GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 1-1-2017
(Sứ điệp của Giáo Hội từ năm 1968 cho ngày đầu năm này lần thứ 50)
Bất Bạo Động: Một Kiểu Cách Chính Trị cho Hòa Bình
Nonviolence: a Style of Politics for Peace
1- Vào lúc mở màn cho Năm Mới này, tôi xin chân thành chúc hòa bình đến các dân tộc và quốc gia trên thế giới, đến các vị lãnh đạo chính quyền, và đến càc vị thủ lãnh tôn giáo, dân sự và cộng đồng. Tôi xin chúc hòa bình cho hết mọi con người nam nữ cũng như em nhỏ, và tôi nguyện xin cho hình ảnh tương tự của Thiên Chúa ở nơi mỗi người sẽ giúp chúng ta có thể nhìn nhận nhau như là một tặng ân linh thánh có một phẩm giá lớn lao cao cả. Đặc biệt là ở nơi những tình trạng xẩy ra xung đột thì chúng ta hãy tôn trọng phẩm giá này, "một phẩm giá sâu xa nhất" của chúng ta (1) và
hãy chủ động thực hiện những gì bất bạo động như là lối sống của chúng ta.Đây là Sứ Điệp lần thứ 50 cho Ngày Thế Giới Hòa Bình này. Ở Sứ Điệp đầu tiên, Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã rất rõ ràng ngỏ lời cùng tất cả mọi dân tộc, chứ không chỉ với tín hữu Công giáo. "
Hòa bình là hướng đi chân thật duy nhất cho mức độ tiến bộ của loài người - chứ không phải là những căng thẳng gây ra bởi các thứ chủ nghĩa duy dân tộc đầy tham vọng, không phải bởi các thứ thắng đoạt bằng võ lực, không phải bởi những vụ đàn áp như cách chính yếu cho một thứ trật tự xã hội sai lầm". Ngài đã cảnh giác về "mối nguy hiểm của việc tin rằng các cuộc tranh luận quốc tế không thể nào có thể giải quyết bằng những đường lối lý lẽ, tức là bằng các cuộc thương thảo căn cứ vào luật lệ, vào công lý, và vào công bằng, mà bằng những thứ quyền lực cản trở và sát hại". Trái lại, trích dẫn thông điệp Pacem in Terris - Bình An Dưới Thế của vị tiền nhiệm là Thánh Gioan XXIII, ngài đã ca ngợi "cái cảm quan và lòng yêu chuộng hòa bình theo chân lý, công bình, tự do và yêu thương" (2). Trong thời khoảng 50 năm này những lời ấy vẫn không mất đi tính cách quan trọng hay khẩn trương của chúng.Nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ về việc bất bạo động như là kiểu cách làm chính trị cho hòa bình. Tôi xin Thiên Chúa giúp cho tất cả chúng ta biết vun trồng những gì là bất bạo động nơi những ý nghĩ và giá trị riêng tư nhất của chúng ta. Chớ gì đức bác ái và tình trạng bất bạo động chi phối cách thức chúng ta đối xứ với nhau như những cá thể, trong xã hội cũng như trong sinh hoạt quốc tế. Khi nào mà các nạn nhân của bạo lực có thể chống lại khuynh hướng trả thù thì họ trở thành những cổ động viên khả tín nhất của việc xây dựng hòa bình một cách bất bạo động. Ở những trường hợp địa phương và bình thường nhất,
chớ gì tình trạng bất bạo động trở thành một thứ mốc điểm nơi các quyết định của chúng ta, nơi các mối liên hệ của chúng ta và nơi các hành động của chúng ta, và thực sự là nơi tất cả mọi hình thức sinh hoạt chính trị.Một thế giới tan vỡ - A broken world
2- Nếu thế kỷ vừa qua đã chứng kiến thấy tình trạng tàn phá của hai Thế Chiến đầy chết chóc, mối đe dọa của chiến tranh nguyên tử và nhiều các cuộc xung đột khác, thì ngày nay, thảm thương thay, chúng ta đang rơi vào một thế chiến từng phần kinh hoàng khủng khiếp. Không dễ gì mà biết được thế giới của chúng ta đây hiện xẩy ra bạo lực nhiều hơn hay ít hơn trong quá khứ, hoặc cũng không dễ gì mà biết được có phải là các phương tiện truyền thông tân tiến cùng với việc di chuyển nhiều hơn có làm cho chúng ta thấy được bạo lực nhiều hơn, hay nói cách khác, càng quen với bạo lực hay chăng.
Dù sao đi nữa, chúng ta biết rằng tình trạng bạo lực "từng phần" này ở các thứ loại và mức độ khác nhau, đang gây ra bao nhiêu là đau khổ: các cuộc chiến tranh ở những xứ sở và châu lục khác nhau; nạn khủng bố, các tổ chức tội ác và những hành động bạo lực bất ngờ; những thứ lạm dụng mà những người di dân phải hứng chịu và các nạn nhân của nạn buôn người; và tình trạng tàn phá môi trường. Tình trạng này sẽ tiến đến chỗ nào đây? Bạo lực có đạt được bất cứ đích điểm vào có giá trị bền vững hay chăng? Hay là chỉ gây ra oán thù trả hận cùng với một cơn xoáy xung đột chết chóc chỉ béo bở cho một ít "tay chủ chiến - warlords" mà thôi?
Bạo lực không phải là cách chữa lành cho thế giới tan vỡ của chúng ta. Việc đối đầu bạo lực bằng bạo lực, nếu nhẹ, thì sẽ tiến đến chỗ gây ra các cuộc di tản ngoài ý muốn đầy những khổ đau, vì số lượng khổng lồ nơi các nguồn lợi đều được đầu tư vào mục đích chiến tranh, lấy đi mất các thứ nhu cầu hằng ngày của giới trẻ, của các gia đình đang gặp khốn khó, của người già lão, của bệnh nhân và của đại đa số dân chúng trên thế giới của chúng ta. Nếu nặng thì nó có thể dẫn đến chỗ chết chóc, về thể lý và về tinh thần, của nhiều người nếu không muốn nói là của tất cả mọi người.
Tin Mừng - the Good News
3- Chính Chúa Giêsu đã sống trong một thời điểm bạo động. Tuy nhiên, Người đã dạy rằng chiến trường thật sự, nơi mà bạo lực và hòa bình gặp nhau, đó là tâm can của con người: vì "từ bên trong, từ lòng người, mới xuất hiện các ý hướng xấu xa" (Marco 7:21). Thế nhưng, sứ điệp của Chúa Kitô về vấn đề này cống hiến một đường lối tích cực sâu xa. Người đã không ngừng rao giảng tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, một tình yêu đón nhận và tha thứ. Người đã dạy các môn đệ của Người hãy yêu thương kẻ thù của các vị (xem Mathêu 5:44) và giơ cả má bên kia nữa (xem Mathêu 5:39). Khi Người ngăn chặn những kẻ tố cáo người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình không ném đá chị ta (xem Gioan 8:1-11), và trong đêm trước khi tử nạn, Người đã bảo tông đồ Phêrô hãy dẹp bỏ gươm đao đi (xem Mathêu 26:52), Chúa Giêsu đã vạch ra đường lối bất bạo động rồi. Người đã bước theo con đường này cho đến cùng, cho đến thập giá, nơi Người đã trở thành hòa bình của chúng ta và chấm dứt những gì là hận thù ghen ghét (xem Epheso 2:14-16). Ai chấp nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu mới có thể nhận thấy cái bạo động nội tại và mới được lòng thương xót Chúa chữa lành, nhờ đó, về phần mình, họ trở thành dụng cụ hòa giải. Theo lời Thánh Phanxicô Assisi: "Khi anh em loan báo hòa bình bằng miệng lưỡi thì hãy bảo đảm rằng anh em có được một sự bình an lớn lao ở trong lòng anh em" (3).
Để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu ngày nay cũng bao gồm cả giáo huấn về bất bạo động của Người. Như vị tiền nhiệm Biển Đức XVI của tôi đã nhận định, giáo huấn ấy là những gì "thiết thực vì nó liên quan đến một thế giới quá nhiều bạo động, quá nhiều bất công, và vì thế không thể nào khống chế được tình trạng này ngoại trừ đối đầu với nó bằng cách yêu thương hơn, bằng thiện hảo hơn. 'Cái hơn' này xuất phát từ Thiên Chúa" (4). Ngài đã tiếp tục nhấn mạnh rằng: "Đối với Kitô hữu, việc bất bạo động không phải chỉ là hành vi chiến thuật mà là một lối hiện hữu của con người, thái độ của những ai được chiếm đoạt bởi tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đến độ họ không sợ ngăn cản sự dữ bằng các thứ khí giới yêu thương và chân lý mà thôi. Lòng yêu thương kẻ thù mình là những gì tạo nên tâm điểm của 'cuộc cách mạng Kitô giáo'" (5). Phúc Âm truyền dạy hãy yêu thương kẻ thù của các con (xem Luca 6:27) "thực sự được coi là hiến chương - magna carta bất bạo động của Kitô giáo. Nó không phải ở chỗ chịu thua sự dữ..., mà là đáp ứng sự dữ bằng sự lành (xem Roma 12:17-21), nhờ đó phá gỡ cái xiếng xích của bất công" (6).
Mãnh liệt hơn bạo lực - More powerful than violence
4- Bất bạo động đôi khi được được cho là hàng phục, là thiếu dấn thân và thụ động, thế nhưng vấn đề lại không phải như thế. Khi Mẹ Têrêsa nhận Giải Nobel Hòa Bình năm 1979, mẹ đã phát biểu một cách rõ ràng sứ điệp của mình về việc chủ động phi bạo lực: "Trong gia đình của mình, chúng ta không cần đến bom đạn hay súng ống để hủy diệt việc mang lại hòa bình - chỉ cần đến với nhau, yêu thương nhau... Nhờ đó chúng ta mới có thể thắng vượt tất cả mọi sự dữ ở trên thế giới này" (7). Vì sức mạnh của các thứ vũ khí chỉ là những gì lừa đảo. "Trong khi thành phần buôn chuyển các loại vũ khí làm việc của họ thì cũng đang có những con người kiến thiết hòa bình cống hiến đời sống của mình để giúp người này, rồi đến người kia, người nọ, người ấy"; đối với những con người kiến tạo hòa bình này thì Mẹ Têresa là "một biểu hiệu, một hình ảnh của thời đại chúng ta" (8). Tháng 9 vừa qua, tôi đã rất vui khi tuyên bố mẹ là một Vị Thánh. Tôi đã ca ngợi việc mẹ sẵn sàng trở nên thuận lợi cho hết mọi người "bằng việc đón nhận của mẹ và việc mẹ bênh vực sự sống con người, bênh vực những thai nhi và những ai bị bỏ rơi và bị loại trừ... Mẹ đã cúi mình xuống trước những ai vất vưởng, bỏ mặc cho chết trên vệ đường, khi nhìn thấy nơi họ cái phẩm giá thiên phú của họ; mẹ đã lên tiếng với các quyền lực trên thế giới này, để họ có thể nhìn nhận lỗi lầm của họ về tội ác nghèo khổ do họ gây ra" (9). Để đáp ứng, sứ vụ của mẹ - và mẹ đại diện cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu con người ta - là vươn tới người đau khổ, một cách quảng đại dấn thân, chạm tới và băng bó hết mọi thân mình bị thương tích, chữa lành hết mọi cuộc sống tan vỡ.
Việc áp dụng thực hành bất bạo động một cách quyết liệt và liên tục đã mang lại nhiều hoa trái ấn tượng. Những thành đạt của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaftar Khan trong việc giải phóng Ấn Độ, và của Tiến Sĩ Matin Luther King Jr. trong việc đấu tranh chống lại nạn kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đặc biệt, những phụ nữ thường đóng vai trò lãnh đạo bất bạo động, chẳng hạn như Leymah Gbowee và hàng ngàn nữ giới Liberia, thành phần tổ chức cuộc chống đối bằng tinh thần nguyện cầu và bất bạo động đã mang lại những cuộc nói chuyện về hòa bình ở cấp cao trong việc chấm dứt nội chiến ở Liberia.
Chúng ta cũng không thể quên được thập niên đầy những sự kiện quan trọng đã được kết thúc bằng cuộc sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Âu Châu. Các cộng đồng Kitô hữu đã đóng góp phần của mình bằng việc liên lỉ nguyện cầu và can đảm hành động. Đặc biệt là cái ảnh hưởng gây ra bởi thừa tác vụ và giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II. Phản tỉnh về các biến cố xẩy ra vào năm 1989, trong Thông Điệp Centestimus Annus - Bách Niên của mình, vị tiền nhiệm của tôi đã đề cao sự kiện thay đổi cả thể nơi đời sống của dân chúng, của các quốc gia và của những nhà nước đã xẩy ra "bằng cuộc chống đối bình an, chỉ sử dụng các thứ khí giời chân lý và công bằng" (10). Tình trạng chuyển tiếp chính trị bình an này một phần nào đó đã trở thành khả dĩ "bằng việc dấn thân bất bạo động của dân chúng, những con người một đàng không bao giờ chịu thua mãnh lực của quyền năng, đã từ từ thành công trong việc tìm thấy những đường lối hiệu nghiệm làm chứng cho chân lý". Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp tục nói rằng: "Chớ gì dân chúng biết chiến đấu cho công lý một cách bất bạo động, bằng cách loại trừ thứ đấu tranh giai cấp nơi những cuộc tranh cãi nội bộ và cuộc chiến tranh nơi các cuộc tranh cãi quốc tế" (11).
Giáo Hội đã từng liên hệ với những chính sách kiến tạo hòa bình một cách bất bạo động ở nhiều xứ sở, bao gồm cả những bên bạo động nhất trong nỗ lực xây dựng một nền hòa bình chân chính và bền vững.
Những nỗ lực nhân danh các nạn nhân của bất công và bạo lực như thế không phải chỉ là gia sản của Giáo Hội Công giáo mà còn là kiểu mẫu của nhiều truyền thống tôn giáo, những truyền thống tôn giáo mà "lòng cảm thương và bất bạo động là những yếu tố thiết yếu như một lối sống" (12). Tôi xin tái khẳng định một cách mạnh mẽ rằng "không một tôn giáo nào là thành phần khủng bố" (13). Bạo lực là những gì tục hóa danh Thiên Chúa (14). Chúng ta đừng bao giờ ngừng lập lại rằng: Danh Thiên Chúa không thể nào được sử dụng để biện minh cho bạo lực. Hòa bình là những gì thánh hảo duy nhất mà thôi. Chỉ có hòa bình mới thánh hảo, chứ không phải chiến tranh!" (15).
Những căn gốc nội tại của một thứ chính trị bất bạo động - The domestic roots of a politics of nonviolence
5- Nếu bạo lực bắt nguồn từ tâm can của loài người, bởi thế vấn đề chính yếu ở đây là vấn đề bất bạo động cần phải được áp dụng thực hành trước hết ở trong gia đình. Đó là những gì thuộc về niềm vui yêu thương được tôi diễn tả vào Tháng 3 vừa rồi trong Tông Huấn Amoris Laetitia - Niềm Vui Yêu Thương của tôi, sau hai năm Giáo Hội suy nghĩ về hôn nhân và gia đình. Gia đình là một lò huấn luyện bất khả châm chước, nơi mà vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em, học hỏi việc thông đạt trao đổi với nhau và chứng tỏ cho thấy mối quan tâm bao dung cho nhau, và là nơi mà những sự va chạm và thậm chí các thứ xung khắc cần phải được giải quyết không phải bằng võ lực mà là bằng việc đối thoại, tôn trọng, quan tâm cho thiện ích của người khác, thương xót và tha thứ (16). Từ bên trong gia đình, niềm vui yêu thương được trào ra cho thế giới và chiếu tỏa cho toàn thể xã hội (17). Nền đạo lý về tình huynh đệ và việc chung sống an bình giữa các cá thể và giữa các dân tộc không thể theo thứ lý lẽ của sợ hãi, của bạo lực và của cái tâm thức khép kín, mà là dựa trên trách nhiệm, lòng tôn trọng và việc thành tâm đối thoại. Bởi thế, tôi nài xin hãy giải giới cũng như cấm chỉ và hủy bỏ đi các thứ vũ khí nguyên tử: việc ngăn chặn nguyên tử và mối đe dọa về việc chắc chắn hủy hoại nhau không thể là nền tảng cho một thứ đạo lý ấy (18). Tôi cũng khẩn thiết nài xin chấm dứt tình trang bạo hành trong gia đình và việc lạm dụng nữ giới cùng trẻ em.
Năm Thánh Thương Xót đã kết thúc vào Tháng 11 đã phấn khích mỗi người chúng ta hãy nhìn thật sâu vào bên trong và hãy để cho lòng thương xót Chúa tiến vào đó. Năm Thánh này đã dạy chúng ta biết nhận thức được có biết bao nhiêu là cá nhân con người ta cũng như các nhóm xã hội đã tỏ ra dửng dưng lạnh lùng cùng chiều theo bất công và bạo lực. Họ cũng thuộc về "gia đình" của chúng ta; họ cũng là những người anh chị em của chúng ta. Thứ chính trị bất bạo động cần phải được bắt đầu trong gia đình để rồi lan ra toàn thể gia đình nhân loại. "Thánh Therese Lisieux mời gọi chúng ta hãy thực hành con đường nhỏ yêu thương, đừng bỏ mất một lời nói tử tế, một nụ cười hay một cử chỉ nho nhỏ gieo rắc hòa bình và tình thân hữu. Một thứ môi sinh nguyên vẹn cũng được làm nên bởi các cử chỉ đơn sơ giản dị thường ngày là những gì phá vỡ cái lý lẽ của bạo lực, của khai thác và của vị kỷ" (19)
Tôi xin mời gọi - My invitation
6- Việc kiến tạo hòa bình bằng việc chủ động bất bạo lực là những gì bổ xung tự nhiên và cần thiết cho các nỗ lực liên tục của Giáo Hội trong việc giới hạn việc sử dụng võ lực bằng cách áp dụng những tiêu chuẩn bình thường; Giáo Hội làm như thế bằng việc tham phần của mình vào hoạt động của các tổ chức quốc tế cũng như bằng việc đóng góp có thể được thực hiện bởi rất nhiều Kitô hữu vào việc soạn thảo dự luật ở tất cả mọi tầm cấp. Chính Chúa Giêsu cống hiến một thứ "cẩm nang" cho chính sách kiến tạo hòa bình này ở Bài Giảng Trên Núi. Tám Mối Phúc Thật (xem Mathêu 5:3-10) là những gì cống hiến cho thấy chân dung của một con người chúng ta có thể nói là có phúc, tốt lành và chính gốc. Phúc cho người hiền lành, Chúa Giêsu bảo chúng ta như thế, cho ai biết thương xót và cho ai kiến tạo bình an, cho những ai có lòng thanh sạch và những ai đói khát công lý.
Đó cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, cho các vị thủ lãnh các tổ chức quốc tế, cũng như cho các hành sự viên thương mại và truyền thông, ở chỗ áp dụng những mối Phúc Đức này vào việc thực hành các trách nhiệm của họ. Nó là một thách đố trong việc xây dựng xã hội, cộng đồng và mậu dịch bằng cách tác hành như là những con người kiến thiết hòa bình. Chính việc chứng tỏ lòng thương xót bằng việc không chịu loại trừ dân chúng, không chịu tác hại môi trường, hay không tìm thắng lợi với bất cứ giá nào. Để làm như vậy cần phải "sẵn sàng đối diện đương đầu với xung khắc, giải quyết nó và làm cho nó thành một cái móc nối trong sợi xích của một tiến trình mới" (20). Tác hành như vậy có nghĩa là chọn theo tình đoàn kết như là cách thức đi làm lịch sử và xây dựng tình thân hữu trong xã hội. Việc chủ động bất bạo lực là cách thức cho thấy rằng hiệp nhất thực sự mãnh liệt hơn và hiệu lực hơn là xung khắc. Hết mọi sự trên thế giới này đều liên hệ với nhau (21). Các thứ khác biệt chắc chắn có thể gây ra những va chạm. Thế nhưng chúng ta đương đầu với chúng một cách xây dựng và bất bạo động, nhờ đó "những căng thẳng và chống đối có thể đạt được một mối hiệp nhất đa dạng và ban sự sống", vẫn bảo trì "những gì là giá trị và hữu ích ở cả hai bên" (22)
Tôi nài xin sự trợ giúp của Giáo Hội bằng mọi nỗ lực để xây dựng hòa bình nhờ việc chủ động và sáng tạo bất bạo lực. Vào ngày 1/1/2017, tân Phân Bộ về Cổ Võ Phát Triển Trọn Vẹn Nhân Loại (Dicastery for Promoting Integral Human Development) sẽ bắt đầu làm việc của mình. Nó sẽ giúp cho Giáo Hội phát động một cách hiệu năng hơn bao giờ hết "các sự thiện vô giá của công lý, bình an và chăm sóc thiên nhiên tạo vật" và quan tâm đến "những người di dân, những ai đang nghèo klhổ, bệnh nhân, thành phần bị loại trừ và sống bên lề xã hội, những người bị ngục tù và những người thất nghiệp, cũng như các nạn nhân của việc xung đột võ trang, các thứ thiên tai, cùng tất cả những hình thức nô lệ và hành hạ" (23). Hết mọi đáp ứng ấy, cho dù là nhỏ mọn tầm thường, cũng giúp vào việc xây dựng một thế giới phi bạo lực, bước đầu tiên hướng tới công lý và hòa bình.
Tóm kết - In conclusion
7- Theo truyền thống, tôi ký ban hành Sứ Điệp này vào ngày 8/12, Lễ Trọng Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình. Ở cuộc hạ sinh của Con Mẹ, các thiên thần tôn vinh Thiên Chúa và chúc hòa bình trên trái đất này cho những con người nam nữ thiện tâm (xem Luca 2:14). Chúng ta hãy cầu xin Mẹ hướng dẫn chúng ta.
"Tất cả chúng ta đều muốn hòa bình. Nhiều người ngày ngày xây dựng hòa bình bằng những cử chỉ và hành động nhỏ bé; nhiều người trong họ đang bị khổ đau, nhưng nhẫn nại kiên trì trong nỗ lực làm những con người kiến tạo hòa bình" (24). Trong năm 2017, chúng ta dấn thân trong nguyện cầu và một cách chủ động trong việc hủy bỏ bạo lực khỏi tâm can của chúng ta, ngôn từ của chúng ta và việc làm của chúng ta, và trở thành những con người bất bạo động cùng xây dựng các cộng đồng bất bạo động hầu chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. "Không gì mà lại bất khả nếu chúng ta hướng về Thiên Chúa trong nguyện cầu. Mọi người đều có thể là một thủ công viên hòa bình" (25).
Tại Vatican ngày 8/12/2016
Franciscus
Nguồn trích dẫn trong sứ điệp
[1] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 228.
[2] PAUL VI, Message for the First World Day of Peace, 1 January 1968.
[3] “The Legend of the Three Companions”, Fonti Francescane, No. 1469.
[4] BENEDICT XVI, Angelus, 18 February 2007.
[5] Ibid.
[6] Ibid.
[7] MOTHER TERESA, Nobel Lecture, 11 December 1979.
[8] Meditation, “The Road of Peace”, Chapel of the Domus Sanctae Marthae, 19 November 2015.
[9] Homily for the Canonization of Mother Teresa of Calcutta, 4 September 2016.
[10] No. 23.
[11] Ibid.
[12] Address to Representatives of Different Religions, 3 November 2016.
[13] Address to the Third World Meeting of Popular Movements, 5 November 2016.
[14] Cf. Address at the Interreligious Meeting with the Sheikh of the Muslims of the Caucasus and Representatives of Different Religious Communities, Baku, 2 October 2016.
[15]Address in Assisi, 20 October 2016.
[16] Cf. Post-Synodal Apostolic Exhortation Amoris Laetitia, 90-130.
[17] Cf. ibid., 133, 194, 234.
[18] Cf. Message for the Conference on the Humanitarian Impact of Nuclear Weapons, 7 December 2014.
[19] Encyclical Laudato Si’, 230.
[20] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 227.
[21] Cf. Encyclical Laudato Si’, 16, 117, 138.
[22] Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 228.
[23] Apostolic Letter issued Motu Proprio instituting the Dicastery for Promoting Integral Human Development, 17 August 2016.
[24] Regina Coeli, Bethlehem, 25 May 2014.
[25]Appeal, Assisi, 20 September 2016.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo những chỗ tự ý nhấn mạnh bằng mầu