GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN - THỨ TƯ 7/9/2016
GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT - BÀI 26
"Công lý được vị Tẩy giả lấy làm tâm điểm cho việc rao giảng của ngài
thì nơi Chúa Giêsu trước hết được tỏ hiện như là lòng thương xót."
Xin chào Anh Chị Em thân mến! Chúng ta đã nghe đoạn Phúc Âm theo Thánh Mathêu (11:2-6). Vị thánh ký này có ý đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu một cách sâu xa hơn nữa để nhận lấy sự thiện hảo và lòng thương xót của Người. Đoạn Phúc Âm này xẩy ra khi vị Gioan Tẩy Giả - đang ở trong tù - sai các môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu để hỏi Người một câu hỏi trực diện: Ngài có phải là Đấng phải đến chăng hay chúng tôi cần phải trông đợi một đấng khác?" (câu 3). Đó chính là giây phút tối tăm... Vị Tẩy giả này đã nóng lòng trông đợi một Đấng Thiên Sai, và trong khi rao giảng, ngài đã diễn tả về Người bằng ngôn từ mạnh mẽ, như là một vị thẩm phán sau cùng đến để thiết lập Vương quốc của Thiên Chúa và thanh tẩy dân của Người, tưởng thưởng người lành và trừng phạt kẻ dữ. Ngài đã rao giảng như thế này: "Cho đến nay cái rìu đã đặt sẵn ở các gốc cây kia rồi; vì thế mà hễ cây nào không sinh trái tốt thì bị đốn đi mà quăng vào lửa" (Mathêu 3:10). Bấy giờ Chúa Giêsu lại bắt đầu sứ vụ công khai của Người bằng một kiểu cách khác, nên ngài Gioan này mới cảm thấy bị khổ tâm, gây ra bởi cái tối tăm lưỡng diện: cái tối tăm bị cầm tù và ở trong ngục thất, và cái tối tăm trong tâm hồn. Ngài không hiểu được kiểu cách của Chúa Giêsu và muốn biết Người có thực sự là Đấng Thiên sai hay chăng, hay ngài cần phải chờ đợi một vị nào khác.
Câu trả lời của Chúa Giêsu thoạt tiên dường như không hợp với lời yêu cầu của Vị Tẩy giả này. Thật vậy, Chúa Giêsu nói rằng: "Hãy đi mà nói với Gioan những gì các anh nghe và thấy: kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch và người điếc được nghe. Rồi kẻ chết sống lại, và người nghèo được nghe rao giảng tin mừng. Nên phúc cho những ai không vì Tôi mà vấp phạm" (các câu 4-6). Ý hướng của Chúa Giêsu ở đây đã rõ ràng, ở chỗ, Người trả lời rằng Người là phương tiện cụ thể của lòng thương xót Chúa, Đấng vươn tới tất cả mọi người để mang đến cho họ niềm an ủi và ơn cứu độ, nhờ đó tỏ hiện phán quyết của Thiên Chúa. Người mù, kẻ què, người cùi, kẻ điếc lấy lại giá trị của mình và không còn bị loại trừ bởi bệnh nạn tật nguyền của họ nữa, kẻ chết sống lại khi Tin Mừng được loan báo cho người nghèo. Đó là những gì đã trở thành cái tổng hợp cho hành động của Chúa Giêsu, Đấng nhờ đó biến hành động của chính Thiên Chúa trở thành hữu hình và khả giác.
Sứ điệp mà Giáo Hội lãnh nhận được từ trình thuật về đời sống của Chúa Kitô này là những gì rất rõ ràng. Sứ điệp đó là Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến thế gian để trừng phạt tội nhân hay để tiêu diệt những kẻ gian ác. Trái lại, Người kêu gọi họ hãy hoán cải để nhờ đó, khi thấy được những dấu hiệu của sự thiện hảo thần linh, họ tìm thấy đường về. Như Thánh Vịnh nói: "Ôi Chúa, nếu Chúa mà chấp tội thì lạy Chúa nào ai còn đứng vững được hay chăng? Nhưng Chúa rộng lòng thứ tha để Chúa được kính sợ" (130:3-4).
Công lý được vị Tẩy giả lấy làm tâm điểm cho việc rao giảng của ngài thì nơi Chúa Giêsu trước hết được tỏ hiện như là lòng thương xót. Những ngờ vực của vị Tiền hô này chỉ lường trước cái bất đồng Chúa Giêsu có thể gây ra giữa hành động và lời nói của Người. Bởi thế mới hiểu được câu trả lời đúc kết của Chúa Giêsu. Người bảo: "Phúc cho ai không vì Tôi mà vấp phạm" (câu 6). "Vấp phạm" ở đây có nghĩa là "trở ngại". Bởi thế Chúa Giêsu đã cảnh giác về một thứ nguy hiểm đặc biệt, đó là nếu các trở ngại trong việc tin tưởng lấn át đi tất cả mọi hành động thương xót của Người thì có nghĩa là đã có một hình ảnh sai lầm về Đấng Thiên Sai. Trái lại, phúc cho những ai, trước những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu, tỏ ra tôn vinh Chúa Cha ở trên trời.
Lời khiển trách của Chúa Giêsu bao giờ cũng hợp thời: ngày nay người ta cũng tác tạo nên những hình ảnh về Thiên Chúa cản ngăn họ khỏi việc hoan hưởng sự hiện diện thực hữu của Ngài. Một số người cắt bớt cho mình một thứ đức tin "tự tiện" (do it yourself) kéo Thiên Chúa vào một khoảng hẹp của những gì họ mong muốn và những gì họ xác tín. Thế nhưng đức tin này không phải là một cuộc hoán cải trở về với Chúa là Đấng tỏ mình ra, cho bằng nó ngăn cản Ngài trong việc thách đố đời sống của chúng ta và lương tâm của chúng ta. Những người khác thì biến Thiên Chúa thành một thứ ngẫu tượng giả tạo; họ sử dụng danh thánh của Ngài để biện minh cho những khuynh hướng của họ, hay thậm chí cho lòng hận thù và việc bạo động của họ. Chưa hết, đối với những người khác thì Thiên Chúa chỉ là một nơi ẩn náu về tâm lý nhờ đó họ được an tâm trong những lúc khó khăn: nó là một thứ đức tin hướng nội, không thể chấp nhận quyền lực nơi tình yêu nhân hậu của Chúa Giêsu thúc đẩy con người đến với anh chị em của mình. Còn nữa, có những người coi Chúa Kitô chỉ như là một vị sư phụ tốt lành về các giáo huấn đạo lý, một vị sư phụ trong nhiều vị sư phụ của lịch sử. Sau hết, có những người dập tắt đức tin nơi mối liên hệ thuần túy mật thiết, loại trừ đi cái thúc đẩy truyền giáo của Người là những gì có thể biến đổi thế giới cùng lịch sử. Chúng ta là những Kitô hữu tin vào Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô và lòng ước mong của chúng ta là muốn lớn lên nơi cái cảm nghiệm sống động của mầu nhiệm yêu thương.
Thế nên chúng ta hãy quyết tâm đừng gây chướng ngại cho hoạt động thương xót của Chúa Cha, mà hãy xin ơn có một đức tin mạnh mẽ để cả chúng ta cũng trở thành những dấu hiệu và phương tiện của lòng thương xót.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-real-jesus/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý