GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Dẫn nhập của người dịch:
Hằng
năm, cứ
vào Thứ Hai sau Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, thời điểm kết
thúc Mùa Giáng Sinh nói chung đồng thời là tột đỉnh của Tuần Bát Nhật Hiển
Linh liên quan đến mầu nhiệm Lời Nhập Thể tỏ mình ra cho dân ngoại, vị chủ
chiên tối cao của Giáo Hội Công Giáo Rôma cũng là vị lãnh tụ của Quốc Đô
Vatican trao đổi chào chúc tân niên với phái đoàn ngoại giao chư quốc có
liên hệ bang giao với Tòa Thánh.
Trong bài nói của mình, vị giáo hoàng thường bao gồm những hoạt động của ngài cũng như của Tòa Thánh trong năm qua liên quan đến cộng đồng thế giới nói riêng, nhất là đến tình hình ở khắp nơi trên thế giới trong năm qua nói chung, đồng thời nêu lên những giải pháp thích đáng để giải quyết vấn đề, nhất là những gì liên quan đến mầu nhiệm Giáng Sinh mới cử hành và Sứ Điệp Hòa Bình đầu năm 1/1 vừa được ngài gửi cho thế giới.
Bài nói của Đức Thánh Cha Phanxicô với phái đoàn ngoại giao 180 quốc gia (trong khi Liên Hiệp Quốc có 193 quốc gia phần tử) hôm nay, Thứ Hai 11/1/2016, trong gần 45 phút đồng hồ, có thể được chia ra làm 3 phần (như người dịch tự ý phân đoạn cho dễ theo dõi), không kể đoạn mở đầu, được cách ngăn bằng 3 câu thưa gửi mở đầu: phần đầu về các chuyến tông du 2015 của ngài, phần hai về hiện tượng di dân, phần dài nhất và chính yếu nhất, với nhiều trích dẫn Thánh Kinh Cựu Ước được ngài áp dụng vào thảm trạng di dân trong năm vừa qua, và phần ba về một số dấu hiệu lạc quan tích cực hướng đến tương lai.
Vì bài diễn từ khá dài nên ở đây xin chỉ chuyển dịch nguyên văn những gì chính yếu và tiêu biểu nhất cho toàn bài nói quan trọng này của Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta mà thôi.
"Chủ nghĩa
cực đoan và chủ nghĩa bảo thủ tìm thấy mảnh đất phì nhiêu chẳng
những nơi việc khai thác tôn giáo cho mục đích quyền lực, mà còn nơi
cái trống rỗng về lý tưởng cũng như nơi tình trạng bị mất mát căn
tính - bao gồm cả căn tính về tôn giáo - là những gì đang thê
thảm đánh dấu thế giới được gọi là Tây phương".
Tôi cũng nhớ lại chuyến tông du của tôi đến Bolivia, Ecuador và Paraguay, những nơi tôi đã gặp gỡ dân chúng là thành phần đã buông xuôi trước các khó khăn và là những người đang đương đầu một cách can đảm, cương quyết và đoàn kết với nhiều thứ thách đố, bắt đầu là tình trạng tràn lan nghèo khổ và bất công xã hội. Trong chuyến tông du của tôi đến Cuba và Hoa Kỳ, tôi có thể bao gồm 2 xứ sở đã lâu đời phân rẽ nhau và đã quyết định viết lại một trang sử mới, mở đầu cho con đường của những mối liên hệ chặt chẽ hơn và hòa giải hơn.
Ở Philadelphia cho Cuộc Hội Ngộ Thế Giới Các Gia Đình, cũng như trong chuyến tông du của tôi ở Tích lan và Phi Luật Tân, hay gần đây nhất là Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới, tôi đã tái khẳng định tính chất trọng tâm củagia đình là học đường của tình thương đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta học biết để nhìn thấy dung nhan yêu thương của Thiên Chúa mà trưởng thành và phát triển làm người. Đáng buồn thay, chúng ta đang nhận thấy nhiều thách đố các gia đình đang phải đối diện, "bị đe dọa bởi các nỗ lực gia tăng về phía của một số người đang tái định nghĩa chính cơ cấu của hôn nhân bằng chủ nghĩa tương đối, bằng một văn hóa trôi nổi, bằng việc thiếu cởi mở với sự sống" (Meeting with Families, Manila, 16 January 2015). Ngày nay đang có đầy những nỗi sợ hãi về việc dấn thân tận tuyệt cần cho gia đình; những người bị trả giá là giới trẻ, thành phần thường mềm yếu và bấp bênh nhất, cũng như các vị lão thành, những con người cuối cùng bị lơ là bỏ bê. Ngược lại, "tình đoàn kết trong xã hội xuất phát từ cảm nghiệm tình huynh đệ trong gia đình" (Meeting with Political, Economic and Civic Leaders, Quito, 7 July 2015), một tình đoàn kết thấm đậm trong chúng ta một cảm quan trách nhiệm đối với người khác. Điều này chỉ có thể xẩy ra nếu, trong nhà của chúng ta cũng như trong xã hội của mình, chúng ta không chấp nhận những gì là buồn nản và bất mãn, thay vào đó mở đường cho đối thoại là một thứ kháng tố tốt nhất chống lại với cá nhân chủ nghĩa của nền văn hóa ngày nay.
Tinh thần cá nhân chủ nghĩa là mảnh đất phì nhiêu cho việc gia tăng thứ lãnh đạm đối với tha nhân là thái độ dẫn đến chỗ thấy họ hoàn toàn về phương diện kinh tế, thiếu quan tâm đến nhân loại của mình, và cuối cùng có cảm giác sợ hãi và yếm thế. Đó không phải là những thái độ chúng ta thường có đối với người nghèo, với những người ở bên lề xã hội và với những ai "hèn mọn nhất" trong xã hội hay sao? Có bao nhiêu là những con người "hèn mọn nhất' này chúng ta thấy trong xã hội của chúng ta! Trong số những người ấy chính yếu là những người di dân tôi nghĩ đến, với gánh nặng khốn khó và khổ đau họ phải gánh chịu, khi họ hằng ngày phải tìm kiếm, thường là trong tuyệt vọng, một nơi chốn để sống trong bình an và xứng đáng.
Bởi vậy, hôm nay tôi muốn suy tư với quí vị về cuộc khủng hoảng trầm trọng của vấn đề di dân chúng ta đang phải đối diện, để nhận thức được các nguyên do của nó, để xem xét các giải pháp khả dĩ, và để thắng vượt những nỗi sợ hãi bất khả tránh liên hệ tới hiện tượng ào ạt và dữ dội này, một hiện tượng trong năm 2015 liên quan chẳng những đến chính yếu Âu Châu, mà còn đến các vùng khác ở Á Châu cũng như ở Bắc Mỹ Châu và Trung Mỹ Châu.
"Đừng sợ cũng đừng hoảng hốt; vì Chúa là Thiên Chúa của ngươi ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi" (Gioduệ 1:9). Đó là lời hứa Thiên Chúa ngỏ cùng Gioduệ, cho thấy Ngài quan tâm đến hết mọi người, đặc biệt là những ai đang ở trong tình trạng nguy hiểm như những người đang tìm cách tị nạn ở một xứ sở xa lạ. Toàn thể Thánh Kinh trình thuật lịch sử về một nhân loại luôn di chuyển, vì việc chuyển động thuộc về bản chất của con người chúng ta. Lịch sử nhân loại được làm nên bởi vô vàn những cuộc di dân, đôi khi xuất phát từ cái nhận thức về quyền được tự do chọn lựa, và thường bị ép buộc bởi các hoàn cảnh bên ngoài. Từ cuộc khai trừ ra khỏi vườn địa đường tới cuộc hành trình của Abraham đến đất hứa, từ cuộc Xuất Ai Cập đến cuộc lưu đầy sang Babylon, Thánh Kinh đều diễn tả cho thấy những cuộc tranh đấu và khổ đau, những niềm ước muốn và hy vọng, những gì được chia sẻ tham phần bởi hằng trăm ngàn con người đang di chuyển hôm nay đây, những con người có cùng một quyết tâm như Moisen trong việc tiến đến một mảnh đất chảy "sữa và mật" (Xuất Hành 3:17), một mảnh đất của tự do và bình an.
Hiện nay cũng như bấy giờ, chúng ta nghe thấy bà Rachel than khóc con cái của mình không còn nữa (xem Giêremia 31:15; Mathêu 2:18)...
Hiện nay cũng như bấy giờ, chúng ta nghe thấy tổ phụ Giacóp nói với con cái của mình rằng: "Hãy đi đến đó mà mua lúa thóc cho chúng ta để chúng ta có thể sống sót mà không bị chết" (Khởi Nguyên 42:2)....
Chúng ta làm sao lại không thể thấy được ở nơi tất cả những sự ấy các tác dụng gây ra bởi "thứ văn hóa hoang phí" đang gây tác hại đến con người nhân loại, bằng cách tế thần những con người nam nữ cho các ngẫu tượng lợi lộc và hưởng thụ? Nó là một sự kiện ghê rợn mà chúng ta đã trở nên quá quen thuộc với các hoàn cảnh nghèo khổ và thiếu thốn, với những thảm trạng đang ảnh hưởng tới rất nhiều cuộc sống, đến độ chúng trở nên "bình thường". Con người ta không còn được thấy như là một thứ giá trị tối hậu cần phải được chăm sóc và tôn trọng, nhất là khi người nghèo và người tàn tật, hay "chưa hữu dụng" - như thai nhi, hoặc "không còn cần nữa" - như người già. Chúng ta càng ngày càng lãnh đạm với tất cả mọi thứ hoang phí, trước tiên là hoang phí về thực phẩm là việc hoang phí lại càng tồi bại hơn nữa khi đang có rất nhiều cá nhân và gia đình đói khát và suy dinh dưỡng (Cf. General Audience, 5 June 2013).
....
Thảm thay, hiện nay cũng như bấy giờ, chúng ta nghe thấy tiếng của Giuđa khuyên anh em mình đem bán người anh em của mình đi (xem Khởi Nguyên 37:26-27)...
Hiện nay cũng như bấy giờ chúng ta nghe thấy vị thiên thần nói rằng: "Hãy chỗi dậy mang con trẻ và mẹ của Người trốn sang Ai Cập và ở đó cho tới khi ta bảo ngươi" (Mathêu 2:13)...
Sau hết, ngày nay chúng ta cũng nghe thấy tiếng của Thánh Vịnh gia: "Bên các giòng nước ở Babylon, chúng tôi ngồi khóc khi nhớ đến Sion" (137:1)...
Nhiều nguyên nhân cho vấn đề di dân đã có lần được nói tới trước đây. Rất nhiều tai ương có thể đã được ngăn ngừa, hay ít là được giảm thiểu những hậu quả dữ dội nhất của chúng. Cả hôm nay đây nữa, trước khi trở nên quá trễ, cần phải cố gắng nhiều để chấm dứt những thảm trạng ấy và để xây dựng hòa bình. Thế nhưng như thế cũng có nghĩa là thực hiện việc nghĩ lại những thói quen và những thực hành cố hữu, bắt đầu là những vấn đề liên quan đến việc buôn bán vũ khí, việc dự trữ các nguyên liệu và năng lực, việc đầu tư, các chính sách tài chính và việc phát triển bền vững, và ngay cả đến cái nạn tham nhũng trầm trọng. Tất cả chúng ta cũng đều biết rằng, đối với vấn đề di dân là vấn đề cần phải hoạch định một cách trung hạn và dài hạn, chứ không phải chỉ giới hạn vào những trường hợp cấp bách. Việc hoạch định như thế cần phải bao gồm cả sự trợ giúp hiệu nghiệm đối với vấn đề hội nhập của những người di dân vào các xứ sở đón nhận họ, trong khi vẫn cổ võ việc phát triển ở xứ sở nguyên quán của họ bằng những chính sách đầy tình đoàn kết, chứ không liên hệ với sự trợ giúp có chính sách và thực hành ý hệ xa lạ hay trái ngược với những nền văn hóa của thành phần dân chúng được giúp đỡ.
Vẫn không coi nhẹ các thảm trạng khác - về vấn đề này tôi nghĩ cách riêng đến biên giới giữa Mễ Tây Cơ và Hoa Kỳ mà tôi sẽ đến gần đó khi tôi thăm Ciudad Juárez vào tháng tới - tôi đặc biệt nghĩ đến Âu Châu. Trong năm qua, Âu Châu đã chứng kiến thấy một làn sóng cả thể các người tị nạn - nhiều người đã chết trong nỗ lực của mình - một làn sóng chưa từng có trong lịch sử gần đây, chưa từng có thậm chí từ khi chấm dứt Thế Chiến II. Nhiều di dân từ Á Châu và Phi Châu thấy nơi Âu Châu một thứ hải đăng cho các nguyên tắc về bình đẳng trước pháp luật cũng như về các giá trị bẩm sinh của bản tính con người, bao gồm phẩm giá bất khả vi phạm và quyền bình đẳng của hết mọi người, tình yêu thương tha nhân bất kể nguồn gốc hay liên hệ, quyền tự do theo lương tâm và tình đoàn kết với những con người nam nữ đồng loại.
Cũng thế, con số ào ạt tuốn đến bến bờ Âu Châu đã trở nên quá tải đối với guồng máy tiếp nhận được cần cù xây dựng trên tro tàn của Thế Chiến II, một guồng máy vẫn còn được nhìn nhận là hải đăng của nhân loại. Trước làn sóng đông đảo tràn vào gây nên những vấn đề bất khả tránh, một số vấn đề đã được nêu lên về khả thể thực sự để chấp nhận và giúp đỡ dân chúng, về những thay đổi nơi những cấu trúc văn hóa và xã hội của các xứ sở đón nhận, cũng như về việc tái hình thành một số cân bằng liên quan đế địa dư ở một vùng nào đó. Cũng không kém quan trọng là những mối lo sợ về an ninh, càng gia tăng hơn nữa trước mối đe dọa của nạn khủng bố quốc tế. Làn sóng di dân hiện nay dường như đang làm hao mòn đi các nền tảng của một "tinh thần nhân bản" mà Âu Chầu luôn yêu quí và bênh vực (Cf. Address to the European Parliament, Strasburg, 25 November 2015). Tuy nhiên chúng ta không được lám mất đi các thứ giá trị và nguyên tắc về nhân bản, mất đi sự tôn trọng phẩm giá của hết mọi người, mất đi tính chất phụ trợ nhau và đoàn kết với nhau, cho dù nặng gánh có khó khăn đến đâu chăng nữa, ở một thời điểm lịch sử náo đó. Bởi thế, tôi muốn khẳng định niềm xác tín của tôi là Âu Châu, được trợ giúp bởi một gia sản cao cả về văn hóa và tôn giáo, có cách để bênh vực tính chất trọng yếu của con người nhân loại cũng như để tìm thấy mức cân bằng thực sự giữa trách nhiệm lưỡng diện về luân lý của mình là vừa bảo vệ quyền lợi cho công dân của mình vừa bảo đảm sự trợ giúp cùng chấp nhận những người di dân (xem cùng nguồn vừa trích).
Đến đây tôi cảm
thấy cần phải bày tỏ lòng biết ơn về tất cả mọi sáng kiến nhắm
vào việc đón nhận một cách xứng đáng những người ấy;
tôi nghĩ đến trường hợp như Quĩ
Di Dân và Tụ Nạn của Hội Đồng Ngân Hành Phát Triển của Âu
Châu, cũng
như đến tình đoàn kết rộng lượng của một số xứ sở. Tôi cũng
nghĩ đến các quốc gia láng giềng của Syria, những nơi đã cấp
thời đáp ứng giúp đỡ và chấp nhận, đặc biệt là Lebanon....
và Jordan... Thổ Nhĩ Kỳ và Hy
Lạp... Ý Đại Lợi...
Các quốc gia đang đứng ở hàng đầu việc đáp ứng tình trạng khẩn trương hiện nay không bị lẻ loi cô độc, và cũng cần phải phát động một cuộc đối thoại thẳng thắn và tôn trọng giữa tất cả các xứ sở liên quan đến vấn đề này - các xứ sở nguyên quán, các xứ sở chuyển tiếp hay các xứ sở tiếp nhận - để nhờ sự cương quyết và sáng tạo hơn - nhờ đó tìm thấy những giải quyết mới mẻ và vững chắc. Theo tình hình đang diễn tiến thì không có chỗ đứng cho các giải quyết tự lập nơi những quốc gia riêng rẽ, vì các hậu quả của những quyết định nơi từng nước đều không thể nào không gây ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng thế giới. Thật vậy, những cuộc di dân, hơn bao giờ hết, sẽ đóng một vai trò đòn bẩy trong tương lai của thế giới chúng ta, và việc đáp ứng của chúng ta chỉ có thể là hoa trái của một nỗ lực chung tỏ ra tôn trọng phẩm giá con người cùng các quyền lợi của con người. Bản Nghị Trình Phát Triển được Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào Tháng 9 vừa rồi cho 15 năm tới, một nghị trình đương đầu với nhiều vấn đề gây ra bởi việc di dân, cùng với các văn kiện khác của cộng đồng quốc tế về việc giải quyết vấn đề di dân, sẽ có thể tìm cách áp dụng một cách hợp với những niềm mong đợi ở chỗ nếu chúng có thể lấy con người làm chính trong các quyết định về chính trị ở mọi cấp độ, nhìn nhân loại như là một gia đình duy nhất, và tất cả mọi người là anh chị em, tôn trọng những khác biệt và niềm xác tín theo lương tâm của nhau.
Đối diện với vấn đề của các cuộc di dân, người ta không thể coi thường vấn đề bao hàm về văn hóa của nó nữa, bắt đầu là những người có liên quan đến tôn giáo. Chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa bảo thủ tìm thấy mảnh đất phì nhiêu chẳng những nơi việc khai thác tôn giáo cho mục đích quyền lực, mà còn nơi cái trống rỗng về lý tưởng cũng như nơi tình trạng bị mất mát căn tính - bao gồm cả căn tính về tôn giáo - là những gì đang thê thảm đánh dấu thế giới được gọi là Tây phương. Cái trống rỗng này tạo nên một mối sợ hãi dẫn đến chỗ nhìn người khác như là một mối đe dọa và là kẻ thù, đến chỗ chủ quan và bất khả dung hòa để bênh vực các quan niệm vốn sẵn có. Hiện tượng di dân làm phát ra vần đề trầm trọng về văn hóa cần phải giải quyết. Bởi thế, việc chấp nhận những người di dân có thể là một dịp tốt cho một kiến thức mới và các chân trời bao rộng hơn, cả về phần những người được chấp nhận, thành phần có trách nhiệm phải tôn trọng các giá trị, truyền thống và luật lệ của cộng đồng đón nhận họ, cũng như về phần cộng đồng đón nhận, thành phần được kêu gọi để nhận biết việc đóng góp lợi ích mà mỗi người di dân có thể thực hiện cho toàn thể cộng đồng. Trong bối cảnh này, Tòa Thánh tái khẳng định việc dấn thân của mình trong lãnh vực đại kết và liên tôn để khai mào một cuộc đối thoại thành thực và trân trọng, một cuộc đối thoại nhờ coi trọng tính chất chuyên biệt và căn tính của mỗi người, có thể nuôi dưỡng một cuộc sống chung hòa hợp giữa tất cả mọi phần tử trong xã hội.
III-
Dấu hiệu lạc quan
Năm 2015 đã chứng kiến thấy những gì đúc kết nơi các thỏa thuận quốc tế quan trọng, những gì mang lại niềm hy vọng vững chắc cho tương lai. Trước hết tôi nghĩ đến cái được gọi là thương lượng về nguyên tử Iran, mà tôi hy vọng sẽ góp phần tạo nên một bầu khí bớt căng thẳng hận thù trong miền này, cũng như nghĩ đến việc đạt được thỏa thuận đã từng mong đợi từ lâu về khí hậu ở Hội Nghị Paris...
Về phần mình, cái năm vừa bắt đầu với những hứa hẹn ấy lại có đầy những thách đố và đã xuất hiện một ít căng thẳng ở chân trời của nó. Trước hết tôi nghĩ đến những bất đồng trầm trọng đã bùng lên ở Vùng Vịnh, cũng như cuộc thách đố về quân sự đáng lo ngại xẩy ra ở bán đảo Triều Tiên... Trái lại, càng ngày càng trở nên hiển nhiên là chỉ có hành động chung và chính trị được thỏa thuận mới có thể ngăn chặn việc làn tràn chủ nghĩa cực đoan và bảo thủ, những gì gây ra những hành động khủng bố sát hại vô vàn nạn nhân, chẳng những ở Syria và Libya, mà còn ở các xứ sở khác như Iraq và Yemen nữa.
Chớ gì Năm Thánh Tình Thương này cũng là một cơ hội đối thoại và hòa giải nhắm đến chỗ củng cố công ích ở Burundi, ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, và ở Nam Sudan. Nhất là chớ gì Năm Thánh Tình Thương trở thành một thời điểm thuận lợi để hoàn toàn chấm dứt cuộc xung đột ở đông Ukraine....
Tuy nhiên, thách đố lớn nhất chúng ta đang phải đối đầu đó là thử thách làm sao để có thể thắng vượt được lãnh đạm và cùng nhau hoạt động cho hòa bình (Cf. Overcome Indifference and Win Peace, Message for the 2015 World Day of Peace [8 December 2015]) vẫn còn là một sự thiện cần phải liên lỉ tìm kiếm. Tiếc thay, trong số nhiều phần đất của thế giới thân yêu chúng ta vẫn thiết tha mong ước hòa bình, còn có cả mảnh đất Thiên Chúa đã đặc biệt ưu ái và chọn tỏ ra cho tất cả mọi người thấy dung nhan tình thương của Ngài. Tôi nguyện xin để năm mới này có thể chữa lành các vết thương sâu đậm chia cắt dân Do Thái và dân Palestine, và giúp cho việc chung sống hòa bình của hai dân tộc này, thành phần - mà tôi tin rằng - trong thâm tâm của họ chỉ mong muốn được hòa bình!
Về lãnh vực ngoại giao, Tòa Thánh sẽ không bao giờ ngừng nỗ lực của mình để sứ điệp hòa bình có thể được lắng nghe cho đến tận cùng trái đất. Bởi vậy, tôi xin lập lại là Bộ Quốc Vụ Khanh hoàn toàn sẵn sàng hợp tác với quí vị trong việc liên lỉ đối thoại thuận lợi giữa Tòa Thánh và các quốc gia được quí vị đại diện, cho lợi ích của toàn thể cộng đồng thế giới. Tôi tin rằng Năm Thánh này sẽ là một cơ hội thuận lợi để tình trạng lạnh lùng lãnh đạm nơi rất nhiều tâm can được thắng vượt bởi hơi ấm nồng nàn của tình thương, một tặng ân quí báu của Thiên Chúa có thể biến sợ hãi thành yêu thương và làm cho chúng ta thành những kiến trúc viên hòa bình. Bằng những cảm thức ấy, tôi xin lập lại với từng quí vị, với gia đình của quí vị và với xứ sở của quí vị lời chúc chân thành tốt đẹp nhất của tôi cho một Tân Niên phúc đức.
Xin cám ơn quí vị.