GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 26-10-2016
GIÁO LÝ NĂM THÁNH THƯƠNG XÓT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 32
"Các việc làm tỏ lòng thương xót theo thể lý, những việc làm Chúa Giêsu đã cống hiến cho chúng ta để đức tin của chúng ta luôn sinh động và năng động. Những việc làm này là những gì hiển nhiên cho thấy Kitô hữu không mệt mỏi và lười biếng trong lúc chờ đợi cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, nhưng họ đi gặp Người mỗi ngày, nhận biết dung nhan của Người nơi gương mặt của nhiều con người cần giúp đỡ."
Xin chào anh chị em thân mến!
Chúng ta tiếp tục chia sẻ về các việc làm tỏ lòng thương xót theo thể lý, những việc làm Chúa Giêsu đã cống hiến cho chúng ta để đức tin của chúng ta luôn sinh động và năng động. Thật thế, những việc làm này là những gì hiển nhiên cho thấy Kitô hữu không mệt mỏi và lười biếng trong lúc chờ đợi cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa, nhưng họ đi gặp Người mỗi ngày, nhận biết dung nhan của Người nơi gương mặt của nhiều con người cần giúp đỡ. Hôm nay, chúng ta suy niệm về lời này của Chúa Giêsu: "Ta là khách lạ các con đã tiếp rước Ta, Ta trần trụi các con đã mặc cho Ta" (Mathêu 25:35-36). Việc làm liên quan đến thành phần khách lạ này lại càng hợp thời hơn nữa ở vào thời buổi của chúng ta đây. Tình trạng khủng hoảng kinh tế, những cuộc xung đột võ trang và hiện tượng thay đổi khí hậu đang đẩy nhiều người đi vào con đường di tản. Tuy nhiên, những cuộc di dân không phải là một hiện tượng mới mẻ mà thuộc về lịch sử của nhân loại. Nếu nghĩ rằng hiện tượng này chỉ xẩy ra vào thời buổi của chúng ta đây thì quả là đã bị mất đi ký ức lịch sử.
Thánh Kinh cống hiến cho chúng ta nhiều trường hợp cụ thể về việc di dân. Chỉ cần nghĩ đến tổ phụ Abraham cũng đủ. Tiếng Chúa kêu gọi ông lìa bỏ xứ sở của ông để đi đến một nơi khác: "Người hãy rời bỏ xứ sở của ngươi cùng thân thuộc của người và nhà của cha ngươi mà đi đến mảnh đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" (Khởi Nguyên 12:1). Cũng thế với dân Israel, thành phần từ Ai Cập là nơi họ đã từng làm nô lệ, lên đường 40 năm trong sa mạc cho đến khi họ tiến đến được Đất Hứa Chúa ban. Chính Thánh Gia - Mẹ Maria, Thánh Giuse và Bé Giêsu - đã buộc phải di tản để thoát khỏi mối đe dọa Hêrôđê: "Giuse đã chỗi dậy mà đem Con Trẻ cùng Mẹ của Người đêm hôm ấy sang Ai Cập, nơi ngài đã lưu lại cho đến khi Hêrôđê băng hà" (Mathêu 2:14-15). Lịch sử của nhân loại là lịch sử của các cuộc di dân: ở tất cả mọi vĩ tuyến không có một dân tộc nào mà không trải qua hiện tượng di dân.
Bởi thế, trong tiến trình trải qua của các thế kỷ chúng ta đã chứng kiến thấy những thể hiện cao cả về tình đoàn kết, cho dù không thiếu những căng thẳng về xã hội. Hôm nay, tiếc thay, cái bối cảnh của tình trạng khủng hoảng về kinh tế đã làm phát sinh ra những thái độ khép kín và khước từ. Các bức tường cùng với những thứ rào cản mọc lên ở một số phần đất trên thế giới. Đôi khi dường như việc làm âm thầm của nhiều con người nam nữ, thành phần dấn thân bằng những đường lối khác nhau để giúp đỡ và hỗ trợ những người tỵ nạn và di dân bị lấn át đi bởi cái ồn ào của những kẻ chỉ biết la hò cho một thứ chủ nghĩa vị kỷ theo bản năng. Thế nhưng việc khép kín không phải là một giải pháp; trái lại, nó tạo cơ hội thuận lợi cho việc chuyển buôn tội ác (criminal trafficking). Chỉ có một cách duy nhất đó là cách giải quyết theo tình đoàn kết - đoàn kết với người di dân, đoàn kết với kẻ xa lạ.
Việc dấn thân của Kitô hữu trong lãnh vực này là những gì khẩn trương lúc này đây cũng như trong quá khứ. Chỉ cần nhìn lại thế kỷ vừa qua, chúng ta nhớ lại hình ảnh lạ lùng về Thánh Francis Cabrini, vị đã hiến cả đời mình, cùng với đồng bạn của mình, cho những người di dân ở Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ngày nay, chúng ta cũng vẫn cần đến những chứng từ này để lòng thương xót có thể vươn tới nhiều người đang cần tới chúng ta. Đó là một cuộc dấn thân bao gồm hết mọi người; không trừ ai. Các giáo phận, các giáo xứ, các Dòng Tu, các Hội Đoàn và các Phong Trào, cũng như cá nhân Kitô hữu, chúng ta tất cả đều được kêu gọi để tiếp nhận những người anh chị em đang vượt thoát chiến tranh, đói khổ, bạo động cũng như các tình trạng sống bất nhân. Cùng nhau tất cả chúng ta là một lực lượng lớn lao đối với tất cả những ai bị mất xứ sở của họ, gia đình, việc làm và phẩm giá của họ.
Mấy hôm trước đây đã xẩy ra một chuyện nho nhỏ ở trong thành phố này. Một người tỵ nạn đang tìm đường đi thì có một người đàn bà tiến đến với anh ta mà nói: "Hình như anh đang tìm kiếm gì đó phải không?" Người tỵ nạn đó không có giầy để đi. Anh ta đã nói: "Tôi muốn đến Đền Thờ Thánh Phêrô để được bước qua Cửa Thánh". Người đàn bá ấy đã suy nghĩ: "Thế nhưng anh ta lại không có giầy thì làm sao anh ta đi được?" Nên bà ta đã gọi một chiếc taxi. Thế nhưng người di dân ấy, người tỵ nạn ấy lại hôi hám khiến người tài xế hầu như không muốn để anh ta vào xe, thế rối cuối cùng ông cũng để anh ta ngồi vào taxi của ông. Trong khi xe chạy, người đàn bà ngồi bên cạnh anh ta đã hỏi anh ta về câu chuyện làm sao anh ta lại là một người tỵ nạn và di dân: phải mất đến 10 phút xe mới tới nơi. Anh ta đã kể câu truyện đau thương, chiến tranh và đói khổ của mình và lý do tại sao anh ta đã thoát khỏi xứ sở của anh ta mà đến đây. Khi tới nơi, người đàn bà mở xách tay của mình ra để trả tiền cho tài xế taxi, và người tài xế, người thoạt tiên không muốn cho kẻ di dân ấy vào trong xe vì anh ta hôi hám, đã nói với người đàn bà này rằng: "Thưa bà, thôi nhé, tôi đáng lẽ phải trả cho bà mới phải vì bà đã giúp tôi nghe được câu chuyện khiến tôi đã thay lòng đổi dạ". Người đàn bà này đã biết được cái đau đớn của một người di dân, vì bà mang giòng máu Armenia và biết được nỗi khốn khổ của dân bà. Khi chúng ta làm một điều gì đó kiểu như vậy; thoạt tiên chúng ta chối từ vì nó khiến chúng ta khó chịu, "nhưng mà ... hắn hôi hám...". Thế rồi cuối cùng câu chuyện xẩy ra đã xức thơm linh hồn chúng ta và làm cho chúng ta được biến đổi. Hãy nghĩ đến câu chuyện này và chúng ta hãy nghĩ xem những gì chúng ta có thể làm cho những người tỵ nạn.
Một điều khác nữa đó là cho người trần trụi được mặc: phải chăng cử chỉ này có nghĩa là phục hồi phẩm giá cho những ai bị mất mát phẩm giá? Thật vậy, việc cống hiến quần áo cho những ai thiếu thốn áo quần, chúng ta cũng nghĩ đến các nạn nhân nữ giới của việc chuyển buôn bị quẳng ra ngoài đường phố, hay đến những người khác nữa, có quá nhiều cách thức để sử dụng thân xác con người ta như một thứ hàng hóa, cho dù là của các em vị thành niên. Rồi tình trạng không việc làm, chẳng nhà ở, lương bất công đều là một thứ hình thức trần trụi, hay bị kỳ thị bởi chủng tộc hoặc vì niềm tin - tất cả chúng đều là những hình thức 'trần trụi', những gì Kitô hữu chúng ta được kêu gọi để chú trọng tới, tỉnh táo xem và sẵn sàng nhập cuộc.
Anh chị em thân mến, chúng ta đừng để mình rơi vào cạm bẫy của tình trạng co cụm bản thân mình lại, tỏ ra lãnh đạm trước các nhu cầu của những người anh chị em của chúng ta và chỉ quan tâm đến lợi ích tư riêng của chúng ta. Chính ở nơi cách thức chúng ta hướng về người khác mà đời sống mới trở nên phong phú, xã hội mới tái hữu hòa bình và con người mới phục hồi được trọn vẹn phẩm giá của mình. Đừng quên người đàn bá đó, đừng quên người di dân hôi hám đó và đừng quân người tài xế được biến đổi tâm hồn nhờ người di dân đó.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-welcoming-the-stranger-clothing-the-naked/
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm
theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý