GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2016

 

 

“Phúc cho ai biết thương xót

vì họ sẽ được thương xót”

(Mathêu 5:7)

 

Giới Trẻ thân mến,

Chúng ta đã tiến đến giai đoạn cuối cùng của việc chúng ta đang hành trình tiến tới Krakow, nơi chúng ta sẽ cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới 31 vào Tháng Bảy năm tới. Chúng ta đang được dẫn dắt trên con đường dài cam go này bởi những lời của Chúa Giêsu từ Bài Giảng Trên Núi. Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình này vào năm 2014 bằng việc cùng nhau suy niệm Mối Phúc Đức thứ nhất: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Mathêu 5:3). Đề tài cho năm 2015 là: “Phúc cho ai có lòng tinh tuyền, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mathêu 5:8). Trong năm tới, chúng ta hãy để mình được tác động bởi những lời: “Phúc cho ai biết thương xót vì họ sẽ được thương xót” (Mathêu 5:7).

1-   Năm Thánh Thương Xót

Với đề tài này, Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 ở Krakow trở nên một phần của Năm Thánh Thương Xót, nhờ đó thành một Năm Thánh Tuổi Trẻ ở tầm cấp thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên có một cuộc qui tụ tuổi trẻ thế giới trùng vào Năm Thánh. Thật vậy, chính trong Năm Thánh Cứu Chuộc (1983/1984) Thánh Gioan Phaolô II đã triệu tập lần đầu tiên giới trẻ trên khắp thế giới cùng nhau tụ lại vào Chúa Nhật Lễ Lá. Sau đó, trong Đại Năm Thánh 2000, trên 2 triệu giới trẻ từ khoảng 165 quốc gia đã tụ họp lại ở Roma cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới thứ 15. Tôi tin rằng Năm Thánh Giới Trẻ ở Krakow, như hai dịp trước ấy, sẽ là một trong những cao điểm của Năm Thánh này!

Có lẽ một số trong các bạn đang đặt vấn đề: Năm Thánh được cử hành trong Giáo Hội là gì? Bản văn thánh kinh nơi Sách Levi đoạn 5 có thể giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của “năm thánh” đối với dân Do Thái. Mỗi 50 năm một lần, họ nghe thấy tiếng kèn (jobel) gọi họ (jobil) cử hành một năm thánh như là một thời điểm hòa giải (jobal) đối với hết mọi người. Trong thời gian này họ phải làm mới lại các mối liên hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên tạo vật, tất cả được thực hiện bằng một tinh thần của niềm ưu ái. Điều này, trong số những sự khác, hỗ trợ vào việc tha nợ nần, đặc biệt giúp đỡ những ai gặp cảnh bần cùng túng thiếu, cải tiến những mối liên hệ giữa các cá nhân với nhau và việc giải phóng cho những người nô lệ.

Đức Giêsu Kitô đã đến để loan báo và mang lại thời điểm hồng ân muôn đời của Chúa. Ngài đã mang tin mừng đến cho người nghèo, mang tự do cho các tù nhân, ánh sáng cho những ai mù lòa và giải thoát cho kẻ bị áp bức (xem Luca 4:18-19). Nơi Đức Giêsu, nhất là nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người, tất cả chúng ta được mời gọi để cảm nghiệm một thời điểm hồng ân tuyệt vời. Giáo Hội cần phải cống hiến những dấu hiệu dồi dào về sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa, và làm tái phát nơi tâm can của dân chúng khả năng biết nhìn đến những gì là thiết yếu. Đặc biệt, Năm Thánh Thương này là “một thời điểm để Giáo Hội tái nhận thức ý nghĩa của sứ vụ được Chúa ủy thác cho Giáo Hội vào ngày Phục Sinh: đó là trở thành một dấu hiệu và dụng cụ của lòng thương xót Cha” ” (Homily at First Vespers of Divine Mercy Sunday, 11 April 2015).

2- Thương Xót như Cha

Câu tâm niệm cho Năm Thánh Ngoại Lệ này là “Hãy thương xót như Chúa Cha” (cf. Misericordiae Vultus, 13). Câu tâm niệm này hợp với đề tài của Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây, bởi thế chúng ta hãy gắng hiểu biết hơn nữa ý nghĩa của lòng thương xót thần linh.

Cựu Ước sử dụng các từ ngữ khác nhau khi nói về lòng thương xót. Từ ngữ ý nghĩa nhất là hesel rahamim. Chữ thứ nhất, khi áp dụng vào Thiên Chúa, là chữ diễn tả lòng trung thành đến cùng Giao Ước của Ngài với dân được Ngài yêu thương và hằng tha thứ. Chữ thứ hai, rahamim, theo nghĩa đen có nghĩa là “entrails”, có thể được chuyển dịch là “lòng cảm thương - heartfelt mercy”. Chữ này đặc biệt gợi lên lòng dạ của người mẹ và giúp chúng ta hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa đối với dân của Ngài như tình yêu của người mẹ đối với con của mình. Đó là cách được tiên tri Isaia trình bày: “Người mẹ có thể nào quên được đứa con thơ của mình, mà lại không nâng niu đứa con của bụng dạ mình chứ? Cho dù bà có quên chăng nữa thì Ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi” (Isaia 49:15). Thứ tình yêu này bao gồm việc giành chỗ cho người khác trong bản thân chúng ta và cảm thương, đau khổ và hân hoan với tha nhân của chúng ta.

Quan niệm của thánh kinh về lòng thương xót cũng bao gồm sự hiện diện khả giác của tình yêu trung thành, tự nguyện ban tặng và có thể tha thứ. Ở đoạn sau đây của tiên tri Hosea, chúng ta có được một thí dụ mỹ miều về tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu được vị tiên tri này so sánh với tình yêu của một người cha trước đứa con của mình: “Khi Israel còn là một đứa bé thì Ta đã yêu thương nó; Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai Cập. Ta càng gọi chúng thì chúng càng lìa xa Ta… Thế nhưng, chính Ta đã dạy cho Ephraim bước đi, đã ẵm nó trong tay Ta; Ta đã lôi kéo chúng bằng những liên hệ loài người, bằng những ràng buộc yêu thương; Ta chăm sóc chúng như người ta áp đứa con thơ vào má của mình…. Ta cúi xuống cho con Ta ăn” (Hosea 11:1-4). Bất chấp thái độ sai lầm của đứa con đáng bị trừng phạt, tình yêu của một người cha vẫn trung thành. Ông vẫn hằng tha thứ cho con cái thống hối của mình. Chúng ta thấy ở đây sự tha thứ bao giờ cũng được  bao gồm nơi lòng thương xót ra sao. Nó “không phải là một tư tưởng trừu tượng, mà là một thực tại cụ thể qua đó Ngài mạc khải tình yêu của Ngài như tình yêu của một người cha hay người mẹ, một người cha người mẹ hết sức cảm kích vì yêu thương đứa con của mình… Nó vọt lên một cách tự nhiên từ thâm cung, đầy dịu dàng và cảm thương, ưu ái và thương xót” (Misericordiae Vultus, 6).

Tân Ước nói với chúng ta về lòng thương xót thần linh (eleos) như là một tổng hợp của công việc Chúa Giêsu đã đến để hoàn thành trên thế gian nhân danh Chúa Cha (xem Mathêu 9:13). Lòng thương xót của Chúa chúng ta có thể thấy đươc đặt biệt khi Người cúi xuống trên cảnh khốn khổ của con người và tỏ lòng cảm thương của Người đối với những ai cần được thông cảm, chữa lành và tha thứ. Hết mọi sự nơi Chúa Giêsu đều nói về lòng thương xót. Thật vậy, tự mình Người lòng thương xót.

Ở đoạn 15 của Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta thấy 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc, đồng bạc cắc thất lạc và dụ ngôn người con hoang đàng. Ở 3 dụ ngôn này chúng ta cảm thấy ngỡ ngàng trước niềm vui của Thiên Chúa, niềm vui Thiên Chúa cảm thấy khi Ngài tìm được một tội nhân và tha thứ cho tội nhân. Phải, niềm vui của Thiên Chúa chính là tha thứ! Điều này gồm tóm toàn thể Phúc Âm. “Mỗi người trong chúng ta, từng người trong chúng ta, là con chiên nhỏ bị lạc mất, là đồng bạc cắc bị thất lạc; mỗi một người trong chúng ta là đứa con phung phá cái tự do của mình vào những thứ ngẫu tượng giả tạo, vào những thứ ảo ảnh hạnh phúc, và đã bị mất hết mọi sự. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn không quên chúng ta; Người Cha này không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài là một người cha nhẫn nại, luôn chờ đợi chúng ta! Ngài tôn trọng tự do của chúng ta, thế nhưng Ngài mãi mãi trung thành. Khi chúng ta trở về cùng Ngài thì Ngài đón nhận chúng ta vào nhà như con cái, vì Ngài không bao giờ, ngay cả chỉ trong khoảnh khắc, thôi yêu thương chờ đợi chúng ta. Lòng của Ngài hân hoan về từng đứa con trở về. Ngài cử hành vì Ngài mừng vui. Thiên Chúa có được niềm vui này khi một tội nhân trong chúng ta về cùng Ngài và xin Ngài tha thứ” (Angelus, 15 September 2013).

Lòng thương xót của Thiên Chúa là những gì rất thực và tất cả chúng ta được kêu gọi để cảm thấy lòng thương xót này trước hết. Khi tôi ở vào tuổi 17, một hôm đã xẩy ra chuyện là tôi sắp sửa đi chơi với bạn bè thì tôi quyết định dừng lại đi vào nhà thờ đã. Tôi đã gặp một vị linh mục ở đó, vị đã đánh động lòng tin tưởng rất nhiều, nên tôi đã cảm thấy ước muốn cởi mở lòng của tôi ra khi Xưng Tội. Cuộc gặp gỡ đó đã làm thay đổi cuôc đời của tôi! Tôi đã nhận thấy rằng khi chúng ta khiêm tốn và thành thật thì chúng ta có thể chiêm nguỡng lòng thương xót Chúa một cách rất cụ thể. Tôi cảm thấy chắc chắn là, nơi bản thân của vị linh mục ấy, Thiên Chúa đã chờ đợi tôi rồi, ngay cả trước khi tôi bước vào nhà thờ ấy. Chúng ta cứ tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ở đó trước chúng ta, luôn tìm kiêm chúng ta, và Ngài tìm thấy chúng ta trước. Có thể ai đó trong các bạn cảm thây một cái gì đấy nặng lòng các bạn. Các bạn đang nghĩ rằng: tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia… Đừng sợ! Thiên Chúa đang đợi chờ các bạn! Thiên Chúa là một Người Cha và Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Thật là tuyệt vời khi cảm thấy được cái ôm ấp thương xót của Người Cha này nơi bí tích Hòa Giải, khi khám phá ra rằng tòa giải tội là một nơi chốn của lòng thương xót, và để mình được tình yêu nhân hậu của Chúa là Đâng luôn tha thứ cho chúng ta đụng chạm tới chúng ta!

Các bạn thanh niên thanh nữ thân mến, các bạn có bao giờ cảm thấy ánh mắt của tình yêu muôn đời nhìn đến các bạn hay chưa, một ánh mắt vượt ra ngoài tội lỗi của các bạn, ngoài các giới hạn và sai lầm của các bạn, và tiếp tục tin tưởng vào các bạn cùng hy vọng nhìn đến cuộc đời của các bạn? Các bạn có nhận ra các bạn quí hóa biết bao đối với Thiên Chúa hay chăng, Đấng đã ban cho các bạn hết mọi sự vì yêu thương? Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa chứng tỏ tình Ngài yêu thương chúng ta ở chỗ, trong khi chúng ta còn là những tội nhân thì Chúa Kitô đã chết vì chúng ta” (Roma 5:8). Chúng ta có thực sự hiểu được cái mãnh lực nơi những lời này hay chăng?

Tôi biết cây thập giá của Ngày Giới Trẻ Thế Giới có một ý nghĩa ra sao đối với tất cả các bạn. Đó là một tặng ân của Thánh Gioan Phaolô II và đã ở với các bạn nơi tất cả mọi Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới của các bạn từ năm 1984. Đã có rất nhiều thay đổi và những cuộc hoán cải thực sự nơi đời sống của giới trẻ, thành phần đã gặp gỡ cây thập giá trần đơn sơ này! Có lẽ các bạn đã tự hỏi rằng: đâu là nguồn gốc ở nơi thứ quyền lực phi thường này của cây thập giá ấy? Đây là câu trả lời: cây thập giá này là dấu hiệu hùng hồn nhất của lòng thương xót Chúa! Nó nói với chúng ta rằng mức độ của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người là yêu không mức độ! Nhờ cây thập giá này chúng ta có thể chạm đến lòng thương xót Chúa và được lòng thương xót này chạm tới! Đến dây tôi muốn nhắc lại đoạn về hai người trộm bị đóng đanh ở bên Chúa Giêsu. Một trong hai người này đã tỏ ra ngạo mạn và không nhận mình là một tội nhân. Anh ta nhiếc móc Chúa. Còn người kia nhìn nhận rằng anh ta đã làm điều sai trái; anh ta đã hướng về Chúa mà rằng: “Hỡi Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi Ngài ngự trị trong vương quốc của Ngài”. Chúa Giêsu nhìn anh ta bằng lòng thương xót vô biên mà đáp lại: “Hôm nay anh sẽ được ở cùng Tôi trên Thiên Đàng” (xem Luca 23:32,39-43). Chúng ta đồng hóa mình với ai trong hai người ấy? Với con người ngạo mạn không nhìn nhận các lỗi lầm của mình? Hay với người kia, con người chấp nhận là mình cần đến lòng thương xót thần linh và nài xin lòng thương xót ấy bằng tất cả tấm lòng của mình? Chính ở nơi Chúa, Đấng đã ban sự sống cho chúng ta trên cây thập tự giá, mà chúng ta mới luôn gặp được một tình yêu vô điều kiện nhìn thấy đời sống của chúng ta như là một cái gì đó tốt lành và luôn ban cho chúng ta cơ hội để bắt đầu lại.

3. Niềm vui lạ lung được làm dụng cụ cho lòng thương xót Chúa

Lời Chúa dạy chúng ta rằng “cho đi thì phúc hơn nhận lãnh” (Tông Vụ 20:35). Đó là lý do tại sao Phúc Đức thứ năm loan báo rằng phúc cho ai biết thương xót. Chúng ta biết rằng Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Thế nhưng chúng ta sẽ thực sự chúc phúc và hạnh phúc chỉ khi nào chúng ta thấm nhập “cái lý lẽ” thần linh của việc tặng ban và của tình yêu thương vô tư, chỉ khi nào chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô cùng để làm cho chúng ta có khả năng yêu thương như Ngài, một cách vô hạn. Thánh Gioan đã nói: “Con con yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa; ai yêu thương thì được sinh ra bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không nhận biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu… Tình yêu là ở chỗ không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, mà là Ngài đã yêu thương chúng ta và đã sai Con Ngài đến để đền bù lại tội lỗi của chúng ta. Các con yêu dấu, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Gioan 4:7-11).

Sau khi đã vắn tắt tóm gọn về việc Chúa tuôn đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên chúng ta ra sao, tôi muốn cống hiến cho các bạn một số điều gợi ý để nhờ đó chúng ta làm sao có thể trở thành dụng cụ của lòng thương xót này cho người khác.

Tôi nghĩ đến gương của Chân Phước Pier Giorgio Frassati. Ngài đã nói rằng: “Chúa Giêsu mỗi sáng đến viếng thăm tôi khi Hiệp Lễ, và tôi đáp trả việc viếng thăm này một cách sơ sài khi viếng thăm người nghèo”. Pier Giorgio là một thanh niên trẻ trung đã hiểu được như thế nào là có một tấm lòng thương xót nơi việc đáp ứng những ai nghèo khốn nhất. Ngài đã cống hiến cho họ nhiều hơn là các thứ sản vật về thể lý nữa. Ngài đã ban tặng bản thân mình bằng việc cống hiến thời giờ của ngài, lời nói của ngài và khả năng lắng nghe của ngài. Ngài đã phục vụ người nghèo một cách rất thầm lặng và khiêm tốn. Ngài thực sự đã làm những gì Phúc Âm bảo chúng ta làm: “Khi các con bố thí thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, nhờ đó việc bố thí của các con được giữ kín” (Mathêu 6:3-4). Hãy nghĩ mà xem vào ngày trước khi qua đời của mình, lúc ngài lâm trọng bệnh, ngài đã hướng dẫn làm sao để những người bạn hữu thiếu thốn của ngài cần phải được giúp đỡ. Khi ngài được an táng thì gia đình và bạn bè của ngài mới thấy ngỡ ngàng trước sự hiện diện của rất nhiều người nghèo mà họ chẳng hề quen biết. Họ là những người đã được chàng thanh niên Pier Giorgio thân thương và giúp đỡ.

Tôi muốn nối kết các Mối Phúc Đức Phúc Âm này với Đoạn Phúc Âm 25 của Thánh Mathêu, đoạn Chúa Giêsu cho chúng ta thấy các việc làm của lòng thương xót và nói với chúng ta rằng căn cứ vào đó mà chúng ta bị  phán xét. Bởi vậy, tôi xin các bạn hãy tái nhận thức được các việc thương xót về phần xác, đó là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách mặc, cho khách đỗ nhờ, giúp đáp kẻ liệt, viếng thăm tù nhân và chôn táng kẻ chết. Chúng ta cũng không được coi thường bỏ qua các việc làm thương xót về lãnh vực thiêng liêng là khuyên bảo kẻ nghi nan, chỉ dạy kẻ thiếu hiểu biết, răn bảo kẻ có tội, an ủi kẻ sầu thương, tha thứ những điều xúc phạm, nhẫn nại với ai làm khốn mình, và cầu cho kẻ sống cùng kẻ chết. Như các bạn có thể thấy đấy, lòng thương xót không chỉ bao hàm việc là “một con người tốt” hay chỉ có tính cách cảm tình vậy thôi. Nó là thước đo tính chất đích thực của chúng ta trong việc làm môn đệ của Chúa Giêsu, cũng như tính chất khả tín của chúng ta là thành phần Kitô hữu trong thế giới ngày nay.

Nếu các bạn muốn tôi thật là chi tiết hơn nữa thì tôi xin đề nghị sáu tháng đầu năm 2016, các bạn hãy chọn 1 việc thương xót về thể lý và một việc thương xót về tinh thần để thực hành mỗi tháng. Các bạn hãy tìm cảm hứng nơi kinh nguyện của Thánh Faustina, vị tông đồ khiêm hạ của Lòng Thương Xót Thần Linh trong thời đại của chúng ta:

 “Ôi Chúa, xin hãy giúp con để mắt con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ ngờ vực hay phán đoán theo bề ngoài, nhưng biết nhìn thấy những gì là mỹ miều nơi tâm hồn của anh chị em con và ra tay cứu trợ họ. 

để tai con biết xót thương, nhờ đó, con nghe thấy được các nhu cầu của anh chị em con, và không tỏ ra dửng dưng lạnh lùng trước những đớn đau và than van của họ. 

để lưỡi con biết xót thương, nhờ đó, con không bao giờ nói tiêu cực về anh chị em con, mà là những lời ủi an và tha thứ. 

để tay con biết xót thương và đầy những việc thiện; 

để chân con biết xót thương, nhờ đó con biết mau mắn hỗ trợ anh chị em con, thắng vượt cái mệt mỏi và buồn chán của con; 

để tim con biết xót thương, nhờ đó, chính con có thể cảm thấy được tất cả mọi khổ đau của anh chị em con. 

 (Nhật Ký 163)

Sứ điệp Lòng Thương Xót Thần Linh là một dự án của đời sống rất rõ ràng vì nó bao gồm hành động. Một trong những việc làm thương xót hiển nhiên nhất, và có lẽ khó khăn nhất để thực hành, đó là tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta, những ai làm điều sai trái cho chúng ta hay những ai chúng ta coi là kẻ thù của mình. “Có những lúc việc tha thứ khó khăn biết bao! Tuy nhiên, tha thứ là một dụng cụ được đặt vào trong bàn tay mềm yếu của chúng ta để đạt tới sự thanh thản an bình trong cõi lòng. Việc bỏ qua nỗi giận dữ, cơn giận dữ, việc bạo động và trả thù là những diều kiện cần thiết để sống một cách hoan lạc” (Misericordiae Vultus, 9).

Tôi đã gặp rất nhiều người trẻ nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi với cái thế giới rất chia rẽ này, với những cuộc đụng độ giữa thành phần ủng hộ các bè phái khác nhau và rất nhiều cuộc chiến tranh, ở một số tôn giáo đang được sử dụng để biện minh cho bạo lực. Chúng ta cần phải xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết thương xót những ai phạm đến chúng ta. Chúa Giêsu ở trên cây thập tự giá đã cầu nguyện cho những ai đóng đanh Người rằng: “Lạy Cha, xin hãy tha cho họ vì họ không biết những gì họ làm” (Luca 23:34). Lòng thương xót là cách thức duy nhất để khống chế sự dữ. Công lý là những gì cần thiết, thật sự là như vậy, thế nhưng tự bản chất của nó vẫn chưa đủ. Công lý và lòng thương xót cần phải đi đôi với nhau. Tôi mong muốn biết bao chúng ta có thể cùng liên kết với nhau thành một ca đoàn cầu nguyện, xuất phát từ thẳm cung cõi lòng của chúng ta, để van xin Chúa thương đến chúng ta và toàn thế giới!

4- Krakow đang trông mong chúng ta!

Chỉ còn một ít tháng nữa thôi trước khi chúng ta gặp nhau ở Balan. Krakow, thành phố của Thánh Gioan Phaolô II và Thánh Faustina Kowalska, đang đợi chờ chúng ta bằng vòng tay và cõi lòng cởi mở. Tôi tin rằng Đấng Quan Phòng Thần Linh đã dẫn chúng ta tới chỗ quyết định cử hành Năm Thánh Giới Trẻ ở thành phố đã trở thành nhà cho nhị vị đại tông đồ của lòng thương xót trong thời đại của chúng ta. Đức Gioan Phaolô II đã nhận thức rằng đây là thời điểm của lòng thương xót. Ngay từ đầu giáo triều của mình, ngài đã viết thông điệp Dives in Misericordia. Vào Năm Thánh 2000, ngài đã tuyên phong hiển thánh cho Nữ Tu Faustina và đã thiết lập Lễ Lòng Thương Xót Chúa, một lễ hiện nay được cử hành vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh. Vào năm 2002, ngài đã đích thân khánh thành Đền Thờ Lòng Thương Xót Chúa ở Krakow và đã hiến dâng thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa, với ước muốn là sứ điệp này sẽ vươn đến tất cả mọi dân tộc trên thế giới và làm cho họ tràn đầy hy vọng: “Tia sáng này nhờ ơn Chúa cần phải được chiếu tỏa ra. Thứ lửa của lòng thương xót này cần phải được lan tỏa cho thế giới. Thế giới chỉ tìm thấy hòa bình và nhân loại chỉ tìm thấy hạnh phúc ở nơi lòng thương xót Chúa!” (Homily at the Dedication of the Divine Mercy Shrine in Krakow, 17 August 2002).

Giới trẻ thân mến, tại Đền Thờ ở Krakow được cung hiến cho Chúa Giêsu thương xót này, nơi Người được họa theo hình ảnh được dân Thiên Chúa tôn kính, Chúa Giêsu đang đợi chờ các bạn. Người tin tưởng nơi các bạn và đang cậy nhờ đến các bạn! Người có rất nhiều điều cần nói với từng người trong các bạn… Đừng sợ nhìn thẳng vào mắt của Người, đôi mắt tràn đầy tình yêu thương vô cùng đối với các bạn! Hãy hướng bản thân mình về ánh mắt thương xót này của Người, một ánh mắt rất sẵn sàng tha thứ tất cả mọi tội lỗi của các bạn. Một cái nhìn từ Người có thể biến đổi cuộc đời của các bạn và chữa lành các vết thương lòng của các bạn. Đôi mắt của Người có thể làm giãn cơn khát sâu xa trong cõi lòng trẻ trung của các bạn, một cơn khát yêu thương, an bình, niềm vui và chân phúc. Hãy đến với Người và đừng sợ! Hãy đến với Người và nói cùng Người từ tận đáy lòng của các bạn rằng: “Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!” Các bạn hãy để mình được lòng thương xót vô biên của Người chạm đến, nhờ đó, về phần mình, các bạn có thể trở thành các tông đồ của lòng thương xót qua hành động, lời nói và cầu nguyện của các bạn trên thế giới này, một thế giới đang bị thương tật bởi vị kỷ, ghen ghét và tràn đầy thất vọng.

Các bạn hãy mang theo mình ngọn lửa của tình yêu nhân hậu Chúa Giêsu – như Thánh Gioan Phaolô II đã nói - ở hết mọi lãnh vực đời sống hằng ngày của các bạn và cho đến tận cùng trái đất. Nơi sứ vụ này, tôi ở cùng các bạn bằng lời khích lệ và nguyện cầu của tôi. Tôi xin ký thác tất cả các bạn cho Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, trong giai đoạn cuối cùng này của cuộc hành trình sửa soạn thiêng liêng cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây ở Krakow. Tôi chân thành chúc lành cho tất cả các bạn.

 

Tại Vatican ngày 15/8/2015

Lễ Trọng Mông Triệu Đức Trinh Nữ Maria

Giáo Hoàng Phanxicô

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/youth/documents/papa-francesco_20150815_messaggio-giovani_2016.html

        Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu