GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Đức Thánh Cha Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin CN III Thường Niên C 24/1/2016
Xin chào anh chị em thân mến!
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca, trước khi trình bày bài nói ở Nazarét về hoạch trình hoạt động của Chúa Giêsu, đã vắn gọn tóm tắt công việc truyền bá phúc âm hóa. Đó là công việc Người đang hoàn thành bằng quyền năng Thánh Linh: Lời của Người là những gì chính gốc, vì lời ấy tỏ cho thấy cái cảm quan về Thánh Kinh; lời ấy là một lời có thẩm quyền, vì Người truyền lệnh thì các thần ô uế cũng phải tuân theo (xem Marco 1:27). Chúa Giêsu khác với các vị thày vào thời của Người. Chẳng hạn, Chúa Giêsu không mở trường cho việc học hỏi về lề luật, nhưng Người đã đi khắp nơi để giảng và dạy, như trong các hội đường, ở phố xá, nơi các ngôi nhà. Chúa Giêsu cũng khác với Gioan Tẩy Giả, vị loan báo phán quyết sắp giáng xuống của Thiên Chúa, còn Chúa Giêsu công bố ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Theo tưởng tượng, chúng ta giờ đây tiến vào hội đường Nazarét, khu làng Chúa Giêsu đã sống cho tới năm Người khoảng 30 tuổi. Những gì đã xẩy ra ở đó là một biến cố quan trọng, một biến cố phác họa sứ vụ của Chúa Giêsu. Người đã đứng dậy để đọc Thánh Kinh. Người mở cuộn sách của tiên tri Isaia và thấy ngay đoạn được viết rằng: "Thần Linh Chúa ở trên tôi, vì Ngài đã xức dầu cho tôi để tôi mang tin mừng cho người nghèo khó". Thế rồi, sau một giây lát im lặng đầy trông đợi về phía mọi người, Người mới nói trước nỗi bàng hoàng sửng sốt chung rằng: "Hôm nay, đoạn Thánh Kinh mà quí vị nghe thấy ấy đã được ứng nghiệm".
Truyền bá phúc âm hóa cho người nghèo khó: Đó là sứ vụ của Chúa Giêsu, theo như những gì chính Người nói; đó cũng là sứ vụ của Giáo Hội cũng như của hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa trong Giáo Hội. Là Kitô hữu và là một nhà truyền giáo cũng là một. Việc loan truyền Phúc Âm bằng lời nói, thậm chí trước lời nói, bằng đời sống của mình, là đích điểm chính yếu của cộng đồng Kitô hữu cũng như của từng phần tử thuộc cộng đồng này.
Hiển nhiên là Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng cho hết mọi người không trừ một ai; tuy nhiên, Người ưu tiên cho những ai xa cách nhất, những ai khổ đau, những ai bệnh hoạn, những ai bị xã hội loại trừ.
Thế nhưng, chúng ta hãy tự vấn xem. Việc truyền bá phúc âm hóa cho người nghèo khó nghĩa là gì? Nghĩa là trên hết hãy gần gũi với họ, hân hoan được phục vụ họ, giúp họ thoát khỏi bị đàn áp, và làm tất cả những điều ấy nhân danh Chúa Kitô và với Thần Linh của Chúa Kitô, vì Người là Phúc Âm của Thiên Chúa. Người là Tình Thương của Thiên Chúa. Người là việc giải phóng của Thiên Chúa. Người là Đấng đã trở nên nghèo khó để chúng ta trở thành giầu có nhờ cái nghèo khó của Người. Bản văn Isaia, được vững chắc hơn nhờ một số điều chỉnh của Chúa Giêsu, cho thấy rằng việc loan báo cứu độ về Vương Quốc của Thiên Chúa, những gì đã đến giữa chúng ta, được ưu tiên ngỏ cùng thành phần sống bên lề xã hội, thành phần tù nhân, thành phần bị áp bức.
Có lẽ vào thời của Chúa Giêsu những con người này không phải là trọng tâm của cộng đồng đức tin. Và chúng ta có thể tự hỏi mình rằng: ngày nay, trong các cộng đồng giáo xứ của chúng ta, các hội đoàn của chúng ta, các phong trào của chúng ta, chúng ta có tỏ ra trung thực với hoạch trình của Chúa Kitô hay chăng? Việc truyền bá phúc âm hóa cho người nghèo, mang tin mừng cho họ có phải là những gì ưu tiên hay chăng? Hãy ý tứ: đây không phải là cống hiến việc trợ giúp xã hội, lại càng không phải là hoạt động chính trị. Nó cần phải được thực hiện bằng quyền lực của Phúc Âm Thiên Chúa, Đấng hoán cải cõi lòng, chữa lành những ai bị thương tích, biến đổi các mối liên hệ của con người và xã hội theo lý lẽ yêu thương. Thật vậy, người nghèo là tâm điểm chính của Phúc Âm.
Xin Trinh Nữ Maria, Mẹ của các nhà truyền bá phúc âm hóa, giúp chúng ta mạnh mẽ cảm thấy cái đói khát Phúc Âm đang hiện diện trên thế giới này, nhất là nơi tâm can và xác thịt của người nghèo - và giúp cho mỗi một người và hết mọi người chúng ta, cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu, được biết làm chứng một cách cụ thể cho tình thương Chúa Kitô là những gì đã cống hiến cho chúng ta.
http://www.news.va/en/news/