GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - GIÁO LÝ NĂM THÁNH TÌNH THƯƠNG - BÀI 7
THỨ TƯ 24/2/2016
"Chúa Giêsu Kitô là Vua đích thực, thế nhưng quyền lực của Người hoàn toàn khác hẳn.
Ngai tòa của Người là thập tự giá. Người không phải là một ông Vua tàn sát, trái lại, Người ban sự sống"
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Chúng ta tiếp tục những bài giáo lý về tình thương trong Thánh Kinh. Ở một số đoạn có kể đến thành phần quyền lực, vua chúa, những con người "cao vời" cũng như đến tính chất ngạo mạn của họ cùng với việc lạm dụng quyền bính của họ. Giầu sang và quyền lực là các thực tại có thể tốt lành và hữu dụng cho công ích, nếu phục vụ người nghèo và tất cả mọi người, một cách công bằng và bác ái. Tuy nhiên, cũng rất hay thường xẩy ra là nếu chúng được sống ung dung một cách vị kỷ và kiêu hãnh thì chúng biến thành các thứ khí cụ băng hoại và chết chóc. Đó là những gì đã xẩy ra cho vườn nho của Nabo trong Sách Các Vua Quyển 1, đoạn 21, mà chúng ta đang suy niệm hôm nay đây.
Bản văn Thánh Kinh này đã thuật lại rằng Vua Ahab của Israel đã muốn mua vườn nho của một người tên là Nabo, vì vườn nho của người này sát cận với cung đình. Dự trù có vẻ hợp lệ, thậm chí lại còn tỏ ra quảng đại nữa, thế nhưng, ở Israel, các sản vật về đất đai được coi là những gì bất khả chuyển nhượng. Thật vậy, Sách Levi đã qui định rằng: "Không được bán đất đai bất khả thâu hồi; vì đất là của Ta, và các ngươi chỉ là kiều cư ở dưới quyền của Ta" (25:23). Đất là những gì linh thánh, vì nó là tặng ân của Chúa, bởi thế nó cần phải được bảo vệ và gìn giữ vì nó là dấu của phúc lành thần linh, một phúc lành được truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia và là một thứ bảo đảm cho phẩm giá của tất cả mọi người. Bởi thế người ta mới hiểu được câu trả lời tiêu cực của Nabo với Nhà Vua: "Có Chúa chứng giám là tôi không được nhượng cho vua gia sản của cha ông tôi" (21:3).
Bị từ chối như thế, Vua Ahab đã có một phản ứng cay đắng và nhục nhã. Vua cảm thấy mình bị xúc phạm, vì ông là Vua có quyền thế! Vua cảm thấy mình bị hạ cấp nơi quyền bính thượng tôn của mình, và bị vỡ mộng vì không thể chiếm được cái mình muốn sở hữu. Thấy vua quá bực tức, người vợ của vua là Jezebel, một hoàng hậu ngoại bang, người thừa hưởng việc tôn thờ ngẫu tượng và đã ra lệnh sát hại các tiên tri của Chúa (xem 1Kings 18:4), - bà ta không phải là thứ bần tiện, bà ta là người gian ác! - đã quyết nhúng tay vào. Những lời lẽ bà ta thưa cùng vua rất đáng chú ý. Hãy nghe cái gian ác ở đằng sau người đàn bà này: "Vua không phải là người cai trị dân Israel hay sao? Nào hãy chỗi dạy, ăn uống và tâm hồn vui lên. Thiếp sẽ trao cho bệ hạ vườn nho của Nabo người Jezreelite" (câu 7). Bà ta đã đặt nặng thế giá và quyền lực của nhà Vua, mà theo cách nhìn của bà về uy quyền của vua thì uy quyền này đã có vấn đề trước lời từ chối của Nabo. Trái lại, bà coi quyền lực là một cái gì tuyệt đối và vì thế hết những gì mà một nhà vua quyền lực đã muốn đều là một lệnh truyền. Vị đại Thánh Ambrosio đã viết một tập sách nhỏ về đoạn trình thuật này. Tập sách mang tựa đề là "Nabo". Chúng ta cần đọc tập sách này trong Mùa Chay này. Nó rất hay; nó rất cụ thể.
Khi nhớ lại những điều ấy, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng "các con biết rằng những kẻ cầm quyền của Dân ngoại cai trị họ và những ai làm lớn thì tỏ ra uy quyền trên họ. Thế nhưng giữa các con thì không được như thế. Trái lại, ai muốn làm lớn trong các con thì làm đầy tớ của các con; ai muốn là đầu thì là nô lệ của các con" (Mathêu 20:25-27). Nếu không có chiều kích phục vụ thì quyền lực bị biến thành ngạo mạn và trở thành thống trị cũng như đàn áp. Chính điều ấy đã xẩy ra trong trình thuật về vườn nho của Nabo. Jezebel, không cần đắn đo suy nghĩ, quyết loại trừ Nabo và thi hành dự án của mình. Bà ta sử dụng chiêu bài gian dối của một thứ pháp lý đồi bại: bà đã nhân danh nhà Vua để gửi thư cho những vị trưởng lão và những kẻ có máu mặt trong thành, truyền họ làm chứng gian tố cáo Nabo đã công khai nguyền rủa Thiên Chúa và nhà Vua, một tội ác cần phải bị tử hình. Câu chuyện kết thúc như thế, ở chỗ, sau khi Nabo chết đi nhà Vua đã chiếm hữu vườn nho của Nabo. Đó không phải là câu chuyện của một thời điểm nào khác, mà là câu chuyện của ngày hôm nay đây, câu chuyện của thành phần quyền lực, thành phần có dư tiền bạc, khai thác người nghèo, khai thác dân chúng. Nó là câu chuyện về việc buôn người, về lao động nô dịch, về thành phần nghèo khổ lương bổng tối thiểu làm giầu cho thành phần quyền lực. Nó là câu chuyện về những chính trị gia băng hoại bao giờ cũng muốn nhiều, nhiều, nhiều hơn nữa! Bởi thế mà tôi nói rằng chúng ta cần đọc tập sách của Thánh Ambrosio về Nabo, vì nó là một tập sách hợp thời.
Hãy coi những nơi việc thi hành quyền bính thiếu tôn trọng sự sống, bất công, bất lương sẽ đi đến đâu. Và hãy coi cái khát vọng quyền lực dẫn đến những gì: nó trở thành lòng tham lam muốn chiếm hữu hết mọi sự. Vấn đề này được đặc biệt sáng tỏ trong một đoạn của Sách Tiên Tri Isaia. Ở đó Chúa muốn con người ta phải canh chừng lòng tham lam của thành phần địa chủ giầu có lúc nào cũng muốn có thêm nhà cửa ruộng vườn đất đai. Tiên Tri Isaia nói rằng:
Khốn
thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia
nối
thêm ruộng này đến ruộng khác,
tới
mức không còn chỗ trống nào
và chỉ còn một mình các người ở lại trong xứ! (5:8 - theo bản dịch của Nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh)
Tiên Tri Isaia không phải là một người Cộng sản! Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng cao cả hơn lỗi lầm và những trò chơi bẩn thỉu do con người đạo diễn. Nơi lòng thương xót của mình, Ngài đã sai tiên tri Êlia đến giúp cho Ahab hoán cải. Giờ đây chúng ta lật sang trang mới để thấy được câu chuyện tiếp tục ra sao? Thiên Chúa thấy rõ tội ác và ngõ cửa lòng Ahab, và đối diện với tội lỗi của mình, vị Vua này đã nhận thức, hạ mình và xin tha thứ. Thật là tốt đẹp biết bao nếu thành phần quyền lực khai thác ngày nay cũng làm như thế! Chúa đã chấp nhận việc thống hối của vua; dầu sao thì một con người vô tội đã bị sát hại, và việc vấp phạm sẽ phải chịu hậu quả bất khả tránh của nó. Thật vậy, sự dữ xẩy ra lưu lại những dấu vết đau đớn của nó, và lịch sử của con người hằn những vết thương.
Trong trường hợp này lòng thương xót cho thấy cách thức chính yếu cần phải theo đuổi. Lòng thương xót có thể chữa lành các vết thương và thay đổi lịch sử. Thế nhưng, hãy mở lòng mình ra cho lòng thương xót! Lòng thương xót Chúa mạnh mẽ hơn tội lỗi của con người. Ahab là một thí dụ điển hình! Chúng ta biết được quyền lực của lòng thương xót, khi chúng ta nhớ lại việc Con Thiên Chúa hóa thân làm người đến để hủy diệt sự dữ bằng lòng tha thứ của mình. Chúa Giêsu Kitô là Vua đích thực, thế nhưng quyền lực của Người hoàn toàn khác hẳn. Ngai tòa của Người là thập tự giá. Người không phải là một ông Vua tàn sát, trái lại, Người ban sự sống. Người đến với tất cả mọi người, nhất là những ai yếu kém nhất, khống chế cảnh lẻ loi cô đơn và vận mệnh chết chóc do tội lỗi gây ra. Bằng việc gần gũi và mềm mại, Chúa Giêsu Kitô dẫn các tội nhân đến chốn ân sủng và ơn tha thứ. Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
https://zenit.org/articles/general-audience-on-mercy-changing-history/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ
nhấn mạnh tự ý)
http://www.romereports.com/all-news
xin bấm vào cái link trên đây để tìm đến đúng các linhs dưới đây
http://www.romereports.com/2016/02/24/the-pope-at-the-general-audience-warns-politicians-of-the-social-responsibility-that-they-have
tóm tắt bài giáo lý - đoạn video
clip dài 3:37
http://www.romereports.com/2016/02/24/pope-at-the-general-audience-how-nice-would-it-be-if-the-powerful-today-would-ask-for-forgiveness
tường trình biến cố triều kiến
chung - đoạn video clip dài 3:06