GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
HUẤN TỪ TRUYỀN TIN LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGÀY 8/12/2016
"Chúng ta là những chuyên gia của các thứ lưng chừng Vâng / half Yeses: Chúng ta giỏi giả vờ như thể chúng ta không biết những gì Thiên Chúa muốn và những gì lương tâm nhắc nhở chúng ta.... Trong cuộc hành trình Mùa Vọng này, Thiên Chúa muốn viếng thăm chúng ta và Ngài đang chờ cái Vâng của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: Tôi, hôm nay đây, tôi cần phải thưa cùng Thiên Chúa những cái Vâng nào?"
Chúc mừng lễ Anh Chị Em thân mến!
Các Bài Đọc hôm nay của Lễ Trọng Đức Trinh Nữ Maria Hoài Thai Vô Nhiễm cho chúng ta thấy 2 khúc đoạn trọng yếu trong lịch sử của mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: chúng ta có thể nói rằng chúng dẫn chúng ta đến cội nguồn của thiện và ác. Hai khúc đoạn này dẫn chúng ta đến tận gốc gác của lành và dữ.
Sách Khởi Nguyên cho chúng ta thấy cái KHÔNG đầu tiên, cái KHÔNG của thuở ban đầu, cái KHÔNG của con người, khi con người thích ngắm nhìn vào bản thân mình hơn là nhìn vào Đấng Hóa Công; họ muốn tự làm chủ mình, họ đã tìm kiếm những gì là tự mãn cho mình. Tuy nhiên, làm như thế, khi xa rời khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa, là họ thực sự đánh mất bản thân mình và bắt đầu cảm thấy sợ hãi, ẩn mình đi và tố cáo người ở bên cạnh mình (xem Khởi Nguyên 3:10-12). Đó là những triệu chứng: sợ hãi bao giờ cũng là một thứ KHÔNG đối với Thiên Chúa; nó chứng tỏ rằng tôi đang tỏ ra KHÔNG với Thiên Chúa. Việc tố cáo kẻ khác và không nhìn vào bản thân mình chứng tỏ là tôi đang tách bản thân mình khỏi Thiên Chúa. Điều này là những gì tạo nên tội lỗi. Thế nhưng, Chúa không bỏ mặc con người cho sự dữ hành hạ; Ngài đã lập tức tìm kiếm họ và đặt ra cho họ một vấn đề đầy ý nghĩa đó là "Ngươi đang ở đâu?" (câu 9). Như thể Ngài muốn nói rằng "Hãy đứng lại mà suy nghĩ xem người đang ở đâu đó?" Đó là câu hỏi mà một người cha hay người mẹ tìm kiếm đứa con lạc loài của mình đặt ra: "Con đang ở đâu vậy? Làm sao con lại trở nên nông nỗi ấy chứ?" Thiên Chúa đang làm như thế một cách hết sức nhẫn nại, cho đến khi khép lại khoảng cách được tạo nên từ ban đầu. Đó là một trong hai đoạn.
Đoạn trọng yếu thứ hai, được Phúc Âm hôm nay thuật lại, đó là khi Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta thì Ngài biến mình thành người như chúng ta. Và điều này đã trở thành khả dĩ là nhờ ở một cái Vâng cả thể, là cái Không với tội lỗi; đó là một cái Vâng, một cái Vâng cao cả của Đức Maria vào giây phút Truyền Tin. Vì cái Vâng này mà Chúa Giêsu đã bắt đầu cuộc hành trình của Người theo đường lối của nhân loại; Người đã bắt đầu cuộc hành trình ấy ở nơi Đức Maria, đã sống những tháng ngày đầu đời của mình trong lòng Mẹ của Người: Người không xuất hiện như đã là một người lớn và mạnh khỏe, mà hoàn toàn theo diễn tiến của một con người. Người làm cho Bản Thân mình trở nên giống như chúng ta trong hết mọi sự, ngoại trừ một điều, đó là KHÔNG, ngoại trừ tội lỗi. Bởi thế, Người đã chọn Đức Maria, một tạo vật duy nhất vô tội, vô nhiễm. Nhờ một lời duy nhất trong Phúc Âm, Mẹ đã được nói rằng "đầy ơn phúc" (Luca 1:28), tức là tràn đầy ân sủng. Nghĩa là nơi Mẹ, đầy ân phúc một cách ngay tức khắc, không có chỗ cho tội lỗi. Khi chúng ta hướng về Mẹ, chúng ta cũng nhận ra vẻ đẹp này: chúng ta kêu cầu Mẹ "đầy ơn phúc", không vương bóng sự dữ.
Mẹ Maria đã đáp ứng dự án của Thiên Chúa bằng câu: "Này tôi là tôi tớ của Chúa" (câu 38). Mẹ không nói: "Hừ, lần này tôi sẽ làm theo ý muốn của Thiên Chúa, tôi sẽ tỏ ra sẵn sàng, rồi xem sao..." Không, tiếng Vâng của Mẹ là một tiếng Vâng trọn vẹn, hoàn toàn, trọn cả cuộc sống, vô điều kiện. Như cái Không của thuở ban đầu đã đóng chặn đoạn đường con người tiến đến với Thiên Chúa thế nào thì cái Vâng của Mẹ Maria đã mở đường đến với Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Đó là một tiếng Vâng quan trọng hơn hết trong lịch sử, tiếng Vâng khiêm tốn lật ngược cái No ngạo mạn từ ban đầu, cái Vâng trung thành chữa lành cái bất phục; cái Vâng tự nguyện lật đổ cái vị kỷ của tội lỗi.
Đối với mỗi người chúng ta, cũng có một lịch sử cứu độ được hình thành bởi những cái Vâng và cái Không đối với Thiên Chúa, tuy nhiên, chúng ta là những chuyên gia của các thứ lưng chừng Vâng / half Yeses: Chúng ta giỏi giả vờ như thể chúng ta không biết những gì Thiên Chúa muốn và những gì lương tâm nhắc nhở chúng ta. Chúng ta cũng tỏ ra xảo quyệt, và để tránh nói Không thực sự cùng thích đáng cùng Thiên Chúa, chúng ta nói: "xin lỗi, tôi không thể", "hôm nay không được, mai đi"; "Mai tôi sẽ khá hơn, mai tôi sẽ cầu nguyện, tôi sẽ làm lành, ngày mai". Cái xảo quyệt này tách lìa chúng ta khỏi cái Vâng, nó tách chúng ta khỏi Thiên Chúa và dẫn chúng ta đến cái Không, cái Không của tội lỗi, cái Không của những gì là tầm thường. Nổi bật là cái "Vâng, thế nhưng...", "Vâng lạy Chúa, thế nhưng...". Làm như thế là chúng ta đóng cửa trước sự thiện, và sự dữ gặt hái được các lợi ích từ những cái Vâng hụt hẫng này. Mỗi người chúng ta đều có cả đống những thứ ngấm ngầm này. Chúng ta hãy nghĩ về nó và chúng ta sẽ thấy rất nhiều cái Vâng hụt thiếu. Trái lại, hết mọi cái Vâng trọn vẹn đối với Thiên Chúa đều cống hiến tính chất nguyên tuyền cho một lịch sử mới: thưa Vâng cùng Thiên Chúa thực sự là những gì "nguyên tuyền", là chính gốc, chứ phải là tội lỗi, cái biến chúng ta thành cổ hủ. Anh chị em có bao giờ nghĩ về điều này hay chăng? Tội lỗi biến chúng ta thành hủ lậu hay chăng? Nó khiến chúng ta mau già! Hết mọi cái Vâng cùng Thiên Chúa đều khơi nguồn lịch sử cứu độ cho chúng ta và cho người khác - như Mẹ Maria với cái Vâng của Mẹ.
Trong cuộc hành trình Mùa Vọng này, Thiên Chúa muốn viếng thăm chúng ta và Ngài đang chờ cái Vâng của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ xem: Tôi, hôm nay đây, tôi cần phải thưa cùng Thiên Chúa những cái Vâng nào? Chúng ta hãy nghĩ đến nó và nó sẽ giúp ích cho chúng ta. Chúng ta sẽ thấy tiếng của Chúa trong Thiên Chúa, Đấng đang xin chúng ta một điều gì đó, một bước tiến lên. "Con tin tưởng nơi Chúa, tôi kính mến Chúa. Xin cho ý muốn tốt lành của Chúa thực hiện nơi tôi". Đó là một tiếng Vâng. Như Mẹ Maria, quảng đại và tin tưởng, hôm nay mỗi người chúng ta hãy thưa tiếng "Vâng" riêng tư này cùng Thiên Chúa.
https://zenit.org/articles/angelus-on-the-feast-of-the-immaculate-conception/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý
Ôi Maria, Người Mẹ Vô Nhiễm của chúng con, vào ngày lễ của Mẹ đây, con xin đến cùng Mẹ, nhưng con không đến một mình: con mang theo mình những con người được Con của Mẹ ký thác cho con, nơi thành phố Roma này cũng như trên toàn thế giới, để Mẹ có thể chúc phúc cho họ và cứu vớt họ khỏi các thứ hiểm nguy....
Chúng con cần đến ánh mắt vô nhiễm của Mẹ để có thể tái khám phá cái khả năng của chúng con trong việc nhìn người và vật một cách tôn trọng và biết ơn, phi lợi lộc vị kỷ hay những gì là giả hình. Chúng con cần đến trái tim vô nhiễm của Mẹ, để yêu thương một cách nhưng không, không có các ý phụ mà chỉ tìm kiếm thiện ích của người khác, một cách đơn thành và chân thánh, loại bỏ những thứ mặt nạ cùng với những gian trá xảo quyệt. Chúng con đang cần đến đôi bàn tay vô nhiễm của Mẹ để dịu dàng chăm sóc, để chạm tới xác thịt của Chúa Giêsu nơi những người anh em nghèo khổ, bệnh nạn, bị khinh bỉ, để nâng dậy những ai sa ngã và nâng đỡ những ai đang bị chao đảo. Chúng con đang cần đến đôi chân vô nhiễm của mẹ để bước đi trên những con đường của những ai sai lạc, để đi tìm kiếm những con người lẻ loi cô độc một mình....
https://zenit.org/articles/pope-francis-prayer-during-veneration-of-immaculate-conception-statue-in-piazza-di-spagna/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý