GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

 

Truyền Thông và Tình Thương: Một Cuộc Hội Ngộ Tốt Đẹp

Đức Thánh Cha Phanxicô - Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Thông 24/1/2016

 

 

"Trong một thế giới rạn nứt, phân mảnh và phân cực, việc truyền thông bằng tình

 thương nghĩa là giúp vào việc tạo nên một sự gần gũi lành mạnh, thanh thoát và

 huynh đệ giữa con cái của Thiên Chúa với tất cả mọi người anh chị em nam nữ của

 chúng ta trong một gia đình nhân loại duy nhất".

 

Anh Chị Em thân mến,

Năm Thánh Tình Thương mời gọi tất cả chúng ta suy niệm về mối liên hệ giữa truyền thông và tình thương. Hiệp nhất với Chúa Kitô, Đấng là hiện thân sống động của Cha Giầu Lòng Thương, Giáo Hội được kêu gọi thực thi tình thương như là một đặc tính chuyên biệt về tất cả những gì Giáo Hội là và làm. Những gì chúng ta nói và cách thức chúng ta nói năng, hết mọi lời nói và cử chỉ của chúng ta, cần phải thể hiện lòng cảm thương, nỗi dịu dàng và ơn tha thứ của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người. Tình yêu, tự bản chất của nó, là truyền thông; nó dẫn đến chỗ cởi mở và chia sẻ. Nếu tâm can của chúng ta và hành động của chúng ta được tác động bởi đức bác ái, bởi tình yêu thần linh, thì việc truyền thông của chúng ta sẽ được quyền năng của Thiên Chúa chạm tới. 

Là những người con nam nữ của Thiên Chúa, chúng ta được kêu gọi để truyền thông với hết mọi người không trừ ai. Các lời nói và hành động của Giáo Hội tất cả đều đặc biệt phải làm sao để chuyển đạt tình thương, để chạm tới tâm can của con người cũng như để nâng đỡ họ trong cuộc hành trình tiến tới sự sống viên trọn được Chúa Giêsu Kitô do Thiên Chúa sai đến mang lại cho tất cả mọi người. Điều này có nghĩa là chính chúng ta cần phải sẵn sàng chấp nhận tình nồng ấm của Mẹ Giáo Hội và chia sẻ tình nồng ấm này với người khác, nhờ đó Chúa Giêsu được nhận biết và yêu mến. Tình nồng ấm này là những gì nuôi dưỡng lời của niềm tin; bằng việc rao giảng và chứng từ của chúng ta, nó làm bùng lên "tia sáng" mang sự sống đến cho họ.

Truyền thông có khả năng thiết lập những chiếc cầu, giúp khả dĩ hóa cuộc hội ngộ và tính chất bao gồm nhờ đó làm phong phú xã hội. Đẹp thay khi con người ta cẩn thận lựa lọc lời nói và hành động của mình để cố gắng tránh đi những hiểu lầm, để chữa lành các thứ ký ức bị tổn thương và để xây dựng hòa bình và hòa hợp. Những lời nói là những gì có thể thiết dựng những cây cầu nối giữa các cá nhân với nhau và trong các gia đình với nhau, giữa các phe nhóm xã hội và giữa các dân tộc với nhau. Điều này có thể xẩy ra cả ở thế giới vật chất lẫn thế giới con số. Những lời nói và việc làm của chúng ta cần phải như thế để giúp cho tất cả chúng ta thoát được những vòng lẩn quẩn của luận phán và trả thù đang tiếp tục chộp bắt các cá nhân cũng như các quốc gia, khích động những gì thể hiện thù ghét. Những lời nói của Kitô hữu cần phải là những gì luôn phấn khởi việc truyền thông, và ngay cả trong những trường hợp họ cần phải cứng rắn lên án sự dữ, họ không bao giờ được cố gắng làm gián đoạn những mối liên hệ và truyền thông.

Vì thế, tôi xin mời tất cả những ai thiện chí hãy tái nhận thức quyền lực của tình thương trong việc chữa lành các mối liên hệ bị tổn thương và phục hồi bình an cùng hòa hợp cho các gia đình cũng như cho các cộng đồng. Tất cả chúng ta đều thấy rằng biết bao nhiêu là cách thức mà các vết thương xa xưa và những thứ phẫn uất dai dẳng có thể chộp bắt những cá nhân và ngăn chặn việc truyền thông cũng như việc hòa giải. Các mối liên hệ giữa các dân tộc cũng xẩy ra đúng như thế nữa. Trong mọi trường hợp, tình thương có thể tạo nên một thứ phát ngôn và đối thoại mới. Shakespeare đã hùng hồn nói về điều này rằng: "Phẩm chất của tình thương không phải là những gì gượng ép. Nó nhỏ giọt nhè nhẹ như mưa từ trời xuống một nơi nào đó ở bên dưới. Nó là những gì lưỡng phúc: phúc cho cả người cống hiến lẫn cho người lãnh nhận" (The Merchant of Venice, Act IV, Scene I).

Ngôn từ về chính trị và ngoại giao của chúng ta sẽ khéo léo tốt đẹp hơn nếu được tác động bởi tình thương là những gì không bao giờ mất đi niềm hy vọng. Tôi xin những ai có trách nhiệm về cơ cấu và chính trị, cũng như những ai có trách nhiệm khuôn đúc công luận, hãy đặc biệt chú trọng tới cách thức họ nói về những ai suy nghĩ hay tác hành một cách khác biệt hay về những ai có thể đã gây ra lầm lỗi. Thật là dễ dàng chiều theo khuynh hướng khai thác những trường hợp như thế để đốt lên những ngọn lửa bất tín, sợ hãi và hận thù. Trái lại, cần phải can đảm để hướng dẫn dân chúng tiến đến chỗ hòa giải. Chính thái độ hiên ngang cương quyết tích cực và sáng tạo như thế là những gì cống hiến các giải pháp thực sự cho những thứ xung khắc xa xưa và cơ hội để xây dựng hòa bình bền bỉ. "Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa" (Mathêu 5:7-9).

Tôi mong muốn biết bao về cách thức truyền thông của chúng ta, cũng như về việc phục vụ của chúng ta với tư cách là các vị mục tử của Giáo Hội, ở chỗ không bao giờ tỏ ra một thứ ưu việt kiêu hãnh và vênh vang đối với một thù địch nào, hay tỏ ra hạ cấp những ai bị thế giới coi là lạc loài và dễ bị sa thải. Tình thương có thể giúp vào việc làm giảm nhẹ các trục trặc của cuộc đời và cống hiến tình nồng ấm cho những ai chỉ biết lạnh lùng phán quyết. Chớ gì cách thức truyền thông của chúng ta giúp thắng vượt cái tâm thức phân biệt rõ ràng tội nhân với chính nhân. Chúng ta có thể và chúng ta cần phải phán đoán những trường hợp tội lỗi - chẳng hạn như trường hợp bạo lực, trường hợp hối lộ và tình trạng khai thác - thế nhưng chúng ta không được phán xét các cá nhân, vì chỉ có thiên Chúa mới có thể nhìn thấy thẳm cung của cõi lòng họ thôi. Công việc của chúng ta là khiển trách những ai lầm lỗi và bài bác sự dữ và bất công của một số cách thức tác hành nào đó, để giúp giải thoát cho thành phần nạn nhân và nâng dậy những ai vấp ngã. Phúc Âm Thánh Gioan nói với chúng ta rằng "sự thật sẽ giải phóng quí vị" (8:32). Sự thật tối hậu là chính Chúa Kitô, và tình thương dịu dàng của Người là thước đo cách thức chúng ta thực hiện việc loan báo sự thật và lên án bất công. Công việc chính yếu của chúng ta là bênh vực sự thật bằng tình yêu thương (xem Epheso 4:15). Chỉ có những lời lẽ được nói năng một cách yêu thương và được kèm theo sự hiền lành và tình thương mới có thể đánh động cõi lòng tội lỗi của chúng ta. Những lời nói cộc cằn thô lỗ có tính cách dạy d có nguy cơ càng đẩy xa những ai chúng ta muốn hoán cải và giải thoát, khiến họ cảm thấy họ bị loại trừ và cần phải tự vệ.

Có một số người cảm thấy rằng thứ nhãn quan về xã hội theo tình thương là những gì lý tưởng vô vọng và nuông chiều quá trớn. Thế nhưng chúng ta hãy cố gắng mà nhớ lại cảm nghiệm đầu tiên của chúng ta về các mối liên hệ trong gia đình của chúng ta. Cha mẹ của chúng ta đã yêu thương chúng ta và coi trọng chúng ta vì chúng ta là hơn là vì các khả năng và những thành đạt của chúng ta. Các bậc phụ huynh, theo tự nhiên, đều muốn những gì tốt đẹp nhất cho con cái của mình, thế nhưng tình yêu ấy không bao giờ lệ thuộc vào việc chúng hội đủ một số điều kiện nào đó. Ngôi nhà của gia đình là nơi chúng ta luôn được đón nhận (xem Luca 15:11-32). Tôi muốn phấn khích hết mọi người hãy nhìn xem xã hội không phải như là một diễn đàn, nơi cho những kẻ xa lạ đối chọi và cố gắng vượt lên trên hết mọi người, mà trên hết là một ngôi nhà hay một gia đình, nơi bao giờ cũng mở cửa và là nơi hết mọi người cảm thấy được đón nhận.

Để thực hiện điều ấy, trước hết chúng ta cần phải lắng nghe. Việc truyền thông  nghĩa là chia sẻ và việc chia sẻ đòi phải lắng nghe và chấp nhận. Việc lắng nghe không phải chỉ là việc nghe thấy. Việc nghe thấy liên quan đến việc nhận được tín liệu, trong khi việc lắng nghe liên quan đến việc truyền thông và cần phải gần gũi. Việc lắng nghe giúp cho chúng ta có thể có được những gì đúng đắn, chứ không phải chỉ là những kẻ bàng quang thụ động, những kẻ hưởng dùng hay thành phần tiêu thụ. Việc lắng nghe cũng có nghĩa là có thể chia sẻ những vấn nạn và ngờ vực, có thể hành trình bên nhau, có thể loại trừ đi tất cả những gì là quyền lực tuyệt đối mà mang các khả năng cùng ân huệ của chúng ta ra phục vụ công ích. 

Việc lắng nghe chẳng bao giờ là việc dễ dàng thực hiện hết. Nhiều lần thà giả điếc làm ngơ còn hơn. Việc lắng nghe nghĩa là việc tỏ ra chăm chú, muốn hiểu biết, muốn định lượng, tỏ ra trân trọng và suy nghĩ về những gì người khác nói. Nó liên quan đến một thứ tử đạo hay hy sinh bản thân mình, như chúng ta cố gắng bắt chước Moisen trước bụi gai bốc cháy, ở chỗ chúng ta cần phải bỏ dép của mình ra khi đứng ở "đất thánh" trong cuộc hội ngộ với người đang nói với tôi (xem Xuất Hành 3:5). Biết làm sao để lắng nghe là một ân sủng cao cả, nó là một tặng ân chúng ta cần xin rồi hết sức cố gắng để thực hành.

Những điện thư, những tin nhắn, những móc nối xã hội và truyện trò cũng có thể là các hình thức hoàn toàn truyền thông của con người. Không phải kỹ thuật là những gì định đoạt tính chất chân thực của truyền thông mà là tâm can của con người và khả năng chúng ta sử dụng chúng một cách khôn khéo trong tầm tay của mình. Các móc nối về xã hội có thể giúp dễ dàng hóa những mối liên hệ và cổ võ thiện ích của xã hội, thế nhưng chúng cũng có thể dẫn tới chỗ phân cực và chia rẽ hơn nữa giữa các cá nhân và phái nhóm với nhau. Thế giới của con số là một công trường, một chốn gặp gỡ chúng ta có thể một là phấn khích hay hạ cấp nhau, liên quan đến một cuộc bàn luận nghĩa lý hay những cuộc tấn công chẳng lành. Tôi nguyện xin cho Năm Thánh sống tình thương này "có thể hướng chúng ta đến việc đối thoại nhiệt tình hơn nữa nhờ đó chúng ta có thể hiểu biết nhau hơn; và loại trừ đi hết mọi hình thức khép kín và bất kính, cũng như tẩy chay hết mọi hình thức bạo động và kỳ thị" (Tông Sắc Dung Nhan Tình Thương, 23). Mạng điện toán toàn cầu có thể giúp chúng ta trở thành những người công dân tốt hơn. Phương tiện cho những hệ thống về con số này bao gồm một trách nhiệm đối với tha nhân của chúng ta, những người chúng ta không thấy nhưng dầu sao cũng có thực và cần phải tôn trọng phẩm giá của họ. Mạng điện toán toàn cầu có thể được khôn khéo sử dụng để xây dựng một xã hội lành mạnh và hướng đến chỗ chia sẻ.

Truyền thông, bất cứ ở đâu và xẩy ra như thế nào, đã mở ra những chân trời rộng mở đối với nhiều người. Đó là một tặng ân của Thiên Chúa bao gồm cả một trách nhiệm lớn lao. Tôi thích nói về quyền lực truyền thông này như là những gì "gần gũi". Việc gặp gỡ giữa truyền thông và tình thương sẽ sinh hoa kết trái ở chỗ nó làm phát sinh ra một thứ gần gũi để chăm sóc, an ủi, chữa lành, hỗ trợ và hân hoan. Trong một thế giới rạn nứt, phân mảnh và phân cực, việc truyền thông bằng tình thương nghĩa là giúp vào việc tạo nên một sự gần gũi lành mạnh, thanh thoát và huynh đệ giữa con cái của Thiên Chúa với tất cả mọi người anh chị em nam nữ của chúng ta trong một gia đình nhân loại duy nhất.

Tại Vatican ngày 24/1/2016

http://www.news.va/en/news/popes-message-communication-and-mercy-a-fruitful-e

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch (kèm theo những chỗ nhấn mạnh tự ý)