GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

TRONG NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT

 

 

or160525092934_00279

 

Bài 18 về Việc Liên Lỉ Cầu Nguyện

 

"Trong việc cầu nguyện, chúng ta cảm thấy lòng cảm thương của Thiên Chúa, như một người Cha, đến gặp gỡ con cái của mình với tràn đầy tình yêu nhân hậu".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Dụ ngôn trong Phúc Âm chúng ta vừa nghe (xem Luca 18:1-8) chất chứa một giáo huấn quan trọng, đó là "việc cần phải cầu nguyện luôn đừng nản lỏng" (câu 1). Bởi thế, vấn đề ở đây không phải là đôi khi cầu nguyện vào lúc chúng ta cảm thấy thích thú. Không phải thế, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần phải "luôn luôn cầu nguyện, đừng nản lòng", và Người nêu lên gương mẫu của bà góa với vị quan tòa.

Vị quan tòa này là một nhân vật quyền lực, được kêu gọi để ra những án lệnh theo Luật Moisen. Bởi thế, truyền thống thánh kinh đã khuyên rằng các vị quan tòa phải là những con người kính sợ Thiên Chúa, sống một đức tin xứng đáng, không thiên vị và không bại hoại (xem Xuất Hành 18:21). Tuy nhiên, vị quan tòa này "không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng để ý đến ai" (câu 2). Ông ta là một vị quan tòa tồi bại, chẳng biết thận trọng, không cứu xét theo Lề Luật mà theo những gì mình muốn, theo khuynh hướng lợi lộc của mình. Có một bà góa đến xin ông làm sáng tỏ công lý. Những bà góa, cùng với các trẻ mồ côi và dân ngoại kiều, là các hạng người yếu thế nhất trong xã hội. Các thứ quyền lợi theo Luật được giành cho họ có thể bị chà đạp một cách dễ dàng, vì họ là những con người lẻ loi cô độc không được bênh vực, họ khó có thể lên tiếng và được đáp ứng: một bà góa, ở đó, cô thân, không ai bênh vực bà; họ có thể chẳng để ý gì tới bà, cũng chẳng làm sáng tỏ công lý cho bà. Thành phần cô nhi, ngoại kiều, di dân cũng thế; vào thời ấy vấn đề này rất mạnh. Trước thái độ lãnh đạm của vị quan tòa, bà góa sử dụng đến thứ khí giới duy nhất của mình, đó là cương quyết tiếp tục quấy rầy ông ta, yêu cầu ông làm sáng tỏ công lý cho bà. Chính vì sự kiên trì này, bà đã đạt được mục đích của mình. Thật vậy, ở một lúc nào đó, vị quan tòa đã nghe bà, không phải vì ông cảm động theo lòng thương xót, hay vì lương tâm của ông áp đặt lòng thương xót trên ông; ông chỉ thú nhận rằng "vì bà góa này làm phiền đến ta, ta sẽ minh oan cho bà ta, bằng không bà ta sẽ cứ tiếp tục quấy rầy ta mãi thôi" (câu 5).

Chúa Giêsu rút ra một kết luận lưỡng diện từ dụ ngôn này: nếu bà góa thành công nhờ biết cúi mình xuống trước vị quan tòa bất lương bằng những yêu cầu quyết chí của bà thì Thiên Chúa là Người Cha tốt lành và công chính sẽ còn hơn như vậy nữa, "sẽ chẳng bào chữa cho kẻ Ngài tuyển chọn ngày đêm kêu lên Ngài hay sao?". Hơn thế nữa, "Ngài sẽ mau chóng minh chứng cho họ" (các câu 7-8). 

Thế nên Chúa Giêsu khuyến dụ hãy cầu nguyện "mà không nản lòng". Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm thấy có những lúc mệt mỏi và chán chường, nhất là khi lời cầu nguyện của chúng ta dường như không có công hiệu gì. Thế nhưng Chúa Giêsu trấn an chúng ta rằng: ngược lại với vị quan tòa bất lương, Thiên Chúa mau chóng lắng nghe con cái của Ngài cho dù Ngài không làm như thế vào những lúc và bằng những cách thức chúng ta mong muốn. Cầu nguyện không phải là một thứ đũa thần có ma thuật. Cầu nguyện giúp vào việc giữ đức tin nơi Thiên Chúa và ký thác mình cho Ngài, ngay cả khi chúng ta không hiểu được ý muốn của Ngài.

Về điều này thì chính Chúa Giêsu - Đấng cầu nguyện rất nhiều! - là gương mẫu của chúng ta. Bức Thư Do Thái nhắc nhở chúng ta rằng "vào những ngày còn sống trong xác thịt, Chúa Giêsu đã lớn tiếng và rơi lệ dâng những lời cầu nguyện và thỉnh nguyện lên Đấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng kính sợ của mình mà Người đã được nhận lời" (5:7). Thoạt tiên thì điều khẳng định này dường như không phải, bởi Chúa Giêsu đã chết trên thập tự giá. Tuy nhiên, Bức Thư Do Thái này vẫn không lầm: Thiên Chúa thực sự đã cứu Chúa Giêsu khỏi chết khi ban cho Người cuộc toàn thắng trên tử thần, thế nhưng cách thức thực hiện để toàn thắng thì cần phải qua chính cái chết? Lời thỉnh nguyện Thiên Chúa đáp nhận được nói đến ở đây liên quan tới lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu. Bị tấn công bởi nỗi sầu thương sắp xẩy ra, Chúa Giêsu cầu cùng Chúa Cha để Cha cất đi chén đắng Khổ Nạn cho Người, nhưng lời cầu nguyện của Người được thấm đẫm lòng tin tưởng vào Chúa Cha và Người sẵn sàng phó mình cho ý muốn của Ngài: "Tuy nhiên - Chúa Giêsu thân thưa - đừng theo ý của Con một theo ý của Cha" (Mathêu 26:39). Đối tượng của lời cầu nguyện này chuyển sang lãnh vực thứ hai; điều quan hệ trên hết mọi sự đó là mối liên hệ của Người với Cha. Hãy coi việc cầu nguyện này đã xẩy ra như thế nào: nó biến đổi ước muốn và uốn ước muốn ấy theo ý muốn của Thiên Chúa, bất kể ý muốn của Ngài ra sao, vì con người cầu nguyện trước hết ước muốn được hiệp nhất với Ngài là Tình Yêu thương xót.

Dụ ngôn này kết thúc bằng một câu hỏi: "Thế nhưng, khi Con Người đến liệu Người còn thấy đức tin trên trái đất này nữa hay chăng?" (câu 8). Với câu hỏi này, tất cả chúng ta đều được cảnh giác, ở chỗ, chúng ta không được ngưng cầu nguyện cho dù nó không được đền bù. Chính cầu nguyện làm kiên trì đức tin; không cầu nguyện thì đức tin bị dao động! Chúng ta hãy xin Chúa được một đức tin biến mình thành lời cầu nguyện kiên tâm liên lỉ, như lời cầu nguyện của bà góa trong dụ ngôn, một đức tin được nuôi dưỡng bằng niềm ước mong Người đến. Và trong việc cầu nguyện, chúng ta cảm thấy lòng cảm thương của Thiên Chúa, như một người Cha, đến gặp gỡ con cái của mình với tràn đầy tình yêu nhân hậu.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-praying-unceaselessly/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

 

 


 

 

or160525090318_24013