GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN
THỨ TƯ NGÀY 10-8-2016
Giáo Lý về Lòng Thương Xót Chúa trong Năm Thánh Thương Xót 2016
Bài 23
"Lòng thương xót là con đường bắt đầu từ con tim đến bàn tay,
tức là đến các công việc của lòng thương xót".
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Đoạn Phúc Âm của Thánh ký Luca chúng ta vừa nghe (7:11-17) cho chúng ta thất một phép lạ thực sự là lớn lao của Chúa Giêsu, đó là phép lạ hồi sinh một nam nhân trẻ trung. Tuy nhiên, tâm điểm của trình thuật này không phải là phép lạ mà là lòng êm ái dịu dàng của Chúa Giêsu giành cho mẹ của nam nhân trẻ ấy. Ở đây lòng thương xót mang danh nghĩa là một tấm lòng cảm thương cao cả đối với một người phụ nữ đã mất chồng và bấy giờ lại đang mang đứa con trai duy nhất của mình ra nghĩa địa. Chính nỗi sầu thương lớn lao này của bà mẹ đã tác động Chúa Giêsu và thúc đẩy Người làm phép lạ hồi sinh ấy.
Khi dẫn nhập vào trình thuật này, vị Thánh ký đã kể đến nhiều điều đặc biệt. Gặp nhau ở cửa ngõ của một tỉnh lỵ nhỏ bé, một thôn làng là hai đám đông qua lại ngược chiều nhau chẳng có gì là chung đụng nhau. Chúa Giêsu, theo sau là các môn đệ và một đám rất đông dân chúng, đang sắp vào thôn tỉnh ấy, trong khi đó thì một đoàn rước buồn thảm đang tiến ra khỏi cổng, một đoàn rước đang đưa đám kẻ chết, bao gồm người đàn bà góa ấy cùng với nhiều người khác. Gần cổng có hai nhóm người vừa băng ngang qua nhau, một nhóm theo chiều hướng của mình, nhưng vào chính lúc bấy giờ Thánh Luca ghi nhận cái cảm xúc của Chúa Giêsu: Nhìn thấy thế (thấy người phụ nữ góa) Chúa cảm thấy hết sức xót xa cho bà "mà nói cùng ba rằng: 'Đừng khóc nữa'. Và Người đến gần chạm tới quan tài, khiến những ai khiêng quan tài đứng nguyên tại chỗ" (câu 13-14). Lòng cảm thương sâu xa đã hướng dẫn tác hành của Chúa Giêsu: Người đã chặn đám tang lại và chạm đến quan tài, để rồi được tác động bởi một lòng xót thương sâu xa đối với người mẹ, Người đã quyết định ra tay trực tiếp đối mặt với tử thần. Và Người đã trực diện đương đầu với nó một cách vĩnh viễn ở trên Thánh Giá.
Trong Năm Thánh Thương Xót này, thật là tốt đẹp, khi bước qua Cửa Thánh, Cửa Thương Xót, những ai hành hương hãy nhớ đến trình thuật Phúc Âm này, một câu chuyện xẩy ra ở cổng thành Naim. Khi Chúa Giêsu thấy người mẹ này khóc lóc thì bà đã động chạm đến lòng của Người! Mỗi người đi đến Cửa Thánh đều mang theo đời sống của mình, kèm theo những niềm vui của nó cùng với các nỗi đau của nó, những dự tính cùng với những thất bại, những nghi ngờ cùng với những sợ hãi, để dâng chúng lên cho lòng thương xót Chúa. Chúng ta tin rằng, ở tại Cửa Thánh, Chúa đến gần để gặp gỡ từng người chúng ta, để mang đến cho chúng ta và cống hiến cho chúng ta lời an ủi mãnh liệt của Người: "Đừng khóc nữa!" (câu 13). Đó là Cửa hội ngộ giữa nỗi đau đớn của nhân loại và lòng cảm thương của Thiên Chúa. Chúng ta hãy luôn nghĩ đến điều này: một cuộc hội ngộ giữa nỗi đau đớn của nhân loại và lòng cảm thương của Thiên Chúa. Bằng việc bước qua ngưỡng cửa này chúng ta hoàn trọn cuộc hành hương của chúng ta trong lòng thương xót Chúa là Đấng lập lại cùng tất cả chúng ta, như Người đã phán cùng nam nhân trẻ trung: "Ta truyền cho anh hãy chỗi dạy!" (câu 14). Hãy chỗi dậy! Thiên Chúa muốn chúng ta đứng. Ngài đã tạo dựng nên chúng ta để đứng: bởi thế, lòng cảm thương của Chúa Giêsu mới tiến đến cử chỉ chữa lành, để chữa lành chúng ta, nên chữ chốt yếu ở đây là: "Hãy chỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa đã tạo dựng nên anh chị em!" - Đứng. "Thế nhưng thưa cha chúng con thường hay sa ngã lắm" - "Cứ chỗi dậy!" Đó là những gì Chúa Giêsu luôn nói. Khi bước qua Cửa Thánh, chúng ta hãy tìm cách nghe lại lời này trong lòng của chúng ta: "Hãy chỗi dậy!" Lời nói quyền lực này có thể làm cho chúng ta chỗi dậy và thực hiện nơi chúng ta cuộc vượt qua sự chết mà vào sự sống. Lời của Người làm cho chúng ta hồi sinh, cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng, phấn khởi những tấm lòng mệt mỏi, mở rộng nhân sinh quan vượt lên trên đau khổ và chết chóc. Đối với mỗi người chúng ta thì kho tàng khôn dò của lòng thương xót Chúa được ghi khắc ở trên Cửa Thánh!
Nghe thấy lời Chúa Giêsu, "người chết đã ngồi lên và bắt đầu nói. Và Người đã trao anh ta cho mẹ của anh ta" (câu 15). Câu này thật là tuyệt vời: nó cho thấy nỗi êm ái dịu dàng của Chúa Giêsu: "Người đã trao anh ta cho mẹ của anh ta". Người mẹ này được lại con của mình một lần nữa. Lãnh nhận con từ bàn tay của Chúa Giêsu, bà trở thành mẹ một lần nữa, nhưng người con trai bấy giờ được hồi sinh đã không nhận lãnh sự sống từ bà. Như thế bà mẹ và đứa con nhận được cái căn tính tương xứng của mình nhờ lời nói quyền năng của Chúa Giêsu cùng với cử chỉ yêu thương của Người. Bởi vậy, nhất là trong Năm Thánh, Mẹ Giáo Hội nhận lãnh con cái của mình, nhìn nhận nơi chúng sự sống được ban cho chúng xuất phát từ ân sủng của Thiên Chúa. Do bởi ân sủng này, ân sủng Phép Rửa, mà Giáo Hội trở thành Mẹ và từng người chúng ta trở thành con cái của Giáo Hội.
Trước nam nhân trẻ trung được hồi sinh và được trao trả về cho mẹ của anh ta như thế, "tất cả mọi người đều kinh sợ; và họ đã tôn vinh Thiên Chúa mà rằng: 'Một vị đại tiên tri đã sống lại giữa chúng ta' và 'Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài!'" Bởi thế, những gì Chúa Giêsu đã làm không phải chỉ là một hành động cứu độ nhắm đến người mẹ góa và người con trai của bà mà thôi, hay là một cử chỉ nhân lành chỉ hạn hẹp cho thôn tỉnh này thôi. Trong việc phục hồi thương xót của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến để gặp gỡ dân của Ngài; nơi Người tất cả ân sủng của Thiên Chúa tỏ hiện và sẽ tiếp tục tỏ hiện cho nhân loại. Khi cử hành Năm Thánh này, một năm thánh tôi muốn được sống động nơi tất cả mọi Giáo Hội riêng, tức là nơi tất cả mọi Giáo Hội trên thế giới, chứ không phải chỉ ở Roma, toàn thể Giáo Hội khắp nơi trên thế giới liên kết với nhau trong cùng một bài hát duy nhất chúc tụng Chúa. Cả hôm nay đây, Giáo Hội nhìn nhận bản thân mình được Thiên Chúa viếng thăm. Bởi thế, khi đến Cửa Thương Xót, mỗi người nên biết rằng họ tiến đến với tấm lòng nhân hậu của Chúa Giêsu: thật vậy, Người là Cửa đích thực dẫn chúng ta tới ơn cứu độ và phục hồi sự sống mới cho chúng ta. Lòng thương xót, nơi Chúa Giêsu ở nơi chúng ta, là con đường khởi đi từ con tim tới đôi tay. Nghĩa là gì? Chúa Giêsu nhìn anh chị em, Người chữa lành anh chị em bằng lòng thương xót của Người, Người nói cùng anh chị em rằng; "Hãy chỗi dậy!" - và tâm can của anh chị em được đổi mới. Đâu là ý nghĩa của việc theo con đường từ con tim đến đôi tay? Nghĩa là với một con tim mới mẻ, một con tim được Chúa Giêsu chữa lành, tôi có thể thi hành các công việc của lòng thương xót nhờ đôi bàn tay của tôi, cố gắng giúp đỡ, chăm sóc cho tất cả những ai đang cần đến tôi. Lòng thương xót là con đường bắt đầu từ con tim đến bàn tay, tức là đến các công việc của lòng thương xót.
(Trước khi chào các phái đoàn hành hương trong ngày đang tham dự buổi triều kiến chung hằng tuần này, ĐTC đã dẫn giải thêm về mối liên hệ giữa con tim và đôi tay vừa được ngài đề cập tới ở phần kết bài giáo lý hôm nay, như sau:)
Tôi nói rằng lòng thương xót là con đường đi từ con tim đến đôi tay. Chúng ta lãnh nhận được trong con tim của chúng ta lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng tha thứ cho chúng ta hết mọi sự, vì Thiên Chúa tha thứ hết mọi sự và hồi sinh chúng ta; Ngài ban cho chúng ta một sự sống mới và làm cho chúng ta nhiễm lây lòng cảm thương của Ngài. Từ con tim được tha thứ ấy và với lòng cảm thương của Chúa Giêsu, con đường này bắt đầu đến đôi tay, tức là đến các hoạt động thương xót. Một ngày kia có một vị Giám Mục nói với tôi rằng ngài đã thực hiện việc vào qua và đi ra các cửa thương xót ở Vương Cung Thánh Đường của ngài cũng như ở các nhà thờ khác. Tôi đã hỏi ngài: "Tại sao huynh làm như thế?" - "Vì một cửa để đi vào, để xin ơn tha thứ và lãnh nhận lòng thương xót của Chúa Giêsu; cửa kia là cửa lòng thương xót đi ra, để mang lòng thương xót cho người khác, bằng các công việc thương xót". À thì ra vị Giám Mục này tinh khôn! Chúng ta cũng cần phải làm như thế bằng con đường đi từ con tim đến đôi tay, ở chỗ chúng ta tiến vào nhà thờ qua cửa thương xót, để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta rằng: "Hãy chỗi dậy! Hãy đi, đi!" - và với cái "đi" này - cái đứng - chúng ta đi ra qua ngõ thoát. Đó là Giáo Hội ra đi, là con đường thương xót đi từ con tim đến đôi tay. Hãy thực hiện đường lối này!
https://zenit.org/articles/general-audience-text-on-crossing-the-holy-door-like-the-widow-of-nain/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh