GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Đức Thánh Cha Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin CN 2 Thường Niên,
với Ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn và thăm Hội Đường Do Thái
"Câu chuyện
tiệc cưới ở Cana mời gọi chúng ta hãy tái nhận thức rằng Chúa Giêsu
không đến với chúng ta như là một vị quan tòa sẵn sàng lên án tội lỗi của
chúng ta, hay như một vị chỉ huy đòi chúng ta buộc phải mù quáng tuân theo
các mệnh lệnh của ông ta; Người tỏ ra như là Đấng Cứu Thể của nhân loại, như
người anh em, như đại ca của chúng ta, Con của Chúa Cha: như Đấng đáp ứng
các điều mong đợi cùng với những hứa hẹn hân hoan ở trong lòng mỗi người
chúng ta".
Xin chào anh chị em thân mến!
Bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay trình thuật biến cố phép lạ xẩy
ra ở Cana, một khu làng ở Galilêa, trong một buổi tiệc cưới có sự hiện diện
của Mẹ Maria, Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Người (xem Gioan
2:1-11). Người mẹ, Mẹ Maria, đã báo cho Con mình biết rằng hết rượu mất rồi,
và Chúa Giêsu, sau khi đã nói với mẹ rằng giờ của mình chưa tới cũng
vẫn đáp ứng yêu cầu của Mẹ và cống hiến cho cặp vợ chồng thứ rượu ngon nhất
bữa tiệc. Vị Thánh ký đã ghi nhận rằng: "Chúa Giêsu đã làm điều ấy như
mở đầu cho các dấu lạ của Người ở Cana Xứ Galilêa để tỏ vinh quang của Người
ra, làm cho các môn đệ của Người bắt đầu tin vào Người" (câu 11).
Bởi vậy, các
phép lạ là những dấu chỉ đặc biệt kèm theo việc rao giảng Tin Mừng, để khơi
lên hay củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu. Nơi
phép lạ ở Cana, chúng ta có thể thấy một hành động nhân lành về phía Chúa
Giêsu đối với đôi
tân hôn, một dấu hiệu
chúc phúc của Thiên Chúa cho hôn nhân. Tình
yêu giữa người nam và người nữ vì thế là con đường tốt đẹp để sống Phúc Âm,
tức là để hân hoan tiến bước trên con đường thánh thiện.
Thế nhưng, phép lạ ở Cana không phải chỉ liên quan đến cô dâu
chú rể mà thôi. Hết
mọi người đều được kêu gọi để gặp gỡ Chúa như Chàng Rể của cuộc đời
mình. Đức tin Kitô giáo là một tặng ân chúng ta đã nhận được nơi Phép Rửa
giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Đức tin này trải qua những lúc vui
lúc buồn, khi sáng khi tối, như xẩy ra nơi bất cứ cảm nghiệm thực sự yêu
thương nào. Câu
chuyện tiệc cưới ở Cana mời gọi chúng ta hãy tái nhận thức rằng Chúa Giêsu
không đến với chúng ta như là một vị quan tòa sẵn sàng lên án tội lỗi của
chúng ta, hay như một vị chỉ huy đòi chúng ta buộc phải mù quáng tuân theo
các mệnh lệnh của ông ta; Người tỏ ra như là Đấng Cứu Thể của nhân loại, như
người anh em, như đại ca của chúng ta, Con của Chúa Cha: như Đấng đáp ứng
các điều mong đợi cùng với những hứa hẹn hân hoan ở trong lòng mỗi người
chúng ta.
Bởi thế, chúng ta hãy tự vấn xem:
Tôi có thực sự biết Chúa như thế hay chăng? Tôi có cảm thấy Người gần gũi
tôi trong cuộc đời của tôi hay chăng? Và tôi có đang đáp ứng nhịp điệu của
thứ tình yêu phối ngẫu được Người tỏ cho tất cả chúng ta thấy, cho mỗi một
con người hay chăng? Chính vì để hiện thực điều ấy mà
Chúa Giêsu tìm kiếm chúng ta và mời gọi chúng ta hãy giành chỗ cho Người ở
thâm cung cõi
lòng của chúng ta. Trong cuộc
hành trình đức tin này với Người, chúng ta không bị lẻ loi cô độc; chúng
ta đã lãnh nhận được tặng ân Máu của
Chúa Kitô. Những
chum nước bằng đá to lớn được Chúa
Giêsu đổ đầy nước để biến
thành rượu (câu 7) là dấu hiệu về cuộc chuyển từ Cựu Ước sang Tân Ước: thay
vì là thứ nước được sử dụng cho nghi thức thanh tẩy thì chúng ta đã lãnh
nhận được Máu của Chúa Giêsu đổ ra một cách bí tích nơi Thánh Thể và một
cách đẫm máu nơi Cuộc Khổ Nạn và Thánh Giá. Các
Bí Tích, tuôn ra từ Mầu Nhiệm Vượt Qua, thấm nhập nơi chúng ta sức mạnh siêu
nhiên và giúp cho chúng ta có thể hoan hưởng tình thương vô biên của Thiên
Chúa.
Xin Trinh Nữ Maria, mô phạm về việc suy niệm những lời nói và
cử chỉ của Chúa, giúp chúng ta tái nhận thức đức tin về vẻ đẹp và kho tàng
của Thánh Thể cũng như các bí tích khác là những gì hiện thực hóa hơn bao
giờ hết tình yêu thủy chung của Thiên Chúa đối với chúng ta. Vậy chúng ta
hãy càng lúc càng say yêu Chúa Giêsu là Vị Hôn Phu của chúng ta, và
nghênh đón Người với cây đèn sáng ngời
niềm tin hân hoan của chúng ta để hơn bao giờ hết trở
thành chứng nhân của Người trên thế giới này.
(Sau Kinh Truyền Tin, ngài còn nói thêm:)
Anh chị em thân mến,
Hôm nay đánh dấu Ngày Thế Giới Di Dân và Tị
Nạn, một ngày, trong bối cảnh của Năm Thánh Tình Thương, cũng được cử hành
như Năm Thánh Tình Thương của Người Di
Dân. Bởi thế, tôi hết sức xúc động hân
hoan chào đón các cộng đồng thiểu số đang hiện diện
nơi đây từ khắp miền đất ở Ý, nhất là ở Lazio. Anh chị
em di dân và tị nạn thân mến, mỗi một người anh chị em đều mang theo một
thứ lịch
sử, một nền văn
hóa, những giá trị quí
báu; tiếc thay, lại thường trải qua cảnh nghèo khổ, bị áp bức và lo âu sợ
hãi. Sự hiện diện của anh chị em ở quảng đường đây là một dấu hiệu hy vọng
nơi Thiên Chúa. Đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng và niềm vui sống là
những gì xuất phát từ cảm nghiệm thấy được Lòng Thương Xót Chúa, cũng
như nhờ ở những ai chào đón anh chị em và giúp đỡ
anh chị em. Băng qua Cửa Thánh và Thánh Lễ mà chốc nữa đây anh chị em cảm
nghiệm thấy sẽ làm cho cõi lòng của anh chị em tràn đầy bình an. Trong Thánh
Lễ này, tôi muốn cám ơn - và tôi cũng xin tất
cả anh chị em cùng với tôi cám ơn - những tù nhân ở
nhà tù Opera về những bánh lễ sẽ được sử dụng trong việc cử hành này.
Giờ đây tôi mời tất cả anh chị em
hãy cầu cùng Chúa cho những nạn nhân của những cuộc tấn công vừa mới xẩy
ra trong mấy ngày gần đây ở Indenosia và Burkina Faso. Xin
Chúa đón nhận họ vào nhà của Ngài, và xin Ngài cũng nâng đỡ
việc dấn thân của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng hòa bình. Chúng
ta hãy cầu cùng Trinh Nữ Maria: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc..."
Tôi xin chúc tất cả anh chị em một Chúa Nhật tốt đẹp.
Và xin làm ơn đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc
anh chị em bữa trưa ngon lành và xin tạm biệt anh chị em!
http://zenit.org/articles/angelus-address-jan-17-on-accepting-miracles/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo
nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)
Xin xem đoạn
video clip dài 16
phút 36 giây về buổi nguyện Kinh Truyền Tin hôm nay:
Thăm Hội Đường Do Thái ở Rôma
Hôm
nay, Chúa Nhật 17/1/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đến viếng thăm Đại Hội Đường
Do Thái ở Rôma vào
lúc 4 giờ chiều.
Ngài là vị giáo hoàng thứ ba (đúng
hơn là thứ tư) thực
hiện hành động đối thoại liên tôn này, tiếp tục truyền thống của các vị tiền
nhiệm là
Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II năm 1986, Giáo
Hoàng Biển Đức
XVI năm 2010 và thậm chí cả Giáo
Hoàng Phêrô
từ thế kỷ đầu tiên. Vị
Tôn Sư Trưởng Do
Thái ở
hội đường này là Riccardo Di Segni đã cho Zenit trong cuộc
phỏng vấn hôm qua biết về
cảm nhận của mình đối với cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm nay rằng:
"Nó sẽ là một dấu
chỉ chống lại những ai ngày nay sử dụng tôn giáo để hủy hoại thế giới". Xin
xem đoạn Video Clip về biến cố lịch sử này ở cái link này: http://www.romereports.com/2016/01/17/live-pope-francis-visits-the-great-synagogue-of-rome