GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Xin chào Anh Chị Em thân mến!
Chúng ta đã nghe bài thánh kinh được chọn cho năm nay để hướng dẫn suy niệm trong Tuần Lễ Nguyện Cầu Hiệp Nhất Kitô Giáo đang diễn tiến trong tuần này, từ 18 đến 25 Tháng Giêng đây. Đoạn trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô này được chọn bởi một nhóm đại kết ở Latvia, theo yêu cầu của Hội Đồng Đại Kết Chư Giáo Hội cũng như của Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo.
Ở giữa ngôi Vương Cung Thánh Đường Lutheran ở Riga có một bể rửa tội từ hồi thế kỷ thứ 12 cho đến thời điểm Latvia được Thánh Maynard truyền bá phúc âm hóa. Cái bể rửa tội này là dấu hiệu hùng hồn về một thứ nguồn gốc đức tin được công nhận bởi tất cả mọi Kitô hữu của Latvia - Công giáo, Tin lành và Chính thống. Nguồn gốc này là Phép Rửa chung của chúng ta. Công Đồng Chung Vaticanô II đã khẳng định rằng: "Phép Rửa tạo nên mối liên hệ về bí tích của mối hiệp nhất hiệu lực giữa tất cả những ai nhờ phép rửa này đã được tái sinh" (Unitatis Redintegratio, 22). Bức Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô này được viết cho thế hệ Kitô hữu tiên khởi, để làm cho họ nhận thức được tặng ân được lãnh nhận nơi Phép Rửa cùng với các đòi hỏi kèm theo. Trong Tuần Lễ Cầu Nguyện này, chúng ta cũng được kêu mời để tái nhận thức tất cả những sự ấy và cùng nhau làm như vậy, vượt ra ngoài những gì chia rẽ chúng ta.
Trước hết, việc thông phần vào Phép Rửa có nghĩa là tất cả chúng ta đều là tội nhân và đều cần được cứu độ, cứu chuộc và giải thoát khỏi sự dữ. Đó là khía cạnh tiêu cực được Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô gọi là "tối tăm" khi ngài viết: "Thiên Chúa đã kêu gọi anh em từ tối tăm vào ánh sáng lạ lùng". Đó là cái cảm nghiệm về sự chết mà Chúa Kitô đích thân phải chịu và được biểu hiệu nơi Phép Rửa. Chúng ta khẳng định rằng tất cả chúng ta - Công giáo, Tin lành và Chính thống - đều chia sẻ cảm nghiệm được kêu gọi ra khỏi bóng tối tăm tàn nhẫn và thù địch để tiến tới cuộc hội ngộ với Vị Thiên Chúa hằng sống đầy tình thương. Tiếc thay, tất cả chúng ta đều cảm nghiệm thấy cái tôi là những gì gây chia rẽ, khép kín và khinh khi. Để tái bắt đầu lại từ Phép Rửa nghĩa là tái nhận thức được cái bể tình thương này, cái bể của niềm hy vọng cho tất cả mọi người, vì không ai bị tình thương của Thiên Chúa loại bỏ.
Việc chia sẻ ân sủng này tạo nên một mối liên hệ bất khả tháo gỡ giữa Kitô hữu chúng ta, nhờ đó, bởi Phép Rửa, chúng ta có thể thực sự coi chúng ta là huynh đệ. Chúng ta thực sự là Dân thánh của Thiên Chúa, cho dù, vị tội lỗi của chúng ta, chúng ta chưa hoàn toàn là một dân hiệp nhất. Tình thương của Thiên Chúa, hoạt động nơi Phép Rửa, còn mạnh hơn cả những gì chia rẽ chúng ta. Ở mức độ chúng ta hưởng nhận ân sủng tình thương này, chúng ta còn trở nên Dân Chúa trọn vẹn hơn thế nữa, và chúng ta cũng có thể loan báo cho tất cả mọi người các kỳ công của Ngài, thực sự bắt đầu từ một thứ chứng từ hiệp nhất chân thành và huynh đệ. Kitô hữu chúng ta có thể loan truyền cho tất cả mọi người quyền lực của Phúc Âm, dấn thân chia sẻ các công việc thương xót về cả thể lý lẫn tinh thần. Đó là chứng từ hiệp nhất cụ thể giữa Kitô hữu chúng ta: Tin lành, Chính thống và Công giáo.
Tóm lại, anh chị em thân mến, tất cả Kitô hữu chúng ta, nhờ ơn Phép Rửa, đã có được tình thương từ Thiên Chúa và đã được nhận làm Dân của Ngài. Tất cả chúng ta, Công giáo, Chính thống và Tin lành làm nên một hàng tư tế vương giả và một dân nước thánh hảo. Nghĩa là chúng ta có cùng một sứ vụ chung đó là truyền đạt tình thương chúng ta đã lãnh nhận cho người khác, bắt đầu là những người anh chị em nghèo khổ nhất và bị bỏ rơi nhất. Trong Tuần Cầu Nguyện này, chúng ta xin cho tất cả chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô tìm thấy con đường cùng nhau hợp tác để mang tình thương của Chúa Cha đến cho tất cả mọi nơi trên thế giới này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)
http://www.news.va/en/news/
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch các
câu nguyên văn (kèm
theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý)