GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN 13-11-2016

 

 

 

 

"Lịch sử - theo đà tiến triển bấp bênh của nó và tính cách đan kết thiện ác của nó - đang mở ra dưới ánh mắt thương xót của Chúa. Mọi sự xẩy ra đều được bảo trì ở nơi Ngài. Đời sống của chúng ta không thể nào bị thất lạc vì nó ở trong bàn tay của Ngài".

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Bài Phúc Âm hôm nay cống hiến cho chúng ta phần đầu trong những lời Chúa Giêsu nói về thời điểm cùng tận, như được Thánh Luca trình thuật. Chúa Giêsu nói về điều này khi Người ở trước Đền Thờ Giêrusalem, và Người nghe thấy những lời dân chúng tỏ ra trầm trồ khen ngợi về cái vẻ đẹp của nơi thánh cùng với các thứ trang hoàng của nó. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rằng: "Tất cả những gì quí vị trông thấy nơi đây - thì sẽ có những ngày không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào mà không bị sụp đổ".

Chúng ta có thể tưởng tượng thấy cái tác dụng của những lời này trên thành phần môn đệ của Chúa Giêsu. Người không có ý xúc phạm đến đền thờ này mà chỉ muốn làm cho các vị hiểu biết, cả với chúng ta hôm nay nữa, là các thứ cấu trúc của con người - thậm chí là những gì linh thánh nhất - đang qua đi, và chúng ta không được cảm thấy an ninh ở nơi chúng.

Biết bao nhiêu là cái chắc chắn giả tưởng trong đời sống của chúng ta mà chúng ta nghĩ là vĩnh viễn sau đó chúng đã hóa thành phù du. Đàng khác, có biết bao nhiêu là vấn đề chúng ta gặp phải dường như không lối thoát để rồi chúng lại được vượt qua!

Chúa Giêsu biết rằng bao giờ cũng có những con người suy đoán theo nhu cầu con người cần có được an toàn. Đó là lý do Người mới nói: "Hãy coi chừng đừng để mình bị lừa đảo", và cảnh giác họ trước tất cả những tên cứu tinh giả tạo xuất hiện. Ngày nay chúng ta vẫn thấy những kẻ ấy. Chúa Giêsu còn nói thêm rằng không cầnphải hoảng kinh hay thất tán trước những cuộc chiến tranh, những cuộc cách mạng và những tai ương thảm họa, vì những sự ấy cũng là những gì thuộc về thực tại của thế giới này thôi.

Lịch sử của Hội Thánh đầy những trường hợp về thành phần chịu đựng các thứ thảm não và những khổ đau kinh hoàng một cách bình thản, vì họ nhận biết rằng họ vẫn được antoàn trong bàn tay của Thiên Chúa. Ngài là một người cha trung tín và quan tâm chú ý không bao giờ bỏ rơi con cái mình. Không bao giờ. Chúng ta cần phải tin tưởng như thế trong lòng của mình. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Việc sống vững mạnh trong Chúa, bước đi trong niềm hy vọng là Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, hoạt động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn bất chấp các thứ khó klhăn và những biến cố buồn thảm làm nên cuộc sống chung riêng của chúng ta - đó là những gì thực sự là đáng kể.

Đó là những gì cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi để thực hiện trong việc tiến lên nghênh đón "ngày của Chúa".

Chính trong bối cảnh ấy mà chúng ta muốn đặt những nỗ lực của chúng ta đã được bắt đầu sau những tháng ngày chúng ta sống Năm Thánh Ngoại Lệ về Lòng Thương Xót bằng đức tin, một năm mà hôm nay là ngày các giáo phận trên thế giới đang khép lại bằng việc đóng Cửa Thánh ở các vương cung thánh đường mỗi nơi. Năm Thánh này, một đàng, đã kêu gọi chúng ta hãy tin tưởng vào việc hoàn tất của Vương Quốc Thiên Chúa, đàng khác, lại kêu gọi xây dựng tương lai trên trái đất này, bằng hoạt động truyền bá phúc âm hóa hiện tại, để mang đến một thời điểm cứu độ cho tất cả mọi người.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã khuyên chúng ta là tâm trì hãy sáng suốt tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng dẫn dắt lịch sử của chúng ta và là Đấng biết được cái tận cùng sau hết của các sự vật và các biến cố.

Lịch sử - theo đà tiến triển bấp bênh của nó và tính cách đan kết thiện ác của nó - đang mở ra dưới ánh mắt thương xót của Chúa. Mọi sự xẩy ra đều được bảo trì ở nơi Ngài. Đời sống của chúng ta không thể nào bị thất lạc vì nó ở trong bàn tay của Ngài.

Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ giúp chúng ta, qua những biến cố thiện ác của thế giới này, biết sống vững mạnh trong niềm hy vọng về vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ xin Mẹ giúp chúng ta sâu xa hiểu được sự thật là Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của Ngài.

 

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-awaiting-the-end-times/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Thương Xót cho Thứ Bảy cuối cùng trong Năm Thánh Thương Xót 2016

 

 

 

Trong suốt Năm Thánh Thương Xót 2016, ngoài Thứ Sáu Thương Xót mỗi tháng 1 lần, ngày được ĐTC Phanxicô bất ngờ và âm thầm thực hiện một Cử Chỉ Thương Xót nào đó (xin xem bài dưới cùng ở đây), ngài còn ban Huấn Từ Thương Xót vào một Thứ Bảy nào đó trong mỗi tháng nữa.

Thứ Bảy 12/11/2016 ngài đã ban Huấn Từ Thương Xót cuối cùng, một Huấn Từ Thương Xót mà về nội dung và tính cách khác với loạt bài Giáo Lý Thương Xót cho mỗi buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần trong Năm Thánh 2016.

Đề tài của bài Huấn Từ Thương Xót cho Thứ Bảy cuối cùng trong Năm Thánh Thương Xót 2016 này của ngài đó là đề tài về vấn đề bao gồm - inclusion, như được ngài chia sẻ và huấn dụ sau đây (có thể xem bài tóm gọn ở cái link này: http://www.news.va/en/news/english-summary-of-popes-final-jubilee-audience):

 

 

"Trước mặt chúng ta chỉ có một con người duy nhất để yêu thương như Thiên Chúa thương yêu...

Chúa Giêsu hướng ánh mắt của Người nhìn từng khuôn mặt của những con người ấy, Người nhìn họ bằng cả đôi mắt của chúng ta nữa."

 

 

"Trong dự án yêu thương của mình, Thiên Chúa không muốn loại trừ một ai, Ngài muốn bao gồm hết mọi người. Chẳng hạn, bằng phép rửa, Ngài làm cho chúng ta trở thành con cái của Ngài trong Chúa Kitô, thuộc về thân thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để áp dụng cùng một tiêu chuẩn ấy, ở chỗ, lòng thương xót là một thái độ, một kiểu cách để chúng ta tìm cách bao gồm những người khác vào cuộc sống của chúng ta, chứ không thu mình lại vào trong cái cảm giác an toàn vị kỷ.

 

"'Hãy đến với Tôi tất cả những ai mệt nhọc và nặng gánh, Tôi sẽ bổ sức cho'. Không một ai bị loại trừ khỏi lời mời gọi này, vì sứ vụ của Chúa Giêsu có mục đích là để mạc khải tình yêu của Chúa Cha cho từng người. Vấn đề ở đây là tùy chúng ta có biết mở lòng mình ra, tin tưởng vào Chúa Giêsu và ấp ủ sứ điệp yêu thương dẫn chúng ta đến mầu nhiệm cứu độ này.

 

"Chiều kích của lòng thương xót là bao gồm này được bày tỏ bằng những cánh tay rộng mở để sẵn sàng đón nhận chứ không phải để loại trừ; không phải để phân hóa người khác theo vị thế xã hội, ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo: trước mặt chúng ta chỉ có một con người duy nhất để yêu thương như Thiên Chúa thương yêu. Con người mà tôi chợt gặp gỡ nơi làm việc và ở hàng xóm của mình, là một con người để yêu thương, như Thiên Chúa thương yêu. 'Thế nhưng họ thuộc về xứ sở ấy, xứ sở khác, thuộc về tôn giáo này, tôn giáo nọ...' Đó là con người được Thiên Chúa yêu thương và tôi cũng phải yêu thương họ (câu này ngài nói buông). Việc bao gồm là như thế.

 

"Biết bao nhiêu là con người đang rã rời và bị đán áp mà chúng ta gặp được thậm chí vào cả hôm nay đây! Trên đường phố, ở các văn phòng làm việc, trong các bệnh xá... Chúa Giêsu hướng ánh mắt của Người nhìn từng khuôn mặt của những con người ấy, Người nhìn họ bằng cả đôi mắt của chúng ta nữa. Còn cõi lòng của chúng ta thì sao? Nó có thương xót hay chăng? Cách thức chúng ta suy nghĩ và tác hành có tính cách bao gồm hay chăng? Phúc Âm kêu gọi chúng ta nhận ra trong lịch sử nhân loại dự án về một công cuộc bao gồm cao cả, một công cuộc hoàn toàn tôn trọng tự do của hết mọi con người, hết mọi cộng đồng, hết mọi dân tộc, một công cuộc kêu gọi hết mọi người hãy làm nên một gia đình anh chị em trong công lý, đoàn kết và bình an, và thuộc về Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô.

 

"Chính xác biết bao những lời Chúa Giêsu mời gọi những ai mệt mỏi và rã rời hãy đến với Người để được nghỉ ngơi. Cánh tay giang rộng của Người trên thập tự giá cho thấy là không một ai bị loại trừ ra khỏi tình yêu của Người và lòng thương xót của Người. Không một ai bị loại trừ ra khỏi tình yêu của Người và lòng thương xót của Người, cho dù là tội nhân cả thể nhất: không một ai! Tất cả đều được bao gồm trong tình yêu và trong lòng thương xót của Người (câu này ngài nói buông).

 

"Điều biểu hiện rõ ràng nhất mà chúng ta cảm thấy được đón nhận và bao gồm nơi Người đó là sự tha thứ. Tất cả chúng ta đều cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và tất cả chúng ta đều cần gặp gỡ những người anh chị em giúp chúng ta đến với Chúa Giêsu, cởi mở bản thân mình cho tặng ân Người đã ban cho chúng ta trên thập tự giá.

 

"Chúng ta đừng trở thành những chướng ngại vật cho người khác! Chúng ta không được loại trừ một ai! Thật vậy, lòng khiêm hạ và tính đơn thành là những phương tiện cho lòng thương xót bao gồm của Chúa Cha. Đó là cách thức cho thấy lòng thương xót của Chúa Cha có tính chất bao gồm. Mẹ Thánh Giáo Hội kéo dài cử chỉ ôm ấp rộng lớn của Chúa Kitô là Đấng đã chết đi và sống lại. Quảng trường đây, với các trụ cột của nó, cũng là một biểu hiệu cho cái ôm ấp này. Chúng ta hãy dấn thân vào phong trào bao gồm người khác này, dấn thân làm chứng nhân của một lòng thương xót nhờ đó Thiên Chúa đã chấp nhận và đón tiếp từng người và hết mọi người chúng ta".  

 

 

http://www.lastampa.it/2016/11/12/vaticaninsider/eng/the-vatican/let-us-include-everyone-with-our-arms-wide-open-without-pigeonholing-people-ExyuUspb31YwGgmyUfAweK/pagina.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Cử Chỉ Thương Xót cho Thứ Sáu Thương Xót cuối cùng trong Năm Thánh Thương Xót

 

 

Trong Năm Thánh Thương Xót 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện một việc thương xót đặc biệt nào đó vào một ngày Thứ Sáu được gọi là Thứ Sáu Thương Xót (Mercy Friday) trong từng tháng, suốt cả một năm. Ngài thường bất ngờ và âm thầm đến thăm một cơ quan phục vụ bác ái nào đó ở Roma. Chẳng hạn một viện dưỡng lão, hay một trung tâm phục hồi nghiện ngập ở Castel Gandolfo, hoặc cộng đồng "Chicco" chăm sóc bệnh nhân tâm thần ở Ciampino, hoặc nhà hưu dưỡng linh mục v.v.

Điển hình nhất là trong Tháng 9 là tháng ngài tuyên phong hiển thánh cho Chân Phước Têrêsa Calcutta, vị thánh phục vụ sự sống con người từ sơ sinh đến già lão nhất là trong giờ lâm chung, Chúa Nhật 4/9/2016 thì Thứ Sáu Thương Xót gần 2 tuần sau, 16/9/2016, ngài đã đến thăm, vào buổi sáng, 30 vị lão niên ở Lâm Tử Viện (Villa Speranza Hospice) và buổi chiều ngài thăm 12 em sơ sinh bị bệnh nguy tử ở Nhà Thương San Giovanni.

Ngày Thứ Sáu Thương Xót cuối cùng của năm Thánh Thương Xót 2016, Thứ Sáu Đầu Tháng 4/11/2016, ngài đã đến thăm một nhóm 7 linh mục hoàn tục và gia đình của các vị. Ngài đã rời Nhà Trọ Matta vào lúc 3 giờ 30 chiều để đến khu Ponte di Nona ở bờ đông thành phố Rôma để gặp gỡ các gia đình sống qui tụ ở đây, bao gồm 5vị người Ý, một vị Tây Ban Nha và một vị Mỹ Châu Latinh.

Những vị linh mục hoàn tục này, sau khi bất chấp những phản đối của các vị linh mục đồng bạn cũng như của gia đình họ, và vì cảm thấy cô đơn, bị hiểu lầm cũng như mệt mỏi bởi nhiều công tác khác nhau, đã đành phải đi đến quyết định hoàn tục, sau một thời gian chiến đấu trong suy nghĩ và cầu nguyện. Khi Đức Thánh Cha tới thì, văn liệu của Tòa Thánh cho biết: "Trẻ em bu lại chung quanh Đức Giáo Hoàng để ôm lấy ngài, trong khi cha mẹ của chúng không thể cầm được cảm xúc".

Đức Thánh Cha đã lắng nghe từng câu chuyện của các vị và đã theo dõi sát những cứu xét về giáo luật cho từng trường hợp của các vị. Chuyến viếng thăm cuối cùng của Ngày Thứ Sáu Thương Xót trong Năm Thương Xót 2016 này của Đức Thánh Cha được kết thúc vào lúc 5:20 chiều.

Cũng theo Tòa Thánh: "Việc viếng thăm của Đức Thánh Cha đã được sâu xa tri ân cảm nhận bởi tất cả những ai hiện diện, những người chẳng hề nghe thấy Đức Giáo Hoàng phán xét gì về việc chọn lựa của họ, mà lại còn cảm thấy sự gần gũi và lòng cảm mến của ngài. Lời của một người cha như ngài đã cam đoan với mọi người về tình thân ái của ngài cùng với niềm tin tưởng vào mối quan tâm của ngài. Như thế, một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã muốn cống hiến một dấu chỉ thương xót cho những ai sống tình trạng buồn khổ về tinh thần và vật chất..."

Trả lời cho một cuộc phỏng vấn, một trong các vị linh mục được hân hạnh gặp Đức Thánh Cha Phanxicô bấy giờ là Andrea Vallini cho biết như sau:

"Tôi bàng hoàng khi nghe tin này, tôi chỉ biết tin ấy mấy ngày trước đây. Tôi cảm thấy bỡ ngỡ vì Đức Giáo Hoàng đã nghĩ đến chúng tôi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là vị giám mục bình thường. Cảm giác đầu tiên của tôi đó là có một cái gì đó thuần túy phúc âm đã xẩy ra. Thường thì tôị nhân cần phải tiến đến với Chúa nhưng hôm nay thì xẩy ra ngược hẳn lại. Tôi có được một cảm quan tuyệt vời và tinh tuyền về Phúc Âm. Vị Giáo Hoàng này quả thực có một đường lối dấn thân gắn bó với dân chúng.

"Trong một số trường hợp cần phải chữa lành các vết thương cũ đã, thế nhưng tất cả các viết thương hiện có ở đây hôm nay đã được hầu như chữa lành. Tôi không biết rằng việc viếng thăm này có mở ra những chân trời mới hay chăng. Chỉ biết rằng vị Giáo Hoàng này đặc biệt bị đánh động bởi sự kiện là chúng tôi - nhất là những người Ý chúng tôi - cảm thấy bị loại trừ làm sao ấy. Ngài đã bảo chúng tôi rằng ngài không bao giờ loại trừ những trường hợp đặc biệt. Ngài đã nói với chúng tôi rằng khi ngài còn ở Buenos Aires, vị chủ tịch Hội Bác ái Công Giáo là một vị linh mục trước kia, đã làm việc quá tốt".

"Tôi hy vọng rằng, bằng việc theo dương của vị Giáo Hoàng này, bất chấp sự kiện tất cả chúng tôi có những câu chuyện khác nhau, chúng tôi có thể tiếp tục trở thành một nguồn lợi cho Giáo Hội. Tất cả chúng tôi muốn tiếp tục trở thành hữu dụng cho cộng đồng Kitô hữu, nếu thắng vượt được các chướng ngại vật thì thật là hay. Dầu sao đi nữa, không kể đến phong thái linh mục của chúng tôi là những gì không bao giờ bị xóa bỏ, tất cả chúng tôi đều đã lãnh nhận phép rửa. Thật là tuyệt vời nếu chúng tôi có thể tiếp tục làm một điều tốt đẹp làm đó như tôi đã tìm cách thực hiện nấp dưới một bộ mặt khác".

"Tôi sẽ không bao giờ quên được 'Thứ Sáu Thương Xót' này. Một đám đông khoảng 50 người đã qui tụ lại bên dưới căn nhà của tôi khi nghe tin Đức Giáo Hoàng tới. Có người đã nói cùng tôi rằng: 'Anh thật đã thực hiện được một việc to lớn đó, tốt lắm'. Tôi liền trả lời rằng: 'Chính vì tôi không cao cả gì mà Đức Giáo Hoàng mới đến đây hôm nay, bằng không ngài đã chẳng bao giờ tới'. Tôi cảm thấy hết vui mừng trước việc viếng thăm của ngài và tôi hy vọng rằng nó sẽ giúp tôi trở thành một con người tốt đẹp hơn".

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp từ

http://www.lastampa.it/2016/11/11/vaticaninsider/eng/the-vatican/francis-visits-families-of-seven-former-priests-m5e4hGUKoyDhlBl6luWNUO/pagina.html
 

https://zenit.org/articles/marking-last-friday-of-mercy-of-holy-year-pope-meets-with-men-who-have-left-priesthood/