GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 21-9-2016
GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 28
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Chúng ta đã nghe đoạn Phúc Âm của Thánh Luca (6:36-38), trong đó có câu tâm niệm của Năm Thánh Ngoại Lệ này: Hãy Thương Xót như Chúa Cha. Nguyên trọn câu này là: "Hãy thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót" (câu 36). Đó không phải là khẩu hiệu lấy cho kêu mà là một thứ dấn thân của đời sống. Để hiểu rõ câu này chúng ta cần phải so sánh nó với một câu tương đương khác ở Phúc Âm của Thánh Mathêu, trong đó Chúa Giêsu nói: "Bởi thế, các con phải nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (5:48). Trong Bài Giảng được gọi là Bài Giảng Trên Núi này, được mở đầu bằng các mối Phúc Đức, Chúa dạy rằng sự trọn lành ở tại yêu thương là những gì hoàn trọn tất cả mọi chỉ thị của Lề Luật. Cùng quan điểm ấy, Thánh Luca đã nói rõ sự trọn lành ấy là tình yêu nhân hậu: trọn lành nghĩa là ở chỗ thương xót. Một con người không thương xót có trọn lành hay chăng? Không! Thiện hảo và trọn lành đều ở tại lòng thương xót. Thiên Chúa chắc chắn là Đấng trọn lành. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi Ngài như thế thì con người ta không thể nào nỗ lực đến mức tuyệt đối trọn lành ấy. Trái lại, việc chiếm ngưỡng Ngài là Đấng thương xót mới giúp cho chúng ta có thể hiểu hơn sự trọn lành của Ngài ở đâu và nó thúc đẩy chúng ta nên giống Ngài, Đấng tràn đầy yêu thương, cảm thông và thương xót.
Thế nhưng tôi ngẫm nghĩ là những lời Chúa Giêsu nói có thiết thực hay chăng? Thật sự có thể yêu thương như Thiên Chúa yêu và thương xót như Ngài thương xót hay chăng?
Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử cứu độ, chúng ta thấy rằng tất cả mạc khải của Thiên Chúa là một tình yêu thương không ngừng và không biết mệt mỏi giành cho con người: Thiên Chúa giống như một người cha hay như một người mẹ yêu thương bằng một tình yêu khôn thấu và tuôn đổ tình yêu ấy dạt dào xuống cho hết mọi tạo vật. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập tự giá là tột đỉnh lịch sử yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Một tình yêu cao cả đến độ chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể hiện thực nó. Hiển nhiên là nếu so sánh với tình yêu khôn lường này thì tình yêu của chúng ta bao giờ cũng sẽ là những gì què quặt khiếm khuyết. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu xin chúng ta hãy thương xót như Cha thì Người không nghĩ đến số lượng! Người xin các môn đệ của Người trở thành dấu hiệu, thành các thông mạch và thành các chứng nhân cho lòng thương xót của Người.
Và Giáo Hội không còn gì khác hơn là bí tích của lòng thương xót Chúa trên thế giới này, qua mọi thời đại và hướng đến toàn thể nhân loại. Thế nên, hết mọi Kitô hữu được kêu gọi trở thành chứng nhân của lòng thương xót, và điều này xẩy ra trên con đường thánh đức. Chúng ta nghĩ đến nhiều vị Thánh đã biết thương xót vì các vị để cho lòng của các vị được lòng thương xót Chúa tràn đầy. Các vị sống động hóa tình yêu thương của Chúa, khi tuôn đổ tình yêu này xuống cho nhiều nhu cầu của nhân loại khổ đau. Trong cuộc bừng nở rất nhiều hình thức bác ái chúng ta có thể thấy được những phản ảnh của dung nhan nhân hậu Chúa Kitô.
Chúng ta tự hỏi mình rằng: việc tỏ lòng thương xót có nghĩa là gì đối với các môn đệ? Chúa Giêsu đã giải thích bằng hai động từ là "tha thứ" (câu 37) và "trao tặng" (câu 38).
Lòng thương xót được thể hiện trước hết nơi việc tha thứ: "Đừng phán xét để các con khỏi bị phán xét; đừng lên án để các con khỏi bị lên án; hãy tha thứ thì các con sẽ được tha thứ" (câu 37). Chúa Giêsu không có ý lật đổ tiến trình công lý của loài người, mà Người nhắc nhở các môn đệ rằng để có được mối liên hệ huynh đệ thì cần phải loại trừ đi những phán xét và lên án. Thật vậy, tha thứ là trụ cột cai quản đời sống của cộng đồng Kitô hữu, vì nó thể hiện tính cách nhưng không của thứ tình yêu Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Thật là sai lầm khi phán xét và lên án một người anh em lỗi phạm, không phải vì người ta không muốn công nhận cái tội ấy, mà vì việc lên án tội nhân là những gì làm đổ vỡ mối liên hệ huynh đệ với họ và tỏ ra khinh thường lòng thương xót Chúa, Đấng, trái lại, không muốn chịu thua bất cứ đứa con nào của Ngài. Chúng ta không có quyền lên án người anh em sai phạm của chúng ta; chúng ta không phải là người ở trên họ: trái lại, chúng ta có nhiệm vụ lấy lại cho họ phẩm vị của một người con của Cha và hỗ trợ họ trong cuộc hành trình hoán cải của họ.
Chúa Giêsu đã nêu lên cho Giáo Hội của Người, cho chúng ta trụ cột thứ hai đó là "trao tặng". Tha thứ là trụ cột thứ nhất; trao tặng là cột trụ thứ hai. "Hãy trao tặng thì các con sẽ được ban cho [...] Vì các con đong đấu nào thì các con sẽ nhận lại đấu ấy" (câu 38). Thiên Chúa ban tặng dồi dào vượt trên các thứ công trạng của chúng ta, thế nhưng Ngài còn rộng lượng hơn nữa với tất cả những ai trên thế gian này tỏ ra quảng đại. Chúa Giêsu không nói những gì sẽ xẩy ra cho những ai không biết cho đi, nhưng hình ảnh "cái đấu" là những gì cho thấy một thứ khiển trách nào đó: cái đấu yêu thương chúng ta đong đi là chính những gì chúng ta quyết định cho vấn đề chúng ta sẽ bị phán xét ra sao, chúng ta sẽ được thương yêu như thế nào. Nếu chúng ta nhìn kỹ thì có một lý lẽ chặt chẽ với nhau ở đây như thế này: mức độ anh chị em nhận lãnh từ Thiên Chúa anh chị em đem trao tặng cho người anh em của anh chị em, và mức độ anh chị em trao tặng cho người anh em của anh chị em, anh chị em sẽ lãnh nhận từ Thiên Chúa!
Bởi thế, tình yêu nhân hậu là con đường duy nhất để đi. Tất cả chúng ta cần biết bao để được thương xót hơn nữa, để không khinh khi người khác, để không "bứt nhéo" người khác bằng những phê phán, những tham lam đố kỵ cùng những ghen tương. Chúng ta cần phải tha thứ, cần phải thương xót, sống cuộc đời yêu thương. Tình yêu này là những gì giúp cho các môn đệ của Chúa Giêsu không đánh mất cái căn tính được lãnh nhận từ Người, và nhìn nhận mình là con cái của cùng một Cha. Bởi vậy, bằng tình yêu thương được họ thực thi trong đời sống mà Lòng Thương Xót được âm vang đến vô cùng bất tận (xem 1Corinto 13:1-12). Thế nhưng, đừng quên điều này: lòng thương xót và việc ban tặng; sự tha thứ và việc tặng ban, nhờ đó tấm lòng nở rộng, nở rộng trong yêu thương. Trái lại, vị kỷ và giận dữ làm cho tâm can nhỏ lại, trở nên cứng như đá. Anh chị em thích đằng nào, một con tim bằng đá hay một tấm lòng đầy yêu thương? Nếu anh chị em thích một tấm lòng đầy yêu thương thì hãy thương xót!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý
"Trọn lành nghĩa là ở chỗ thương xót.
Một con người không thương xót có trọn lành
hay chăng? Không! Thiện hảo và trọn lành đều ở tại lòng thương xót".
Cảm nhận và xác tín cùng giáo huấn này của
Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng Thương Xót, cũng là chủ trương và là
tâm niệm của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT) đề ra để thi đưa sống g
Thương Xót Chúa (LTXC) trong Năm Đời Thánh Hiến 2015. Và cũng vì thế mà chủ
đề tĩnh tâm về Lòng Thương Xót Chúa cho cả năm 2015 và ở các nơi của Nhóm
TĐCTT đó là "Trọn lành như Cha là Đấng
thương xót" (Mathêu 5:48 + Luca
6:36).