GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT
TRONG NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT
Trước buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần, theo thông lệ, ĐTC đi vòng quanh chào các khách hành hương hôm đó
Ở tấm hình bên trên, ngài ở trên chiếc giáo hoàng xa đang rảo chào khách hành hương ở ngoài Quảng Trường Thánh Phêrô;
Ở tấm hình bên dưới, ngài đi bộ để chào khách hành hương bệnh nhân ở trong Sảnh Đường Phaolô VI.
BÀI 16 - VỀ DỤ NGÔN
NGƯỜI CHA NHÂN HẬU VỚI HAI ĐỨA CON ĐÁNG THƯƠNG
"Thân phận làm con Thiên Chúa của chúng ta là hoa trái tình yêu của lòng người Cha;
nó không lệ thuộc vào công nghiệp của chúng ta hay hành động của chúng ta,
bởi thế, không ai có thể lấy đi, thậm chí kể cả ma quỉ! Không ai có thể lấy mất được cái phẩm vị ấy....
"Không có người con thứ thì người con lớn không còn là một 'người anh em'.
Niềm vui lớn lao nhất của người Cha đó là thấy rằng
những đứa con của mình nhìn nhận nhau là anh em của chúng".
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Hôm nay, buổi triều kiến chung này diễn ra ở hai nơi: vì có nguy cơ bị mưa nên những bệnh nhân vào tham dự ở Sảnh Đường Phaolô VI theo dõi qua một màn ảnh lớn - hai nơi nhưng chỉ có một buổi triều kiến chung duy nhất. Chúng ta gửi lời chào đến anh chị em bệnh nhân ở trong Sảnh Đường Phaolô VI.
Hôm nay, chúng ta muốn suy niệm về dụ ngôn Người Cha nhân hậu. Dụ ngôn này nói về một Người Cha và hai người con, giúp chúng ta nhận biết lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Chúng ta bắt đầu từ cuối, tức là từ niềm vui của tấm lòng người Cha, người nói rằng: "Hãy đi bắt con bê béo tốt mà làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy". Những lời lẽ ấy của người Cha đã làm cho người con thứ bị khựng lại vào ngay lúc nó đang muốn xưng thú lỗi lầm của nó: "Con không còn đáng gọi là con cha nữa..." (câu 19). Tuy nhiên, lời bày tỏ này là những gì nhức nhối đối với tấm lòng của người Cha, một người Cha, trái lại đã vội vàng phục hồi cho con của mình các dấu hiệu về phẩm vị của nó là bộ áo đẹp nhất, là chiếc nhẫn và đôi giầy. Chúa Giêsu không diễn tả về một người Cha cảm thấy bị xúc phạm và phẫn uất, một người Cha chẳng hạn có thể nói với đứa con ấy rằng: "mày phải đền tội của mày". Không, người Cha ôm lấy con, yêu thương đợi chờ con mình. Trái lại, chỉ có một điều duy nhất người Cha quan tâm đó là người con ở trước mắt ông bấy giờ được an toàn và lành mạnh, khiến ông cảm thấy vui mừng và mở tiệc ăn mừng.
Việc đón nhận người con trở về được diễn tả một cách cảm động. "Anh ta còn ở đàng xa, thì người Cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm chồm anh ta mà hôn lấy hôn để" (câu 20). Thật là êm ái dịu dàng biết bao; ông đã thấy nó từ đằng xa: nghĩa là gì? Nghĩa là người Cha liên lỉ ra sân thượng để nhìn đường đi trông chừng con mình trở về; một người con đã gây ra đủ mọi chuyện, nhưng người Cha đã chờ đợi nó. Tuyệt vời thay sự êm ái dịu dàng của người Cha này! Lòng thương xót của người Cha thì tràn ngập, vô điều kiện, và tỏ bày trước khi người con lên tiếng. Chắc chắn là người con biết mình đã lỗi lầm và nhận biết như thế: "Con đã phạm tội... xin hãy đối xử với con như là một người đầy tớ của cha" (câu 19). Thế nhưng những lời này tan biến đi trước lòng tha thứ của người Cha. Việc ôm ấp và hôn hít của người Cha khiến cho nó hiểu được rằng nó luôn được ông coi là con, bất chấp hết mọi sự. Đây là giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu: thân phận làm con Thiên Chúa của chúng ta là hoa trái tình yêu của lòng người Cha; nó không lệ thuộc vào công nghiệp của chúng ta hay hành động của chúng ta, bởi thế, không ai có thể lấy đi, thậm chí kể cả ma quỉ! Không ai có thể lấy mất được cái phẩm vị ấy.
Lời lẽ ấy của Chúa Giêsu đây phấn khích chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Tôi nghĩ về những người làm cha làm mẹ cảm thấy lo sợ khi thấy con cái của mình tách chúng ra đi theo những đường lối nguy hiểm. Tôi nghĩ đến các vị linh mục coi xứ và các giáo lý viên đôi khi cảm thấy dường như việc làm của mình uổng công vô ích. Thế nhưng, tôi cũng nghĩ đến những ai đang bị tù ngục, và những ai nghĩ rằng cuộc đời của họ đã tàn; đến tất cả những ai đã có những chọn lựa sai lầm và không thể nào nhìn đến tương lai; đến tất cả những ai đang đói khát tình thương và ơn tha thứ cùng tin rằng họ không đáng được... Nơi bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi không được quên rằng tôi không bao giờ thôi là một đứa con của Thiên Chúa, của một Người Cha yêu thương tôi và đang đợi chờ tôi trở về. Thậm chí trong hoàn cảnh khủng khiếp nhất của cuộc đời, Thiên Chúa vẫn đang đợi chờ tôi, Thiên Chúa vẫn đang muốn ôm lấy tôi, Thiên Chúa đang chờ đợi tôi.
Còn một người con nữa trong dụ ngôn này, đó là người con lớn; hắn cũng cần phải nhận thức được lòng thương xót của người Cha nữa. Hắn luôn ở nhà, thế nhưng hắn lại rất khác với người Cha! Những lời lẽ của hắn thiếu hẳn tính chất dịu dàng: "Đấy ông coi, suốt bao nhiêu năm nay tôi đã phục vụ ông, chẳng hề bất tuân lệnh ông... Thế nhưng khi cái thằng con ấy của ông trở về..." (câu 29-30). Chúng ta thấy được cái khinh thường ở đây: hắn không hề nói: "Thưa Cha", hắn chẳng có bảo là "em con", hắn chỉ nghĩ đến chính bản thân hắn; hắn tự hào vì đã luôn ở bên người Cha và đã phục vụ ông; tuy nhiên hắn chưa bao giờ hân hoan vui sống sự gần gũi này. Giờ đây hắn tố cáo người Cha chẳng bao giờ cho hắn vui hưởng một con dê non. Tội nghiệp người Cha! Một đứa con thì bỏ nhà đi, còn đứa kia lại chẳng bao giờ thực sự gần gũi với mình! Nỗi đau khổ của người Cha giống như nỗi đau khổ của Thiên Chúa, nỗi đau khổ của Chúa Giêsu khi chúng ta tách mình ra, hoặc vì chúng ta ra đi hoặc vì chúng ta ở gần mà lại không thân cận.
Người con lớn cũng cần lòng thương xót. Thành phần công chính, những ai tin rằng mình là kẻ công chính, cũng cần đến lòng thương xót nữa. Người con này tiêu biểu cho chúng ta khi chúng ta tưởng rằng chúng ta bỏ ra nhiều công sức để rồi sau đó chúng ta chẳng nhận được gì bù đắp. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng người ta không ở trong nhà của người Cha để có được một cái gì bù trù, mà vì người ta mang phẩm vị của thành phần làm con đồng trách nhiệm. Nó không phải là "việc đổi chác" với Thiên Chúa, mà là về việc theo đuổi Chúa Giêsu là Đấng đã hiến Bản Thân mình trên thập tự giá mà chẳng tính toán gì.
"Con ơi, con hằng ở với cha; mọi sự của cha đều là của con. Thế nhưng giờ đây chúng ta cần phải ăn mừng và vui lên" (câu 31). Người Cha nói với người con lớn như vậy. Lý lẽ của ông là lý lẽ của lòng thương xót! Người con thứ đã nghĩ rằng nó đáng bị trừng phạt bởi tội lỗi của nó; người con lớn lại mong được đền bù cho việc phục vụ của mình. Hai anh em nói năng khác nhau; họ sống hai cuộc đời khác biệt, thế nhưng cả hai lý do đều là một thứ lý lẽ xa lạ với Chúa Giêsu: nếu mày làm lành thì mày được thưởng, còn mày hành ác thì mày bị trừng phạt. Đó không phải là lý lẽ của Chúa Giêsu, không phải! Lý lẽ này đã bị lật nhào trước những lời của người Cha: "Cần phải vui mừng hân hoan vì em của con đã chết mà nay còn sống; đã lạc mà nay được tìm thấy" (câu 31). Người Cha đã phục hồi lại được người con bị thất lạc của mình, và giờ đây ông cũng có thể đưa nó về với người anh của nó! Không có người con thứ thì người con lớn không còn là một "người anh em". Niềm vui lớn lao nhất của người Cha đó là thấy rằng những đứa con của mình nhìn nhận nhau là anh em của chúng.
Những đứa con này có thể quyết định có chung hợp với niềm vui của người Cha hay chối từ. Chúng cần phải tự vấn về các ước muốn của chúng cũng như về nhân sinh quan của chúng. Dụ ngôn này kết thúc một cách trống, ở chỗ chúng ta không biết được người con lớn quyết định ra sao. Và đó là những gì kích thích chúng ta. Bài Phúc Âm này dạy chúng ta rằng tất cả họ đều cần tiến vào nhà của người Cha và tham phần vào niềm vui của Cha, vào việc Cha của họ bày tỏ lòng thương xót và tình huynh đệ. Thưa anh chị em, chúng ta hãy mở lòng mình ra để "thương xót như Chúa Cha!".
https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-parable-of-the-prodigal-son/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn
mạnh tự ý)
Bên Lề Buổi Triều Kiến Chung hôm nay:
Vào buổi triều kiến chung hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với phái đoàn hành hương Balan là đồng bào của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Đức Mẹ Fatima. Ngài nhắc nhở là Thứ Sáu 13/5 tuần này là Lễ Đức Mẹ Fatima, Vị đã "mời gọi chúng ta hãy trở về với nguyện cầu, thống hối và hoán cải... Mẹ xin chúng ta đừng bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa nữa. Mẹ đã cảnh báo trước cho tất cả nhân loại về sự cần thiết của việc phó mình cho Thiên Chúa là nguồn yêu thương và thương xót... Theo gương của Thánh Gioan Phaolô II, một con người rất tôn sùng Đức Mẹ Fatima, chúng ta hãy chăm chú lắng nghe Người Mẹ Thiên Chúa này mà xin cho thế giới được hòa bình. Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô!"
Theo người dịch, Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng cũng rất tôn sùng Mẹ Maria, điển hình nhất là trước sau mỗi chuyến tông du của mình, ngài đều đến Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma để hiến dâng cho Mẹ và tạ ơn Mẹ, vị giáo hoàng cũng đã công khai cho biết rằng ngài sẽ đến Linh Địa Thánh Mẫu Fatima vào dịp mừng kỷ niệm bách Chu Niên 13/5/1917-2017 năm tới, và hôm nay ngài nhắc đến vị tiền nhiệm của mình là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vì cách đây đúng 35 năm, vào ngày 13/5/1981, vị tiền nhiệm của ngài đã bị Ali Agca ám sát ngay tại Quảng Trường Thánh Phêrô...