GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

 TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 19-10-2016

 

GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 30

 

 

"Lúc nào cũng có ai đó đói khát cần đến tôi. Tôi không thể đẩy họ cho bất cứ một ai khác.

Người nghèo này cần đến tôi, cần đến việc giúp đáp của tôi, đến lời lẽ của tôi, đến việc dấn thân của tôi.

Tất cả chúng ta đều là những người trong cuộc".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Cái được gọi là "an sinh phúc lợi - wellbeing" là một thứ hậu quả dẫn con người ta đến chỗ thu mình lại, khiến họ trở nên vô cảm trước các nhu cầu của kẻ khác. Mọi sự được thực hiện để lừa dối họ, cho họ thấy những kiểu mẫu phù du của đời sống, những gì rồi cũng sẽ biến mất sau một vài năm, như thể đời sống của chúng ta là một thứ thời trang để theo đuổi và đổi thay theo mùa. Không phải thế. Cần phải chấp nhận thực tại và đối diện với những gì xẩy ra, và chúng ta thường gặp những tình huống khẩn trương cần thiết. Chính vì thế mà tiếng kêu của người đói khát được liệt kê trong số các việc làm tỏ lòng thương xót: cho kẻ đói ăn - rất ư là nhiều người hôm nay đây - và cho kẻ khát uống. Biết bao nhiêu lần truyền thông đại chúng thông tin cho chúng ta biết về thành phần dân chúng đang thiếu của ăn nước uống, kèm theo các hậu quả trầm trọng, nhất là đối với trẻ em.

Trước một số tin tức, nhất là một số hình ảnh, quần chúng cảm thấy xúc động và hết lần này đến lần khác đã phát động những chiến dịch để phấn khích tình đoàn kết. Các cuộc quyên góp thì dồi dào nhờ đó người ta có thể góp phần vào việc xoa dịu khổ đau của nhiều người. Hình thức bác ái này là những gì quan trọng, thế nhưng, có lẽ nó không trực tiếp liên quan đến chúng ta. Trái lại, khi chúng ta đi trên đường phố và bất chợt gặp một người thiếu thốn, hay một người nghèo đến gõ cửa nhà của chúng ta, thì lại rất khác, vì chúng ta không còn đứng trước một hình ảnh nữa mà chúng ta đích thân ở trong cuộc. Không còn một khoảng cách nào giữa tôi và anh ta hay cô ta, và tôi cảm thấy khó xử. Bần cùng theo nghĩa trừu tượng thì không gây khó khăn cho chúng ta, thế nhưng khi chúng ta thấy bần cùng nơi xác thịt của một con người nam, của một người nữ, của một con trẻ, chúng ta mới thấy khó xử. Vì thế mà chúng ta hay có thói tránh né người thiếu thốn, không đến gần họ, bóp méo một cách nào đó cái thực tại của con người thiếu thốn này, bằng những thói quen thời trang để tách mình ra khỏi thực tại này.

Khi tôi bất chợt gặp họ, không còn bất cứ một khoảng cách nào giữa tôi và con người nghèo ấy, thì ở vào những trường hợp như vậy, tôi tỏ ra phản ứng ra sao? Tôi có hướng ánh mắt đi chỗ khác và đi băng ngang qua họ hay chăng? Hay tôi dừng lại để nói chuyện với họ và chú ý tới tình trạng của họ? Và nếu anh chị em làm thế, người ta sẽ không ngần ngại nói rằng: "Đúng là khùng, tại sao hắn lại nói chuyện với một con người nghèo nàn ấy chứ!" Tôi có tỏ ra như thể tôi có thể tiếp nhận con người ấy một cách nào đó chăng, hay tôi cố gắng làm sao để thoát khỏi con người ấy sớm bao nhiêu có thể? Thế nhưng có lẽ người ấy chỉ đang xin những gì cần thiết thôi: một cái gì để ăn và để uống. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: biết bao nhiêu lần chúng ta đọc "Kinh Lạy Cha", nhưng chúng ta không thật sự chú ý tới những lời: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày".

Có một Thánh Vịnh trong Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa là Đấng "ban bánh cho tất cả mọi xác phàm" (136:25). Kinh nghiệm của kẻ đói khổ thì ác nghiệt. Ai mà trải qua những giai đoạn chiến tranh đã nếm thấy nó. Tuy nhiên, trải nghiệm đói khổ này được lập lại hằng ngày và nó xẩy ra ngay bên cạnh những gì là dồi dào và hoang phí. Những lời của Tông Đồ Giacôbê lúc nào cũng hợp thời hết: "Anh em ơi, có hay ho chăng khi ai đó bảo rằng mình có đức tin mà lại không có việc làm chứ? Đức tin ấy có thể cứu họ được chăng? Nếu một người anh em hay chị em không có gì để mặc và không có của ăn hôm đó, mà một người trong anh em lại nói cùng họ rằng: 'Hãy đi bằng an, ăn cho no mặc cho ấm', nhưng anh em không cống hiến cho họ những nhu cầu về thân xác, thì có ích gì chứ? Bởi vậy, chính đức tin cũng thế, nếu nó không có việc làm là một đức tin chết" (2:14-17), vì đức tin ấy không có khả năng làm việc, làm việc bác ái, yêu thương. Lúc nào cũng có ai đó đói khát cần đến tôi. Tôi không thể đẩy họ cho bất cứ một ai khác. Người nghèo này cần đến tôi, cần đến việc giúp đáp của tôi, đến lời lẽ của tôi, đến việc dấn thân của tôi. Tất cả chúng ta đều là những người trong cuộc.

Cũng thế, giáo huấn Chúa Giêsu dạy trong Phúc Âm, đó là khi thấy nhiều người đã đi theo Người lâu giờ, thì Người hỏi các môn đệ rằng: "Chúng ta mua ở đâu cho đủ lương thực cho họ ăn đây?" (Gioan 6:5). Các môn đệ đã trả lời: "Làm sao được chứ, tốt hơn xin Thày giải tán họ đi...". Trái lại, Chúa Giêsu bảo các vị rằng: "Không, chính các con hãy lo cho họ ăn" (xem Marco 14:16). Các vị đã đưa cho Người ít ổ bánh và cá các vị có được, Người ban phép lành trên chúng, bẻ chúng ra và bảo các vị phân phát cho mọi người. Đây là một bài học rất quan trọng đối với chúng ta. Nó nói với chúng ta rằng cái nhỏ bé chúng ta có, nếu chúng ta ký thác nó trong bàn tay của Chúa Giêsu và chia sẻ nó bằng đức tin thì nó sẽ trở nên bội phần phong phú.

Trong Thông Điệp Yêu Thương trong Chân Lý, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định rằng: "Việc cho kẻ đói ăn là một đạo lệnh đối với Giáo Hội hoàn vũ... Quyền được có của ăn, như quyền có nước uống, nắm một vị thế quan trọng trong việc theo đuổi các quyền lợi khác... Bởi thế cần phải vun trồng một lương tâm chung coi của ăn và phương tiện có nước uống là những quyền lợi phổ quát của tất cả mọi con người, không phân biệt hay kỳ thị" (khoản 27). Chúng ta đừng quên những lời của Chúa Giêsu: "Tôi là bánh sự sống" (Gioan 6:35) và "ai khát hãy đến với Tôi mà uống" (Gioan 7:37). Những lời này là một khích động tất cả tín hữu chúng ta, một khích động nhận biết rằng mối iên hệ của chúng ta với Thiên Chúa là những gì được chứng tỏ ở chỗ cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống, một Vị Thiên Chúa đã tỏ ra nơi Chúa Giêsu dung nhan thương xót của Ngài.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-giving-food-to-hungry-drink-to-thirsty/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý