GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 





ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIẢNG LỄ PHONG THÁNH CHÂN PHƯỚC TÊRÊSA CALCUTTA
CHÚA NHẬT 4/9 NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT 2016

 

 

"Mẹ Têrêsa, trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống mình, đã là một con người quảng đại ban phát lòng

 

 thương xót Chúa, bằng cách mẹ tỏ ra sẵn sàng đối với hết mọi người, nhờ việc mẹ đón nhận và bênh

 

 vực sự sống của con người, sự sống của những thai nhi cũng như của những ai bị bỏ rơi

 

và những ai bị loại trừ". 


"Ai có thể làm cố vấn cho Thiên Chúa?" (Khôn Ngoan 9:13). Câu hỏi trong Sách Khôn Ngoan chúng ta vừa nghe ở bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy rằng đời sống của chúng ta là một mầu nhiệm, và chúng ta không nắm được cái then chốt để hiểu được nó. Bao giờ cũng có vai chính trong lịch sử, đó là Thiên Chúa và con người. Việc của chúng ta đó là nhận thấy tiếng Thiên Chúa kêu gọi để rồi làm theo ý muốn của Ngài. Thế nhưng để làm theo ý muốn của Ngài, chúng ta cần phải tự vấn "Đâu là ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống của tôi?"


Chúng ta tìm thấy câu giải đáp ở cùng đoạn Sách Khôn Ngoan này: "Con người ta được dạy cho biết những gì làm hài lòng Ngài" (9:18). Để nắm chắc được tiếng Chúa gọi, chúng ta cần phải tự hỏi và biết được những gì làm hài lòng Thiên Chúa. Trong nhiều trường hợp các vị tiên tri đã loan báo điều đẹp lòng Thiên Chúa. Sứ điệp của các vị được gói ghém trong câu tổng hợp này: "Ta muốn lòng thương xót chứ không phải là hy tế" (Hosea 6:6; Mathêu 9:13). Thiên Chúa lấy làm hài lòng trước mọi tác động thương xót, vì nơi người anh em hay người chị em chúng ta trợ giúp, chúng ta nhận ra dung nhan của Thiên Chúa là dung nhan không ai có thể thấy (xem Gioan 1:18). Mỗi lần chúng ta cúi mình xuống với các nhu cầu của anh chị em chúng ta là chúng ta cống hiến cho Chúa Giêsu một cái gì đó để ăn hay uống; là chúng ta mặc cho, là chúng ta giúp đỡ và chúng ta thăm viếng Con Thiên Chúa (xem Mathêu 25:40). 


Bởi thế chúng ta được kêu gọi để chuyển thành các hành động cụ thể những gì chúng ta kêu xin khi cầu nguyên và tuyên xưng đức tin. Không có một giải pháp nào khác ngoài đức bác ái yêu thương: những ai dấn thân phục vụ người khác đều là những người yêu mến Thiên Chúa (xem 1Gioan 3:16-18; Giacobê 2:14-18), cho dù họ không biết như thế. Tuy nhiên, đời sống Kitô hữu không phải chỉ là việc ra tay giúp đỡ vào những lúc cần thiết. Nếu chỉ thế thôi thì nó thực sự có thể là một bày tỏ yêu thương theo tình đoàn kết loài người cống hiến những thiện ích cấp thời, thế nhưng nó khô cắn tàn héo vì không sâu xa đâm rễ. Trái lại, công việc Chúa trao cho chúng ta là một ơn gọi bác ái yêu thương, một ơn gọi mà từng người môn đệ của Chúa Kitô trọn đời phục vụ nhờ đó từng ngày lớn lên trong yêu thương.


Chúng ta đã nghe thấy trong bài Phúc Âm là "những đám rất đông hành trình theo Chúa Giêsu" (Luca 14:25). Hôm nay, "đám rất đông" này được thể hiện nơi rất nhiều tình nguyện viên cùng nhau qui tụ lại để cử hành Năm Thánh Thương Xót. Anh chị em là đám đông theo Vị Thày này và đang làm cho tình yêu thương cụ thể của Người trở thành hiển hiện đối với từng người. Tôi lập lại cùng anh chị em những lời của Tông Đồ Phaolô: "Cha thật sự đã lãnh nhận được nhiều niềm vui và an ủi từ tình yêu thương của con, vì tấm lòng của các vị thánh đã nhờ con mà được tươi mới" (Philemon 1:7). Biết bao nhiêu là tấm lòng đã được an ủi bởi những tình nguyện viên! Biết bao nhiêu là bàn tay được họ nắm lấy; biết bao nhiêu là nước mắt được họ lau khô; biết bao nhiêu là yêu thương đã được tuôn trào nơi việc phục vụ kín đáo, khiêm tốn và vô vị lợi! Việc phục vụ đáng khen này là những gì húng hồn chứng tỏ đức tin và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha là Đấng gần gũi với những ai thiếu thốn cần giúp đỡ.


Theo Chúa Giêsu là một công việc nghiêm chỉnh, đồng thời cũng là một việc tràn đầy niềm vui; nó cần phải tỏ ra dám can đảm nhìn nhận Vị Sư Phụ thần linh của mình nơi những anh chị em nghèo nhất trong những người nghèo và dấn thân phục vụ họ. Để làm như thế, thành phần tình nguyện viên, những con người vì yêu Chúa Giêsu phục vụ những người anh chị em nghèo khổ và những người anh chị em cần giúp đỡ, không mong nhận được những lời cám ơn hay bù đắp; trái lại, họ từ bỏ tất cả những thứ ấy vì họ đã khám phá ra được tình yêu đích thực. Như Chúa đã đến gặp gỡ tôi và đã cúi xuống tầm cỡ của tôi vào lúc tôi cần thiết thế nào thì tôi cũng làm thế để gặp gỡ Người, khi cúi mình thấp xuống trước những ai mất đức tin hay những ai sống như thể không có Thiên Chúa, trước giới trẻ sống vô nghĩa hay thiếu lý tưởng, trước những gia đình bị khủng hoảng, trước những ai bị bệnh hoạn và bị ngục tù, trước những người tị nạn và di dân, trước người yếu kém và bất lực tự vệ về thân xác và tinh thần, trước trẻ em bị bỏ rơi, trước người già sống lẻ loi cô quạnh một mình. Bất cứ nơi nào có ai đang cựa quậy cần đến một bàn tay cứu giúp để đứng lên, thì đó là nơi chúng ta có mặt - nơi Giáo Hội cần hiện diện để nâng đỡ và mang lại niềm hy vọng.  


Mẹ Têrêsa, trong tất cả mọi khía cạnh của đời sống mình, đã là một con người quảng đại ban phát lòng thương xót Chúa, bằng cách mẹ tỏ ra sẵn sàng đối với hết mọi người, nhờ việc mẹ đón nhận và bênh vực sự sống của con người, sự sống của những thai nhi cũng như của những ai bị bỏ rơi và những ai bị loại trừ. Mẹ đã dấn thân để bênh vực sự sống, không ngừng tuyên bố rằng: "thai nhi là con người hèn yếu nhất, bé mọn nhất, dễ bị tổn thương nhất". Mẹ đã cúi mình xuống trước những ai vất vưởng, bỏ mặc cho chết trên vệ đường, khi nhìn thấy nơi họ cái phẩm giá thiên phú của họ; mẹ đã lên tiếng với các quyền lực trên thế giới này, để họ có thể nhìn nhận lỗi lầm của họ về tội ác nghèo khổ do họ gây ra. Đối với Mẹ Têrêsa, lòng thương xót là "muối đất" mang lại mùi vị cho công việc của mẹ, là "ánh sáng" chiếu soi trong bóng tối của nhiều người không còn nước mắt để khóc cho tình trạng bần cùng và khổ đau của họ.


Sứ vụ của mẹ đến với những ngoại biên xa xôi hẻo lánh, đối với chúng ta ngày nay, vẫn còn là một chứng từ sống động cho việc Thiên Chúa gần gũi những người anh chị em nghèo khổ nhất trong giới nghèo. Hôm nay, tôi muốn truyền đạt hình ảnh tiêu biểu của vai trò nữ giới cũng như của đời sống thánh hiến cho tất cả thế giới của anh chị em tình nguyện viên: chớ gì mẹ là mô phạm thánh thiện của anh chị em! Chớ gì nhân viên không mệt mỏi của lòng thương xót này giúp chúng ta càng hiểu hơn rằng tiêu chuẩn duy nhất cho hành động của chúng ta đó là tình yêu thương nhưng không, không bị chi phối bởi các thứ ý hệ và những gì bó buộc, một tình yêu cống hiến cho mọi người không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Têrêsa thích nói rằng: "Có lẽ tôi không nói được ngôn ngữ của họ, nhưng ít là tôi có thể mỉm cười".  Chúng ta hãy mang nụ cười của mẹ trong lòng của chúng ta và cống hiến nó cho những ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc hành trình của chúng ta, nhất là những ai đau khổ. Nhờ đó chúng ta sẽ tạo nên nhiều cơ hội vui tươi và hy vọng cho nhiều anh chị em của chúng ta đang chán chường và đang cần được cảm thông cùng xoa dịu.


http://www.news.va/en/news/homily-for-the-canonization-of-mother-teresa-full

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh



Phụ thêm của người dịch:


Khoản đãi ngày phong thánh

Nhân ngày phong thánh cho Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta, ĐTC Phanxicô đã cống hiến một bữa Neapolitan Pizza cho 1 ngàn năm trăm người vào buổi chiều Chúa Nhật mùng 3/9/2016 tại khu vực sinh hoạt của Sảnh Đường Phaolô VI.

Thành phần được mời toàn là những người nghèo khổ và thiếu thốn, họ đi xe bus qua đêm đến để dự Lễ Phong Thánh nữa, từ những cơ sở được các nữ tu dòng Mẹ Têrêsa phục vụ khắp Ý quốc, như ở Milan, Bologna, Florance, Naples và Roma. 

Phục vụ viên cho bữa khoản đãi này bao gồm 250 nữ tu Dòng Mẹ Têrêsa và 50 sư huynh ngành nam cùng với các thiện nguyện viên khác.



Dòng Thừa Sai Bác Ái

Dòng Thừa Sai Bác Ái được Thánh Têrêsa Calcutta thành lập, để đáp ứng "ơn gọi trong ơn gọi" mà mẹ soi động rên một chuyến xe lửa đi tĩnh tâm vào ngày 9/9/1946.

Bất chấp tính chất nghiêm ngặt của đời sống tu trì giữa một thế giới văn minh tân tiến, hội dòng này đã phát triển phải nói là nhiều nhất và nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội.

Vào năm 1963 ngành cho nam đã bắt đầu, được gọi là Chư Huynh Thừa Sai Bác Ái, và ngành chiêm niệm của dòng cũng được sáng lập vào năm 1976. Sau hết, vào năm 1984, cùng với cha Joseph Langfor, mẹ lập ngành Các Cha Thừa Sai Bác Ái. 

Kể từ năm 1965 là thời điểm được ĐTC Phaolô VI ban phép thành lập ở ngoài Ấn Độ, vì dòng mẹ được thành lập vào ngày 7/10/1950 ở TGP Calcutta Ấn Độ thôi, tức trong vòng 50 năm, hội dòng do Thánh Têrêsa Calcutta sáng lập đã phát triển ở 133 quốc gia, với 4 ngàn 500 nữ tu ở 758 cơ sở trên thế giới phục vụ những người nghèo khổ nhất trong giới nghèo để làm giãn cơn khát núi sọ của Chúa Giêsu, một cơn khát được ấp ủ và theo đuổi cho tới cùng nơi tâm hồn của vị sáng lập đã âm thầm kín đáo sống trong tăm tối thiêng liêng cho tới chết suốt gần 50 năm trường. 

Đối với người dịch này thì Thánh Têrêsa Calcutta quả thực đáng là con chiên đại diện cho thành phần chiên ở bên phải Đức Vua trong cuộc chung thẩm mà thưa cùng Ngài rằng: "Con có thấy Chúa đâu?" (xem Mathêu 25:40), nghĩa là hoàn toàn sống "đức tin qua đức ái" (Galata 5:6).