GIÁO HỘI HIỆN THẾ
Đức Thánh Cha Phanxicô
Trả Lời Phỏng Vấn Truyền Thông trên chuyến bay từ Hy Lạp về Roma Thứ Bảy 16/4/2016
Dẫn nhập của người dịch: Trong chuyến viếng thăm có thể nói là đột xuất của ĐứcThánh Cha Phanxicô hôm Thứ Bảy 16/4 ở Mòria Refugee Camp, Lesvos Hy Lạp, ĐTC Phanxicô đã được đồng hành bởi Đức Thượng Phụ danh dự Chính Thống Giáo Bartholomew, và Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Nhã Điển và Hy Lạp Ieronymos. Ngài đã ăn trưa với 8 người tị nạn và thậm chí còn mang về Roma 3 gia đình người Syria (12 người: 6 bố mẹ và 6 người con của cả 3 gia đình), hoàn toàn là tín đồ Hồi giáo. Sau đây là cuộc phỏng vấn của phóng viên báo chí (50 người) đi theo Đức Thánh Cha, Người đã trả lời tất cả 10 thắc mắc của họ trong vòng 25 phút như sau:
Vấn: (Ines San Martin, “Crux” The original question was in Spanish. The translation is given)
Tâu ĐTC, con hy vọng con không làm phiền ĐTC, nhưng con xin hỏi ĐTC 2 câu về 2 vấn đề khác nhau. Câu hỏi thứ nhất là câu đặc biệt, liên quan đến chuyến đi này. Chuyến đi này xẩy ra sau hiệp định giữa Khối Hiệp Nhất Âu Châu và Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực giải quyết vấn đề tị nạn ở Hy Lạp. ĐTC có nghĩ rằng dự án này gây tác dụng hay chăng, hay đó chỉ là vấn đề chính trị để kéo dài thời gian xem sao thôi? Và câu hỏi thứ hai đó là sáng hôm nay ĐTC đã gặp ở nhà trọ Saint Matta ứng viên Tổng Thống Hoa Kỳ là Bernie Sanders. Con xin ĐTC cho một nhận định về cuộc gặp gỡ này và có phải chăng đó là cách thức ĐTC sử dụng để pha mình vào chính trị ở Bắc Mỹ hay chăng.
Đáp: (Pope Francis)
Không, trước hết là không có vấn đề suy đoán về chính trị ở đây, vì tôi không biết rõ những ký kết này giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tôi có thấy trên báo chí, thế nhưng đây là những gì hoàn toàn nhân bản (ngài có ý nói về sáng kiến nhận 3 gia đình tị nạn về Roma). Nó là một việc làm nhân đạo. Nó là một soi động thật sự xẩy ra một tuần trước đây từ một cộng sự viên của tôi, và tôi liền chấp nhận ngay tức thì, bởi tôi thấy đó là tiếng nói của Thần Linh. Mọi sự đã đâu vào đó rồi: họ đã có đầy đủ giấy tờ, ba chính quyền - Quốc Đô Vatican, Chính Phủ Ý và Chính Phủ Hy Lạp - tất cả đều đã điều tra xong xuôi hết mọi sự, đã thấy được tất cả và đã đồng ý với nhau. Họ được Vatican tiếp nhận: sẽ tùy vào Vatican, với sự hợp tác của Cộng Đoàn Sant'Egidio, trong việc tìm nơi cho họ làm việc nếu có và lo bảo trì họ... Họ là khách của Vatican, và họ được thêm vào với 2 gia đình Syria đã từng được 2 giáo xứ ở Vatican đón nhận.
Vấn đề thứ hai. Sáng hôm nay, khi tôi đang rời nhà thì Thượng Nghị Sĩ Sanders đã có mặt ở đó rồi, vị đã đến Roma để tham dự hội nghị của Tổ Chức Bách Niên. Ông biết rằng tôi đang rời nhà vào lúc bấy giờ, nên ông đã lịch sự chào tôi. Tôi đã chào ông, bắt tay ông, vợ ông và bắt tay một cặp vợ chồng đi theo ông, tất cả đều ở trọ Nhà Matta, vì tất cả mọi phần tử tham dự hội nghị này đều ở nhà trọ Matta, ngoại trừ hai vị tổng thống tham dự viên, theo tôi, trọ ở toà lãnh sự của nước họ. Khi tôi đến thì ông tiến tới chào tôi; chúng tôi đã bắt tay nhau, ngoài ra không còn gì nữa. Đó là phép lịch sự; nó được gọi là lịch sự chứ không xen vào vấn đề chính trị. Nếu ai nghĩ rằng chào người nào đó là xen vào chính trị thì tôi đề nghị hãy đến gặp bác sĩ tâm thần! (ngài cười ra tiếng).
Vấn: (Franca Giansoldati, Il Messaggero)
Xin cám ơn Ngài. Ngài đã nói nhiều về "vấn đề hiếu khách", thế nhưng có lẽ Ngài nói ít về "vấn đề hội nhập". Nhìn vào những gì đang xẩy ra ở Âu Châu, nhất là dưới trào lưu di dân ồ ạt, chúng ta thấy rằng có một số thành phố phải chịu khốn khổ bởi những khu sắc tộc riêng... Đó là lý do cho thấy thành phần di dân Hồi giáo khó lòng mà hội nhập với các thứ giá trị của chúng ta, với các thứ giá trị của Tây phương. Tôi xin hỏi ngài rằng không hữu ích hơn hay sao đối với vấn đề hội nhập khi muốn có những người di dân không phải là Hồi giáo? Bởi thế mà tại sao hôm nay Ngài lại đặc ân cho 3 gia đình thuần Hồi giáo bằng một cử chỉ rất yêu thương, rất cao quí như vậy chứ?
http://www.romereports.com/2016/04/16/pope-takes-three-refugee-families-with-him-to-rome
(đoạn video clip dài 41 giây liên quan đến 3 gia đình tị nạn may mắn như từ hỏa ngục trần gian bất ngờ được đón về trời vậy)
http://www.romereports.com/2016/04/21/the-new-life-of-the-refugees-rescued-by-the-pope-in-rome-we-are-not-terrorists
(đoạn video clip dài 3 phút 9 giây về 3 gia đình 12 người tị nạn
Syria được ĐTC đón về sống ở Rôma)
Đáp: (Pope Francis)
Tôi không chọn giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo. Ba gia đình này đã có giấy tờ đâu vào đấy, các giấy tờ của họ đã tới phiên và có thể xong. Chẳng hạn có 2 gia đình Kitô hữu ở trong danh sách đầu nhưng giấy tớ chưa xong. Đây không phải là một đặc ân. Tất cả 12 người này đều là con cái của Thiên Chúa. "Đặc ân" ở đây là đặc ân được làm con cái của Thiên Chúa: thật sự là như thế. Những gì bạn nói về vấn đề hội nhập là vấn đề rất khôn ngoan. Tôi xin cám ơn bạn đã nói đến điều này. Bạn đã nói một chữ dường như đã bị lãng quên nơi nền văn hóa hiện nay của chúng ta, sau Thế Chiến... Ngày nay các khu sắc tộc vẫn còn tồn tại. Và một số thành phần khủng bố thực hiện các hành động khủng bố - có một số - là con cái và cháu chắt của những người được sinh ra trong xứ sở ở Âu Châu. Thế rồi những gì đã xẩy ra? Không hề có chính sách hội nhập, nên đối với tôi, vấn đề nền tảng là ở chỗ ấy, đến độ như bạn thấy rằng trong Tông Huấn Hậu Thượng Nghị về Gia Đình - cho dù đây là một vấn đề klhác - một trong 3 chiều kích mục vụ đối với các gia đình đang gặp khó khăn đó là vấn đề hội nhập vào đời sống của Giáo Hội. Âu Châu cần phải lấy lại khả năng này hôm nay đây, một khả năng họ bao giờ cũng có, khả năng hội nhập, vì nơi các đám dân du mục Âu Châu, những người Norman cùng với rất nhiều người khác đã đến, họ đã được hội nhập và đã được phong phú văn hóa của họ. Tôi nghĩ chúng ta đang cần phải giảng dạy và giáo dục về vấn đề hội nhập. Xin cám ơn bạn.
Vấn: (Elena Pinardi – European Broadcasting Union)
Tâu Đức Thánh Cha, đang có vấn đề về việc củng cố những biên giới của một vài quốc gia Âu Châu, về việc kiểm soát, thật ra là về việc triển khai quân đội dọc theo các biên giới Âu Châu. Phải chăng đây là sự tận cùng của hòa ước vô biên giới Schengen (giữa 5 nước ở Âu Châu từ năm 1985 - biệt chú của người dịch); phải chăng đó là cùng tận của giấc mộng Âu Châu?
Đáp: (Pope Francis)
Tôi không biết. Tôi thông cảm với các chính quyền, cũng như với dân chúng, đang cảm thấy sợ hãi làm sao ấy. Tôi thông cảm điều này và chúng ta cần phải thực thi trách nhiệm trọng đại nơi việc họ tiếp nhận. Một trong những khía cạnh của trách nhiệm này là ở chỗ chúng ta làm thế nào để có thể hội nhập những người này với chúng ta. Tôi luôn nói rằng việc xây tường ngăn cách không phải là một giải pháp. Chúng ta đã chứng kiến thấy một bức tường đã bị sụp đổ vào thế kỷ vừa qua. Nó chẳng giải quyết được gì hết. Chúng ta cần phải xây dựng những cây cầu nối. Thế nhưng những cây cầu nối cần phải được thiết dựng một cách khôn ngoan; chúng được thực hiện bằng việc đối thoại, bằng việc hội nhập. Bởi thế, tôi thông cảm được nỗi sợ hãi, thế nhưng việc đóng cửa biên giới không giải quyết được gì hết, vì về lâu về dài, việc đóng cửa ấy tác hại đến chính dân chúng. Âu Châu cần phải khẩn trương dấn thân vào các chính sách của việc hiếu khách và hội nhập, của việc tăng trưởng, của công ăn việc làm, của việc cải cách kinh tế... Tất cả những điều ấy là những cây cầu nối sẽ dẫn chúng ta tới chỗ không dựng lên những bức tường ngăn cách. Tôi hoàn toàn thông cảm với nỗi sợ hãi ấy, thế nhưng sau những gì tôi đã trông thấy - và tôi sẽ thay đổi đề tài, nhưng tôi muốn nói đến nó hôm nay đây - và chính các bạn cũng đã nhìn thấy ở trại tị nạn ấy... nó khiến người ta phải khóc thương! Trẻ em... Tôi đã mang theo với tôi để các bạn thấy rằng trẻ em đã trao cho tôi rất nhiều bức họa (Đức Giáo Hoàng cho họ thấy một vài hình vẽ, từ cái này đến cái kia và ngài đã bày tỏ nhận định) Bức hình này: trẻ em muốn gì đây? Hòa bình, vì các em đang đau khổ. Các em học các lớp giáo dục ở đó, ở trại tị nạn... Thế nhưng những trẻ em ấy đã thấy những gì! Xin nhìn đây (ngài cho thấy 1 tấm hình khác): các em cũng thấy một em bị chết đuối. Lòng các em đã thấm nhiễm những điều này! Thật thế, hôm nay là một ngày để khóc thương, một ngày để thương khóc. Cũng cùng một đề tài được một em ở A Phú Hãn vẽ: chúng ta nhìn thấy (tấm hình đây) từ A Phú Hãn đến phải quay về Hy Lạp. Những điều này đã in vào ký ức của các em ấy! Cần có giờ để nói thêm về nó. Xin nhìn đây (tấm hình khác): mặt trời đang nhìn xem và thương khóc. Thế nhưng, nếu mặt trời mà còn có thể khóc thương thì chúng ta cũng cần phải thương khóc nữa: một giọt lệ cũng tốt cho chúng ta rồi.
Vấn: (Fanny Carrier, Agence France Presses)
Xin chào ngài. Tại sao ngài không phân biệt giữa những ai chạy loạn chiến tranh với những ai thoát chạy đói khổ? Âu Châu có thể nào đón nhận tất cả mọi khốn khổ của thế giới hay chăng.
Đáp: (Pope Francis)
Đúng thế. Hôm nay tôi đã nói trong bài nói của tôi rằng: "có một số chạy loạn chiến tranh, số khác thoát chạy đói khổ". Cả hai đều là hậu quả của nạn khai thác và hậu quả của đất đai. Cách đây hơn kém một tháng, có một Vị Lãnh Đạo Chính Quyền Phi Châu đã nói với tôi rằng quyết định đầu tiên của Chính Phủ ông đó là tái thiết lại các khu rừng, vì đất đai đã bị chết đi bởi nạn khai thác rừng. Các việc làm tốt đẹp cần phải được thực hiện với cả hai loại người này. Thế nhưng có một số thoát chạy vì nạn đói khổ và một số vì loạn chiến tranh. Tôi xin mời những ai buôn bán vũ khí, vì các thứ vũ khí đang được chế tạo - có những ký kết ở một mức độ nào đó, thế nhưng thành phần buôn bán vũ khí, những ai buôn bán vũ khí để gây ra chiến tranh ở một số nơi khác nhau, chẳng hạn ở Syria, những người trao các thứ vũ khí cho các nhóm khác nhau - tôi xin mời những kẻ buôn bán này hãy sống một ngày ở trại tị nạn đó. Tôi nghĩ rằng nó sẽ hữu ích cho họ!
Vấn: (Nestor Ponguta , W Radio Colombia – Question in Spanish, the translation is given)
Xin kính chào Ngài. Sáng nay ngài đã nói một điều rất đặc biệt khiến chúng tôi để ý đến rất nhiều: ngài nói đây là một chuyến đi buồn, và ngài đã diễn giải nó bằng lời nói của ngài: ngài đã tỏ ra cảm động. Tuy nhiên, có một điều gì đó cũng cần phải thay đổi trong lòng của ngài nữa, khi ngài biết rằng có 12 người ấy, và bằng một cử chỉ nho nhỏ ấy ngài đã cống hiến một bài học cho những ai đôi khi quay đầu khỏi cái đớn đau quá như vậy, một bài học cho cái thế chiến thứ ba đang diễn ra từng mảnh bị ngài lên án này.
Đáp: (Pope Francis)
Tôi sẽ thực hiện việc lấy trộm văn của người khác! Tôi trả lời bằng một câu không phải của tôi. Mẹ Têrêsa đã được hỏi cùng một vấn đề này: "Thế nhưng, mẹ hết sức nỗ lực, hết sức hoạt động chỉ để giúp cho người sắp chết... Những gì mẹ làm đều vô dụng! Biển cả thì mênh mông!" Mẹ đã trả lời rằng: "Nó là một giọt nước trong biển cả! Thế nhưng sau giọt nước này, biển cả không còn nguyên như vậy nữa!" Câu trả lời của tôi như thế. Nó là một cử chỉ nho nhỏ. Tuy nhiên, những cử chỉ nho nhỏ này tất cả chúng ta cần phải làm, cả nam nhân lẫn nữ giới, để giúp đỡ người đang cần đến chúng ta.
Vấn: (Joshua McElwee, National Catholic Reporter)
Xin cám ơn ĐTC. Chúng ta đã đến với một xứ sở của nạn di dân, nhưng cũng là một xứ sở đang có một chính sách kinh tế khắc khổ. Con xin hỏi ĐTC là ĐTC có nghĩ đến thứ kinh tế khắc khổ này hay chăng? - đối với một Đảo khác là Puerto Rico cũng thế, ĐTC có nghĩ đến chính sách khắc khổ này hay chăng?
Đáp: (Pope Francis)
Chữ khắc khổ có một ý nghĩa khác theo quan điểm của người nói về nó: theo kinh tế thì nó có nghĩa là vấn đề của một chương trình; theo chính trị có nghĩa là một điều gì khác; theo tinh thần và theo đường lối Kitô hữu lại khác. Khi tôi nói về khắc khổ, là tôi nói đến cái khắc khổ trái ngược với hoang phí. Tôi đã nghe FAO (tổ chức nông lương của Liên Hiệp Quốc - biệt chú của người dịch) nói: tôi tin ở một cuộc họp của FAO - rằng tình trạng phung phí thực phẩm có thể thỏa đáng tất cả mọi người đói khổ trên thế giới. Còn chúng ta, trong gia đình của mình, biết bao nhiêu là phung phí, biết bao nhiêu những gì chúng ta phung phí mà chẳng nghĩ gì hết! Đó là thứ văn hóa vứt bỏ, thứ văn hóa phung phí. Tôi nói đến khắc khổ theo nghĩa đó, theo nghĩa Kitô giáo. Chúng ta hãy dừng lại ở đây và hãy sống làm sao khắc khổ một cách nào đó.
Vấn: (Francisco Romero, Rome Reports)
Kính Ngài, tôi chỉ xin nói rằng ngài đã nói cuộc khủng hoảng về những người tị nạn này là cuộc khủng hoảng tệ nhất sau Thế Chiến Thứ Hai. Vậy tôi xin hỏi ngài rằng ngài nghĩ sao về cuộc khủng hoảng về các người di dân đến Nước Mỹ, đến Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, từ Mễ tây Cơ, từ Mỹ Châu Latinh?
Đáp: (Pope Francis)
Cũng giống như nhau! Cũng giống nhau thôi, vì họ thật sự đến đó để thoát khỏi cảnh đói khổ. Nó là một vấn đề giống nhau. Tôi đã cử hành Lễ ở Ciudad Juarez cách hàng rào biên giới khoảng độ 100 mét, có lẽ không đến. Ở bên kia hàng rào có khoảng 50 vị Giám Mục Hoa Kỳ và một vận động trường 50 ngàn người theo dõi Thánh lễ trên màn ảnh khổng lồ; ở đó, ở Mễ Tây Cơ, cả một cánh đồng đầy tràn dân chúng. Thế nhưng cũng giống như nhau! Họ đến Mễ Tây Cơ từ Trung Mỹ Châu. Bạn hẳn còn nhớ, hai tháng trước đây, một cuộc xung khắc với Nicaragua vì nước Mễ Tây Cơ không muốn các người tị nạn vượt biên qua nước của họ: vấn đề đã được giải quyết. Ở đó, những người tị nạn được chính quyền Mễ đã chở bằng máy bay đến một xứ sở khác mà không băng ngang qua Nicaragua. Đó là một vấn đề toàn cầu! Tôi đã nói về nó ở đó với các vị Giám Mục Mễ Tây Cơ; tôi đã xin hãy chăm sóc cho những người tị nạn.
Vấn: (Francis Rocca, Wall Street Journal)
Xin cám ơn Đức Thánh Cha! Con thấy rằng các vấn đề về di dân con nghĩ đến đã được đặt ra và đã được ĐTC trả lời rất hay. Bởi thế, xin ĐTC cho phép con hỏi một câu về một biến cố khác về những ngày mới đây, đó là bức Tông Huấn của ĐTC. Như ĐTC quá rõ, một trong nhiều vấn đề đã thường được bàn đến - con biết rằng chúng ta đã tập trung vào nó nhiều đấy, sau khi bức tông huấn này được ban hành: có một số cho rằng chẳng có gì là thay đổi cả liên quan đến vấn đề cho người ly dị tái hôn được lãnh nhận các Bí Tích, và luật lệ cũng như việc thi hành mục vụ cùng Tín Lý rõ ràng là vẫn nguyên như thế; trái lại, một số khác cho rằng nhiều điều đã thay đổi và có nhiều cởi mở và cơ hội mới mẻ. Đối với một người, đối với một tín hữu Công giáo vấn đề muốn biết đó là có những cơ hội khả hữu cụ thể mới mẻ nào đã không có trước khi ban hành bức Tông Huấn này hay không có?
Đáp: (Pope Francis)
Tôi có thể nói rằng "có", thế thôi, nhưng nếu vậy thì câu trả lời quá ngắn. Tôi khuyên tất cả các bạn hãy đọc bài trình bày của Đức Hồng Y Shoenborn, một đại thần học gia. Ngài là phần tử của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin và là vị biết rõ về Tín Lý của Giáo Hội. Câu hỏi của bạn sẽ tìm thấy câu trả lời nơi bài trình bày này. Xin cám ơn bạn.
Vấn: (Jean-Marie Guenois, Le Figaro)
Tôi có cùng một câu hỏi, thế nhưng nó là một câu hỏi về vấn đề bổ xung, vì không hiểu sao ngài đã viết một ghi chú thời danh trong Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương Aroris Laetitia này về các vấn đề ly dị tái hôn - ghi chú 351. Tại sao một điều quan trọng như thế lại bằng một ghi chú nhỏ nhoi thôi? Phải chăng ngài đã thấy trước những chống đối hay ngài muốn nói rằng vấn đề này không quan trọng lắm chăng?
Đáp: (Pope Francis)
Xin bạn hãy nghe đây, một trong những vị Giáo Hoàng vừa qua, khi nói về Công Đồng, đã nói rằng có hai thứ Công Đồng: Công Đồng Vaticanô II là công đồng diễn tiến ở Đền Thờ Thánh Phêrô, và một công đồng khác, "Công Đồng Truyền Thông - Council of the Media". Khi tôi triệu tập Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới lần thứ nhất, mối bận tâm nhất của đa số truyền thông đó là: Liệu các vị có cho các người ly dị tái hôn được Rước Lễ hay chăng? Vì tôi không phải là một thánh nhân, nên điều này đã làm cho tôi hơi khó chịu, đồng thời nó cũng khiến tôi cảm thấy buồn buồn làm sao ấy. Bởi tôi nghĩ rằng vấn đề được họ hiểu thế này thế nọ, mà lại chẳng lẽ họ không thấy được rằng đó không phải là vấn đề quan trọng hay sao? Chẳng lẽ họ lại không nhận thấy rằng gia đình đang bị khủng hoảng khắp thế giới hay sao? Mà gia đình là nền tảng của xã hội! Chẳng lẽ họ không nhận thấy rằng giới trẻ không muốn thành hôn hay sao? Chẳng lẽ họ không nhận thấy rằng tình trạng sút giảm mức độ sinh sản ở Âu Châu khiến người ta thương khóc hay sao? Chẳng lẽ họ không nhận thấy rằng tình trạng thiếu công ăn việc làm và cơ hội làm việc khiến cho các bậc phụ huynh làm hai việc khiến con cái lớn lên lẻ loi và không biết tăng trưởng trong việc đối thoại trao đổi với cha mẹ của các em hay sao? Đó là những vấn đề lớn! Tôi không nhớ cái ghi chú đó, thế nhưng chắc chắc là nếu một điều cần ghi chú thì nó đã được nói đến trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm Evangelii Gaudium, chắc chắc! Nó phải là một trích dẫn từ Tông Huấn Evangelii Gaudium. Tôi không nhớ số khoản, tôi dám chắc như vậy.
https://zenit.org/articles/popes-press-conference-on-return-flight-from-lesbos/
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch
kèm thao nhan đề cùng những chỗ nhấn mạnh tự ý.
Đức Thánh Cha ngỏ lời cùng những người tị nạn ở Trại Tị Nạn Mòria trên Đảo Lesvos Hy Lạp
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn ở cùng anh chị em hôm nay. Tôi muốn nói với anh chị em rằng anh chị em không lẻ loi cô độc một mình đâu. Trong những tuần này và tháng ngày này, anh chị em đã chịu nhiều khổ đau để tìm kiếm một đời sống tốt đẹp hơn cho anh chị em. Nhiều người trong anh chị em đã cảm thấy bị bắt buộc phải thoát khỏi những hoàn cảnh xung đột và bách hại trước hết là vì con cái của anh chị em, những người con nhỏ bé. Anh chị em đã thực hiện những hy sinh lớn lao cho gia đình của anh chị em. Anh chị em đã biết thế nào là đớn đau khi phải lìa bỏ hết mọi sự thân thương của mình lại và - cái có lẽ khó khăn nhất - đó là không biết tương lai sẽ đi về đâu. Nhiều người khác như anh chị em cũng ở trong các trại tị nạn hay tại các phố xá, đang đợi chờ, đang hy vọng xây dựng một đời sống mới trên châu lục này.
Tôi đến đây cùng với quí huynh của tôi là Thượng Phụ Bartholomew và Tổng Giám Mục Ieronymos, chỉ để ở với anh chị em và để nghe các chuyện của anh chị em. Chúng tôi đến đây để lôi kéo chú ý của thế giới về tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng này và để xin thế giới giải quyết. Là người của đức tin, chúng tôi muốn liên kết tiếng nói của chúng tôi lại để nói lên thay cho anh chị em. Chúng tôi hy vọng rằng thế giới sẽ nghe thấy những cảnh tượng của nhu cầu thảm thương và thật sự là tuyệt vọng này, và đáp ứng một cách xứng đáng với cộng đồng nhân loại.
Thiên Chúa đã dựng nên nhân loại để trở thành một gia đình duy nhất; khi bất cứ một người anh chị em nào của chúng ta đau khổ thì tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Tất cả chúng ta đều nghiệm thấy rằng thật là dễ dàng cho ai đó bỏ quên nỗi khổ đau của người khác mà thậm chí còn khai thác tình trạng dễ bị tổn thương của họ nữa. Thế nhưng chúng ta cũng biết rằng những cuộc khủng hoảng này có thể mang lại những gì là tốt nhất nơi chúng ta. Anh chị em đã thấy trong chính anh chị em cũng như nơi nhân dân Hy Lạp, thành phần đã quảng đại đáp ứng các nhu cầu của anh chị em giữa nhiều khó khăn của chính họ. Anh chị em cũng đã thấy như thế nơi nhiều người, đặc biệt là giới trẻ từ khắp Âu Châu và thế giới, đã đến giúp đỡ anh chị em. Đúng thế, rất cần phải thực hiện nhiều hơn nữa! Thế nhưng chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì trong nỗi đau khổ của chúng ta Ngài chẳng bao giờ bỏ chúng ta một mình. Bao giờ cũng có người tới giúp đỡ chúng ta.
Sứ điệp tôi muốn lưu lại cho anh chị em hôm nay đó là: đừng mất hy vọng! Tặng ân cao cả nhất chúng ta có thể cống hiến cho nhau đó là yêu thương: một cái nhìn nhân hậu, một thái độ sẵn sàng lắng nghe và thông cảm, một lời nói khích lệ, một lời cầu nguyện. Chớ gì anh chị em chia sẻ tặng ân này với nhau. Kitô hữu chúng tôi thích kể truyện về Người Samaritanô Nhân Lành, một kẻ xa lạ thấy một người đang cần giúp đáp liền dừng bước ra tay cứu trợ. Đối với chúng tôi, đó là câu truyện về lòng thương xót Chúa nhắm đến hết mọi người, vì Thiên Chúa là Đấng Toàn Từ Ái. Nó cũng là lời hiệu triệu hãy tỏ ra cùng một lòng thương xót này cho những ai đang cần đến. Chớ gì tất cả anh chị em của chúng ta ở trên châu lục này, như Người Samaritanô Nhân Lành, đến trợ giúp anh chị em đây theo tinh thần huynh đệ, theo tình đoàn kết và bằng việc tôn trọng phẩm vị con người, những gì đã từng là đặc tính nổi bật trong lịch sử lâu dài của châu lục đây.
Anh chị em thân mến, chớ gì Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em và nhất là cho con cái của anh chị em, cho những vị lão thành và cho tất cả những ai đang chịu đớn đau nơi thân xác và tinh thần! Tôi thân ái ôm ấp tất cả anh chị em. Tôi xin ơn sức mạnh và bình an của Thiên Chúa ban xuống cho anh chị em và những ai hỗ trợ anh chị em.
Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm thao nhan đề cùng những chỗ nhấn mạnh tự ý.