GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

TRONG NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT

 

 

Bài 20 về Tiệc Cưới Cana

 

"Chúa tiếp tục giữ rượu ngon cho phần rỗi của chúng ta,

như thể nó tiếp tục vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa".

 

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

 

Trước khi bắt đầu bài giáo lý, tôi muốn chào một nhóm lứa đôi mừng kỷ niệm 50 năm thành hôn. Đây thật là "thứ rượu ngon" của gia đình! Chứng từ của anh chị em là một chứng từ mà các cặp mới thành hôn - thành phần tôi sẽ chào hỏi sau - và giới trẻ cần phải học hỏi. Nó là một chứng từ đẹp đẽ. Cám ơn chứng từ của anh chị em.

 

Sau khi đã bắt đầu cảm nhận một số dụ ngôn về lòng thương xót, hôm nay chúng ta chia sẻ về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu, một phép lạ được thánh ký Gioan gọi là "dấu lạ", vì Chúa Giêsu không thực hiện phép lạ ấy để gây lạ lùng bỡ ngỡ, mà là để tỏ tình yêu thương của Cha ra. Thật vậy, đoạn Phúc Âm Gioan 2:1-11 thuật lại dấu lạ đầu tiên trong các dấu kỳ lạ này, và nó được thực hiện ở Cana xứ Galilê. Nó là một thứ "cửa ngõ" được ghi khắc những lời nói và biểu hiện, những gì soi sáng cho thấy toàn thể mầu nhiệm về Chúa Kitô và giúp cho lòng tin của các môn đệ. Chúng ta hãy nhìn vào một số những lời nói và biểu hiệu ấy.

 

Ở  phần giới thiệu, chúng ta thấy biểu hiệu "Chúa Giêsu và các môn đệ của Người" (câu 2). Những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi theo Người. Người đã liên kết với Người trong một cộng đồng và bấy giờ, như là một gia đình duy nhất, tất cả họ được kêu mời đến tiệc cưới. Bắt đầu thừa tác vụ công khai của Người ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu tỏ mình ra như là Phu Quân của Dân Thiên Chúa, vị được các tiên tri loan báo, và Người tỏ ra cho chúng ta tính chất phong phú nơi mối liên hệ liên kết chúng ta với Người: nó là một Giao Ước mới của tình yêu. Đâu là những gì ở nơi nền tảng đức tin của chúng ta? - Đó là một tác động thương xót mà Chúa Giêsu muốn sử dụng để liên kết chúng ta với Người. Và đời sống Kitô hữu là câu trả lời cho tình yêu thương này. Nó giống như câu chuyện của hai người đang yêu nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, tìm kiếm nhau, gặp gỡ nhau, hân hoan và thương mến nhau: đích thực như người yêu và người tình trong Diễm Tình Ca vậy. Tất cả mọi sự khác đều là hoa trái của mối liên hệ này. Giáo Hội là gia đình của Chúa Giêsu, nơi trào tràn tình yêu thương của Người; chính tình yêu này là những gì Giáo Hội cảm thấy hân hoan và muốn cống hiến cho tất cả mọi người.

 

Cũng trong bối cảnh của Giao Ước còn có nhận định của Đức Mẹ: "Họ hết rượu rồi" (câu 3). Làm sao có thể cử hành lễ cưới và tiệc cưới nếu thiếu vắng những gì được các vị tiên tri nói đến, như là một yếu tố mẫu mực cho một bữa tiệc Cứu độ? (cf. Amos 9:13-14;Joel 2:24; Isaiah 25:6). Nước là những gì cần để sống, nhưng rượu là những gì biểu hiệu cho tính chất dồi dào phong phú của bữa tiệc và niềm vui của việc cử hành. Nó là một lễ cưới mà thiếu rượu thì đôi tân hôn cảm thấy xấu hổ. Thế nhưng anh chị em có thể nghĩ rằng một tiệc cưới được kết thúc bằng cách uống trà hay chăng? Nó hẳn là những gì hổ thẹn. Rượu là những gì cần thiết để mừng rỡ. Trong việc biến nước thành rượu trong các lu được sử dụng "cho nghi thức thanh tẩy của người Do Thái" (câu 6), Chúa Giêsu thực hiện một dấu lạ hùng hồn. Chúa Giêsu báo hiệu là Người đang hoàn trọn Lề luật và các tiên tri. Như chính Thánh ký Gioan nói: "Luật được ban bố qua Moisen; ân sủng và chân lý xuất phát từ Chúa Giêsu Kitô" (1:17).

 

Những lời của Mẹ Maria ngỏ cùng các đầy tớ là những gì làm thăng hoa bức tranh phối ngẫu này: "Người bảo gì các anh hãy làm theo như vậy?" Thật là ý vị: đó là những lời cuối cùng của Mẹ được các Phúc Âm ghi nhận: đó là di sản Mẹ cống hiến cho tất cả chúng ta. Cả hôm nay đây Đức Mẹ cũng nói với tất cả chúng ta rằng: "Hãy làm những gì Người - Chúa Giêsu nói với các con - thực hiện". Đó là di sản Mẹ đã lưu lại cho chúng ta: thật là tốt đẹp! Nó là một biểu hiệu gợi lại công thức đức tin được dân Do Thái sử dụng ở Núi Sinai để đáp lại những lời hứa của Giao Ước: "Tất cả những gì Chúa phán chúng tôi sẽ thực hiện!" (Xuất Hành 19:8). Thật vậy, ở Cana, những người đầy tớ đã tỏ ra tuân phục: "Chúa Giêsu bảo họ rằng 'các anh hãy đổ đầy nước vào các chum". Và họ đã đổ đầy đến miệng. Rồi Người lại bảo họ: 'Bây giờ hãy múc một chút cho người quản tiệc' Vậy họ đã làm như thế" (câu 7-8). Trong những lễ cưới này, Giao Ước Mới thực sự đã được qui định và sứ vụ mới đã được ủy thác cho các người đầy tớ của Chúa tức là toàn thể Giáo Hội, đó là "hãy làm những gì Người bảo anh em!" Việc phục vụ Chúa nghĩa là việc lắng nghe Người và thực hành Lời của Người. Nó là một lời khuyên bảo giản dị nhưng thiết yếu của Mẹ Chúa Giêsu và nó là chương trình sống của Kitô hữu. Việc múc từ các chum là những gì tương đương với việc mỗi một người chúng ta ký thác bản thân mình cho Lời Chúa để cảm nghiệm thấy hiệu lực của Lời Người trong cuộc sống. Thế rồi, cùng với người quản tiệc đã nếm nước đã hóa thành rượu, cả chúng ta nữa kêu lên rằng: "Anh em đã giữ rượu ngon cho tới bây giờ" (câu 10). Phải, Chúa tiếp tục giữ rượu ngon cho phần rỗi của chúng ta, như thể nó tiếp tục vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa.

 

Kết thúc trình thuật này là câu: "Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên này ở Cana xứ Galilê hầu tỏ vinh quang của Người ra, nhờ đó các môn đệ của Người bắt đầu tin vào Người" (câu 11). Tiệc cưới ở Cana không phải chỉ là một trình thuật giản dị về phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như một cái hòm trân châu quí báu, Chúa Giêsu giữ cái bí mật về con người của mình và mục đích của việc Người đến: đó là một vị Phu Quân được đợi chờ bắt đầu các  lễ cưới đang được hoàn trọn nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua. Nơi các lễ cưới này, Chúa Giêsu liên kết các môn đệ của Người với Người bằng một Giao Ước mới mẻ và vĩnh viễn. Ở Cana, các môn đệ của Chúa Giêsu đã trở nên gia đình của Người, và ở Cana đức tin của Giáo Hội đã được nẩy sinh. Tất cả chúng ta được kêu mời đến tiệc cưới này, vì không bao giờ còn thiếu thứ rượu mới nữa!

 

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-wedding-of-cana/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)