GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 28-9-2016

 

GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 29

 

General Audience

 

"Anh ta là một tên trộm, anh ta là một kẻ cướp, anh ta đã cướp mất tất cả cuộc đời của anh ta. Thế nhưng vào giây phút cuối đời, thống hối về những gì mình đã làm, khi thấy được Chúa Giêsu quá ư là tốt lành và nhân hậu, anh ta đã thành công cả nơi việc đánh cắp Nước Trời cho bản thân mình nữa: đó mới thực sự là một tên trộm tài tình!"

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Những lời Chúa Giêsu loan báo trong cuộc Khổ Nạn đạt đến tột đỉnh của chúng nơi việc tha thứ:

Chúa Giêsu tha thứ: "Lạy Cha, xin hãy tha cho họ; vì họ không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Chúng không phải chỉ là những lời nói xuông, vì chúng trở thành một tác động tha thứ cụ thể được ban cho "người trộm lành" là kẻ ở bên Người. Thánh Luca nói về hai kẻ gian ác bị đóng đanh cùng với Chúa Giêsu, những con người đã tỏ ra với Người bằng những thái độ trái ngược nhau.

Người thứ nhất xỉ nhục Người, giống như tất cả dân chúng đã xỉ nhục Người, như các vị lãnh đạo của dân chúng đã làm, thế nhưng, con người khốn nạn đáng thương này, bởi thất vọng, đã nói rằng: "Phải chăng ông là Đức Kitô? Hãy cứu lấy mình và chúng tôi nữa!" (Luca 23:39). Tiếng kêu này chứng tỏ cho thấy nỗi sầu thương của một con người đang phải đối diện với mầu nhiệm của sự chết và cho thấy cả cái nhận thức thảm thiết là chỉ duy có một mình Thiên Chúa mới là đáp ứng giải phóng duy nhất: bởi thế, không thể nào hiểu được Đấng Thiên Sai, vị được Thiên Chúa sai, lại có thể ở trên thập tự giá mà chẳng làm gì để cứu lấy bản thân mình. Nên họ chẳng hiểu được điều ấy. Họ không hiểu mầu nhiệm về việc hy tế của Chúa Giêsu. Trái lại, Chúa Giêsu đã cứu chúng ta bằng việc trên thập tự giá. Tất cả chúng ta đều biết rằng không phải là chuyện dễ việc "ở trên thập tự giá", ở với các thánh giá nho nhỏ hằng ngày của chúng ta. Người đã ở trên một cây đại thập tự giá, bằng cuộc khổ đau cả thể ấy, Người đã cứu độ chúng ta nơi đó; Người đã tỏ cho chúng ta thấy quyền toàn năng của Người ở đó và Người đã tha thứ cho chúng ta ở đó. Việc tự hiến vì yêu thương của Người được hoàn tất ở đó; ơn cứu độ của chúng ta đời đời tuôn ra từ đó. Bằng việc chết trên thập tự giá, là một Đấng vô tội giữa hai tử tội, Người đã chứng thực rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể vươn tới bất cứ một ai ở bất cứ thân phận nào, cho dù là tiêu cực và đớn đau hơn hết chăng nữa. Ơn cứu độ của Thiên Chúa giành cho tất cả chúng ta; không loại trừ một ai. Ơn cứu độ ấy được ban cho tất cả mọi người.

Bởi thế, Năm Thánh là một thời điểm ân sủng và thương xót cho tất cả mọi người, tốt cũng như xấu, những ai lành mạnh cũng như những ai khổ đau. Hãy nhớ lại dụ ngôn Chúa Giêsu nói về việc làm đám cưới cho con của một người quyền thế trên thế gian này, đó là khi những kẻ được mời không muốn tham dự thì ông nói với các người đầy tớ rằng: "Vậy thì các ngươi hãy đi ra khắp phố xá mà mời đến dự tiệc cưới nhiều người các ngươi gặp thấy" (Mathêu 22:9). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi: cả người lành lẫn kẻ dữ. Giáo Hội không chỉ cho người lành và những ai có vẻ tốt lành hay tin rằng họ tốt lành; Giáo Hội cho tất cả mọi người, thậm chí đặc biệt cho người xấu, vì Giáo Hội thương xót. Thời điểm của ân sủng và lòng thương xót này nhắc nhở chúng ta rằng không thể có thể tách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô! (xem Roma 8:39). Tôi muốn nói với những ai đang bị nằm liệt trên giường bệnh, những ai sống đời vây hãm trong ngục tù, những ai đang bị bủa vây bởi chiến tranh, hãy nhìn vào Đấng Chịu Đóng Đanh; Thiên Chúa ở cùng anh chị em, Ngài ở cùng anh chị em trên thập tự giá và hiến mình cho tất cả chúng ta như là Đấng Cứu Độ. Tôi xin nói với những anh chị em đang chịu khổ đau rất nhiều là Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh cho anh chị em, cho chúng ta, cho tất cả mọi người. Hãy để cho quyền lực của Phúc Âm thấm nhập tâm can của anh chị em và an ủi anh chị em; chớ gì quyền lực này cống hiến cho anh chị em niềm hy vọng cùng với niềm tin sâu xa rằng không một ai bị loại trừ khỏi ơn Người tha thứ. Họ chỉ cần thống hối tiến đến với Chúa Giêsu và mong được Người ôm ấp.

Đó là kẻ gian ác thứ nhất. Người kia được gọi là "kẻ trộm lành". Những lời anh ta nói là một mẫu thức tuyệt vời của lòng thống hối, một bài giáo lý tập trung vào việc làm sao để xin Chúa Giêsu tha thứ. Trước hết, anh ta quay sang người đồng bạn của mình mà nói: "Ngươi không kính sợ Thiên Chúa hay sao, vì ngươi cũng chịu cùng một án tử?" (Luca 23:40). Vậy anh ta đã nói lên được cái khởi điểm của lòng thống hối, đó là lòng kính sợ Thiên Chúa, đúng hơn là lòng kính sợ con cái với Thiên Chúa. Đó không phải là nỗi lo sợ mà là tôn kính những gì xứng với Thiên Chúa vì Ngài là Thiên Chúa. Đó là thứ tôn kính của con cái vì Ngài là Cha. Người trộm lành nhắc nhở thái độ căn bản hướng đến lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, ở chỗ nhận biết quyền toàn năng của Ngài và phẩm tính thiện hảo vô cùng của Ngài. Chính lòng kính trọng tin tưởng này là những gì giúp vào việc dọn chỗ cho Thiên Chúa và ký thác bản thân của mình cho lòng thương xót của Ngài.

Thế rồi người trộm lành tuyên xưng Chúa Giêsu vô tội và công khai thú nhận lỗi lầm của mình: "Chúng ta thực sự đáng như thế; vì chúng ta đang nhận lấy những gì xứng với các việc làm của chúng ta; thế nhưng người này có làm chi nên tội đâu" (Luca 23:41). Thế nên, Chúa Giêsu ở đó, trên thập tự giá, để ở với kẻ tội lỗi: nhờ việc gần gũi này mà Người đã cống hiến cho họ ơn cứu độ. Những gì đối với thành phần lãnh đạo cũng như với người trộm thứ nhất, đối với những ai có mặt ở đó, những ai nhạo cười Chúa Giêsu, là xấu xa tệ hại thì lại là nền tảng đức tin của người trộm thứ hai. Bởi vậy, người trộm lành đã trở thành chứng nhân của Ân Sủng; một điều không thể nghĩ tưởng lại đã xẩy ra: Thiên Chúa đã yêu thương tôi cho đến độ Người đã chết trên thập tự giá vì tôi. Chính đức tin của con người này là hoa trái của ân sủng Chúa Kitô: đôi mắt của anh ta chiêm ngắm nơi Đấng Tử Giá tình yêu của Thiên Chúa đối với anh ta là một tội nhân khốn nạn đáng thương. Thật vậy, anh ta là một tên trộm, anh ta là một kẻ cướp, anh ta đã cướp mất tất cả cuộc đời của anh ta. Thế nhưng vào giây phút cuối đời, thống hối về những gì mình đã làm, khi thấy được Chúa Giêsu quá ư là tốt lành và nhân hậu, anh ta đã thành công cả nơi việc đánh cắp Nước Trời cho bản thân mình nữa: đó mới thực sự là một tên trộm tài tình!

Sau hết, người trộm lành trực tiếp hướng về Chúa Giêsu, kêu xin Người cứu giúp: "Hỡi Ngài Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ngài vào Vương Quốc của Ngài" (Luca 23:42). Anh ta đã tin tưởng gọi đích tên của Người là "Giêsu", và vì thế anh ta đã tuyên xưng những gì chất chứa nơi danh xưng ấy: Chúa cứu": đó là ý nghĩa của tên "Giêsu". Con người ấy đã xin Giêsu nhớ đến mình. Êm ái dịu dàng biết bao nơi lời diễn tả ấy, nhân bản biết là chừng nào! Điều con người cần đó là không bị bỏ rơi, là Thiên Chúa luôn ở với họ. Bởi vậy, một con người bị án tử này đã trở thành một mô phạm cho người Kitô hữu phó mình cho Chúa Giêsu. Một con người bị lên án tử trở thành mô phạm cho chúng ta, một mô phạm cho con người, cho Kitô hữu phó mình cho Chúa Giêsu; đồng thời cũng là mô phạm của Giáo Hội, một Giáo Hội trong phụng vụ thường kêu cầu Chúa rằng: "Xin hãy nhớ... Hãy nhớ đến tình yêu của Ngài..." 

Trong khi người trộm lành nói về tương lai: "Khi nào Ngài vào Vương quốc của Ngài" thì Chúa Giêsu trả lời rằng chẳng bao lâu nữa; Người nói về hiện tại: "Hôm nay anh sẽ ở với Tôi trên Thiên Đàng" (câu 43). Vào giờ phút thập tự giá, ơn cứu độ của Chúa Giêsu lên đến tột đỉnh của mình, và lời Người hứa với kẻ trộm lành cho thấy việc hoàn thành sứ vụ của Người, đó là sứ vụ cứu độ các tội nhân. Vào lúc mở màn cho thừa tác vụ của mình, trong hội đường Nazarét, Chúa Giêsu đã loan báo việc "giải thoát những kẻ bị giam cầm" (Luca 4:18); ở Giêrico, trong nhà của tên tội nhân công khai là Giakêu, Người đã tuyên bố rằng: "Con Người - tức là Người - đến là để tìm kiếm và cứu với kẻ trầm hư" (Luca 19:9). Trên thập tự giá, hành động cuối cùng của Người cho thấy việc hiện thực hóa dự án cứu độ ấy. Từ đầu cho đến cuối Người đã tỏ ra Người là Lòng Thương Xót, Người đã tỏ mình ra là hiện thân chính yếu bất khả tái diễn của tình yêu của Cha. Chúa Giêsu thực sự là dung nhan của lòng thương xót Cha. Người trộm lành đã gọi đích danh Người: "Giêsu". Đó là một lời nguyện vắn tắt và tất cả chúng ta đều có thể thực hiện nhiều lần trong ngày sống: "Giêsu", chỉ kêu "Giêsu". Hãy làm như vậy suốt cả ngày.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-two-thieves/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý