GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT

TRONG NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT

 

 

 

Bài 22 về Phép Lạ Chúa Giêsu Chữa Lành Người Phong Cùi

 

Pope at General Audience

 

"Việc phó mình cho ý muốn của Thiên Chúa nghĩa là việc qui phục lòng thương xót

bao la bất tận của Ngài...

 Việc chạm đến một người nghèo là việc có thể thanh tẩy chúng ta khỏi chứng giả hình

và khiến cho chúng ta quan tâm đến thân phận của họ".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

"Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con nên sạch" (Luca 5:12) là lời yêu cầu của một người phong cùi ngỏ cùng Chúa Giêsu như chúng ta đã nghe. Người này không chỉ xin được chữa lành mà còn được "thanh tẩy" nữa, tức là hoàn toàn được chữa lành, cả thân xác lẫn tâm can. Thật vậy, chứng phong cùi được coi là một thứ nguyền rủa của Thiên Chúa, một thứ hết sức dơ bẩn. Người bị phong cùi cần phải tránh xa mọi người; họ không được đến Đền Thờ hay tham dự bất cứ việc phụng tự nào. Họ cách xa Thiên Chúa lẫn loài người. Những người này có một cuộc đời buồn thảm!

Bất chấp, người phong cùi này không lùi bước trước bệnh hoạn của mình hay trước những điều kiện làm cho mình trở thành một kẻ bị loại trừ. Để đến với Chúa Giêsu, anh ta đã không sợ lỗi luật và tiến vào thành phố - một điều anh ta không được phép làm, anh ta bị cấm làm như thế - và, khi anh ta gặp được Người thì "anh ta phục xuống, van xin Người mà nói: 'Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho tôi nên sạch" (câu 12). Tất cả những gì người này làm và nói, người bị coi là dơ bẩn, đều diễn tả đức tin của anh ta! Anh ta nhận biết quyền năng của Chúa Giêsu: anh ta tin rằng Người có quyền năng chữa lành anh ta và tất cả mọi sự đều lệ thuộc vào ý muốn của Người. Đức tin ấy là sức mạnh để giúp anh ta phá bỏ mọi thể thức qui định để tìm cách gặp gỡ Chúa Giêsu, và khi quì xuống trước mặt Người thì anh ta kêu lên "Lạy Chúa". Lời van xin này của người tật phong ấy chứng tỏ rằng khi chúng ta xuất hiện trước mặt Chúa Giêsu thì không cần đến những lời nói dài dòng. Chỉ cần ít lời là đủ, miễn là được kèm theo bởi tất cả niềm tin tưởng vào quyền toàn năng của Người cũng như vào lòng thiện hảo của Người. Thật vậy, việc phó mình cho ý muốn của Thiên Chúa nghĩa là việc qui phục lòng thương xót bao la bất tận của Ngài. Tôi cũng muốn chia sẻ một chút riêng tư với anh chị em. Buổi tối, trước khi lên giường ngủ, tôi cầu một kinh nguyện vắn: "Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con nên sạch!" Rồi tôi cầu 5 lần "Kinh Lạy Cha", mỗi kinh kính một thương tích của Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu đã thanh tẩy chúng ta bằng các vết thương của Người. Thế nhưng, nếu tôi làm điều ấy ở nhà thì: "Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con nên sạch" - và nghĩ đến các dấu thánh của Chúa Giêsu và đọc một "Kinh Lạy Cha" kính từng dấu thánh. Chúa Giêsu luôn lắng nghe chúng ta.

Chúa Giêsu hết sức cảm kích trước con người này; Phúc Âm Thánh Marco nhấn mạnh rằng "động lòng thương, Người giơ tay ra, chạm đến anh ta mà phán: 'Tôi muốn. Hãy lành sạch' (1:41)'" Cử chỉ của Chúa Giêsu kèm theo lời của Người khiến cho giáo huấn của Người trở nên hiển nhên hơn. Ngược lại với qui định của Luật Moisen cấm không cho đến gần người cùi (xem Levi 13:45-46), Chúa Giêsu giơ tay ra và thậm chí còn chạm đến anh ta nữa. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp một người nghèo đến với chúng ta! Chúng ta có thể tỏ ra quảng đại, chúng ta có thể tỏ lòng cảm thương, thế nhưng chúng ta thường không động chạm tới họ. Chúng ta cho tiền, chúng ta quẳng tiền ra đó, thế nhưng chúng ta tránh đụng vào họ. Chúng ta quên rằng đó là thân thể của Chúa Kitô! Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng sợ đụng chạm vào người nghèo và người bị loại trừ, vì Người ở nơi họ. Việc chạm đến một người nghèo là việc có thể thanh tẩy chúng ta khỏi chứng giả hình và khiến cho chúng ta quan tâm đến thân phận của họ. Hãy chạm đến người bị loại trừ. Hôm nay, cùng đi với tôi đến đây là những con người trẻ trung này (xin xem tấm hình trên đầu - biệt chú của người dịch). Nghiều người nghĩ rằng họ thà ở lại quê hương của họ thì hay hơn, thế nhưng họ đã chịu quá nhiều đau khổ ở đó. Họ là những người tị nạn, thế nhưng rất nhiều người lại coi họ như đồ bỏ: Xin làm ơn coi họ là anh chị em của chúng ta! Người Kitô hữu không loại trừ một ai, trái lại, cống hiến một nơi chốn cho hết mọi người, để cho mọi người đến với mình.

Sau khi chữa lành cho người phong cùi, Chúa Giêsu nghiêm nghị bảo anh ta đừng nói về nó với ai mà bảo anh ta rằng: "Hãy đi trình diện với vị tư tế và dâng cúng cho việc lành sạch của anh những gì Moisen đã qui định; đó sẽ là bằng cớ làm chứng cho họ" (câu 14). Việc sắp xếp này của Chúa Giêsu cho thấy ít là 3 điều. Thứ nhất: ân sủng tác động nơi chúng ta không tìm kiếm những gì là duy cảm xúc. Nó thường tác động một cách khôn ngoan mà không ồn ào ầm ĩ. Để xức thuốc cho các vết thương của chúng ta và để hướng dẫn chúng ta trên đường thánh thiện nó nhẫn nại uốn nắn lòng của chúng ta theo Lòng của Chúa, để mặc lấy các tâm tưởng và cảm nhận của Người mỗi ngày một hơn. Thứ hai: bằng việc chính thức được các vị tư tế chứng thực rằng việc chữa lành đã xẩy ra và bằng việc dâng cúng một hy tế đền bồi, người phong cùi được tái nhận vào cộng đồng tín hữu cũng như vào đời sống xã hội. Việc tái hội nhập của anh ta là những gì hoàn tất việc chữa lành. Như chính anh ta kêu xin, giờ đây anh ta được hoàn toàn thanh tẩy! Sau hết, bằng việc trình diện với các vị tư tế, người phong cùi cống hiến cho họ chứng từ liên quan đến Chúa Giêsu và quyền bính thiên sai của Người. Sức mạnh của lòng cảm thương được Chúa Giêsu sử dụng để chữa lành người phong cùi đã dẫn đức tin của người này đến chỗ hướng anh ta về việc truyền giáo. Anh ta đã bị loại trừ, giờ đây anh ta là một người ở giữa chúng ta.

Chúng ta hãy nghĩ về bản thân mình, về những sự khốn cùng của chúng ta... Mỗi người chúng ta đều có những nỗi khốn cùng của mình. Chúng ta hãy chân thành suy nghĩ. Biết bao nhiêu lần chúng ta che đậy chúng bằng những "cách thức tốt lành" giả tạo. Chính vì thế mà cần phải ở một mình, quì xuống trước nhan Thiên Chúa mà cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con nên sạch!" Hãy cứ làm thế, hãy làm như thế vào mọi buổi tối trước khi đi ngủ. Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau cầu kinh nguyện tuyệt vời này: "Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể làm cho con nên sạch!".

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-being-made-clean-again/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)