GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

TRONG NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT

 

or160525093910_00793

 

Bài 19 về Việc Khiêm Tốn Cầu Nguyện

 

or160601092712_030364

"Thiên Chúa có một yếu điểm, đó là yếu điểm trước một con người khiêm hạ.

Trước một tấm lòng khiêm cung, Thiên Chúa hoàn toàn mở lòng Ngài ra"

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Thứ Tư tuần rồi, chúng ta đã nghe dụ ngôn về vị quan tòa và bà góa, về nhu cầu cần phải kiên tâm cầu nguyện. Hôm nay, với một một dụ ngôn khác, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta thái độ đúng đắn để cầu nguyện và để van xin lòng thương xót của Cha; cách thức người ta cần phải cầu nguyện, thái độ đúng đắn để cầu nguyện. Đó là dụ ngôn về Người Pharisiêu và Người Thu Thuế (xem Luca 18:9-14).

Cả hai nhân vật chính này lên Đền Thờ để cầu nguyện, thế nhưng họ tác hành bằng những cách thức rất khác nhau, đạt được thành quả trái ngược nhau. Người Pharisiêu "đã đứng" (câu 11) và sử dụng nhiều lời lẽ. Lời cầu nguyện của người này là một lời cầu nguyện tạ ơn ngỏ cùng Thiên Chúa, tuy nhiên, thực tế lại kể lể công trạng của mình, có tính cách trịnh thượng liên quan đến "những người khác", thành phần bị cho rằng "gian tham, bất công, ngoại tình", chẳng hạn như - người này ám chỉ ngay tới một người khác bấy giờ - "tên thu thuế kia" (câu 11). Thế nhưng vấn đề thực sự là ở chỗ này: người Pharisiêu cầu nguyện cùng Thiên Chúa mà thực ra chỉ nhìn vào bản thân mình thôi. Người này cầu nguyện với bản thân mình! Thay vì có Chúa ở trước mắt như tấm gương soi. Mặc dù ở trong Đền Thờ, người ấy không cảm thấy cần phải phủ phục trước Thiên Chúa uy nghi cao cả; cứ đứng nguyên, như thấy mình là kẻ vững chắc, như mình là chủ nhân của Đền Thờ! Người này liệt kê các việc lành đã thực hiện: không có gì đáng trách, tuân giữ Lề Luật còn hơn những gì đòi hỏi nữa, chay tịnh "một tuần 2 lần" và đóng "thuế thập phân" về tất cả những gì có được. Tóm lại, người Pharisiêu này hài lòng với việc mình tuân giữ các chỉ thị còn hơn là việc cầu nguyện nữa. Tuy nhiên, thái độ của người này và các lời lẽ của người ấy là những gì xa vời với cách thức tác hành và nói năng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả mọi người và không khinh chê tội nhân. Trái lại, Người Pharisiêu khinh bỉ tội nhân, cả khi người này ám chỉ đến người khác đang ở đó. Kết cục thì người Pharisiêu này coi mình là người công chính, khinh thường giới luật quan trong nhất đó là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Bởi thế, tự vấn xem chúng ta cầu nguyện bao nhiêu chưa đủ; chúng ta cũng cần phải tự vấn chúng ta cầu nguyện ra sao nữa, hay đúng hơn, tấm lòng của chúng ta như thế nào: cần phải khảo sát nó để thẩm định những gì chúng ta nghỉ tưởng, những gì chúng ta cảm nhận, và để diệt trừ đi những gì là ngạo mạn và giả hình. Thế nhưng, tôi xin hỏi nhé người ta có thể cầu nguyện một cách ngạo mạn được chăng? Không. Người ta có thể cầu nguyện một cách giả hình được chăng? Không. Chúng ta chỉ cần đặt mình trước nhan Thiên Chúa đúng như chúng ta là, không như người Pharisiêu cầu nguyện một cách ngạo mạn và giả hình. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của một thứ nhịp sống thường nhật cuồng tín, thường bị chi phối bởi những thứ cảm giác hoang mang lẫn lộn. Cần phải biết tái nhận thức về đường lối của tâm can chúng ta, phục hồi giá trị của tính thân tình và sự thinh lặng, vì ở đó Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta và nói với chúng ta. Chỉ bắt đầu từ đó chúng ta mới gặp gỡ người khác và mới trao đổi với họ. Người Pharisiêu lên Đền Thờ, người này tưởng mình ngon lành lắm, thế nhưng người ấy lại chẳng nhận thấy rằng tâm can của mình đã lầm đường lạc lối.

Trái lại, người kia, người thu thuế tỏ mình ra trong Đền Thờ với một tinh thần khiêm tốn và thống hối: "Đứng từ đàng xa, anh thậm chí không dám dám ngước mắt lên Trời mà chỉ đấm ngực" (câu 13). Lời cầu nguyện của anh ta rất vắn gọn, không dài dòng như của người Pharisiêu: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ tội lỗi!" - thế thôi, một lời cầu nguyện tuyệt vời! Thật vậy, những người thu thuế, được gọi là những người "Publicano", bị coi là hạng người nhơ nhớp, làm tôi cho những kẻ cai trị ngoại bang, họ bị dân chúng coi là những người không tốt và nói chung thuộc hạng "tội nhân". Dụ ngôn này dạy chúng ta rằng một người công chính hay một tội nhân không bởi tấm mức xã hội của người ta, mà là bởi cách thức liên hệ với Thiên Chúa cũng như bởi cách thức liên hệ với anh chị em của mình. Các cử chỉ thống hối của người Publicano này cùng với những lời nói ngắn ngủi đơn sơ của anh ta là những gì chứng thực anh ta nhận thức được thân phận khốn cùng đáng thương của mình. Việc cầu nguyện của anh ta là những gì chính yếu. Anh ta tác hành một cách khiêm tốn, chỉ nghĩ mình là một tội nhân cần được thương xót. Nếu người Pharisiêu không xin bất cứ điều gì vì ông ta đã có hết mọi sự thì người Publicano này chí có thể van xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Và đó là những gì tuyệt vời: van xin lòng thương xót Chúa! Tỏ mình ra với "đôi tay trống không", với một con tim trần trụi và nhận biết mình tội lỗi, người Publicano tỏ cho tất cả chúng ta thấy điều kiện cần thiết để được Chúa tha thứ. Cuối cùng thì người thực sự đã bị khinh bỉ lại trở thành một biểu tượng của một tín hữu đích thực.

Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn này bằng câu: "Tôi bảo cho quí vị biết rằng người này về nhà được công chính hóa hơn là người kia; vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (câu 14). Ai trong hai người này là kẻ băng hoại? Người Pharisiêu. Người Pharisiêu thật sự là biểu tượng của con người băng hoại mơ hồ cầu nguyện nhưng chỉ thành đạt trong việc lệch lạc méo mó trước cái gương soi. Ông ta băng hoại và mơ hồ cầu nguyện. Bởi vậy, trong đời sống, ai mà tin mình là kẻ công chính và phán xét người khác cùng khinh bỉ họ đều là kẻ bại hoại và giả hình. Cái ngạo mạn là những gì làm tổn hại đến hết mọi hành động tốt lành, làm trống rỗng việc cầu nguyện, tách lìa con người với Thiên Chúa và với người khác. Nếu Thiên Chúa yêu thích lòng khiêm nhượng thì nó không phải là những gì hạ nhục chúng ta, trái lại, lòng khiêm nhượng là điều kiện cần thiết để được Ngài nâng lên, để cảm nghiệm thấy lòng thương xót tràn đầy cái trống rỗng của chúng ta. Nếu lời cầu nguyện của kẻ ngạo mạn không chạm đến lòng của Thiên Chúa thì sự khiêm nhượng của con người khốn cùng lại rộng mở lòng của Ngài. Thiên Chúa có một yếu điểm, đó là yếu điểm trước một con người khiêm hạ. Trước một tấm lòng khiêm cung, Thiên Chúa hoàn toàn mở lòng Ngài ra. Chính sự khiêm nhượng này đã được Trinh Nữ Maria bày tỏ trong Ca Vịnh Ngợi Khen: "Ngài đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài [...] Lòng thương xót của Ngài ở với những ai kính sợ Ngài từ đời nọ đến đời kia" (Luca 1:48,50). Xin Mẹ là Mẹ của chúng ta giúp chúng ta cầu nguyện bằng một tấm lòng khiêm hạ, và chúng ta hãy lập lại 3 lần lời nguyện tuyệt vời này: "Ôi Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi".

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-praying-with-humility/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)