GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ - BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 6/4/2016

 

Bài Giáo Lý về LTXC 11

 

 

General Audience

 

"Chúa Giêsu, Người Con được Cha sai đến,

thực sự là khởi điểm của lòng thương xót cho toàn thể nhân loại!"

 

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Sau khi chia sẻ về lòng thương xót Chúa ở trong Cựu Ước, hôm nay chúng ta bắt đầu suy niệm về cách thức Chính Chúa Giêsu hoàn trọn lòng thương xót Chúa này. Thật vậy, Chúa Giêsu là lòng thương xót đã hóa thành nhục thể - một lòng thương xót được Người luôn bày tỏ, hiện thực và truyền đạt, ở hết mọi giây phút trong cuộc đời trần thế của Người. Khi gặp gỡ đám đông, khi loan báo Phúc Âm, khi chữa lành bệnh nhân, khi tiến đến với người thấp hèn, khi tha thứ cho tội nhân, Chúa Giêsu đều thể hiện tình yêu thương với tất cả mọi người, không trừ một ai! Tình yêu thương này cũng hướng tới tất cả mọi người một cách vô hạn. Đó là một tình yêu thương tinh tuyền, nhưng không và tận tuyệt, một tình yêu thương lên tới tột đỉnh của mình nơi hy tế Thánh Giá. Phải, Phúc Âm thực sự là "Phúc Âm Thương Xót", vì Chúa Giêsu là Lòng Thương Xót!

Tất cả 4 Phúc Âm đều chứng thực rằng, trước khi thực hiện thừa tác vụ của mình, Chúa Giêsu muốn lãnh nhận Phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả (Matheu 3:13-17; Marco 1:9-11; Luca 3:21-22; Gioan 1:29-34). Biến cố này đánh dấu một chiều hướng quyết liệt nơi toàn thể sứ vụ của Đức Kitô. Thật vậy, Người đã không tỏ Bản Thân Người ra cho thế giới trong vinh quang rạng ngời của Đền Thờ: Người có thể làm thế mà, Người đã không để cho Mình được loan báo bằng kèn trống tưng bừng: Người có thể làm như thế chứ, Người thậm chí không đến trong bộ áo của một vị thẩm phán: Người có thể làm như vậy mà. Trái lại, sau 30 năm sống đời ẩn dật ở Nazarét, Chúa Giêsu đã đến sông Jordan, cùng với nhiều người trong dân của Người, và Người đứng xếp hàng cùng với các tội nhân. Người đã không hổ thẹn; Người ở đó với mọi người, với thành phần tội nhân, để lãnh nhận phép rửa. Bởi thế, ngay từ ban đầu thừa tác vụ của mình, Người đã tỏ Mình ra như Đấng Thiên Sai, vị mang thân phận con người vì tình liên kết và lòng cảm thương. Như Người đã tự nhận Mình trong hội đường Nazarét, khi minh định Người ở nơi lời của tiên tri Isaia: "Thần Linh Chúa ở trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi để tôi mang tin mừng cho kẻ nghèo khó. Ngài đã sai tôi đi loan báo tự do cho kẻ bị giam cầm và phục quang cho người bị mù lòa, giải thoát kẻ bị áp bức, và loan báo năm hồng ân của Chúa" (Luca 4:18-19).

Tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm sau khi lãnh nhận Phép Rửa đều hiện thực hóa chương trình nguyên thủy của Người, đó là mang đến cho tất cả mọi người tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa; Chúa Giêsu không mang đến lòng ghen ghét, Người không mang đến những gì là hận thù: Người mang tình yêu thương đến cho chúng ta! - một tình yêu cao cả, một tấm lòng hướng về tất cả mọi người, tất cả chúng ta! - một tình yêu thương cứu độ!

Người đích thân gần gũi với người thấp kém, truyền đạt cho họ lòng thương xót Chúa, đó là ơn tha thứ, niềm vui và sự sống mới. Chúa Giêsu, Người Con được Cha sai đến, thực sự là khởi điểm của lòng thương xót cho toàn thể nhân loại! Những ai hiện diện trên bờ sông Jordan đã không hiểu ngay tầm quan trọng nơi cử chỉ của Chúa Giêsu. Chính Thánh Gioan Tẩy Giả đã tỏ ra ngỡ ngàng trước quyết định của Người (xem Mathêu 3:14) - chứ không phải của Cha trên trời! Ngài đã phán ra từ trời rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha; Cha rất hài lòng về Con" (Marco 1:11).

Như thế là Cha đã xác nhận đường lối được Người Con thực hiện với tư cách là Đấng Thiên Sai, trong khi đó Thánh Linh đã đậu xuống trên Người dưới hình một con chim bồ câu. Có thể nói tâm can của Chúa Giêsu hiệp nhất với tâm can của Chúa Cha và của Thần Linh, cho tất cả mọi người thấy rằng ơn cứu độ là hoa trái của lòng thương xót Chúa.

Chúng ta có thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm cao cả của tình yêu này thậm chí còn rõ hơn nữa bằng việc gắn mắt của chúng ta lên Chúa Giêsu tử giá. Trong khi Người gần chết cho thành phần tội nhân chúng ta thì Người lại nài xin Chúa Cha rằng: "Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết những gì họ làm" (Luca 23:34). Chính ở trên Thánh Giá mà Chúa Giêsu dâng cho lòng thương xót Cha tội lỗi của thế giới này, tội lỗi của tất cả mọi người, tội lỗi của tôi, tội lỗi của anh chị em. Và ở đó, trên Thánh Giá, Người dâng chúng lên Cha. Cùng với tội lỗi của thế giới tất cả mọi tội lỗi của chúng ta đều được hủy bỏ. Không một sự gì và không một ai bị loại trừ khỏi lời cầu nguyện hy tế này của Chúa Giêsu. Nghĩa là chúng ta không được sợ nhận mình và xưng mình là tội nhân. Biết bao lần chúng ta nói: "Nhưng họ là một tội nhân, họ đã làm điều này điều nọ...", và chúng ta phán xét người khác. Còn anh chị em thì sao? Mỗi người trong chúng ta cần phải tự vấn xem: Đúng, họ là một tội nhân, còn Tôi thì sao? Tất cả chúng ta đều là tội nhân, thế nhưng tất cả chúng ta đã được tha thứ: tất cả chúng ta đều có cơ hội để được ơn tha thứ là lòng thương xót Chúa này. Bởi thế, chúng ta không được sợ nhận mình là tội nhân, xưng mình là tội nhân, vì hết mọi tội lỗi đều được sinh xuất bởi Người Con này trên Thánh Giá. Khi chúng ta hối hận xưng thú nó, phó thác bản thân mình cho Người, chúng ta chắc chắn được tha thứ. Bí Tích Hòa Giải thực sự mang lại cho mỗi người sức mạnh của ơn tha thứ xuất phát từ Thánh Giá và tái diễn trong đời sống chúng ta ân sủng của lòng thương xót do Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta! Chúng ta không được sợ những cái khốn nạn của chúng ta; mỗi người chúng ta có những thứ khốn nạn riêng. Quyền năng yêu thương của Đấng Tử Giá bất chấp các chướng ngại và chẳng bao giờ hao mòn, và lòng thương xót này hủy bỏ đi những gì khốn nạn của chúng ta.

Anh chị em thân mến, trong Năm Thánh này, chúng ta hãy xin Thiên Chúa ơn cảm nghiệm thấy quyền năng của Phúc Âm: một Phúc Âm của lòng thương xót biến đổi, làm cho chúng ta tiến vào cõi lòng của Thiên Chúa, giúp chúng ta có thể tha thứ và nhìn thế giới một cách nhân hậu hơn nữa. Nếu chúng ta lãnh nhận Phúc Âm của Đấng Tử Giá Phục Sinh, thì toàn thể đời sống của chúng ta được khuôn đúc bởi sức mạnh của tình Người yêu thương làm cho chúng ta canh tân đổi mới.

 

https://zenit.org/articles/general-audience-on-gods-mercy-made-flesh/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)