GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Đức Thánh Cha Phanxicô - Triều Kiến Chung Thứ
Tư 10/2/2016
Giáo Lý Năm Thánh - Bài
6
"Năm toàn xá của Thánh Kinh là một 'năm toàn xá của lòng thương xót', vì
nó được
sống trong việc chân thành tìm kiếm thiện ích của người
anh chị em thiếu thốn".
Xin chào Anh Chị Em thân mến cho một hành trình Mùa Chay tốt đẹp!
Thật là hay cùng ý nghĩa cho buổi Triều Kiến Chung hôm nay vào
chính Thứ Tư Lễ Tro. Chúng ta bắt đầu cuộc hành trinh Mùa Chay của chúng ta và
hôm nay chúng ta dừng lại để suy về việc thiết lập "năm toàn xá" thuở xa xưa;
năm toàn xá này là một điều cổ xưa, được
Thánh Kinh chứng thực. Chúng ta đặc biệt thấy năm toàn xá này ở trong
Sách Levi là nơi trình bày về năm này như là một thời điểm tột đỉnh của đời sống
tôn giáo và xã hội của dân Yến Duyên (Israel).
Cứ mỗi 50 năm, "vào ngày xóa tội" (Levi 25:9), thời điểm kêu cầu tình thương của
Chúa xuống trên tất cả dân chúng, thì có tiếng kèn vang lên loan báo biến cố
giải phóng trọng đại. Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong Sách Levi như thế này:
"Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm toàn xá và sẽ tuyên cáo trong xứ
lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với các ngươi, đó là thời kỳ toàn xá:
năm mà mỗi người trong các ngươi sẽ trả lại phần sản vật của họ, mỗi người trong
các ngươi sẽ trả họ về cho gia đình của họ. Trong năm toàn xá này, mỗi người
trong các ngươi sẽ trả lại phần sở hữu của họ" (25:10,13). Căn cứ vào những chỉ
thị này thì nếu có ai buộc phải bán đi đất đai hay nhà cửa của họ thì trong năm
toàn xá họ có thể nhận lại nó; và nếu có ai mắc nợ nần, vì không thể trang trải,
mà phải làm tôi phục vụ chủ nợ thì họ có thể được tự do về lại với gia đình của
họ và chiếm lại tất cả tài sản của họ.
Nó là một thứ "tổng xá - general amnesty" cho phép tất cả mọi
sự trở về với tình trạng nguyên thủy của mình, bằng việc hủy bỏ tất cả mọi
sự nợ nần, hoàn lại đất đai, và cơ hội lại được hoan
hưởng tự do như là phần tử của Dân Chúa. Một dân
"thánh", nơi có những qui định, như những qui định về năm thánh, giúp
chiến đấu với nghèo khổ và bất công, bảo đảm một đời sống xứng đáng cho tất
cả mọi người và một sự phân phối công bằng về đất đai để cư ngụ cũng
như để làm ăn sinh sống. Vấn đề chính yếu ở đây đó là đất đai từ đầu là
những gì thuộc về Thiên Chúa và đã được trao phó cho con người (xem Khởi
Nguyên 1:28-29), bởi thế không ai có thể vơ chiếm trái phép cho mình độc
quyền sở hữu, gây ra tình trạng bất quân bình.
Chúng ta có thể nghĩ đến và nghĩ lại về ngày nay đây;
mỗi một người cần phải nghĩ trong lòng mình xem mình có quá nhiều thứ hay
chăng. Thế nhưng tại sao chúng ta lại
không để chúng cho những ai chẳng có gì chứ? Mười phần
trăm, 50%... chẳng hạn, tôi nghĩ thế: xin Thánh Linh tác động mỗi một người
trong anh chị em.
Trong năm toàn
xá này, ai đã trở nên nghèo khổ có lại những gì cần đề
sống, và ai đã trở nên giầu có thì hồi lại cho người nghèo những gì người
giầu đã lấy đi từ họ. Mục đích
nhắm tới đó là làm sao để tạo nên được một
xã hội dựa trên căn bản của sự quân bình và đoàn kết,
nơi mà tự do, đất đai và tiền bạc trở nên một sự thiện cho tất cả mọi người
chứ không phải chỉ cho một số nào đó, như đang xẩy ra. Nếu tôi không nhầm
thì ... không nhiều thì ít, con số không chắc lắm, 80% mức giầu có của nhân
loại đang nằm ở trong tay chưa đầy 20% dân số thế giới. Năm toàn
xá - tôi nói như thế khi nhớ lại lịch sử ơn cứu độ của
chúng ta - là năm cần phải lật ngược lại, nhờ đó cõi lòng của chúng ta trở
nên rộng lớn hơn, quảng đại hơn, là một người con của Chúa hơn, tăng thêm
yêu thương hơn. Tôi muốn nói cùng anh chị em điều này, đó là nếu ước muốn
này, nếu năm toàn xá này không đụng chạm đến cái túi
của chúng ta thì không còn là năm toàn xá nữa. Anh
chị em có hiểu
không? Điều ấy ở trong
Thánh Kinh đấy! Vị Giáo Hoàng này không tạo tĩnh ra nó đâu: nó ở trong Thánh
Kinh. Như tôi đã nói, mục đích nhắm tới đó là làm sao tạo được một xã
hội cân bằng và đoàn kết, nơi mà tự
do, đất đai và tiền bạc trở nên một sự thiện cho tất cả mọi người chứ không
phải chỉ cho một số nào đó. Thật vậy, năm toàn xá này
có phận vụ giúp cho dân chúng sống một tình huynh đệ cụ thể, một tình
huynh đệ được làm nên bởi việc tương trợ nhau. Chúng ta có thể nói rằng năm
toàn xá của Thánh Kinh là một "năm toàn xá của lòng thương xót", vì
nó được sống trong việc chân thành tìm kiếm thiện ích của người
anh chị em thiếu thốn.
Theo chiều hướng này, các việc thiết
lập khác cùng các luật lệ khác cũng chi phối đời sống
của Dân Chúa, nhờ đó họ có thể cảm nghiệm thấy lòng thương xót của Chúa qua
tình thương của con người. Chẳng hạn, luật trong thánh
kinh đã qui định cống hiến "thuế thập phân - tithe" là những gì được
cấp cho những thày Levi đặc
trách việc thờ phượng, thành phần không có đất đai, cũng như cho
người nghèo, cho những người mồ côi và góa
bụa (xem Đệ Nhị Luật 14:22-29). Tức là 10% từ việc thu
hoạch mùa màng,
hay từ các hoạt động khác, phải được cống hiến cho những ai không được bảo
vệ và ở trong tình trạng thiếu thốn, nhờ đó tạo nên những điều
kiện cho sự bình đẳng tương đối trong một dân tộc mà
tất cả mọi người đều phải tác hành như là anh chị em với nhau.
Cũng có những điều luật liên quan đến
"các hoa trái đầu mùa". Luật này như thế nào? Phần đầu của mùa gặt
hái, phần quí báu nhất, là phần cần phải được chia sẻ với những thày Levi
cũng như với những ai xa lạ (xem Đệ Nhị Luật 18:4-5;
26:1-11), thành phần không có ruộng vườn, để cả họ nữa đất đai cũng trở
thành nguồn dinh dưỡng và sự sống. "Không được bán đất đai
một cách vĩnh viễn, vì đất là của Ta; vì các ngươi là
những kẻ xa lạ và lưu trú đối
với Ta", Chúa phán (Levi 25:23). Tất
cả chúng ta đều là khách của Chúa trông đợi quê hương thiên đình của chúng
ta (xem Do Thái 11:13-16; 1Phêrô 2:11), được kêu gọi để làm cho
thế giới là nơi đón nhận chúng ta trở thành
một chỗ khả trú và nhân bản. Có bao nhiêu là "hoa trái đầu mùa" mà những
người được may lành có thể cống hiến cho những ai đang gặp khó khăn! Có bao
nhiêu là hoa trái đầu mùa! Các hoa trái đầu mùa không phải chỉ từ các ruộng
vườn mà còn từ hết mọi sản phẩm của công khó, của lương bổng, của dành dụm,
của rất nhiều điều có được mà đôi khi bị phung
phí đi. Ngày nay điều này cũng đang
xẩy ra. Rất nhiều bức thư gửi đến cho những việc
Bác Ái của Tòa Thánh kèm theo một chút tiền bạc: "Đây là phần lương bổng của
con để giúp người khác". Thật là đẹp; để giúp người khác, những cơ quan an
sinh xã hội, các nhà thương, những nhà tĩnh dưỡng...; cũng trao tặng cho cả
những người ngoại kiều, những ai xa lạ và qua đường. Chúa Giêsu đã từng là
kiều cư ở Ai Cập.
Thật vậy, vì lý do đó,
Thánh Kinh đã thiết tha huấn dụ là hãy quảng đại đáp ứng nhu cầu cho vay
mượn mà không cấn phải tính toán cho vừa và
cũng không lấy lời
quá sức: "Nếu anh em của ngươi trở nên nghèo khổ và
không thể trang trải cho ngươi thì
ngươi phải nâng đỡ họ; họ sẽ sống với ngươi như là một
khách lạ và là một kẻ lưu trú. Không được lấy lãi ăn lời
từ họ" (Levi 25:35-37). Giáo huấn này bao giờ cũng là
những gì hợp thời. Có bao nhiêu gia đình đang sống
ngoài đường phố, những nạn nhân của nặng nợ! Chúng ta hãy cầu xin để
trong năm toàn xá này, Chúa cất đi khỏi tất cả lòng
chúng ta ước muốn có hơn nữa - cho vay nặng lãi.
Nhờ đó chúng ta trở về với lòng quảng đại
rộng lượng. Biết bao nhiêu là trường hợp cho vay nặng
lãi chúng ta cảm thấy ngượng ngùng nhìn thấy và biết bao nhiêu là khổ đau và
buồn rầu gây ra cho các gia đình! Rất thường xẩy ra là, vì thất vọng, biết
bao nhiêu là người đã tự tử kết liễu đời mình vì cuối cùng họ không thể trả
và chẳng còn hy vọng gì, họ không có những bàn
tay vươn ra giúp đỡ họ; ngoài bàn tay đến để dòi họ
phải trả tiền lời. Cho vay nặng lãi là một trọng tội;
nó là một tôi thấu đến Thiên Chúa. Trái lại, Chúa đã hứa ban phúc
lành cho ai mở bàn tay mình ra để hào phóng ban tặng (xem Đệ Nhị Luật
15:10). Ngài sẽ ban cho anh chị em gấp đôi, không phải bằng tiền bạc mà còn
bằng những điều khác nữa, nhưng Chúa bao giờ cũng ban cho anh chị em
gấp đôi.
Anh chị em thân mến, sứ điệp thánh kinh này rất rõ ràng, đó là hãy hãy
can đảm cởi mở bản thân mình ra cho việc chia sẻ và đó là lòng thương xót! Nếu
chúng ta muốn được Thiên Chúa thương
xót, chúng ta cũng phải
bắt đầu thực hành nó. Vấn đề là thế này: chúng ta bắt đầu thực hành
nó giữa đồng bào của mình, giữa các gia đình,
giữa các dân nước, giữa các châu lục. Việc góp
phần mang lại một mảnh đất không có người nghèo nghĩa là việc
xây dựng một xã hội không có những thứ kỳ thị, được đặt trên nền tảng
tình đoàn kết là những gì dẫn đến việc chia sẻ cái mình
có, bằng việc phân phối các nguồn lợi theo tình huynh đệ và công bằng. Xin
cám ơn anh chị em.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-giving-of-our-riches-to-share-with-the-poor/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và
những chỗ nhấn mạnh tự ý)
Xin mời
coi thêm các
video clips phụ họa sau đây:
Đoạn Video Clip dài 2 phút 54 giây tường
trình buổi triều kiến chung Thứ Tư 10/2/2016
http://www.romereports.com/2016/02/10/pope-francis-if-we-want-god-to-be-merciful-to-us-it-must-come-from-us-first
Đoạn Video Clip dài 2 phút 14 giây về
sự kiện Đức Thánh Cha xuống xe đến bên một anh chị em nằm trên giường
http://www.romereports.com/2016/02/10/touching-moment-between-the-pope-and-a-patient-on-a-stretcher
Đoạn Video Clip dài 3 phút 3 giây tóm
tắt bài giáo lý của Đức Thánh Cha
http://www.romereports.com/2016/02/10/pope-francis-explains-the-origin-of-the-jubilee-in-the-bible
Đoạn Video Clip dài 1 tiếng
16 phút
44 giây về
toàn buổi triều kiến chung Thứ Tư 10/2/2016
http://www.romereports.com/2016/02/10/live-pope-francis-leads-his-weekly-general-audience