GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 16/3/2016

 

 

 

 

GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG NĂM THÁNH TÌNH THƯƠNG - BÀI 9

 

 

Pope at Audience CTV

 

 

 

"Chúa là Đấng trung thành, Ngài không để ai bị thất vọng.

Thiên Chúa yêu thương bằng một tình yêu vô biên, một tình yêu cho dù là tội lỗi cũng không thể cản trở, và nhờ Ngài mà tâm can của con người mới được tràn đầy niềm vui và nỗi ủi an".

Xin chào Anh Chị Em thân mến,

Trong Sách Tiên Tri Giêrêmia, đoạn 30 và 31 được gọi là "Cuốn Sách của Niềm Ủi An", vì trong đó lòng thương xót Chúa tỏ ra hết sức an ủi và mang lại niềm hy vọng cho tâm can của những ai khốn khổ. Hôm nay chúng ta cũng muốn nghe lại sứ điệp ủi an này.

Tiên Tri Giêrêmia ngỏ cùng dân Israel bị lưu đầy đến một xứ lạ và báo cho biết trước việc họ trở về quê hương của họ. Cuộc trở về này là dấu hiệu cho thấy tình yêu vô cùng của Thiên Chúa là Cha không bao giờ bỏ rơi con cái của mình, nhưng chăm sóc họ và cứu vớt họ. Cuộc lưu đầy là một cảm nghiệm tàn bại của dân Israel. Đức tin của họ bị nao núng nơi đất khách quê người, không Đền Thờ, không phụng tự, sau khi chứng kiến thấy quê hương của mình bị phá hủy, thật khó lòng mà tiếp tục tin tưởng vào sự thiện hảo của Chúa. Hình ảnh hiện lên đó là một đất nước Albania không xa đây lắm, sau khi trải qua biết bao nhiêu là bách hại và hủy hoại đã có thể chỗi dậy một cách xứng đáng và tin tưởng như thế nào. Đó là cách thức dân Israel đã phải chịu đựng ở chốn lưu đầy.

Chúng ta có những lúc cũng có thể trải qua một thứ lưu đầy nào đó, khi lẻ loi cô độc, khổ đau, chết chóc làm cho chúng ta nghĩ chúng ta bị Thiên Chúa bỏ rơi. Chúng ta vẫn thường nghe những lời như "Thiên Chúa đã quên tôi mất rồi" thốt ra từ những con người đang đau khổ và cảm thấy bị bỏ rơi. Tuy thế, có biết bao nhiêu là anh chị em của chúng ta, vào lúc này đây, đang trải qua một tình trạng lưu đầy thực sự và thảm thương, xa cách quê hương của họ, vẫn còn bị chấn động trước cảnh nhà cửa của họ bị tàn rụi, vẫn còn cảm thấy sợ hãi trong tâm can và buồn thay thường khóc thương vì bị mất đi những người thân yêu của họ! Trong những trường hợp ấy người ta tự hỏi Chúa đang ở đâu đây? Làm sao lại có thể xẩy ra quá nhiều đau khổ cho những con người vô tội nam, nữ, và trẻ em được chứ? Khi họ cố gắng tìm cách tiến vào thì họ đụng phải những cánh cửa đóng lại. Họ ở đó, ở tại biên giới vì có rất nhiều cánh cửa và rất nhiều cõi lòng khép kín. Những người di dân hôm nay đây đang chịu lạnh lẽo không có của ăn. Họ không thể lọt vào bên trong. Họ cảm thấy không được đón nhận. Tôi cảm thấy thật sự là vui khi nghe thấy và nhìn thấy các quốc gia, các thẩm quyền mở lòng và mở cửa mình ra!

Tiên Tri Giêrêmia cống hiến cho chúng ta một đáp ứng đầu tiên. Thành phần dân bị lưu đầy có thể trở về để thấy lại đất nước của họ và cảm thấy lòng thương xót Chúa. Đó là cả một sứ điệp an ủi: Thiên Chúa không vắng khuất, thậm chí cả ở ngày hôm nay đây trong những tình trạng thảm thương ấy, Thiên Chúa vẫn gần kề và thực hiện những việc cứu độ cao cả cho những ai tin tưởng vào Ngài. Người ta không được buông xuôi theo thất vọng mà hãy tiếp tục tin tưởng rằng thiện thắng ác, và Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ cùng giải thoát chúng ta khỏi tất cả những nỗi sợ hãi. Bởi thế mới có những lời lẽ yêu thương Thiên Chúa qua miệng Tiên Tri Giêrêmia ngỏ cùng dân của Ngài rằng:

"Ta đã yêu thương các ngươi bằng một tình yêu vĩnh hằng; bởi vậy Ta đã tiếp tục trung thành với các ngươi. Ôi Israel trinh nữ, Ta sẽ tái thiết các ngươi và các ngươi sẽ vươn lên! Các ngươi sẽ ôm trống và tiến lên nhẩy múa hân hoan" (31:3-4). Chúa là Đấng trung thành, Ngài không để ai bị thất vọng. Thiên Chúa yêu thương bằng một tình yêu vô biên, một tình yêu cho dù là tội lỗi cũng không thể cản trở, và nhờ Ngài mà tâm can của con người mới được tràn đầy niềm vui và nỗi ủi an.

Giấc mơ an ủi về cuộc hồi hương được tiếp tục nơi những lời vị tiên tri này nói khi hướng đến những ai trở về Giêrusalem như sau:

"Họ sẽ tiến đến và hát vang trên đỉnh núi Sion, và họ sẽ hớn hở rạng ngời trước sự thiện hảo của Chúa, trước lúa miến, rượu và dầu, và với đàn thú trẻ trung; đời sống của họ sẽ trở nên như một ngôi vườn tươi mát và họ sẽ không còn ủ dũ tiêu điều" (31:12).

Trong nỗi hân hoan và niềm tri ân, thánh phần lưu đầy sẽ trở về Sion, trèo lên núi thánh hướng về Nhà Chúa, nhờ thế họ lại có thể dâng lên Chúa là Đấng đã giải thoát họ những bài thánh ca và kinh nguyện. Cuộc trở về Giêrusalem này và vẻ hào phóng của nó được diễn tả bằng một động tự theo nghĩa đen là "tuôn trào, tuôn chảy". Dân chúng được thấy nơi một chuyển động ngược như một giòng sông ngập lụt tuôn chảy lên chỗ đất cao của Sion, trèo ngược lên đỉnh núi. Đó là một hình ảnh đậm nét cho thấy lòng thương xót Chúa lớn lao cao cả biết bao!

Mảnh đất mà dân chúng ta đành phải bỏ bê đã bị kẻ thù cướp đoạt và tàn phá. Thế nhưng, bấy giờ nó hồi sinh và tái triển nở. Chính thành phần bị lưu đầy sẽ giống như một khu vườn tươi tốt, một mảnh đất phì nhiêu. Israel, được Chúa dẫn về lại quê hương của mình, tham dự vào cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết và của phúc lành trên nguyền rủa.

Vậy dân này được Thiên Chúa củng cố và an ủi. Chữ quan trọng ở đây là được an ủi! Thành phần hồi hương lãnh nhận sự sống từ một bể nước tha hồ tưới dội họ.

Đến đây vị tiên tri loan báo cái trọn vẹn của niềm vui, và một lần nữa nhân danh Thiên Chúa mà tuyên bố rằng:

"Ta sẽ biến việc than khóc của họ thành niềm vui, Ta sẽ an ủi họ và ban cho họ niềm vui bù lại sầu thương" (31:13).

Có một bài Thánh Vịnh nói cho chúng ta biết rằng khi họ hồi hương thì miệng lưỡi của họ nở ra nụ cười; nó là một niềm vui trọng đại như thế đó! Nó là một tặng ân Chúa cũng muốn ban cho mỗi một người chúng ta, bằng việc ơn Ngài tha thứ làm biến đổi và hòa giải.

Tiên Tri Giêrêmia đã cống hiến cho chúng ta sứ điệp này, cho thấy cuộc trở về của thành phần lưu đầy như là một biểu hiệu cao cả của ơn an ủi được ban cho tấm lòng biết hoán cải. Về phần mình, Chúa Giêsu đã hoàn trọn sứ điệp này của vị tiên tri ấy. Cuộc trở về thực sự và trọn vẹn khỏi chốn lưu đầy và thứ ánh sáng an ủi sau cuộc khủng hoảng đức tin, được cảm nghiệm thấy nơi Lễ Phục Sinh, nơi cảm nghiệm trọn vẹn và tối hậu về tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu nhân hậu mang lại niềm vui, an bình và sự sống đời đời.  

 

 

http://www.romereports.com/2016/03/16/live-follow-the-pope-s-general-audience-from-the-vatican

(Đoạn video clip dài 1 tiếng 14 phút 53 giây toàn bộ buổi triều kiến chung hôm nay)

 

http://www.romereports.com/2016/03/16/pope-during-general-audience-god-offers-possibility-of-a-new-beginning

(đoạn video clip dài 3 phút 34 giây tóm bài giáo lý của ĐTC)

http://www.romereports.com/2016/03/16/pope-francis-if-you-feel-lonely-or-suffer-remember-that-god-is-with-you

(đoạn video clip dài 2 phút 49 giây tóm gọn chung buổi triều kiến chung)