GIÁO HỘI HIỆ

 

 



Đức Thánh Cha Phanxicô 

Sứ Điệp Mùa Chay Năm Thánh Tình Thương


Crucifix

 

"Ta muốn tình thương không phải hy lễ" (Mathêu 9:13). 

Các Công Việc Tình Thương trong Hành Trình Năm Thánh


1- Mẹ Maria, hình ảnh của một Giáo Hội truyền bá phúc âm hóa vì Giáo Hội đưc truyền bá phúc âm hóa

Trong Tông Sắc Năm Thánh Ngoại Lệ về Tình Thương, tôi đã yêu cầu là "Mùa Chay trong Năm Thánh này cần phải được sống thiết tha hơn như là một thời điểm đặc biệt để cử hành và cảm nghiệm tình thương của Thiên Chúa" (đoạn 1
7). Bằng việc kêu gọi thực hiện việc chuyên chú lắng nghe lời Chúa và bằng việc phấn khích thực hiện sáng kiến "24 Giờ cho Chúa", tôi muốn nhấn mạnh đến cái chính yếu của việc lắng nghe nguyện cầu lời Chúa, nhất là lời cứu độ của Ngài. Tình thương của Thiên Chúa là một loan báo cho thế giới, một loan báo mà mỗi Kitô hữu được kêu gọi để cảm nghiệm trước hết. Vì lý do ấy, trong Mùa Chay, tôi sẽ sai đi các Vị Thừa Sai của Tình Thương như là một dấu hiệu cụ thể trước mọi người về sự gần gũi và ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Sau khi lãnh nhận Tin Mừng được Tổng Thần Gabiên loan báo cho mình, Mẹ Maria, trong Ca Vịnh Magnificat của Mẹ, đã ngợi khen có tính cách rao giảng về tình thương của Thiên Chúa là Đấng đã chọn Mẹ. Vị Trinh Nữ Nazarét này, người nữ đã được đính hôn với Thánh Giuse, nhờ đó đã trở thành biểu tượng hoàn hảo của Giáo Hội đang truyền bá phúc âm hóa, vì Giáo Hội đã và đang tiếp tục được truyền bá phúc âm hóa bởi Thánh Linh, Đấng đã làm cho cung dạ của Mẹ trổ sinh hoa trái. Theo truyền thống tiên tri thì tình thương liên kết chặt chẽ - ngay cả về lãnh vực nguyên ngữ nữa - với lòng dạ của người mẹ (rahamim) cũng như với một thứ thiện hảo bao dung, tín trung và thương cảm (hesed) được tỏ ra nơi các mối liên hệ về hôn nhân và gia đình.

2- Giao Ước của Thiên Chúa với nhân loại: một lịch sử của tình thương

Mầu nhiệm của lòng thương xót 
Chúa được mạc khải trong lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa và dân Yến Duyên (Israel) của Ngài. Thiên Chúa đã tỏ mình ra là Đấng hằng giầu tình thương, hằng sẵn sàng đối xử với dân của Ngài một cách đậm đà dịu dàng và sâu đậm cảm thương, nhất là ở vào những lúc thảm thương, khi xẩy ra những việc bất trung làm đứt đoạn mối liên hệ giao ước, một giao ước bởi thế cần phải được chuẩn định một cách mạnh mẽ hơn nữa trong công lý và sự thật. Đó là một câu truyện yêu thương thực sự cho thấy Thiên Chúa đóng vai một người cha và một người chồng bị phản bội, trong khi dân Yến Duyên đóng vai người con và phu thê bất trung. Những hình ảnh có tính cách gia đình này - như trong trường hợp của tiên tri Hosea (1-2) - cho thấy Thiên Chúa muốn liên kết gắn bó mình với dân của Ngài tới mức nào. 

Câu truyện tình này đạt đến tột đỉnh của nó nơi việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Nơi Chúa Kitô, Chúa Cha tuôn đổ tình thương vô biên của mình xuống cho đến độ biến Người thành "tình thương nhập thể" (Tông Sắc Dung Nhan Tình Thương, 8). Là một con người, Chúa Giêsu Nazarét thực sự là một người con của dân Yến Duyên; Người hiện thực hóa cái mà hết mọi người Do Thái cần phải nghe thấu được gọi là Shema ("Sh'ma Yisrael" theo tiếng Hebrew là שְׁמַע יִשְׂרָאֵל‎, nghĩa là "Hear, [O] Israel - Hãy nghe đây Ôi Yến Duyên", các chữ đầu của một câu Thánh Kinh Cựu Ước chính yếu có thể nói tóm tắt tất cả mạc khải Cựu Ước và linh đạo Do Thái giáo - biệt chú của người dịch), những gì mà cả cho tới ngày nay vẫn là cốt lõi của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Yến Duyên: "Ôi Yến Duyên: Chúa là Thiên Chúa của các ngươi là Chúa duy nhất; nên các ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của các người hết tâm can, hết linh hồn và hết sức lực của các ngươi" (Đệ Nhị Luật 6:4-5). Với tư cách Con Thiên Chúa, Người là Hôn Phu làm hết tất cả mọi sự để chiếm được lòng của nàng hôn thê của mình, một nàng hôn thê Người gắn bó bằng một tình yêu vô điều kiện được trở nên hữu hình nơi tiệc cưới đời đời.

Đó là chính tâm điểm của kerygma - lời rao giảng tông đồ, trong đó lòng thương xót Chúa giữ vai trò chủ yếu và chính yếu. Nó là "vẻ đẹp về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã chết đi và sống lại từ kẻ chết" (Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 36), một lời rao giảng tiên khởi "chúng ta cần phải nghe đi nghe lại một cách khác nhau, một lời rao giảng chúng ta cần phải loan báo bằng cách này hay cách khác dọc suốt tiến trình dạy giáo lý, ở hết mọi cấp độ và hết mọi lúc" (cùng nguồn vừa dẫn, 164). Tình Thương "bày tỏ cách thức Thiên Chúa vươn tới tội nhân, cống hiến cho họ một cơ hội mới để nhìn vào bản thân họ, mà hoán cải và tin tưởng" (Tông Sắc Dung Nhan Tình Thương, 21), nhờ đó phục hồi mối liên hệ của họ với Ngài. Nơi Chúa Giêsu tử giá, Thiên Chúa đã tỏ cho thấy ước vọng của Ngài muốn đến gần với thành phần tội nhân, cho dù họ có lạc xa khỏi Ngài xa cách mấy chăng nữa. Ngài hy vọng rằng nhờ thế làm mềm lòng tâm can cứng cỏi nơi Hôn Thê của Ngài.

3- Các việc làm của tình thương 

Tình thương của Thiên Chúa biến đổi tâm can của con người; nó giúp chúng ta có thể, nhờ cảm nghiệm thấy một thứ tình yêu trung thành, về phần mình cũng biết xót thương nữa. Bằng một phép lạ luôn mới mẻ lòng thương xót Chúa chiếu soi vào đời sống của chúng ta, tác động mỗi người chúng ta yêu thương tha nhân và dấn thân cho những gì được truyền thống Giáo Hội gọi là những việc làm của tình thương về phần hồn cũng như phần xác. Những công việc ấy nhắc nhở chúng ta rằng đức tin cần phải được thể hiện nơi các hành động cụ thể hằng ngày nhắm tới việc giúp đỡ tha nhân của chúng ta về thể xác cũng như tinh thần: nuôi dưỡng, viếng thăm, an ủi và hướng dẫn họ. Chúng ta sẽ bị phán xét về những việc ấy. Đó là lý do tôi hy vọng rằng "dân Kitô giáo suy nghĩ đến các việc làm của tình thương về thể chất cũng như tinh thần này; đó sẽ là cách thức tái thức tỉnh lương tâm của chúng ta đã quá thường trở thành cùn nhụt trước cảnh nghèo khổ, và tiến sâu hơn vào tâm điểm của Phúc Âm, nơi người nghèo đặc biệt cảm thấy tình thương của Thiên Chúa" (cùng nguồn vừa dẫn, 15). Vì nơi người nghèo, xác thịt của Chúa Kitô "trở nên hữu hình nơi xác thịt của người bị hành hạ, của người bị chà đạp, của người bị áp bức, của người bị suy dinh dưỡng, và của người bị đầy ải" (cùng nguồn và cùng đoạn vừa trích). Đó là một mầu nhiệm chưa từng thấy và tồi bại của việc kéo dài trong thời gian cuộc khổ đau của Con Chiên Vô Tội, của bụi gai bốc cháy tình yêu nhưng không. Trước tình yêu này, như Moisen, chúng ta chỉ có thể bỏ dép của chúng ta ra (xem Xuất Hành 3:5), nhất là khi người nghèo là anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô đang chịu đau khổ vì đức tin của họ.

Theo chiều hướng của tình yêu mạnh như sự chết này (xem Diễm Tình Ca 8:6), kẻ nghèo thực sự là ở nơi những ai không chịu nhận mình như thế. Họ cho là mình giầu có, nhưng thật sự là họ là kẻ nghèo nhất trong thành phần nghèo. Đó là vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, những gì dẫn họ đến chỗ sử dụng giầu sang phú quí và quyền năng thế lực không phải đệ phụng sự Thiên Chúa và người khác mà là để dập tắt đi trong tâm can của mình cảm quan sâu xa về thân phận của họ cũng chỉ là những kẻ ăn mày nghèo khổ. Quyền lực và giầu sang của họ càng lớn thì họ càng có thể bị mù quáng và sai lạc hơn nữa. Có thể cho tới độ bị mù trước một Lazarô đang ăn xin ở ngay ngưỡng cửa của họ (xem Luca 16:20-21). Lazarô, con người nghèo ấy, là hình ảnh của Chúa Kitô, Đấng qua người nghèo đang xin chúng ta hoán cải. Như thế thì Lazarô là tiêu biểu cho khả thể hoán cải Thiên Chúa cống hiến cho chúng ta mà chúng ta có thể không thấy rõ. Cái mù quáng này thường được kèm theo bởi một thứ ảo tưởng kiêu hãnh về cái toàn năng của chúng ta, một thứ ảo tưởng kiêu hãnh phản ảnh một cách nham hiểm quỉ quái "các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa" (Khởi Nguyên 3:5), nguồn gốc của tất cả mọi tội lỗi. Cái ảo tưởng này cũng có thể mặc những hình thức xã hội và chính trị, như được thấy nơi các chế độ độc tài chuyên chế ở thế kỷ 20, và cả trong thời đại của chúng ta đây, được thấy nơi những ý hệ độc quyền hóa tư tưởng và khoa học kỹ thuật, những gì biến Thiên Chúa trở thành cổ hủ lỗi thời và biến con người thành chất liệu sống cần phải được khai thác. Ảo tưởng này cũng có thể được thấy nơi những cấu trúc tội lỗi dính liền với một thứ mu thức phát triển sai lạc tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc, một mẫu thức phát triển dẫn đến chỗ thiếu quan tâm đến thân phn của người nghèo nơi phần của các cá nhân và xã hội giầu thịnh hơn; họ đóng cửa mình lại, thậm chí từ chối cả việc nhìn thấy người nghèo nữa. 

Bởi vậy, đối với tất cả chúng ta, Mùa Chay trong Năm Thánh này là một thời điểm thuận lợi để thắng vượt cái lạnh lùng xa cách trong đời sống chúng ta bằng việc lắng nghe lời Chúa cũng như bằng việc thực hành các việc làm của tình thương. Nơi những việc làm của tình thương về thể lý, chúng ta chạm đến xác thịt của Chúa Kitô nơi anh chị em của chúng ta là thành phần cần được cho ăn, phục sức, trú ngụ, viếng thăm; nơi những việc làm của tình thương về tinh thần - như khuyên nhủ, hướng dẫn, thứ tha, trách móc và nguyện cầu - chúng ta chạm đến tội lỗi của riêng chúng ta một cách trực tiếp hơn nữa. Các việc làm của tình thương về thể lý và tinh thần này không bao giờ được tách biệt. Nhờ việc chạm đến xác thịt của Chúa Kitô tử nạn nơi người đau khổ, các tội nhân mới có thể được ơn nhận biết rằng cả họ nữa cũng là kẻ nghèo và thiếu thốn. Bằng việc đi theo đường lối ấy, thành phần "kiêu hãnh", "quyền lực" và "giầu sang" được nói đến trong Ca Vịnh Magnificat cũng có thể được ôm ẵm và yêu thương nhưng không bởi Vị Chúa tử giá là Đấng đã chết đi và sống lại vì họ. Chỉ duy tình yêu này thôi là những gì đáp ứng cho nỗi khát vọng mong được vô cùng hạnh phúc và yêu thương là những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể thỏa nguyện nơi những ngẫu tượng kiến thức, quyền lực và giầu sang. Tuy nhiên, cái nguy hiểm luôn có đó, ở chỗ bởi liên lỉ chối từ không chịu mở lòng mình ra cho Chúa Kitô, Đấng đang gõ cửa lòng họ nơi người nghèo, mà thành phần kiêu hãnh, giầu sang và quyền lực cuối cùng sẽ tự luận phạt mình và chìm đắm vào vực thẳm đời đời cô quạnh là Hỏa Ngục. Những lời sắc bén của Abraham được giành cho họ cũng như cho tất cả chúng ta: "Họ đã có Moisen và các tiên tri; họ hãy nghe các vị ấy" (Luca 16:29). Việc chăm chú lắng nghe như vậy sẽ giúp chúng ta dọn mình một cách tốt nhất để cử hành cuộc chiến thắng cuối cùng trên tội lỗi và sự chết của Vị Hôn Phu, giờ đây đã sống lại, Đấng đang muốn thanh tẩy Đính Hôn nương của mình đang trông chờ Người đến. 

Chúng ta đừng phung phí Mùa Chay này, một thời điểm hết sức thuận lợi cho việc hoán cải! Chúng ta xin điều này nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Trinh Nữ Maria, Đấng, bằng việc gặp gỡ tình thương cao cả của Thiên Chúa nhưng không tuôn xuống trên Mẹ, là người đầu tiên nhận biết thân phận thấp hèn của Mẹ (xem Luca 1:48) và gọi mình là tôi tớ hèn mọn của Chúa (xem Luca 1:38).

 

Tại Vatican ngày 4/10/2015

Lễ Thánh Phanxicô Assisi

Phanxicô

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/lent/documents/papa-francesco_20151004_messaggio-quaresima2016.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh