GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 



Đức Thánh Cha - Giáo Lý Năm Thánh Tình Thương - Bài 4




"Trong Thánh Kinh, tình thương của Thiên Chúa hiện diện dọc suốt giòng lịch sử của dân Do Thái"




"Tình thương của Thiên Chúa biến con người thành quí báu, như kho tàng riêng thuộc về Ngài, một của quí được Ngài canh giữ và lấy làm vui thỏa". 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Trong Thánh Kinh, tình thương của Thiên Chúa hiện diện dọc suốt giòng lịch sử của dân Do Thái.

Bằng tình thương của mình, Thiên Chúa phù giúp cuộc hành trình của các Vị Tổ Phụ dân này; Ngài đã ban cho các vị con cái bất chấp tình trạng son sẻ của họ, Ngài dẫn dắt các vị bằng những đường bước ân sủng và hòa giải, như câu chuyện về Giuse và các anh em của vị tổ phụ này cho thấy (xem Khởi Nguyên 37-50). Tôi nghĩ đến biết bao nhiêu là anh chị em đã tỏ ra lạnh nhạt xa cách gia đình của mình và không nói chuyện với nhau nữa. Thế nhưng, Năm Thánh Tình Thương này là một cơ hội tốt đẹp để tái ngộ nhau, để ôm lấy nhau và tha thứ cho nhau, quên đi những điều không hay. Tuy nhiên, như chúng ta biết, cuộc sống ở Ai Cập đã trở nên khó khăn cho dân tộc này. Thật vậy, chính ở vào lúc dân Do Thái sắp bị chìm đắm thì Chúa đã ra tay can thiệp và thực hiện việc cứu độ.

Trong Sách Xuất Hành người ta đọc thấy rằng: "Trải qua một thời gian dài nhà vua Ai Cập đã băng hà. Dân Do Thái rên xiết sống thân phận nô lệ và kêu than, và tiếng kêu than của họ đã vang lên tới Thiên Chúa từ cảnh nô lệ của h. Thiên Chúa đã nghe thấy họ than khóc và Thiên Chúa đã nhớ đến giao ước của Ngài với Abraham, Isaac và Giacóp. Thiên Chúa đã thấy được dân Do Thái và Thiên Chúa đã thấu biết..." (2:23-25). Tình thương không thể nào cứ tỏ ra dửng dưng lạnh lùng trước cảnh khổ đau của thành phần bị đàn áp, trước tiếng kêu của kẻ bị bạo lực tấn công, của kẻ bị biến thành nô lệ, của kẻ bị lên án tử. Đó là một thực tại đớn đau gây ra cho hết mọi thời đại, bao gồm cả thời đại của chúng ta đây, và thường làm cho chúng ta cảm thấy bất lực, có khuynh hướng làm cho chúng ta trở nên cứng lòng và nghĩ đến một cái gì khác. Trái lại, Thiên Chúa lại "không lạnh đạm"(Sứ Điệp Hòa Bình 2016), Ngài không bao giờ quay đi trước cảnh đớn đau của con người. Vị Thiên Chúa của tình thương đáp ứng và chăm lo cho người nghèo, cho những ai kêu than thất vọng. Thiên Chúa lắng nghe và can thiệp để cứu độ, khi tác động con người có khả năng cảm thương nghe thấy tiếng than van khổ đau và lam lũ của thành phần bị áp bức. 

Đó là cách thức mở màn cho câu chuyện của Moisen, vị môi giới được sai đến để giải phóng cho dân tộc này. Ông đã đương đầu với Vua Pharaon để thuyết phục vua cho dân Do Thái ra đi; và sau đó ông đã dẫn đưa dân tộc này, băng qua Biển Đỏ và sa mạc, đến tự do. Moisen, vị được Lòng Thương Xót Chúa đã cứu cho khỏi chết ở sống Nile khi mới sinh, đã trở thành môi giới cho cùng một tình thương này, giúp cho dân tộc ấy có thể tiến đến chỗ tự do, được cứu khỏi giòng nước ở Biển Đỏ. Trong Năm Thánh Tình Thương này, chúng ta cũng có thể đóng vai trò làm môi giới của tình thương bằng những công việc của tình thương như tỏ ra gần gũi, xoa dịu, kiến tạo hiệp nhất. Rất nhiều điều tốt đẹp cần phải thực hiện. 

Tình thương của Thiên Chúa bao giờ cũng ra tay cứu độ. Ngược lại với việc làm của những ai luôn ra tay sát hại: chẳng hạn những người tạo nên chiến tranh. Qua người tôi tớ Moisen của mình, Vị Chúa này đã dẫn dắt dân Do Thái trong sa mạc như thể dân này là một đứa nhỏ: Ngài đã giáo huấn nó sống đức tin và thiết lập giao ước với nó, bằng cách tạo nên một mối liên hệ yêu thương rất mãnh mẽ, như tình của một người cha với người con và của người chồng với người vợ.

Lòng thương xót Chúa tỏ ra đến thế thì thôi. Thiên Chúa đề ra một mối liên hệ yêu thương đặc thù, chuyên biệt và ưu ái. Khi Ngài hướng dẫn Moisen về giao ước này, Ngài phán rằng: "Vậy, nếu các ngươi hoàn toàn vâng phục Ta và tuân giữ giao ước của ta, các ngươi sẽ trở thành sở hữu quí báu của Ta giữa tất cả mọi dân nước, cho dù tất cả trái đất này là của Ta. Đối với Ta các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân nước thánh hảo" (Xuất Hành 19:5-6). 

Thiên Chúa quả thực sở hữu tất cả trái đất này, vì Ngài đã tạo dựng nên nó, thế nhưng dân tộc này đối với Ngài trở thành một sở hữu đặc biệt khác nữa: ở chỗ là "vàng bạc cất giữ" cho riêng Ngài, như những gì được Vua Đavít là vua cống hiến để xây Đền Thờ vậy. 

Đúng thế, chúng ta trở nên như thế đó đối với Thiên Chúa nhờ lãnh nhận giao ước của Ngài và nhờ để mình được Ngài cứu độ. Tình thương của Thiên Chúa biến con người thành quí báu, như kho tàng riêng thuộc về Ngài, một của quí được Ngài canh giữ và lấy làm vui thỏa

Đó là những kỳ diệu của Lòng Thương Xót Chúa, một lòng thương xót đạt đến tầm vóc viên trọn nơi Chúa Giêsu, nơi một "giao ước mới và vĩnh cửu" được hoàn thành nơi Máu của Người, một thứ máu cùng với ơn tha thứ đã hủy diệt tội lỗi của chúng ta và hoàn toàn biến chúng ta thành con cái của Thiên Chúa (xem 1Gioan 3:1), thành những đồ châu báu ở trong tay của Người Cha thiện hảo và từ bi. Mà nếu chúng ta là con cái của Thiên Chúa và có khả thể lãnh nhận cái di sản ấy - cái di sản thiện hảo và tình thương - trong việc chúng ta giao tiếp với người khác, thì chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta, trong Năm Thánh Tình Thương này, cũng thực hiện những điều xót thương; mở lòng mình ra vươn tới hết mọi người bằng các việc làm xót thương, cái di sản thương xót được Thiên Chúa là Cha ban cho chúng ta.

http://zenit.org/articles/general-audience-on-reconciling/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh)


Mời xem thêm các đoạn video clips phụ họa dưới đây

http://www.romereports.com/2016/01/27/the-pope-s-general-audience-explains-why-god-is-not-indifferent-to-the-suffering
bản tóm gọn dài 2 phút 40 giây bao gồm các cảnh sau buổi triều kiến chung

http://www.romereports.com/2016/01/27/live-pope-francis-leads-his-weekly-general-audience
nguyên trọn buổi triều kiến từ đầu đến cuối dài 1 tiếng 13 phút 40 giây


Sau Bài Giáo Lý hôm nay, theo thường lệ, ĐTC ngỏ lời chào hỏi các phái đoàn hành hương, trong đó có đoàn xiệc 



"Tôi gửi lời chào đến các diễn nhân cùng các nhân viên của đoàn xiệc, và xin cám ơn họ về màn biểu diễn của họ; anh  chị em là những tay quán quân của vẻ đẹp, anh chị em thực hiện vẻ đẹp và vẻ đẹp mang lại tốt lành cho tâm hồn. Sự mỹ mang chúng ta lại gần với Thiên Chúa, thế nhưng ở đằng sau màn biểu diễn vẻ đẹp này có biết bao nhiêu là giờ luyện tập! Hãy tiếp tục tiến lên, xin cám ơn anh chị em".

Mời xem thêm các đoạn video clips phụ họa đặc biệt dưới đây

http://www.romereports.com/2016/01/27/pope-francis-may-warring-siblings-forgive-each-other-during-the-year-of-mercy
bản tường trình triều kiến chung hôm naydài 2 phút 32 giây 
bao gồm cảnh ngài gặp gở đoàn xiệc vừa giúp vui cho homeless ở Roma


Ngoài ra ĐTC còn mời tham dự tĩnh tâm Mùa Chay do Cơ Quan Đồng Tâm - Cor Unum của Tòa Thánh tổ chức nữa



"Nhân dịp Năm Thánh Tình Thương, Hội Đồng Đồng Tâm Cor Unum của Tòa Thánh tổ chức một Ngày Tĩnh Tâm cho các cá nhân và nhóm hội đang hoạt động cho việc bác ái. Ngày tĩnh tâm này, được tổ chức ở mỗi một giáo phận trong Mùa Chay tới đây, sẽ là một cơ hội để suy nghĩ về ơn gọi và việc trở nên như Chúa Cha. Tôi mời gọi anh chị em hãy chấp nhận dự tính này, bằng cách sử dụng những chỉ dẫn và trợ giúp đưoọc Hội Đồng Đồng Tâm này soạn dọn".
 

(Phụ chú của người dịch: đề tài được đề nghị là "Tình Yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta / Caritas Christi urget nos" - 2Corinto 5:14)


Chưa hết, ngài cũng cầu nguyện cho các dân tôc ở Trung Đông cũng tham dự buổi triều kiến chung này hôm nay



"Thiên Chúa không im lặng trước khổ đau và tiếng kêu của con cái Ngài, Ngài cũng không thinh lặng trước bất công và bách hại: trái lại, bằng tình thương của mình, Ngài nhúng tay can thiệp cũng như ra tay giải cứu và cứu độ. Thiên Chúa tỏ ra nhẫn nại với tội nhân để dụ dỗ họ hoán cải và Ngài tìm kiếm con chiên lạc vì Thiên Chúa 'muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý' (1Timotheu 2:4). Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em và bảo vệ anh chị em khỏi Tên Gian Ác".