GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

 

 

Đức Thánh Cha Phanxicô

 Chủ Sự Nghi Thức Cử Hành Thống Hối trong Năm Thánh Tình Thương Thứ Sáu 4/3/2016

 

 

Screen Shot 2016-03-04 at 1.49.03 PM

 

"Chúng ta chắc chắn không được hạ cấp những đòi hỏi của Phúc Âm, thế nhưng chúng ta cũng không thể nào gây nên nỗi lo sợ cho ước vọng của tội nhân muốn được hòa giải với Chúa Cha. Vì điều Chúa Cha đợi chờ hơn bất cứ những gì khác đó là thấy những người con nam nữ của Ngài trở về nhà cha"

 

"Tôi muốn lại được nhìn thấy" (Marco 10:51). Đó là những gì chúng ta xin với Chúa hôm nay. Được nhìn thấy lại, vì tội lỗi của chúng ta đã làm cho chúng ta mù lòa trước tất cả những gì là thiện hảo, và đã cướp mất của chúng ta cái vẻ đẹp ơn gọi của chúng ta, thay vào đó dẫn chúng ta xa khỏi đích điểm cuộc hành trình của chúng ta.

Đoạn Phúc Âm hôm nay có một giá trị tiêu biểu cao cả cho đời sống của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều rơi vào tình trạng giống như của Bartimaeus. Cái mù lòa của anh ta đã đẩy anh ta đến chỗ nghèo khổ và sống ở ngoại ô của thành phố, lệ thuộc vào người khác tất cả những gì anh ta cần. Tội lỗi cũng gây ra hậu quả như vậy: Tội lỗi bần cùng hóa và cô lập hóa chúng ta. Nó là một thứ mù lòa về tâm linh, thứ mù lòa cản trở chúng ta nhìn thấy được những gì là quan trọng nhất, cản trở chúng ta gắn mắt vào thứ tình yêu ban sự sống cho chúng ta. Thứ mù lòa này từ từ dẫn chúng ta đến chỗ theo đuổi những gì là nông cạn, cho đến khi chúng ta trở nên dửng dưng lạnh lùng với người khác cũng như với những gì là tốt lành. Biết bao nhiêu là chước cám dỗ có khả năng che khuất nhãn quan của tâm can chúng ta khiến cho nó bị cận thị! Thật là dễ dàng và lầm lạc biết bao khi tin tưởng rằng đời sống lệ thuộc vào những gì chúng ta có, vào những thành đạt cũng như vào việc chúng ta được ủng hộ; tin tưởng rằng kinh tế là những gì cho duy lợi lộc và hưởng thụ; các ước muốn cá nhân quan trọng hơn trách nhiệm xã hội! Khi chúng ta chỉ nhìn vào bản thân mình thì chúng ta trở nên mù lòa, vô hiệu và qui kỷ, không còn niềm vui và tự do đích thực nữa.

Thế nhưng Chúa Giêsu đang đi ngang qua; Người đang băng ngang qua, và Người dừng bước: Phúc Âm cho chúng ta thấy rằng "Người đã đứng lại" (câu 49). Tâm can của chúng ta chạy lại, vì chúng ta nhận ra rằng Ánh Sáng đang chiếu xuống chúng ta, thứ Ánh Sáng nhân từ mời gọi chúng ta hãy ra khỏi cái mù lòa tối tăm của chúng ta. Việc Chúa Giêsu gần gũi với chúng ta giúp cho chúng ta thấy rằng khi nào chúng ta xa cách Người thì đời sống chúng ta bị mất đi một cái gì đó quan trọng. Sự hiện diện của Ngài khiến cho chúng ta cảm thấy chúng ta cần đến ơn cứu độ, và điều ấy bắt đầu chữa lành tâm can của chúng ta. Thế rồi, khi ước muốn của chúng ta được chữa lành trở nên can đảm hơn sẽ dẫn chúng ta đến chỗ cầu nguyện, đến chỗ thiết tha và liên lỉ kêu van giúp đỡ như Bartimaeus đã làm: "Hỡi Giêsu Con Vua Đavít, xin thương xót tôi cùng!" (câu 47).

Tiếc thay, như "nhiều người" trong Phúc Âm, bao giờ cũng có một ai đó không muốn dừng lại, không muốn bị ai khác kêu than đau đớn làm phiền, thích thinh lặng hơn và trách móc con người đang cần giúp đỡ chỉ làm phiền hà người khác (câu 48). Đang có một thứ khuynh hướng cứ đi luôn như thể chẳng có gì xẩy ra, thế nhưng sau đó chúng ta sẽ tiếp tục xa cách Chúa và chúng ta cũng kéo cả người khác cách xa Chúa Giêsu nữa. Chớ gì chúng ta nhận thức được rằng tất cả chúng ta đang van xin tình yêu của Thiên Chúa, và không để mình mất cơ hội gặp Chúa khi Người đi ngang qua.  “Timeo transeuntem Dominum - sợ Chúa đi ngang qua” (Saint Augustine). Chúng ta hãy vang lên ước muốn chân thực nhất của chúng ta là: "Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được thấy!" (câu 51).

Năm Thánh Tình Thương là một thời điểm thuận lợi để nghênh đón sự hiện diện của Thiên Chúa, để cảm nghiệm thấy tình yêu của Ngài và để trở về với Ngài bằng cả tấm lòng của chúng ta. Like Bartimaeus, chúng ta hãy vứt bỏ cái áo khoác của chúng ta và đứng ngay lên (câu 50): tức là chúng ta hãy loại bỏ đi tất cả những gì ngăn trở chúng ta trong việc chạy đến với Người, không sợ bỏ lại sau lưng những gì làm cho chúng ta cảm thấy an toàn và là những gì chúng ta gắn bó. Chúng ta đừng cứ ngồi lì một chỗ, nhưng hãy đứng lên để tìm lại cái giá trị thiêng liêng của chúng ta, tìm lại cái phẩm vị của những người con nam nữ được yêu thương, thành phần đứng trước nhan Chúa để chúng ta có thể được Người nhìn thấy, thứ tha và tái tạo.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, các vị Mục Tử chúng ta đặc biệt được kêu gọi để nghe thấy tiếng kêu, có lẻ thầm kín, của tất cả những ai muốn gặp gỡ Chúa. Chúng ta cần kiểm điểm lại các hành vi cử chỉ của chúng ta xem có những lúc chúng ta không giúp đáp người khác lại gần với Chúa Giêsu; các thứ lịch trình và chương trình nào không đáp ứng nhu cầu thực sự của những ai có thể đến với tòa giải tội; các thứ qui định của nhân loại nào lại như thể quan trọng hơn ước muốn tha thứ; thì tính chất bất uyển chuyển của chúng ta ấy có thể sẽ khiến cho những người khác cách xa với nỗi dịu dàng êm ái của Thiên Chúa.

Chúng ta chắc chắn không được hạ cấp những đòi hỏi của Phúc Âm, thế nhưng chúng ta cũng không thể nào gây nên nỗi lo sợ cho ước vọng của tội nhân muốn được hòa giải với Chúa Cha. Vì điều Chúa Cha đợi chờ hơn bất cứ những gì khác đó là thấy những người con nam nữ của Ngài trở về nhà cha (xem Luca 15:20-32).

Chớ gì những lời chúng ta nói là những lời của thành phần môn đệ, âm vang lời của Chúa Giêsu, những vị đã nói với Bartimaeus rằng: "Hãy can đảm lên; đứng lên, Người đang gọi anh đó" (Marco 10:49). Chúng ta đã được sai đí để phấn khích lòng can đảm, để nâng đỡ và để dẫn người khác đến với Chúa Giêsu. Thừa tác vụ của chúng ta là một thừa tác vụ của việc hỗ trợ, nhờ đó cuộc gặp gỡ Chúa trở thành một cuộc gặp gỡ riêng tư và thân mật, và tâm can cởi mở cho Đấng Cứu Thế một cách chân tình và không sợ hãi. Chớ gì chúng ta đừng quên rằng: Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng làm việc nơi mọi người. Trong Phúc Âm, chính Người là Đấng đã dừng lại và nói với người mù; chính Người là Đấng truyền mang người ấy đến với Người, và là Đấng đã lắng nghe anh ta mà chữa lành cho anh ta. Chúng ta đã được chọn để làm bừng lên ước vọng hoán cải, để trở thành dụng cụ trong việc làm dễ dàng hóa cuộc gặp gỡ này, để giơ bàn tay của chúng ta ra mà tha tội, nhờ đó làm cho lòng thương xót của Người trở nên hữu hình và tác hiệu.

Đoạn kết của câu chuyện Phúc Âm này mới hay, đó là Bartimaeus "lập tức được thấy lại và đã theo Người lên đường" (câu 52). Khi chúng ta đến gần với Chúa Giêsu thì cả chúng ta nữa thấy lại ánh sáng giúp chúng ta có thể tin tưởng nhìn về tương lai. Chúng ta cảm thấy lấy lại sức mạnh và lòng can đảm để lên đường. "Những ai tin thì thấy" (Thông Điệp Ánh Sáng Đức Tin, 1) và họ tiến lên trong hy vọng, vì họ biết rằng Chúa đang hiện diện, Ngài đang hỗ trợ và hướng dẫn họ. Chúng ta hãy theo Người như thành phần môn đệ trung tín, nhờ đó chúng ta có thể dẫn tất cả những ai chúng ta gặp gỡ cảm nghiệm được niềm vui nơi tình yêu nhân hậu của Người.

 

https://zenit.org/articles/popes-homily-at-penitential-service-for-24-hours-for-the-lord/
aminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)

 

http://www.romereports.com/all-news
(xin bấm vào cái link chung trên đây để có thế từ đó vào các links dưới đây)

http://www.romereports.com/2016/03/04/live-pope-francis-presides-over-a-penitential-celebration-in-st-petertms-basilica-
(Toàn bộ nghi thức ĐTC chủ tọa việc cử hành thống hối - đoạn video clip dài 2 tiếng 28 phút 59 giây

http://www.romereports.com/2016/03/04/pope-francis-confesses-in-st-peter-s-basilica
(Tường trình về biến cố cử hành thống hối Thứ Sáu 4/3/2016 - đoạn video clip dài 2 phút 35 giây)

http://www.romereports.com/2016/03/04/pope-francis-confesses-in-the-penitential-ceremony-in-san-pedro
(ĐứcThánh Cha vào tòa xưng tội đầu tiên sau đó ngài giải tội cho một số con chiên - đoạn video clip dài 52 giây)