đề thách đố về ý nghĩa tối hậu của đời sống: Tôi tìm kiếm sự an toàn ở nơi đâu? Nơi Chúa hay nơi những hình thức khác của sự an toàn không hài lòng Chúa? Đời sống của tôi hướng về đâu, cõi lòng của tôi đang mong mỏi những gì? Vị Chúa của sự sống hay các sự vật phù vân có thể làm cho tôi được thỏa mãn đây?

Những vấn nạn tương tự như thế cũng hiện lên trong bài Phúc Âm hôm nay. Chúa Giêsu ở Giêrusalem cho một trang sử cuối cùng và quan trọng nhất của cuộc sống trên trần gian của Người đó là trang sử về cái chết và phục sinh của Người. Người ở quanh khu vực bên ngoài của Đền Thờ, một đền thờ "được trang hoàng bằng những thứ đá quí cùng với những của dâng cúng" (Luca 21:5). Dân chúng đang nói với nhau về dáng vẻ đẹp đẽ của đền thờ thì Chúa Giêsu lại nói rằng: "Rồi sẽ xẩy đến những ngày không còn một hòn đá nào chồng lên hòn đá nào" (câu 6). Người còn cho biết thêm là sẽ xẩy ra cả những thứ xung đột, đói kém, chuyển động mạnh cả trên mặt đất lẫn trên trời. Chúa Giêsu không muốn làm cho chúng ta rùng minh kinh hãi, nhưng Người muốn nói với chúng ta rằng hết mọi sự chúng ta hiện thấy đó sẽ không thể nào không qua đi. Cho dù là những vương quốc hùng mạnh nhất, những dinh thự thánh thiêng nhất và những thực tại vững chắc nhất trên thế giới này chẳng tồn tại đến muôn đời; không sớm thì muộn chúng sẽ sụp đổ thôi.

Đáp lại, dân chúng liền nêu lên hai vấn nạn hỏi vị Sư Phụ này: "Bao giờ thì điều ấy xẩy ra và đâu sẽ là dấu hiệu?" (câu 7). Khi nào và những gì... Chúng ta thường tỏ ra tò mò muốn biết: chúng ta muốn biết khi nào và chúng ta muốn thấy được các dấu hiệu. Thế nhưng, Chúa Giêsu không để ý gì tới cái tò mò ấy. Trái lại, Người khuyên nhủ chúng ta đừng để cho mình bị lừa đảo bởi các thứ thày khải huyền mộng mị. Những ai theo Chúa Giêsu thì không nghe theo những thứ tiên tri u ám, cái vô nghĩa của những gì là tướng số, hay những bài giảng cũng như các thứ tiên đoán rùng rợn làm lệch lạc đi những điều thật là quan trọng. Giữa cái om sòm ầm ĩ của nhiều tiếng nói thì Chúa muốn chúng ta hãy phân biệt giữa những gì xuất phát từ Người và những gì xuất phát từ thần trí sai lầm giả trá. Đó là những gì hệ trọng: là phân biệt những lời khôn ngoan Thiên Chúa nói với chúng ta từng ngày với tiếng la hò của những ai nhân danh Thiên Chúa tìm cách gây kinh hãi, nuôi chia rẽ và sợ sệt.

Chúa Giêsu mạnh mẽ bảo chúng ta đừng sợ những thứ biến động xẩy ra ở mỗi giai đoạn lịch sử, ngay cả trước những thử thách và bất công trầm trọng nhất là những gì có thể xẩy ra cho các môn đệ của Người. Người muốn chúng ta hãy kiên trì trong sự thiện và đặt tất cả lòng tin tưởng của chúng ta nơi Thiên Chúa là Đấng không bao giờ làm chúng ta thất vọng: "Không một sợi tóc trên đầu của các con sẽ bị hư đi" (câu 18). Thiên Chúa không quên những người nào trung thành của Ngài. Ngài không quên chúng ta đâu.

Tuy nhiên, hôm nay Ngài đặt vấn đề với chúng ta về ý nghĩa của đời sống chúng ta. Bằng một hình ảnh chúng ta có thể nói rằng những bài đọc này như là một "cái lọc" mà qua đó đời sống của chúng ta có thể tuôn đổ: Chúng nhắc nhở rằng hầu như mọi sự trên thế gian này đang qua đi, như nước chảy. Thế nhưng có những thực tại quí báu vẫn tồn tại, như một tảng đá quí trong một cái lọc. Cái gì tồn tại, cái gì có giá trị trong đời sống, cái gì giầu có mà không mất đi? Chắc chắn là 2 sự này, đó là Chúa và tha nhân của chúng ta. Hai sự này là những gì phong phú không bị mất đi! Đó là những sự thiện cao cả nhất; những gì cần phải được yêu chuộng. Còn hết mọi sự khác - các tầng trời, trái đất này, tất cả những gì là mỹ miều đẹp đẽ nhất, ngay cả ngôi Đền Thờ này - rồi sẽ qua đi thôi; thế nhưng chúng ta không bao giờ được loại trừ Thiên Chúa và người khác ra khỏi cuộc đời của chúng ta.

Ngày nay, khi chúng ta nói về việc loại trừ, chúng ta liền nghĩ đến con người cụ thể, không phải là những đồ vật vô dụng mà là những con người quí báu. Con người, được Thiên Chúa đặt làm chóp đỉnh của tạo vật, thường bị loại trừ, bị tẩy chay trước những gì phù du sớm nở tối tàn. Điều này là những gì bất khả chấp, bởi trước nhan Thiên Chúa con người là một sự thiện quí báu nhất. Thật là gở lạ khi chúng ta đang càng ngày quen cái thói loại trừ này. Chúng ta cần phải lo lắng khi lương tâm của chúng ta bị mê man và chúng ta không còn thấy người anh em hay người chị em đang đau khổ ở bên cạnh, hoặc thấy được những vấn đề trục trặc trầm trọng trên thế giới của chúng ta, những vấn đề trục trặc đã trở thành một thứ điệp khúc quen thuộc ở các giòng tin tức ban tối.

Anh chị em thân mến, hôm nay là ngày Năm Thánh của anh chị em. Sự hiện diện của anh chị em nơi đây giúp cho chúng tôi bắt được tần số của Thiên Chúa, ở chỗ nhìn thấy những gì Ngài nhìn thấy. Ngài không phải chỉ nhìn thấy những dáng vẻ bề ngoài (xem 1Samuel 16:7) mà còn hướng ánh mắt của Ngài tới "tấm lòng khiêm cung thống hối" (Isaia 66:2), tới nhiều Lazarô nghèo khổ trong thời đại của chúng ta. Chúng ta tác hại bản thân mình biết bao khi chúng ta không nhận ra Lazarô bị loại trừ và bị tẩy chay (xem Luca 16:19-21)! Đó là thái độ quay lưng lại với chính Thiên Chúa. Đó là biểu hiệu của một thứ sơ cứng về tâm linh khi chúng ta chỉ chú trọng đến các vật cần được sản xuất hơn là những con người cần được yêu thương. Đó là nguồn gốc về cái ngược ngạo trong thời đại của chúng ta, ở chỗ trong khi gia tăng tiến bộ và những tiềm năng mới là điều tốt thì lại càng ít người có thể được hưởng lợi bởi đó mà ra. Đó là một thứ bất công cả thể cần chúng ta quan tâm như chúng ta quan tâm đến thời điểm và cách thức thế giới này tận kết vậy. Vì chúng ta không thể nào làm những gì chúng ta vẫn thường làm một cách âm thầm ở nhà trong khi có một Lazarô nằm ở cửa nhà mình. Không có bình an trong những ngôi nhà của thành phần giầu sang thịnh vượng mà bao lâu ngôi nhà chung của mọi người lại thiếu vắng công lý.

Hôm nay, ở các vương cung thánh đường và ở các đền thánh khắp thế giới, các Cánh Cửa của Lòng Thương Xót đang được khép lại. Chúng ta hãy xin ơn đừng nhắm mắt lại trước Thiên Chúa là Đấng nhìn thấy chúng ta cũng như nhắm mắt lại trước tha nhân của chúng ta là những người cần một điều gì đó nơi chúng ta. Chúng ta hướng mắt của chúng ta về Thiên Chúa, bằng cách thanh tẩy con mắt của cõi lòng chúng ta cho khỏi những hình ảnh giả dối và sợ hãi, khỏi thần quyền lực và oán thù, khỏi phóng tỏa niềm kiêu hãnh và nỗi sợ hãi loài người. Chúng ta hãy tin tưởng nhìn vào Vị Thiên Chúa của lòng thương xót, bằng cách thâm tín rằng "tình yêu không bao giờ cùng" (1Corinto 13:8). Chúng ta hãy canh tân lại niềm hy vọng của mình vào cuộc sống đích thực mà chúng ta được kêu gọi, một cuộc sống sẽ không bao giờ qua đi và đang đợi chờ chúng ta trong mối hiệp thông với Chúa và với những người khác, trong niềm vui tồn tại đến muôn đời, không bao giờ cùng.

Chúng ta hãy hướng mắt mình về tha nhân của chúng ta, nhất là về những người anh chị em của chúng ta đang bị quên lãng và bị loại trừ, về một 'Lazaro' ở cửa nhà chúng ta. Đó là nơi được tấm gương phóng đại của Giáo Hội nhắm tới. Xin Chúa giải thoát chúng ta cho khỏi hướng mắt của chúng ta về bản thân chúng ta. Chớ gì Ngài hướng chúng ta khỏi những cạm bẫy khiến chúng ta bị phân tâm, khỏi những lợi lộc và đặc ân, khỏi lòng dính bén với quyền lực và vinh quang, khỏi bị thu hút bởi tinh thần thế gian. Mẹ Giáo Hội của chúng ta nhìn "đặc biệt đến phần nhân loại đang đau khổ và kêu khóc, vì Giáo Hội biết rằng những con người này thuộc về Giáo Hội bởi quyền lợi phúc âm" (PAUL VI, Address at the beginning of the Second Session of the Second Vatican Council, 29 September 1963). Bởi quyền lợi cũng như bởi nghĩa vụ phúc âm, vì chúng ta có trách nhiệm chăm sóc các kho tàng thực sự là chính người nghèo. Theo chiều hướng của những chia sẻ này, hôm nay tôi muốn có "ngày của người nghèo". Chúng ta được nhắc nhở về ngày này bởi một truyền thống xưa, một truyền thống được vị tử đạo Roma Laurenso, trước khi chịu tử đạo vì tình yêu Chúa, đã phân phát các của cải sản vật của cộng đồng cho người nghèo, thành phần ngài diễn tả như là kho tàng của Giáo Hội. Xin Chúa ban ơn để chúng ta không lo sợ nhìn những gì thực sự là cần thiết và hướng lòng chúng ta về kho tàng thực sự của chúng ta.


http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2016/documents/papa-francesco_20161113_giubileo-omelia-senza-fissa-dimora.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chỗ nhấn mạnh tự ý bằng mầu

 

Phụ chú của người dịch:

Ý tưởng thành lập "Ngày Thế Giới của Người Nghèo" được ngọn gió Thánh Linh bất ngờ thổi đến Đức Thánh Cha Phanxicô qua một giới trẻ. Như chính Năm Thánh Thương Xót Ngoại Lệ 2016 cũng thế, cũng được Thánh Thần khơi lên từ một cuộc họp khi ngài còn là Hồng Y TGP TGP Buenos Aires. Thật vậy, ĐTC Phanxicô vốn có khuynh hướng sống một cách hồn nhiên theo cảm hứng thần linh, tùy từng lúc và từng nơi, như chính ngài đã bày tỏ chủ trương này của ngài trong một số cuộc phỏng vấn.

"Tôi không có dự tính trước. Tôi chỉ để cho mình được Thánh Linh tác động mà thôi. Các sự việc cứ xẩy ra. Tôi để cho Thần Linh hướng dẫn. Tất cả là ở chỗ hãy tỏ ra dễ dạy với Thánh Linh, để Ngài làm việc của Ngài. Giáo Hội là Phúc Âm, là công cuộc của Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội không phải là một cuộc hành trình của các ý nghĩ hay là một dụng cụ để củng cố các tư tưởng ấy. Trong Giáo Hội, các sự việc xẩy ra khi đến lúc của chúng, khi bản thân sẵn sàng hưởng ứng". (Với Nhật Báo Ý Công Giáo Avvenire Thứ Sáu 18/11/2016)

Trong cuộc phỏng vấn vào Tháng 7/2015 về Lòng Thương Xót Chúa và Năm Thánh Tình Thương ở cuốn sách phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô: 
"Thiên Chúa Tên là Tình Thương", ngài đã cho biết rằng: 

"Trong một cuộc họp bàn tròn với các thần học gia với tư cách là tổng giám mục Buenos Aires Á Căn Đình về đề tài là đức giáo hoàng có thể làm gì để giúp dân chúng xích lại gần nhau hơn; chúng ta đã phải đối diện với rất nhiều vấn đề dường như không có đáp số. Một trong những tham dự viên đề nghị nên có 'một Năm Thánh tha thứ'. Tư tưởng này đã in vào đầu óc của tôi".

Ý tưởng thành lập "Ngày Thế Giới của Người Nghèo" này cũng thế. Có thể là ngài đã được Thánh Thần khơi lên khi ngài nghe thấy nhắc đến ngày này vào hôm Thứ Sáu 11/11/206, khi ngài tiếp 4 ngàn anh chị em vô gia cư từ khắp Âu Châu qui tụ lại ở Sảnh Đường Đức Phaolô VI, một tư tưởng được  anh Etienne Villemain trong dịp giới thiệu tổ chức của mình với ngài ở buổi triều kiến chung ấy, anh đã hỏi ngài xem Giáo Hội nên có Ngày Thế Giới của Người Nghèo hay chăng.

Etienne Villemain khi mới 20 tuổi đã cùng với một người bạn bắt đầu lần đầu tiên dám mở cửa đón nhận người vô gia cư vào trú ngụ trong nhà của mình và với mình. Trong thập niên qua, hiệp hội Lazare ở Pháp này do anh phát động trong thành phần giới trẻ tình nguyện mở cửa cho người vô gia cư cư trú, cho đến này đã có được 18 gia cư cho 300 người vô gia cư trú ngụ. Vào Tháng 10/2014, khi tổ chức của nhân vật sáng lập viên Lazare trẻ trung này mới được 200 người vô gia cư thì thực hiện một cuộc hành hương sang Roma và được ĐTC Phanxicô đón tiếp. Hôm đó, có một người bà bày tỏ cho anh này một câu nói gây ấn tượng sâu xa nơi anh như thế này: "Tôi có lẽ không có được một ngôi nhà gọi là nhà của mình, nhưng giờ đây tôi biết rằng tôi đã có được một nơi trong cõi lòng của Chúa Giêsu".


Thế rồi, trước Thánh Lễ cho 4 ngàn anh chị em vô gia cư ở Đền Thờ Thánh Phêrô Chúa Nhật 13/11/2016, Etienne may mắn được gặp ĐTC trong chớp nhoáng và thử nhắc hỏi ngài rằng: "Tâu Đức Thánh Cha, ĐứcThánh Cha có đồng ý thành lập Ngày Thế Giới của Người Nghèo hay chăng?" Ngài đã mỉm cười trả lời: "có". Không ngờ trong bài giảng của mình, ở đoạn kết rthúc, ngài đã nói buông rằng: "Hôm nay tôi muốn có Ngày của Người Nghèo". Không ngờ trong Tông Thư của ngài được ban hành Thứ Hai 21/11/2016, ở đoạn 22, đoạn áp chót, ngài đã chính thức thành lập "Ngày Thế Giới của Người Nghèo" trong toàn thể Giáo Hội, một ngày được cử hành hằng năm vào Chúa Nhật 33, trước Chúa Nhật Chúa Kitô Vua kết thúc phụng niên.

(Những chi tiết về Ngày Thế Giới của Người NGhèo liên quan tới nhân vật gợi ý được người dịch phụ chú ở đây theo tài liệu từ nguồn website này:

http://www.lastampa.it/2016/11/29/vaticaninsider/eng/world-news/world-day-of-the-poor-a-gesture-for-all-nHZSwqEtWOfNgYGHTiJGOP/pagina.html)