GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN - THỨ TƯ 14/9/2016

 

 

GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT - BÀI 27

 

General Audience 9.14.16

"Đôi khi tình trạng kiệt sức của chúng ta gây ra bởi việc chúng ta tin tưởng vào những gì không thiết yếu,

vì chúng ta tách mình chúng ta khỏi những gì thấy sự là đáng giá trong đời".

 

General Audience 9.14.16

 

"Chúng ta được kêu gọi để học nơi Người những gì là ý nghĩa trong việc sống lòng thương xót,

trong việc trở thành dụng cụ của lòng thương xót".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Trong Năm Thánh này, chúng ta đã suy niệm nhiều lần về sự kiện Chúa Giêsu tỏ mình ra một cách đặc biệt dịu dàng, một dấu hiệu tỏ ra sự hiện diện và thiện hảo của Thiên Chúa. Hôm nay, chúng ta suy niệm về một đoạn Phúc Âm cảm kích (xem Mathêu 11:28-30), trong đó Chúa Giêsu nói: "Hãy đến với Tôi tất cả những ai cực nhọc và nặng gánh, Tôi sẽ bổ sức cho [...] Hãy học cùng Tôi; vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, thì linh hồn quí vị sẽ được nghỉ an" (28-29). Lời mời gọi này của Chúa là những gì lạ lùng, ở chỗ Người kêu gọi theo Người những ai đơn sơ, thành phần đang gánh chịu cuộc sống khốn khó; Người kêu gọi theo Người những con người có nhiều nhu cầu và Người hứa với họ rằng ở nơi Người họ sẽ tìm thấy nghỉ ngơi và dễ chịu. Lời mời gọi này được phát biểu như một lời truyền khiến: "Hãy đến", "Hãy mang lấy ách của Tôi" và "hãy học cùng Tôi". Nếu mà tất cả mọi nhà lãnh đạo trên thế giới đây đều nói được như thế nhỉ! Chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu xem ý nghĩa của những lời biểu tỏ này.

Lời truyền gọi đầu tiên là "Hãy đến với Tôi". Hướng tới những ai đang cảm thấy kiệt sức và bị đè nén, Chúa Giêsu tỏ mình ra như là Người Tôi Tớ Chúa được diễn tả trong Sách Tiên Tri Isaia. Đoạn Sách Tiên Tri Isaia này như sau: "Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi của những ai được giảng dạy để tôi biết làm sao dùng lời nói mà nâng đỡ kẻ mỏi mệt" (50:4). Phúc Âm coi những kẻ mệt mỏi này ngang với thành phần nghèo khổ (xem Mathêu 11:5) và những kẻ bé mọn (xem Mathêu 18:6). Họ là những người không thể dựa vào những phương tiện của họ hay vào những thứ tình thân hữu quan trọng. Họ chỉ có thể tin tưởng nơi Thiên Chúa mà thôi. Ý thức được thân phận hèn mọn và khốn khổ của mình, họ biết họ cần phải lệ thuộc vào lòng thương xót Chúa, chỉ biết trông đợi ơn trợ giúp nơi Ngài. Trong lời mời gọi của Chúa Giêsu cuối cùng họ tìm thấy được câu trả lời cho việc chờ đợi của họ, ở chỗ bằng việc trở nên thành phần môn đệ của Người, họ nhận lãnh lời hứa tìm được nghỉ ngơi cho tất cả đời sống của họ. Một lời hứa mà ở phần cuối kết của Phúc Âm được bao gồm tất cả mọi dân tộc: "Bởi thế các con hãy đi tuyển mộ các môn đồ nơi tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19). Khi chấp nhận lời mời gọi cử hành Năm Thánh Ân Sủng này, những người hành hương khắp thế giới bước qua Cửa Thương Xót được mở ra ở các Vương Cung Thánh Đường, ở các Đền Thánh, ở rất nhiều nhà thờ trên thế giới, ở các nhà thương, tại các nhà tù. Tại sao họ bước qua Cửa Thương Xót này? Để tìm gặp Chúa Giêsu; để tìm kiếm tình thân hữu của Người; để tìm thấy cái nghỉ ngơi chỉ duy Chúa Giêsu ban cho. Đường lối này cho thấy việc hoán cải của hết mọi môn đệ quyết tâm theo Chúa Giêsu. Và là một cuộc hoán cải luôn bao gồm nơi việc khám phá được lòng thương xót Chúa. Lòng thương xót Chúa cao cả biết bao: bao la bất tận và khôn lường khôn thấu! Bởi thế, khi bước qua Cửa Thánh là chúng ta tuyên xưng "một thứ tình yêu hiên diện trên thế giới và là một thứ tình yêu mạnh hơn mọi sự dữ, bao gồm cả con người, nhân loại và thế giới" (Gioan Phaolô II, Thông Điệp Giầu Lòng Thương Xót, 7).

Lời truyền gọi thứ hai đó là "Hãy mang lấy ách của Tôi". Trong bối cảnh của Giao Ước thì truyền thống thánh kinh sử dụng hình ảnh cái ách để ám chỉ mối liên hệ chặt chẽ nối kết dân với Thiên Chúa, và vì thế ám chỉ đến việc thuận phục ý muốn của Ngài nơi Lề Luật. Khi tranh luận với thành phần luật sĩ vá các vị Tiến sĩ Luật, Chúa Giêsu đặt cái ách của Người lên các môn đệ của Người, một cái ách hoàn trọn Lề Luật. Người muốn dạy họ rằng họ sẽ khám phá thấy ý muốn của Thiên Chúa nơi bản thân của Người: nơi Đức Giêsu, chứ không phải nơi luật lệ hay những ấn định vô hồn bị chính Chúa Giêsu lên án. Chỉ cần đọc đoạn 23 của Thánh Mathêu là thấy được điều ấy. Người là tâm điểm của mối liên hệ giữa họ và Thiên Chúa; Người là cốt lõi của các mối liên hệ giữa môn đệ với nhau và đặt Người làm động lực cho đời sống của từng người. Bởi vậy, bằng việc chấp nhận "cái ách của Chúa Giêsu" hết mọi người môn đệ tiến vào mối hiệp thông với Người và được tham phần vào mầu nhiệm thập giá của Người và định mệnh cứu độ của Người.

Tiếp theo là lời truyền gọi thứ ba đó là "Hãy học cùng Tôi". Chúa Giêsu phác họa cho các môn đệ của Người một đường lối hiểu biết và noi theo. Chúa Giêsu không phải là một ông thày áp đặt trên người khác các thứ gánh nặng trầm kha mà Người không mang vác: đó là cáo buộc Người đã nói với thành phần Tiến Sĩ Luật. Người ngỏ cùng những người hèn mọn và bé nhỏ, thành phần nghèo nàn và thiếu thốn, vì chính Người biến mình thành nhỏ bé mọn hèn. Người hiểu kẻ nghèo nàn và đau khổ vì chính Người biến mình thành nghèo nàn và trải qua buồn đau. Chúa Giêsu không theo con đường dễ dàng để cứu chuộc nhân loại; trái lại, đường lối của Người thì đau đớn và khó khăn. Như Thư gửi cho các tín hữu Philiphê nhắc nhở: "Người đã tự hạ và vâng lời cho đến chết cho dù có bị chết trên thập tự giá" (2:8). Cái ách mà người nghèo và người bị đè nén áp bức mang vác cũng giống cái ách Người đã gánh vác trước họ: bởi thế nó là một cái ách nhẹ nhàng. Người đã mang trên lưng của Người những thứ đớn đau và tội lỗi của toàn thể nhân loại. Thế nên, đối với người môn đệ nào chấp nhận cái ách của Chúa Giêsu là lãnh nhận mạc khải của Người và chấp nhận mạc khải ấy: nơi Người lòng thương xót Chúa mặc lấy các thứ bần cùng của con người, nhờ đó mang đến hết mọi cơ hội cứu độ. Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu có thể nói đến những điều ấy? Vì chính Người biến mình thành mọi sự cho mọi người, gần gũi với hết mọi người, với những ai nghèo khổ nhất! Người là một Mục Tử giữa dân chúng, giữa người nghèo: Người đã làm việc cả ngày với họ; Chúa Giêsu không phải là một ông hoàng. Thật là tồi bại cho Giáo Hội khi các vị Mục Tử trở thành những ông hoàng, sống xa cách dân chúng, sống cách xa những người nghèo khổ nhất: đó không phải là tinh thần của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khiển trách những vị Mục Tử ấy, và Người đã nói với dân chúng về họ rằng: "hãy làm những gì họ nói chứ không phải những gì họ làm".

Anh chị em thân mến, đối với cả chúng ta nữa có những lúc mệt mỏi và chán chường. Bấy giờ chúng ta hãy nhớ đến những lời này của Chúa, những lời cống hiến cho chúng ta rất nhiều niềm an ủi và làm cho chúng ta biết chúng ta có mang sức lực của chúng ta ra phục vụ sự thiện hay chăng. Thật vậy, đôi khi tình trạng kiệt sức của chúng ta gây ra bởi việc chúng ta tin tưởng vào những gì không thiết yếu, vì chúng ta tách mình chúng ta khỏi những gì thấy sự là đáng giá trong đời. Chúa dạy chúng ta đừng sợ theo Người, vì niềm hy vọng chúng ta đặt ở nơi Người sẽ không bị thất vọng. Bởi thế, chúng ta được kêu gọi để học nơi Người những gì là ý nghĩa trong việc sống lòng thương xót, trong việc trở thành dụng cụ của lòng thương xót. Việc sống lòng thương xót, việc trở nên dụng cụ của lòng thương xót, ở chỗ sống lòng thương xót và cảm thấy mình cần đến lòng thương xót của Chúa Giêsu, và khi chúng ta cảm thấy mình cần đến ơn tha thứ, cần đến niềm an ủi, chúng ta hãy biết thương xót những người khác. Khi gắn mắt mình vào Con Thiên Chúa chúng ta hiểu hiểu được con đường còn dài chúng ta cần phải đi nhưng đồng thời Người làm cho chúng ta thấm nhiễm niềm vui nhận biết rằng chúng ta đang bước đi với Người và chúng ta không bao giờ lẻ loi cô độc một mình - vì thế, hãy can đảm lên! Chúng ta đừng để mất đi niềm vui được làm môn đệ của Chúa. "Thế nhưng thưa cha, tôi là một tội nhân, tôi có thể làm gì được chứ?" "Hãy để cho Chúa nhìn vào bạn, hãy mở lòng bạn ra, hãy cảm thấy ánh mắt Người trên bạn, cảm thấy lòng thương xót của Người, và lòng của bạn sẽ được tràn ngập niềm vui, niềm vui của ơn tha thứ, khi bạn đến gần xin được thứ tha". Chúng ta đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng sống đời sống này cùng với Người và bằng sức mạnh của ơn Người an ủi. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-invitations-to-those-who-labor-and-are-heavy-laden/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý

 
Xin phép được tạm ngưng chuyển dịch các bài giáo lý này cho tới Thứ Tư 12/10/2016.