GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIẢNG LỄ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT CHO TÙ NHÂN
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NGÀY 6/11/2016
TẠI QUẢNG TRƯỜNG THÁNH PHÊRÔ
"Nếu Thiên Chúa mà còn hy vọng thì không ai được mất hy vọng....
hy vọng là chứng cớ, ở sâu xa trong tâm can chúng ta, cho thấy quyền năng của lòng thương xót Chúa"
Sứ điệp lời Chúa ngỏ cùng chúng ta hôm nay thật sự là một sứ điệp về hy vọng.
Một trong bảy người anh em bị án tử bởi Vua Antiochus Epiphanes đã nói đến "niềm hy vọng Thiên Chúa ban là được Ngài làm cho sống lại" (2Maccabê 7:14). Những lời này chứng tỏ đức tin của các vị tử đạo, bất chấp khổ đau và bị hành hạ, vẫn kiên quyết nhắm đến tương lai. Đức tin của các vị là một đức tin, bằng việc nhận biết Thiên Chúa là nguồn hy vọng của mình, đã phản ánh nỗi ước vọng đạt tới một sự sống mới.
Trong Phúc Âm, chúng ta đã nghe thấy Chúa Giêsu, bằng một câu trả lời giản dị nhưng trọn vẹn, đã làm triệt tiêu ra sao cái ngụy biện tầm thường được thành phần Saducees đặt ra cho Người. Câu Người trả lời "Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của người sống; vì tất cả đều sống cho Ngài" (Luca 20:38) đã cho thấy chân dung của Thiên Chúa, Đấng chỉ muốn sự sống cho tất cả mọi con cái của Ngài. Niềm hy vọng được sinh vào một sự sống mới bởi thế mới là những gì chúng ta cần phải có nếu chúng ta trung thực với giáo huấn của Chúa Giêsu.
Hy vọng là một tặng ân của Thiên Chúa. Nó được cài đặt sâu xa trong từng tâm can con người để chiếu tỏa trên đời sống này, một đời sống thường bị chao đảo và bị che phủ bởi rất nhiều trường hợp nhuốm buồn khổ và đau thương. Chúng ta cần nuôi dưỡng những cội nguồn của những gì chúng ta hy vọng, nhờ đó nó có thể sinh hoa kết trái; nguồn cội chính yếu là ở niềm tin tưởng vào sự gần gũi và cảm thương của Thiên Chúa bất kể chúng ta có làm bất cứ điều gì xấu xa. Không có một xó xỉnh nào trong lòng của chúng ta mà tình yêu của Thiên Chúa không thể chạm tới. Bất cứ khi nào có ai gây ra lầm lỗi thì lòng thương xót của Cha lại càng hiện diện, bằng cách khơi động lòng thống hối, tha thứ và hòa giải.
Hôm nay, chúng ta cử hành Năm Thánh Thương Xót cho anh chị em và với anh chị em, những người anh chị em của chúng ta đang bị tù ngục. Lòng thương xót, như biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, là một cái gì đó chúng ta cần suy nghĩ một cách sâu xa hơn nữa. Chắc chắn một điều đó là một khi phạm luật thì phải trả giá, và bị mất đi tự do là điều tệ hại nhất trong thời gian bị tù ngục, vì nó gây tác dụng rất sâu xa nơi chúng ta. Cho dù là thế niềm hy vọng vẫn không thể nào bị chao đảo. Việc trả giá cho những gì chúng ta làm sai trái là một chuyện, còn chuyện "hít thở" niềm hy vọng là một chuyện hoàn toàn khác nhau, niềm hy vọng không thể nào bị dập tắt bởi bất cứ ai hay bởi bất cứ cái gì. Cõi lòng của chúng ta bao giờ cũng mong muốn những gì là thiện hảo. Chúng ta mắc nợ với lòng thương xót điều ấy.
Trong bức thư gửi cho giáo đoàn Roma của mình, Tông Đồ Phaolô đã nói về Thiên Chúa như là "vị Thiên Chúa của niềm hy vọng" (15:13). Thánh Phaolô dường như muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng quá hy vọng. Cho dù điều này có vẻ như mâu thuẫn nó cũng thật sự là thế: Thiên Chúa hy vọng! Lòng thương xót của Ngài khiên Ngài không thể nghỉ yên. Ngài như Người Cha trong dụ ngôn luôn hy vọng đứa con hoang đàng của mình trở về (xem Luca 15:11-13). Thiên Chúa không thể nghỉ yên cho đến khi Ngài tìm được con chiên lạc (xem Luca 15:5). Vậy nếu Thiên Chúa mà còn hy vọng thì không ai được mất hy vọng. Vì hy vọng là sức mạnh để để tiếp tục tiến bước. Tóm lại, hy vọng là chứng cớ, ở sâu xa trong tâm can chúng ta, cho thấy quyền năng của lòng thương xót Chúa. Lòng thương xót Chúa ấy mời gọi chúng ta hãy tiếp tục hướng tới và thắng vượt tình trạng chúng ta gắn bó với sự dữ và tội lỗi bằng niềm tin tưởng phó mình cho Ngài.
Các bạn thân mến, Năm Thánh của các bạn là hôm nay đây. Hôm nay, trước nhan Thiên Chúa, chớ gì niềm hy vọng của các bạn được tái bùng lên. Năm Thánh nào bao giờ cũng đều chất chứa việc loan báo tự do (xem Levi 25:39-46). Không phải là tôi ban cho các bạn điều này mà là nhiệm vụ của Giáo Hội, một nhiệm vụ Giáo Hội không thể chối bỏ, đó là làm bừng lên trong các bạn niềm ước vọng được tự do đích thật. Đôi khi, một thái độ giả hình nào đó khiến cho người ta coi các bạn chỉ là thành phần sai trái đáng bị tù ngục. Chúng ta không nghĩ đến khả năng con người ta có thể thay đổi cuộc sống của họ; chúng ta ít tin tưởng vào sự phục hồi. Thế nhưng, như thế thì chúng ta quên rằng tất cả mọi người chúng ta đều là tội nhân, và chúng ta không nhận thức rằng chúng ta thường cũng là thành phần tù nhân nữa. Có những lúc chúng ta khóa kín mình lại trong các thứ thành kiến riêng của mình hay làm nô lệ cho các thứ ngẫu tượng theo một cảm quan sai lầm về phúc lợi. Có những lúc chúng ta bị mắc kẹt ở những thứ ý hệ riêng mình hay tôn sùng các thứ luật lệ về thị trường cho dù chúng có chà đạp lên các người khác. Ở những lúc như thế là chúng ta tự cầm tù bản thân mình ở đằng sau những bức tường cá nhân chủ nghĩa và tự mãn, đánh mất đi cái sự thật giải phóng chúng ta. Việc chỉ tay chống lại một người gây ra lầm lỗi không thể nào trở thành một cái cớ che đậy đi những ngược ngạo trái khuấy của chúng ta.
Chúng ta biết rằng trước nhan Thiên Chúa không ai có thể cho mình là công chính (xem Roma 2:1-11). Thế nhưng không ai có thể sống mà lại không nắm chắc được ơn tha thứ! Người trộm thống hối, bị đóng đanh ở bên cạnh Chúa Giêsu, đã được theo Người vào thiên đàng (xem Luca 23:43). Bởi vậy, không một ai trong anh chị em được để cho mình bị quá khứ cầm buộc! Đúng thế, cho dù chúng ta có muốn chăng nữa, chúng ta vẫn không thể nào viết lại quá khứ. Thế nhưng, lịch sử lại được bắt đầu từ hôm nay đây, và hãy hướng đến tương lai chưa được viết gì, bằng ơn Chúa cũng như bằng trách nhiệm cá nhân của mình. Bằng việc rút tỉa những lầm lẫn của quá khứ, cuộc đời của anh chị em có thể mở ra một trang sử mới. Chúng ta đừng bao giờ lui bước trước khuynh hướng nghĩ rằng chúng ta không thể nào được thứ tha. Lòng chúng ta có trách cứ chúng ta ra sao chăng nữa, dù nhỏ hay lớn, thì "Thiên Chúa vẫn cao cả hơn cõi lòng của chúng ta" (1Gioan 3:20). Chúng ta chỉ cần phó mình cho lòng thương xót của Ngài.
Đức tin, cho dù có bé tí như hạt cải, vẫn có thể chuyển núi non (xem Mathêu 17:20). Biết bao nhiêu lần quyền lực của đức tin đã giúp cho chúng ta có thể ngỏ lời tha thứ ở những trường hợp bất khả theo loài người. Con người đã chịu đựng bạo lực và lạm dụng, gây ra cho chính họ hay nơi các người thân yêu của họ hoặc cho sản nghiệp của họ... có một số vết thương mà chỉ có quyền năng của Thiên Chúa là lòng thương xót của Ngài mới có thể chữa lành. Thế nhưng, khi bạo lực gặp được sự tha thứ thì cho dù tâm can của những ai gây ra sai trái cũng có thể bị chế ngự bởi một tình yêu thương chiến thắng hết mọi hình thức sự dữ. Như thế, trong số các nạn nhân cũng như trong số những ai phạm đến họ, Thiên Chúa tạo nên những chứng nhân thương xót và những cán sự thương xót đích thực.
Hôm nay chúng ta tôn kính Đức Trinh Nữ Maria nơi bức tượng này, một bức tượng tiêu biểu Mẹ như là một Người Mẹ đang ẵm Chúa Giêsu trong tay, cùng với một sợi xích bị bẻ gẫy; nó là sợi giây xích nô lệ và ngục tù. Xin Đức Mẹ nhìn đến từng người các bạn bằng tình yêu thương của một Người Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cho các bạn, để lòng các bạn cảm thấy được quyền lực hy vọng về một sự sống mới, một sự sống xứng đáng để sống hoàn toàn tự do và phục vụ tha nhân của các bạn.
http://www.news.va/en/news/popes-homily-for-jubilee-of-prisoners
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh
ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXII (sau Thánh Lễ):
"Sự phục sinh không phải chỉ là sự kiện phục sinh sau khi chết,
mà là một sự sống mới chúng ta đang cảm nghiệm thấy rồi ngay hôm nay đây...
"Nếu không liên hệ với thiên đàng và sự sống đời đời thì
Kitô giáo sẽ biến thành một thứ đạo lý, một triết lý về đời sống"
Mấy ngày sau Lễ Các Thánh và Các Đẳng, bài Phúc Âm Chúa Nhật này mời gọi chúng ta một lần nữa suy niệm về mầu nhiệm phục sinh của kẻ chết. Bài Phúc Âm (Luca 20:27-38) cho thấy Chúa Giêsu đối đầu với một số người Sadduces là thành phần không tin vào sự phục sinh, và quan niệm về mối liên hệ với thiên Chúa chỉ theo chiều kích sự sống trần gian thôi. Thế rồi, để nhạo cười sự phục sinh và gây khó dễ cho Chúa Giêsu, họ đã nêu lên với Người một trường hợp mâu thuẫn và ngớ ngẩn, đó là một người đàn bà có 7 người chồng, tất cả đều là anh em một nhà, chết hết sạch. Vậy vấn đề hiểm độc được họ ngỏ cùng Chúa Giêsu rằng: Thế thì khi phục sinh người đàn bà này là vợ của ai? (câu 33).
Chúa Giêsu đã không rơi vào cái bẫy của họ và đã tái khẳng định chân lý về sự phục sinh, dẫn giải rằng việc hiện hữu sau khi chết sẽ khác với việc hiện hữu trên trái đất. Người đã làm sáng tỏ cho họ thấy rằng họ không thể áp dụng những cách thức của thế gian này cho các thực tại trổi vượt và bao rộng hơn những gì chúng ta thấy ở đời này. Vì Người phán: "Con cái ở đời này cưới vợ gả chồng, nhưng những ai được cho là xứng với đời sau và với sự phục sinh của kẻ chết thì không cưới vợ gả chồng" (các câu 34-35). Bằng những lời lẽ ấy, Chúa Giêsu muốn dẫn giải cho biết rằng trên trần gian này, chúng ta sống các thực tại tạm bợ là những gì có cùng; trong khi đó, trái lại, ở đời sau, sau khi phục sinh, chúng ta sẽ không còn chết chóc ở cuối đời nữa và chúng ta sẽ sống hết mọi sự, ngay cả những mối liên hệ loài người, theo chiều kích của Thiên Chúa, một cách biến đổi. Thậm chí cả hôn nhân, một dấu hiệu và là dụng cụ của tình yêu Thiên Chúa trên thế gian này, cũng sẽ được biến đổi thành ánh sáng chiếu soi trong mối Hiệp Thông hiển vinh của Các Thánh trên Thiên Đàng.
"Con cái thiên đàng và phục sinh" không phải là một thiểu số đặc biệt nào đó, nhưng họ là tất cả mọi người nam và mọi người nữ, bởi ơn cứu độ từ Chúa Giêsu giành cho hết mọi người. Và sự sống phục sinh sẽ giống sự sống của các thần trời (xem câu 36), tức là, tất cả được tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúa, hoàn toàn chỉ biết chúc tụng ngợi khen Ngài, bằng một niềm vui và bình an tràn đầy trong cõi vĩnh cửu. Thế nhưng, hãy cẩn thận! Sự phục sinh không phải chỉ là sự kiện phục sinh sau khi chết, mà là một thứ sự sống mới chúng ta đang cảm nghiệm thấy rồi ngay hôm nay đây; Nó là cuộc chiếm được bất cứ sự gì chúng ta có thể vẫn ngưỡng vọng. Phục sinh là nền tảng đức tin và đức cậy Kitô giáo! Nếu không liên hệ với thiên đàng và sự sống đời đời thì Kitô giáo sẽ biến thành một thứ đạo lý, một triết lý về đời sống. Trái lại, sứ điệp của đức tin Kitô giáo xuất phát từ trời, được mạc khải bởi Thiên Chúa và vượt lên trên thế gian này. Việc tin tưởng vào sự phục sinh là những gí thiết yếu, nhờ đó hết mọi hành động bác ái Kitô giáo mau qua và tự mình chấm dứt, trở nên một hạt giống được bừng nở trong ngôi vườn của Thiên Chúa và mang lại những hoa trái sự sống đời đời.
(Sau Kinh Truyền Tin, trong một số vấn đề được tiếp tục đề cập và nhắc nhở, đầu tiên ĐTC đã kêu gọi cải tiến đời sống tù nhân:)
Nhân dịp Năm Thánh của thành phần tù nhân hôm nay, tôi xin kêu gọi hãy thực hiện việc cải tiến các điều kiện sống ở những nhà tù trên thế giới, nhờ đó nó mới hoàn toàn tôn trọng phẩm vị con người của những ai bị giam nhốt. Ngoài ra, tôi muốn lập lại tầm quan trọng của việc suy nghĩ đến nhu cầu về công lý tội ác là những gì không phải chỉ có tính cách trừng phạt mà còn hướng tới niềm hy vọng cùng với chiều kích tái hội nhập phạm nhân vào xã hội nữa. Tôi đặc biệt xin các vị có thẩm quyền về dân sự ở mỗi quốc gia, trong Năm Thánh Thương Xót này, hãy thứ cứu xét một hành động nhân từ khoan dung nào đó đối với những tù nhân được coi như hợp lệ để hưởng việc cân nhắc này.
https://zenit.org/articles/angelus-address-on-resurrection/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh