GIÁO HỘI HIỆN THẾ
ĐTC Phanxicô trả lời Phỏng Vấn của Đài TV2000 và Inblue Radio
"Phúc lành" của Năm Thánh
"Tôi chỉ có thể tường trình tin tức được phổ biến trên khắp thế giới. Sự kiện Năm Thánh không chỉ được cử hành ở Roma mà còn ở mỗi giáo phận trên thế giới, ở các vương cung thánh đường, cũng như ở các nhà thờ được giám mục chỉ định, là những gì đã phổ quát hóa Năm Thánh này một chút. Và sự kiện này đã gặt hái được nhiều thiện ích. Vì toàn thể Giáo Hội đã cảm nghiệm được Năm Thánh này nên đã có một bầu khí Năm Thánh. Giáo Phận đã tường trình rằng dân chúng trở lại với Giáo Hội và gặp gỡ Chúa Giêsu: đó là một phúc lành Chúa ban (...) Đó là một chiều hướng chuyên chở lòng thương xót của Giáo Hội, tôi không nói là được khám phá thấy vì chiều hướng này bao giờ cũng có đó, nhưng được loan báo một cách mãnh liệt hơn, như là một nhu cầu. Một nhu cầu có thiện ích ở trong một thế giới bị nhiễm chứng bệnh văn hóa loại trừ (throwaway culture), chứng bệnh kín lòng (closed heart), vị kỷ. Vì nó đã mở lòng của con người ra mà nhiều người đã có thể gặp gỡ Chúa Giêsu".
"Ngày Thứ Sáu Thương Xót" - Những em gái bị khai thác
"Tôi đã đến thăm những em gái được giải cứu từ các ổ điếm. Tôi nhớ em gái Phi châu, em xinh đẹp, còn rất trẻ mà đã bị khai thác - em đã có thai - bị đánh đập và bị tra tấn: 'Mày phải đi làm việc', em được lệnh... Và khi em kể lại chuyện của em - ớ đó có 15 em gái, mỗi em kể cho tôi nghe chuyện của mình - em đã nói với tôi rằng: 'Thưa cha, con đã sinh nở trong mùa đông, trên đường phố. Một thân một mình. Tự mình lo lấy. Bé gái của con đã chết'. Họ bắt em làm việc cho tới ngày vì em không làm cho các khai thác nhân của em được nhiều tiền nên em đã bị đánh đập thậm chí bị tra tấn. Một em gái khác đã bị cắt tai... Tôi đã nghĩ đến chẳng những thành phần khai thác mà còn cả những ai trả tiền cho những em gái này: chẳng lẽ những người ấy không biết rằng giây phút khoái lạc nhục dục của họ là cách cung cấp tiền bạc để giúp cho thành phần khác thác đó hay sao?"
Phá thai "một tội ác ghê rợn"
"Cũng ngày hôm đó, tôi đã đến viếng thăm khu vực sản phụ ở bệnh viện San Giovanni Roma và có một người đàn bà đang kêu khóc, bà đã kêu khóc và kêu khóc trước những bé sinh đôi của bà... quá nhỏ bé và rất xinh đẹp: bé thứ ba đã chết. Có 3 cháu nhưng một trong ba đã chết. Nên bà đã khóc vì đứa con bà đã mất khi bà chăm sóc hai bé còn sống... Và tôi đã nghĩ đến các em bé bị loại trừ trước khi các bé được sinh ra, đó là một tội ác ghê rợn: các bé bị loại trừ vì tốt hơn nên làm thế, vì các thứ được dễ dàng hơn, đó là một trách nhiệm lớn lao - đó là một tội rất trầm trọng phải không? - Đó là một trách nhiệm lớn lao. Bà có 3 đứa con, bà đã khóc vì một em bị chết, bà đã không thể tìm thấy niềm an ủi nơi hai đứa còn sống. Tình yêu thương sự sống là những gì quan trọng trong hết mọi trường hợp".
Tiền bạc - Đệ nhất thù của Thiên Chúa
"Chúng ta là những người làm nên Giáo Hội như là một cơ cấu tổ chức; chúng ta là một cộng đồng. Tiền bạc là đại thù đệ nhất - đệ nhất - của Thiên Chúa. Các bạn cứ nghĩ về nó mà xem, Chúa Giêsu đã cho tiền bạc cái vị thế của một chúa tể, vị thế của một chủ nhân ông, khi Người nói: 'Không ai có thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và tiền bạc'. Thiên Chúa và giầu sang phú quí - Người không nói rằng Thiên Chúa và - tôi không biết tại sao - bệnh tật hay Hod / Vinh quang và một điều gì khác mà Người nói là tiền bạc. (Biệt chú của người dịch Việt ngữ: Chữ "Hod" được ĐTC sử dụng ở đây, theo ý nghĩa của toàn câu, thì không hiểu theo nghĩa bình thường là "thùng đựng than, sọt đựng gạch, sô đựng vữa" mà theo nghĩa của tiếng Hebrew là "vinh quang", người dịch xin được suy diễn như vậy, hy vọng không chính xác thì cũng không sai). Vì tiền bạc là một thứ ngẫu tượng. Hiện nay chúng đang thấy nó, trong thế giới này, nơi tiền bạc giật giây chi phối mọi sự. Tiền bạc là một thứ dụng cụ có đó để phục vụ và nghèo khó lại chiếm chỗ đứng chính yếu trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói về cuộc đụng độ này: giữa hai vị chúa, giữa hai chủ tể. Tôi theo chúa này hay theo chủ kia. Tôi có theo vị này hay chăng, Ngài là Cha của tôi? Hay là tôi theo chủ khác là một kẻ trói buộc tôi? Sự thật là ở chỗ ma quỉ bao giờ cũng len lỏi vào trong qua túi đựng của con người, bao giờ cũng vậy. Đó là cách đột nhập của hắn. Chúng ta cần tranh đấu để tạo nên một Giáo Hội nghèo cho người nghèo như Phúc Âm dạy (...). Thánh Ignatio dạy chúng ta trong các cuộc linh thao rằng có hai thứ ngãng trở: ngãng trở thứ nhất là giầu có là những gì bắt đầu làm cho linh hồn chúng ta trở nên băng hoại; sau đó là phù vân, là những bọt bóng xà phòng, là một cuộc sống trống rỗng chỉ toàn là những bóng dáng và sau đó là ngạo mạn kiêu kỳ. Thế nhưng cái ngãng trở đầu tiên là tiền bạc, là không nghèo khó".
Các chước cám dỗ vị Giáo Hoàng đương đầu
"Những chước cám dỗ mà vị Giáo Hoàng phải đương đầu cũng giống như các chước cám dỗ của những người khác thôi, như của bất cứ một ai. Ma quỉ bao giờ cũng khôn khéo lợi dụng những chỗ yếu điểm của chúng ta và sử dụng những nhược điểm này để lẻn đường lối của hắn vào ở thái độ bất nhẫn, ích kỷ, lười biếng... Và các chước cám dỗ theo chúng ta cho tới tận giây phút cuối đời phải không? Các vị thánh bị cám dỗ cho đến giây phút cuối cùng, và Thánh Therese Hài Đồng Giêsu đã nói rằng chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho những ai lâm chung, vì ma quỉ tung ra một trận cuồng phong cám dỗ vào giây phút ấy".
Án chung thân và án tử "trá hình"
"Khi nào tôi rảnh một chút, tôi cố gắng gọi điện thoại cho các tù nhân tôi đã gặp. Tôi có cái cảm giác này trong mình đó là tại sao lại là họ mà không phải là tôi chứ? Chúa có đủ lý do để tống tôi vào tù và Ngài đã làm ngơ nhắm một con mắt lại như không thấy... nếu Chúa không nhìn đến tôi thì bắt đầu xẩy ra rất nhiều điều xấu trong cuộc đời của tôi... Và rồi nhiều người trong chúng ta có ý nghĩ rằng con người ấy ở trong tù vì họ đã gây ra một điều xấu xa nào đó nên họ cần phải trả nợ thôi. Ngục tù là một phương tiện trừng phạt. Điều đó không tốt. Ngục tù phải giống như một thứ 'luyện ngục' để sửa soạn cho việc tái hội nhập. Không có bản án mà không có niềm hy vọng. Nếu một bản án không cống hiến hy vọng thì nó không phải là bản án có tính cách Kitô giáo, nó không nhân bản. Đó là lý do tại sao án tử hình là những gì bất khả chấp. Phải, các bạn có thể nói với tôi rằng, thế nhưng vào thế kỷ thứ 15 và 16, người ta đã sát hại các tên tội ác với án tử hình bằng niềm hy vọng được lên trời, có một vị tuyên úy đã đưa các bạn lên trời. Tôi nghĩ đến vị đại linh mục ở đó với các phạm nhân bị án treo cổ là Cha Cafasso (Biệt chú của người dịch: Vị linh mục người Ý là Joseph Cafasso 49 tuổi này 1811-1860 là một trong các vị thánh xã hội - "socail saints", được ĐTC Piô XII phong thánh năm 1947 và năm sau đó chính vị giáo hoàng này đã đặt ngài làm Thánh Quan Thày của tất cả mọi nhà tù và tù nhân Ý quốc, vì cuộc đời của ngài đã hết sức quan tâm và phục vụ thành phần tù nhân địa phương, nhất là an ủi những tù nhân lãnh án tử hình, nên ngài được gọi là 'Linh mục của những người bị treo cổ - the Priest of the Gallows'). Thế nhưng đó là một thứ nhân loại học khác, một nền văn hóa khác. Ngày nay chúng ta không thể nghĩ như thế. Các bản án chung thân là những bản án chết lặng, chúng là những bản án tử trá hình. Thế nhưng, khi một con người không nắm chắc được việc tái hội nhập bởi tình trạng tâm thần của họ thì sao? Có những hình thức tái hội nhập bằng việc làm, bằng văn hóa, một thứ hội nhập liên quan tới một hình thức giam giữ nào đó khiến họ cần phải làm sao cảm thấy họ hữu dụng cho xã hội trong khi bị canh chừng theo dõi, nhờ đó linh hồn của họ thay đổi: họ không còn là một con người đã phạm tội, một tên tội phạm, mà là một con người đổi đời và đang làm một cái gì đó ở trong tù cho phép họ có thể tái hội nhập và họ cảm thấy họ có được một hình thức khác của phẩm giá làm người".
Ơn hài hước
"Cảm quan hài hước là ơn tôi xin hằng ngày và tôi cầu xin theo một lời nguyện đẹp của Thánh Thomas More rằng: 'Ôi Chúa, xin ban cho con cái cảm quan hài hước'; tôi xin có được khả năng cười vang khi tôi được kể cho nghe một câu nói đùa...; đó là một lời cầu duyên dáng. Vì cảm quan hài hước là những gì thanh thoát, nó giúp cho các bạn thấy được cái yếu tố lâm thời của cuộc đời và hành sử những sự việc một cách nhẹ nhàng với một tinh thần sảng khoái. Nó là một thái độ của con người nhưng nó là thái độ gần với ơn Chúa nhất. Có lần tôi đã gặp một vị linh mục - một vị linh mục cao cả, một vị đại mục tử - vị có một cảm quan thật hài hước thế nhưng ngài làm nhiều điều lợi ích nhờ cái cảm quan hài hước ấy, vì ngài tương đối hóa các sự việc: 'Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối Tối Cao nhưng Ngài có thể trầm lắng, có thể làm được mà... đừng có lo..." (...). Nó là khả năng trở thành đứa con trước nhan Thiên Chúa. Hãy chúc tụng ngợi khen Chúa bằng một nụ cười và bằng một câu nói đùa lành mạnh".
Tôi kỵ kẻ nịnh hót, tôi trân trọng người phỉ báng
"Tôi kỵ những ai nịnh hót (flatterer). Ê mà có phải nó tự nhiên xẩy ra hay chăng? Việc nịnh hót không phải là một nhân đức. Việc nịnh hót người khác là việc sử dụng người khác cho một lý do kín đáo hay hiển nhiên nào đó, thế nhưng nó thường chiếm lấy một cái gì đó cho bản thân mình. Nó cũng là một hành động hổ thẹn. Ở Á Căn Đình, chúng tôi gọi những người nịnh bợ là 'những kẻ liếm gót / sock lickers'... Khi tôi được ca tụng, ngay cả khi vì một điều gì đó xẩy ra một cách tốt đẹp, các bạn thừa biết ngay là người ta ca ngợi các bạn là họ chúc tụng Thiên Chúa, 'tốt, được lắm, cứ thế mà làm, cách thức là vậy đó!', hay họ có thể đang bị nhờn lỏng... Những người gièm pha phỉ báng (detractors) nói xấu về tôi và tôi xứng bị như thế bởi tôi là một tội nhân: đó là cách tôi thấy nó như vậy. Nó không làm tôi phải lo âu gi hết".
Người anh của Đứa Con Hoang Đàng và tính chất cứng cỏi
"Ngưòi con cả tỏ ra cứng cõi về luân lý: 'Nó đã tiêu hết tất cả tiền bạc của nó cho cuộc sống tội lỗi, nó không đáng được đón nhận'. Tính chất cứng cõi bao giờ cũng tỏ ra đóng vai của một vị quan tòa. Tính cứng cỏi này không phải là kiểu cách của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khiển trách các luật sĩ của giáo hội, Người tỏ ra rất ư là không hợp với tính chất cứng cỏi. Có một tĩnh từ diễn tả thành phần này, một tĩnh từ tôi không muốn nhắm đến tôi, d8ó là giả hình. Chỉ cần đọc đoạn 23 của Phúc Âm Thánh Mathêu: 'Giả hình'. Những con người ấy lập luận về lòng thương xót khi nói rằng công lý là điều hệ trọng. Nơi Thiên Chúa - cũng như nơi Kitô hữu vì họ ở trong Thiên Chúa - thì công lý là từ bi nhân hậu và lòng thương xót là công minh chính trực. Cả hai đi với nhau: chúng là một điều duy nhất (...) Sau Bài Giảng Trên Núi, ở Phúc Âm Thánh Luca, là bài giảng ở Đồng Bằng. Và bài giảng này đã kết thúc ra sao? Các con hãy thương xót như Chúa Cha. Không phải là công chính như Chúa Cha. Nhưng đều có nghĩa như vậy! Công lý và lòng thương xót nơi Thiên Chúa chỉ là một điều duy nhất. Lòng thương xót là công chính và công chính là tư bi. Cả hai đều bất khả phân ly. Khi Chúa Giêsu tha tội cho Giakêu và ăn trưa với thành phần tội nhân, tha thứ cho Maria Mai Đệ Liên, tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, tha thứ cho người phụ nữ Samaritano, thì Người là gì? Quá rộng lượng bao dung hay chăng? Không. Người đang thi hành công lý của Thiên Chúa là từ bi nhân hậu".
Chứng "sơ cứng cơ tim"
"Tôi sẻ sử dụng một từ ngữ mà tôi đã học được từ một vị linh mục lão thành (...). Ngài đã dạy tôi một chữ về chứng bệnh của thế giới này, của kỷ nguyên này, của thời điểm đây, đó là chứng bệnh "viêm cơ tim" (cardiosclerosis). Tôi tin rằng lòng thương xót là một phương dược chống lại chứng bệnh này, một chứng bệnh bắt nguồn từ thứ văn hóa thải trừ: 'Chúng tôi không cần hắn ta hay cô ta, không cần con người già lão ấy, hãy cho họ vào dưỡng lão viện; đứa con này đang trên đường về, không, không, không, hãy trả nó về lại cho người gửi nó... ", bởi vậy cho nên những con người này bị loại trừ. 'Không, chúng tôi cần kéo cả thành phố này vào chiến tranh nữa, thế còn thành phố khác thì sao?' - 'Ồ được, cứ dội bom bất cứ chỗ nào, vào bệnh viện, vào trường học'".
Cho một thế giới thương xót hơn
"Hãy nghĩ về thế chiến thứ ba chúng ta đang trải qua, cuộc thế chiến thứ ba từng phần này; các thứ vũ khí được bán buôn và chúng được bán buôn bởi những xưởng sản xuất cùng thành phần đường buôn vũ khí. Chúng được bán buôn cho cả hai phe lâm chiến vì kiếm được nhiều tiền bằng việc buôn bán các thứ vũ khí... Ở đây là cả một tình trạng cứng lòng trầm trọng, thiếu tính chất mềm dịu. 'Thế nhưng, Thiên Chúa...' Chúng ta hãy dừng lại đó. Thiên Chúa đã tỏ ra êm ái dịu dàng, Ngài tiến đến với chúng ta. THánh Phaolô đã nói cùng tín hữu Philiphê rằng: "Chúa Giêsu đã hóa ra như không, khi mặc lấy hình dạng của một tôi tớ, trở nên giống như con người'. Khi chúng ta nói về Chúa Kitô, chúng ta đừng quên xác thịt của Chúa Kitô. Thế giới này cần đến nỗi êm ái dịu dàng này, nỗi êm ái dịu dàng bảo xác thịt hãy chạm đến xác thịt đau khổ của Chúa Kitô và chấm dứt khổ đau! Tôi nghĩ các Quốc gia cần xét lại sự kiện là một sự sống rất ư là đáng giá, thay vì nói: 'Đâu có nhằm nhò gì một mạng sống, tôi đang nhắm đến lãnh thổ, đó mới là những gì tôi quan tâm chú trọng...' Một mạng sống còn quí giá hơn lãnh thổ!"
Bí quyết để theo đuổi những dấn thân không ngừng
"Tôi không biết làm sao tôi có thể kham nổi, thế nhưng... tôi cầu nguyện: Điều này giúp tôi rất nhiều. Tôi cầu nguyện. Việc cầu nguyện giúp tôi, có nghĩa là tôi ở với Chúa. Tôi cử hành thánh lễ, tôi nguyện kinh Thần Vụ, tôi nói chuyện với Chúa, tôi cầu kinh mân côi... Tôi thấy cầu nguyện rất hữu dụng. Cầu nguyện cũng giúp tôi ngủ ngon nữa: đó là ơn Chúa ban. Tôi ngủ như một khúc gỗ. Này nhé, ngày động đất xẩy ra tôi chẳng cảm thấy gì hết hay sao? Ai cũng thấy rung chuyển cả giường... Không mà, thật đó, tôi ngủ 6 tiếng nhưng như là một khúc cây vậy. Chớ gì điều này giúp tôi về vấn đề sức khỏe của tôi. Các bạn có lẽ biết rằng tôi có những vấn đề chia sẻ riêng của tôi? Tôi có vấn đề với cột xương sống nhưng tạm thời không sao. Tôi làm những gì có thể, tôi không bắt mình gắng sức quá, bởi thế, tôi thật sự gia giảm tốc độ cho bản thân mình một chút".
http://www.lastampa.it/2016/11/20/vaticaninsider/eng/the-vatican/i-am-allergic-to-flatterers-i-deserve-detractors-54D7PRDPDOLUFbWysinJwM/pagina.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển
dịch