GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Mục
Lục Năm 2008,
2009,
2010,
2011,
2012,
2013,
2014,
2015
2016
"Đầy lòng
tin tưởng, Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu trước hết trong lòng của Mẹ rồi mới
trong dạ của Mẹ, nhờ đó Mẹ đã trở nên Mẹ của tất cả mọi tín hữu"
Đức Thánh Cha
Phanxicô -
Lễ Mẹ Thiên Chúa: Bài giảng lễ
sáng ở Đền
Thờ Thánh Phêrô
Chúng ta vừa nghe những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô: "Khi
đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài sinh hạ bởi một
người phụ nữ" (Galata 4:4).
Chúa Giêsu được hạ sinh khi "thời gian viên trọn", nói
như thế
có nghĩa là gì? Nếu chúng
ta coi đó là một thời điểm đặc biệt của lịch sử thì chúng ta có thể mau
chóng bị lầm lẫn. Đế quốc Roma đã dùng quyền lực quân sự của mình để chinh
phục một phần lớn thế giới thời bấy giờ. Hoàng Đế Augustus đã lên nắm quyền
sau 5 trận chiến tranh dân sự. Chính dân Do Thái cũng đã bị Đế quốc Roma
khống chế, và thành phần Dân Tuyển Chọn này đã bị mất tự do của mình. Đối
với những người đồng
thời của Chúa Giêsu thì chắc chắn đó không phải là thời điểm tốt đẹp nhất.
Bởi vậy, để
xác định thời điểm viên trọn, chúng ta không được nhìn theo khía cạnh về địa
dư.
Cần có một dẫn giải khác, một dẫn giải nhìn cái viên
trọn đó theo quan điểm của Thiên Chúa. Chính
khi Thiên Chúa quyết định đã đến thời điểm hoàn trọn lời hứa của Ngài thì
bấy giờ mới xẩy ra thời gian viên trọn cho loài người. Lịch sử không
xác định cuộc hạ sinh của Chúa Kitô; nhưng việc Người đến thế gian giúp cho
thế gian có thể đạt được tầm vóc viên trọn của nó. Đó là lý do cuộc
hạ sinh của Con Thiên Chúa đã khai mở một kỷ nguyên mới, một cách tính mới
về thời gian, một kỷ nguyên chứng kiến thấy việc hoàn trọn lời hứa xa xưa.
Tác giả Thư Do Thái đã viết: "Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua
các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua
Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng
thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh
trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của
mình mà duy trì vạn vật" (1:1-3). Như thế,việc
viên trọn của thời
gian là việc hiện diện của chính Thiên Chúa trong lịch sử của chúng ta.
Vậy chúng ta có
thể thấy vinh hiển của Ngài chiếu tỏa nơi cảnh nghèo hèn của hang lừa; chúng
ta được Lời của Ngài, biến thành "bé nhỏ" nơi một em
bé, phấn khích và nâng đỡ. Nhờ Ngài, thời gian của chúng ta mới được nên
trọn. Việc
sử dụng thời gian riêng tư của chúng ta cũng có thể nên trọn nơi việc gặp gỡ
Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa hóa thân làm người.
Tuy nhiên, mầu
nhiệm này hằng liên lỉ đụng độ với cảm
nghiệm thê thảm của lịch sử nhân loại. Mỗi ngày, chúng ta tìm
cách củng cố bằng những dấu hiệu hiện diện của Thiên
Chúa, chúng ta gặp phải những dấu hiệu mới đối với
những dấu hiệu phản khắc tiêu cực khiến chúng ta nghĩ hay là Ngài đã khuất
bóng mất rồi. Sự
viên trọn của thời gian dường như mờ dần trước vô số hình thức bất công và
bạo động hằng ngày gây tổn thương đến gia đình nhân loại của chúng ta. Đôi
khi chúng ta tự hỏi làm sao tình trạng bất công của con người vẫn có thể
tiếp tục không giảm bớt, và cái ngạo mạn ngông cuồng của thành phần quyền
lực vẫn
tiếp tục đè nén kẻ yếu
hèn, đẩy
họ đến những lề mép khốn cùng nhất của thế giới chúng ta. Chúng
ta đặt vấn đề sự dữ của con người sẽ còn tiếp tục bao lâu nữa trong việc
gieo rắc bạo lực và thù hận trong thế giới của chúng ta, cướp đi những nạn
nhân vô tội. Sự viên mãn
của thời gian đã xẩy ra thế nào đây khi chúng ta đang chứng kiến thấy
những đám người nam nữ và trẻ em lũ lượt thoát chạy cho khỏi chiến
tranh, đói khát và bách hại, sẵn sàng liều mạng sống của mình để gặp thấy sự
tôn trọng những quyền lợi nền tảng của họ?Một giòng
cuồng lưu thảm khốc, cuồn cuộn nổi lên bởi tội lỗi, dường như phản lại với
sự viên trọn của thời gian được Chúa Kitô mang đến. Pueri
cantores (ca đoàn
tổng hợp Công giáo quốc tế - phụ chú của
người dịch - được triều kiến ĐTC hôm 31/12/2015, nhân
dịp kỷ niệm 40 năm thành lập) thân
mến, hãy nhớ rằng đó là câu hỏi thứ ba các bạn đã hỏi tôi hôm qua: chúng ta
làm sao cắt nghĩa được điều này... thậm chí trẻ em cũng biết được điều ấy".
Tuy nhiên, giòng
cuồng lưu cuồn cuộn này trở thành bất lực trước đại
dương của tình thương đang tuôn tràn trên thế giới chúng ta. Tất
cả chúng ta đều được kêu gọi dìm mình vào trong đại dương này, để bản thân
chúng ta được tái sinh, mà
thắng vượt những gì là lãnh đạm đang ngăn chặn tình đoàn kết, và loại trừ đi
tính trung lập lầm lạc cản trở việc chia sẻ. Ân sủng của Chúa Kitô,
một thứ ân sủng làm cho niềm hy vọng được cứu độ của chúng ta nên trọn, dẫn
chúng ta tới chỗ hợp tác với
Người trong việc xây dựng một thế giới công chính và huynh đệ hơn bao giờ
hết, một thế giới mà ở đó hết mọi người và hết mọi tạo vật có thể cư ngụ một
cách an bình, trong thái
hòa của việc Thiên Chúa tạo dựng từ
nguyên khởi.
Vào đầu năm mới, Giáo Hội mời gọi chúng
ta hãy chiêm ngưỡng thiên chức thần mẫu của Mẹ Maria như là một hình ảnh hòa
bình. Lời
hứa ngày xưa đã nên trọn nơi con người của Mẹ. Mẹ đã tin vào những
lời của thiên thần, đã thụ thai Con Mẹ và vì thế đã trở thành Mẹ của Chúa. Nhờ
Mẹ, nhờ tiếng "xin vâng" của Mẹ mới có thời gian viên trọn. Phúc Âm
chúng ta vừa nghe nói với chúng ta về Đức Trinh Nữ Maria "đã bảo trọng tất
cả những lời ấy mà suy niệm trong lòng" (Luca 2:19). Mẹ hiện lên trước mắt
chúng ta như là một bình đầy đặn ký ức
về Chúa Giêsu, như Ngai Tòa Khôn Ngoan mà chúng ta cần
phải chạy đến để hiểu được một cách rõ ràng giáo
huấn của Người. Hôm nay, Mẹ Maria giúp chúng ta có thể
nắm bắt được ý nghĩa của các biến cố tác động đến từng người chúng ta, những
biến cố cũng tác động đến cả gia đình của chúng ta, đến xứ sở của chúng ta
cũng như đến toàn thế giới. Ở đâu những lập
luận của triết học và các thứ thương
thuyết về chính
trị không đạt được thì ở đó
có quyền lực của đức tin, chất chứa ân sủng Phúc Âm
của Chúa Kitô, lại có thể vươn tới, mở
ra những con đường mới cho lý lẽ và thương thuyết.
Phúc cho Mẹ, Đức Maria, vì Mẹ đã cống hiến Con Thiên Chúa cho
thế giới của chúng con. Thế
nhưng Mẹ có phúc hơn nữa vì Mẹ đã tin tưởng nơi Người. Đầy
lòng tin tưởng, Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu trước hết trong lòng của Mẹ rồi
mới trong dạ của Mẹ, nhờ đó Mẹ đã trở nên Mẹ của tất cả mọi tín hữu (xem
Thánh Âu Quốc Tinh, Sermon 215,4). Ôi Mẹ, xin hãy ban phúc lành của Mẹ cho
ngày được giành riêng cho Mẹ đây. Xin hãy tỏ cho chúng con thấy dung nhan
của Chúa Giêsu Con của Mẹ, Đấng ban xuống trên toàn thế giới này tình thương
và an bình. Amen.
http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2016/documents/papa-francesco_20160101_omelia-giornata-mondiale-pace.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển
dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh
Đức
Thánh Cha Phanxicô -
Lễ Mẹ Thiên Chúa: Huấn
Từ Truyền Tin
"Kẻ thù của hòa bình không phải chỉ là chiến tranh,
mà còn là lãnh đạm nữa"
Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế Giới Hòa
Bình với đề tài 'Thắng Vượt Lãnh Đạm -
Chiếm Lấy Hòa Bình'. Thứ hòa bình mà Thiên Chúa muốn gieo trên thế giới này
cần phải được chúng ta vun trồng.
"Không phải nó chỉ được
'khống chế'. Nó
bao gồm cả một thứ chống chọi thực sự, một trận chiến thiêng liêng xẩy ra
trong lòng của chúng ta, vì kẻ
thù của hòa bình không phải chỉ là chiến tranh, mà còn là lãnh đạm nữa,
thứ lãnh đạm làm cho chúng ta chỉ nghĩ về bản thân mình và tạo nên những
ngãng trở, ngờ vực, sợ hãi và khép kín lòng trí.
"Tạ ơn Chúa. Chúng ta có nhiều tín liệu;
thế nhưng đôi khi chúng ta chúng ta bị tràn ngập bao nhiêu là tin tức đến độ
chúng ta bị tách lìa khỏi thực tại, khỏi những người anh
chị em cần đến
chúng ta: chúng ta hãy bắt đầu mở lòng mình ra, bằng cách chú ý tới người
bên cạnh.
"Đó là cách chiếm được hòa bình".
http://www.news.va/en/news/pope-francis-angelus-appeal-for-peace
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ
tự ý nhấn mạnh
"Mẹ Maria là Mẹ của Thiên Chúa, Đấng thứ tha, Đấng ban ơn tha thứ,
và vì thế chúng ta có lý để gọi Mẹ là Mẹ của lòng thứ tha"
Đức Thánh Cha
Phanxicô -
Lễ Mẹ Thiên Chúa: bài giảng lễ
tối ở Đền
Thờ Đức Bà Cả (Mở Cửa Thánh)
Kính
chào Mẹ
của Tình
Thương!
Bắng lời kêu cầu này chúng ta hướng về
Trinh Nữ Diễm Phúc Maria ở ngôi Đền
Thờ Roma được
dâng kính cho Mẹ dưới tước hiệu Mẹ Thiên Chúa này. Lời kêu cầu ấy
là
một bài thánh ca cổ kính mà chúng ta sẽ hát khi kết thúc Thánh Lễ này. Được
sáng tác bởi một tác giả ẩn danh, nó đã được truyền tụng tới chúng ta như là
một kinh nguyện chân tình xướng lên một cách tự nhiên từ cõi lòng của tín
hữu: "Kính mừng Mẹ của tình
thương, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của lòng thứ
tha, Mẹ của niềm hy vọng, Mẹ của ân sủng và Mẹ đầy niềm vui thánh hảo".
Nơi mấy lời ấy chúng ta thấy một tóm lược đức
tin của
các thế hệ nam nữ, thành phần, mắt gắn chặt lấy hình ảnh của Vị
Trinh Nữ Diễm Phúc này, đã
xin Mẹ chuyển cầu và an ủi.
Thật là xứng hợp, vào
ngày hôm nay, chúng ta kêu cầu Trinh Nữ Maria Diễm Phúc trên hết như là Mẹ
của tình thương. Thật vậy, cửa
chúng ta đã mở là Cửa Tình Thương. Những ai bước qua ngưỡng cửa của
nó đều được kêu gọi hãy tiến vào tình yêu nhân hậu của Chúa Cha với một lòng
tin tưởng hoàn toàn và không sợ hãi; họ có thể
rời ngôi Đền Thờ này với ý thức rằng Mẹ Maria hằng ở bên họ. Mẹ
là Mẹ của tình thương, vì Mẹ đã cưu mang trong cung dạ của Mẹ chính Dung
Nhan của tình thương thần linh là Chúa Giêsu, Emmanuel, Niềm Mong Đợi của
các
dân nước, "Hoàng Tử Hòa Bình" (Isaia 9:5). Con
Thiên Chúa, hóa thành nhục thể cho phần rỗi của chúng ta, đã ban cho chúng
ta Mẹ của Người, Vị liên kết với chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta
qua cuộc đời này, nhờ đó
chúng ta không
bao giờ bị lẻ loi cô độc, nhất là vào những lúc gặp trục trặc rắc rối và
bất định.
Mẹ Maria là Mẹ của
Thiên Chúa, Đấng thứ tha, Đấng ban ơn tha thứ, và vì thế chúng ta có lý để
gọi Mẹ là Mẹ của lòng tha thứ. Chữ này
- "tha thứ" - một
chữ bị
hiểu lầm rất nhiều trong thế giới ngày nay, là
chữ nhắm
tới một thứ hoa trái mới mẻ và nguyên tuyền của đức tin Kitô giáo. Một
con người không thể tha thứ là người chưa biết
gì đến tình
yêu viên mãn. Chỉ có ai thực sự yêu thương mới có thể tha thứ và quên lãng. Ở
dưới chân Thánh Giá, Mẹ Maria thấy Con Mẹ hoàn toàn dâng hiến bản thân của
Người, cho chúng ta thấy yêu thương như Thiên Chúa thương yêu nghĩa là gì.
Vào lúc ấy Mẹ đã nghe thấy Chúa Giêsu thốt ra những lời có lẽ đã phản ảnh
những gì Người đã học từ Mẹ từ khi còn bé: "Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ
lầm không biết việc họ làm" (Luca 23:34). Vào lúc ấy, Mẹ Maria đã trở nên Mẹ
của lòng tha thứ đối với tất
cả chúng ta. Theo gương
Chúa Giêsu và nhờ ơn của Người, chính Mẹ đã có thể tha thứ cho những ai sát
hại Người Con vô tội của Mẹ.
Đối với chúng ta, Mẹ
Maria là hình ảnh về cách thức Giáo Hội cần phải cống hiến sự tha thứ cho
những ai tìm kiếm thứ tha. Người Mẹ của lòng tha thứ này dạy Giáo Hội rằng ơn
tha thứ được ban phát trên Núi Sọ là những gì vô hạn. Không gì có thể cầm nó
lại, kể cả luật lệ cùng với các thứ ngụy biện của nó, kể cả sự khôn
ngoan của thế gian này cùng với những thứ phân biệt của nó. Việc
tha thứ của Giáo Hội cần phải thực sự bao rộng như được Chúa Giêsu cống hiến
trên Thánh Giá và Mẹ Maria ở
dưới chân Người. Không có cách nào khác. Chính vì mục đích ấy mà Thánh
Linh đã làm cho các Tông Đồ trở thành các thừa tác viên tha thứ một cách
hiệu năng, nhờ đó những gì nhận được
bởi
cái chết của Chúa Giêsu có thể vươn tới tất cả mọi con người nam nữ ở hết
mọi thời đại (xem Gioan 20:19-23).
Bài thánh ca này tiếp tục: "Mẹ của niềm hy
vọng và Mẹ của ân sủng, Mẹ của niềm hoan lạc thánh hảo". Hy vọng, ân sủng và
niềm hoan lạc thánh hảo là chị em với nhau: chúng là tặng ân của Chúa Kitô;
thật vậy, chúng là những danh xưng được viết trên thân thể của Người.
Tặng ân mà Mẹ Maria ban cho khi hiến dâng Chúa Giêsu đó là một ơn
tha thứ làm đổi
mới cuộc đời, giúp chúng ta có thể làm theo ý Chúa trở lại và làm cho chúng
ta tràn đầy hạnh phúc chân thật. Ân sủng này giải thoát cõi lòng để nhìn về
tương lai với niềm vui xuất phát từ niềm hy vọng. Đó là giáo huấn của bài
Thánh Vịnh: "Ôi Thiên Chúa, xin
tạo cho con một tấm lòng thanh sạch, và đặt
vào trong con một tinh thần mới và ngay chính [...] Xin ban lại cho con niềm
vui ơn Ngài cứu độ" (51:10.12). Quyền
năng tha thứ là một kháng tố thực sự chống lại nỗi buồn thương gây ra bởi
những gì là bất mãn và hận thù. Tha thứ dẫn tới
niềm vui và thanh thản vì nó giải thoát tâm can khỏi những ý nghĩ của chết
chóc, trong khi bất mãn và hận thù lại gây
trục
trặc cho trí óc
và tổn thương cõi lòng, cướp mất những gì là nghỉ ngơi và an bình.
Vậy
chúng ta hãy bước qua Cửa Thánh của Tình Thương, ý thức rằng bên cạnh chúng
ta có Trinh Nữ Maria Diễm Phúc, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, Vị chuyển cầu cho
chúng ta. Chúng ta hãy để Mẹ dẫn chúng ta đến chỗ tái nhận thức được vẻ đẹp
của một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Con Mẹ. Chúng
ta hãy mở rộng cửa lòng của chúng ta cho niềm vui của sự tha thứ, ý thức
rằng chúng ta đã được ban cho một niềm tin tưởng và hy vọng mới, nhờ đó làm
cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta trở thành một dụng cụ thấp hèn của tình
yêu Thiên Chúa.
Bằng tình yêu và lòng cảm mến của con cái,
chúng ta hãy kêu lên cùng Đức Mẹ, như thành phần dân trung thành của Thiên
Chúa ở Êphêsô trong Công Đồng lịch sử, là "Thánh
Mẫu của Thiên Chúa!".
http://www.news.va/en/news/pope-francis-opens-holy-door-at-st-mary-major
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ
tự ý nhấn mạnh
Đức Thánh Cha Phanxicô -
Huấn Từ sau Kinh Te
Deum Tất Niên ở Đền
Thờ Thánh Phêrô
(một số câu nói cho
thấy những ý tưởng chính yếu tiêu
biểu)
"Trong bài
thánh ca này, chúng ta trở về với lịch sử cứu độ, một lịch sử bao gồm và bao
bọc - như thuộc về dự án huyền nhiệm của Thiên Chúa - các biến cố khác nhau
đã xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta trong năm qua..."
"Thật là ý nghĩa cùng nhau qui tụ lại để chúc tụng Chúa vào
lúc cuối năm đây!... Trong
bài thánh ca này, chúng ta trở về với lịch sử cứu độ, một lịch sử bao gồm và
bao bọc - như thuộc về dự án huyền nhiệm của Thiên Chúa - các biến cố khác
nhau đã xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta trong năm qua...
"Đặc biệt là những
lời cuối cùng của bài thánh ca này - 'Ôi
Chúa, xin tình thương của Chúa ở trên chúng con, vì chúng con hy vọng ở nơi
Chúa' - có một âm vang đặc biệt trong Năm Thánh Tình Thương này. Việc
tình thương cùng đồng hành giúp chúng ta hiểu hơn các cảm nghiệm của chúng
ta và cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng để bắt đầu một năm mới...
"Khi nhớ lại những sự kiện và các biến cố gợi lên những ký ức
hân hoan hay đau buồn, hay tìm cách để hiểu biết xem
chúng ta có cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa
là Đấng có thể đổi mới tất cả mọi sự và bảo trì chúng ta bằng ơn trợ giúp
của Ngài. Chúng
ta được kêu gọi chứng thực rằng các biến cố của thế giới này đã đi theo ý
muốn củaThiên Chúa hay chúng ta có khuynh hướng đặt ưu tiên cho các dự án
của con người thường phục vụ cho các thứ tư lợi, một khát vọng khôn cùng về
quyền lực và bạo lực vô cớ.
"Tuy nhiên, ngày
nay ánh mắt của chúng ta cần phải tập trung vào các dấu hiệu đặc biệt Thiên
Chúa cống hiến cho chúng ta, để trước hết thấy được tình yêu nhân hậu của
Ngài.Chúng ta không thể quên nhiều cảnh bạo động và chết chóc đánh
dấu năm vừa qua, nỗi khổ đau khôn tả
của nhiều người vô tội, cảnh khốn cực của những người tị nạn buộc phải rời
bỏ nhà cửa của mình, của những người vô gia cư, và của những người đói
khát.
"Tuy nhiên, biết bao nhiêu là hành động
nhân ái, yêu thương và đoàn kết tràn đầy trong năm qua, cho dù không có
trong tin tức! Tin
mừng thường không được chú ý.... Những
dấu hiệu yêu thương này không thể và không được trở thành lu mờ trước cái
ngạo mạn của sự dữ. Thiên Chúa bao giờ cũng chiến thắng, cho dù có những lúc
dường như có vẻ yếu thế và ẩn khuất..."