GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

General Audience 9.21.2016

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 19-10-2016

 

GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 30

 

 

"Trong một thế giới chẳng may bị nhiễm phải thứ vi khuẩn lãnh

 đạm, các việc làm của lòng thương xót là một thứ thuốc khử

trùng tốt nhất".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

 

Trong các bài giáo lý trước đây, chúng ta đã tiến vào mầu nhiệm cao cả của lòng thương xót Chúa một chút. Chúng ta đã suy niệm về tác động của Chúa Cha nơi Cựu Ước, rồi sau đó, qua các trình thuật Phúc Âm, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót như thế nào nơi những lời Người nói cũng như nơi các cử chỉ của Người. Thế rồi Người cũng đã dạy các môn đệ của Người rằng: "Các con hãy thương xót như Cha của các con là Đấng thương xót" (Luca 6:36). Đó là một cuộc dấn thân thách đố lương tâm và hành động của hết mọi Kitô hữu. Thật vậy, không thể nào cảm nghiệm lòng thương xót Chúa cho đủ trong đời sống của mình; bất cứ ai đã lãnh nhận lòng thương xót của Ngài cũng cần phải trở thành một dấu hiệu và dụng cụ của lòng thương xót ấy đối với người khác. Hơn nữa, lòng thương xót không được giành cho những giây phút đặc biệt nào đó, mà cần phải bao gồm cả cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

 

Vậy thì chúng ta có thể trở thành chứng nhân của lòng thương xót như thế nào đây? Chúng ta đừng nghĩ rằng cần phải thực hiện những nỗ lực cả thể hoặc những cử chỉ siêu việt. Không, không phải thế. Chúa đã cho chúng ta thấy một đường lối giản dị hơn nhiều, bao gồm những cử chỉ nho nhỏ mà ở trước nhan Ngài lại có một giá trị to lớn, cho đến độ Người đã nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ được phán xét căn cứ vào những điều ấy. Thật vậy, một trong những trang tuyệt vời nhất của Phúc Âm Thánh Mathêu cho chúng ta thấy một giáo huấn chúng ta có thể một cách nào đó coi như là "di chúc của Chúa Giêsu" theo vị thánh ký này, vị đã trực tiếp cảm nghiệm thấy nơi bản thân mình tác động của Lòng Thương Xót. Chúa Giêsu nói rằng mỗi khi chúng ta cho người đói ăn và cho người khát uống, chúng ta cho người trần trụi được mặc và tiếp đón kẻ xa lạ, chúng ta thăm viếng bệnh nhân hay tù nhân, là chúng ta làm điều ấy cho Người (xem Matheu 25:31-46). Giáo Hội đã gọi những cử chỉ này là "thương xác bẩy mối", vì chúng đáp ứng các nhu cầu vật chất của những con người ấy.

 

Tuy nhiên, cũng có bảy việc làm khác của lòng thương xót được gọi là về "tinh thần" (biệt chú: tiếng Việt là "thương linh hồn bẩy mối"), những việc liên quan với những nhu cầu quan trọng tương đương khác, nhất là ngày nay, vì chúng đụng chạm tới thâm cung của con người và thường làm cho họ đau khổ hơn. Tất cả chúng ta chắc hản là nhớ đến một câu nói đã trở thành ngôn ngữ chung: "Việc nhẫn nại chịu đựng làm day dứt con người ta". Có thể nó là một cái gì đó không quan trọng cho lắm, khiến chúng ta mỉm cười, nhưng nó chất chứa một thứ tình cảm đầy bác ái yêu thương; và sáu mối thương linh hồn khác cũng cần phải nhắc lại, đó là an ủi kẻ âu lo, mở dạy kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội, an ủi kẻ âu lo, tha kẻ dể ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

 

Trong các bài giáo lý tới đây, chúng ta sẽ dừng lại ở các việc làm ấy, những việc được Giáo Hội nêu lên cho chúng ta như là cách thức cụ thể để sống lòng thương xót. Vậy nhiều người trải qua các thế kỷ đã thực hành các việc ấy, nhờ đó cống hiến chứng từ đức tin chân thực. Hơn nữa, Giáo Hội, trung thành với Chúa, ôm ấp một tình yêu thương đặc biệt đối với những ai yếu kém nhất. Họ thường là những con người gần chúng ta nhất, cần đến việc giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta không cần phải kiếm cách thực hiện những nỗ lực chiếm đạt nào đó. Tốt hơn là chúng ta hãy bắt đầu bằng nỗ lực đơn giản nhất, được Chúa cho thấy là cần nhất. Trong một thế giới chẳng may bị nhiễm phải thứ vi khuẩn lãnh đạm, các việc làm của lòng thương xót là một thứ thuốc khử trùng tốt nhất. Thật vậy, chúng dạy chúng ta chú ý tới những nhu cầu căn bản nhất nơi "những người anh chị em hèn mọn nhất" của chúng ta (Mathêu 25:40) là thành phần Chúa Giêsu hiện diện. Để nhận biết dung nhan của Người nơi gương mặt của những ai thiếu thốn đó là một thách đố thực sự đối với tính lãnh đạm. Chúng ta cần phải luôn tỉnh thức, đừng vô tình để cho Chúa Kitô băng ngang qua chúng ta. Đó là ý nghĩa câu nói của Thánh Âu-Quốc-Tinh: "Timeo Iesum transeuntem" (Bài Giảng 88,14,13). Tôi đã ngẫm nghĩ về lý do tại sao Thánh Âu Quốc Tinh đã nói rằng ngài sợ Chúa Giêsu băng ngang qua. Câu trả lời, tiếc thay, ở nơi hành vi cử chỉ của chúng ta, vì chúng ta thường bị phân tâm, lãnh đạm, nên khi Chúa đến gần với chúng ta thì chúng ta lại đánh mất đi cơ hội được gặp gỡ Người.

 

Những công việc của lòng thương xót làm bừng lên trong chúng ta tính chất khẩn trương và khả năng làm cho đức tin sống động và chủ động bởi đức ái. Tôi xác tín rằng, bằng những cử chỉ đơn giản hằng ngày này, chúng ta có thể thực hiện một cuộc cách mạng thực sự về văn hóa, như đã xẩy ra trong quá khứ. Biết bao nhiêu vị Thánh vẫn được tưởng nhớ đến hôm nay đây không phải bởi các việc làm lớn lao được các vị thực hiện mà vì đức ái các vị đã có thể truyền đạt! Chúng ta nghĩ đến Mẹ Têrêsa, vị vừa được tôn phong hiển thánh: chúng ta không nhớ đến mẹ vì mẹ đã thiết lập nhiều nhà phục vụ trên thế giới này, mà vì mẹ đã cúi xuống trên từng người mẹ gặp thấy trên đường phố để phục hồi lại phẩm giá cho họ. Biết bao nhiêu là trẻ em bị bỏ rơi được mẹ ấp ủ trong vòng tay của mẹ; biết bao nhiêu là người hấp hối, trước ngưỡng cửa của cõi vĩnh hằng, mẹ đã hỗ trợ bằng việc nắm lấy bàn tay của họ! Những việc làm của lòng thương xót này là những đường nét trên Dung Nhan Chúa Giêsu Kitô, Đấng chăm sóc những người anh chị em hèn mọn nhất của Người, để mang đến cho từng người trong họ niềm êm ái dịu dàng và sự gần gữi của Thiên Chúa. Xin Thánh Linh thắp lên trong chúng ta khát vọng sống cái lối sống ấy; chớ gì chúng ta thuộc lòng các việc làm của lòng thương xót về thể lý và tinh thần, và xin Chúa giúp chúng ta thực hành chúng hằng ngày.

 


https://zenit.org/articles/general-audience-on-works-of-mercy/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý