GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

 

Interreligious

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ 200 ĐẠI BIỂU CÁC TÔN GIÁO BẠN NGÀY 3/11/2016

 

(Christian, Jewish, Muslim, Buddhist, Hindu and others)

 

 

 

or161103114138_24603

 

"Chớ gì các tôn giáo là những cung lòng của sự sống, mang tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đến cho một nhân loại bị thương tích và nghèo khổ; chớ gì các tôn giáo là những cửa ngõ của niềm hy vọng  giúp băng qua những bức tường được dựng lên bởi lòng kiêu hãnh và nỗi sợ hãi. Xin cám ơn các bạn".

 

Các Bạn thân mến,

Xin nồng nhiệt chào mừng các bạn. Tôi lấy làm hân hoan được gặp gỡ các bạn và tôi cám ơn các bạn đã chấp nhận lời mời này để cùng nhau suy nghĩ về đề tài thương xót.

Như các bạn đã quá biết, chúng tôi đang tiến đến cuối Năm Thánh là năm Giáo Hội Công Giáo đã suy ngắm về cái cốt lõi của sứ điệp Kitô giáo theo quan điểm lòng thương xót. Đối với chúng tôi, lòng thương xót cho thấy danh xưng của Thiên Chúa; nó là "chính nền tảng của đời sống Giáo Hội" (Tông Sắc Dung Nhan Thương Xót - 10). Lòng thương xót cũng là chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm về con người, về một nhân loại mà cả ngày hôm nay nữa đang rất cần đến lòng tha thứ và hòa bình.

Tuy nhiên, mầu nhiệm của lòng thương xót không chỉ để cử hành bằng lời nói, mà trên hết bằng các việc làm, bằng lối sống thương xót thật sự được thể hiện qua tình yêu thương vô tư, việc phục vụ huynh đệ và lòng chân thành chia sẻ. Giáo Hội càng ngày càng mong muốn theo lối sống này, một lối sống cũng là một phần trong việc Giáo Hội có "nhiệm vụ nuôi dưỡng mối hiệp nhất và lòng bác ái" giữa tất cả mọi con người nam nữ (Sắc Lệnh Truyền Giáo Nostra Aetate - 1). Các tôn giáo cũng được kêu gọi thực hiện lối sống này, để trở thành, nhất là trong thời đại của chúng ta đây, thành phần sứ giả của hòa bình và là kiến thiết viên cho mối hiệp thông, cùng loan truyền rằng thời đại của chúng ta là thời điểm của tình huynh đệ, ngược lại với tất cả những ai gieo rắc xung khắc, chia rẽ và dung túng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tìm dịp gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ, trong khi tránh đi một thứ lộn xộn hời hợt bề ngoài, "làm cho chúng ta cởi mở hơn với việc đối thoại, hiệu biết nhau hơn; loại trừ đi hết mọi hình thức thiển cận và bất kính; và tẩy chay hết mọi hình thức bạo lực và kỳ thị" (Tông Sắc Dung Nhan Thương Xót - 23). Đó là điều làm cho Thiên Chúa hài lòng và trở thành một việc khẩn trương, đáp ứng chẳng những với các nhu cầu ngày nay mà nhất là còn đáp ứng những lời kêu gọi của tình yêu thương là chính hồn sống của tất cả mọi tôn giáo.

Đề tài về lòng thương xót là những gì quen thuộc với nhiều truyền thống tôn giáo và văn hóa, những truyền thống chất chứa những yếu tố thiết yếu là thương cảm vá bất bạo động cho lối sống này; theo lời của một câu cách ngôn xưa thì "sự chết cứng đơ; sự sống mềm dịu" (Tao-Te-Ching - 76). Việc ưu ái cảm thương cúi xuống trước người yếu kém và nghèo khổ là những gì thuộc về tinh thần chân thực của tôn giáo, một tinh thần biết loại trừ đi khuynh hướng sử dụng võ lực, biết chối bỏ việc đổi chác mạng sống con người và coi người khác như là anh chị em, không bao giờ chỉ có thuần những thống kê. Việc đến gần với tất cả những ai sống trong những tình trạng cần được chúng ta quan tâm, như bị bệnh nạn, bị tật nguyền, nghèo khổ, bất công và gánh chịu hậu quả của những cuộc xung đột và di dân, là một lời hiệu triệu xuất phát từ tâm điểm của hết mọi truyền thống tôn giáo đích thực. Nó là âm vang của tiếng nói thần linh trong lương tâm của hết mọi người, kêu gọi họ hãy loại trừ tính vị kỷ và hãy cởi mở. Hãy cởi mở với Đấng ở trên chúng ta, Đấng gõ cửa lòng chúng ta, và cởi mở cho người khác ở bên cạnh chúng ta, những người gõ cửa nhà của chúng ta, xin quan tâm và trợ giúp.

Chính chữ "thương xót" là lời hiệu triệu kêu gọi một tấm lòng cởi mở và cảm thương. Chữ này xuất phát từ tiếng Latinh misericordia, một tiếng gợi lên  một tấm lòng - cor - biết nhạy cảm với khổ đau, nhất là với những ai đang đau khổ, một tấm lòng biết chế ngự tính lãnh đạm để tham phần vào những nỗi khổ đau của người khác. Theo ngôn ngữ Semitic, như Arabic và Hebrew, căn ngữ RHM, diễn tả lòng thương xót Chúa, là một căn ngữ liên quan tới cung dạ của người mẹ, nguồn mạch sâu xa nhất của tình yêu con người, những cảm tình của một người mẹ đối với người con được bà sinh ra.

Theo ý nghĩa ấy, tiên tri Isaia đã chuyển tải một sứ điệp tuyệt đẹp, mà về phần Thiên Chúa, bao gồm cả hứa hẹn yêu thương lẫn thách đố: "Có thể nào một người mẹ lại quên được đứa con non nớt của mình hay chăng, hay chẳng tỏ lòng cảm thương đứa con của lòng bà hay chăng? Cho dù bà có bỏ quên nó đi nữa, nhưng Ta sẽ chẳng bao giờ quên con" (Is 49:15). Buồn thay, tất cả chúng ta rất thường hay quên, cõi lòng của chúng ta trở nên lơ đãng và lãnh đạm. Chúng ta tách mình ra khỏi Thiên Chúa, khỏi tha nhân, thậm chí khỏi ký ức lịch sử của chúng ta, để rồi chúng ta đi đến chỗ lập lại, thậm chí bằng những hình thức dã man tàn bạo hơn, những lỗi phạm thê thảm của các thời đại khác.

Đó là thảm kịch của sự dữ, của những vực thẳm ác nghiệt là nơi tự do của chúng ta có thể bị chìm đắm khi bị sự dữ cám dỗ, một sự dữ bao giờ cũng có đó, chờ chực để đập cho chúng ta nhào xuống. Tuy nhiên, chính ở chỗ này, trước cái đại bí ẩn của sự dữ thử thách cảm nghiệm tôn giáo này, chúng ta mới thấy được chiều kích lạ lùng nhất của tình yêu nhân hậu. Tình yêu này không để cho chúng ta làm mồi cho sự dữ hay cho nỗi yếu mềm của chúng ta; nó không "bỏ quên" chúng ta, mà "nhớ tới" chúng ta, và đến gần với hết mọi khốn khổ của loài người để xoa dịu những khốn khổ ấy. Như một người mẹ. Bất cứ sự dữ nào do con mình gây ra, người mẹ bao giờ cũng thấy cái tội đã qua ấy để nhìn nhận gương mặt đã được bà cưu mang trong lòng của bà.

Trong một thế giới cuồng nhiệt và quên lãng hơn bao giờ hết ngày nay, một thế giới bỏ lại đằng sau rất nhiều con người nam nữ khi nó hối hả chạy, một cách nín thở và vô định, chúng ta cần thứ dưỡng khí của tình yêu nhưng không và ban sự sống này. Chúng ta khao khát lòng thương xót và chẳng có khoa kỹ thuật nào có thể lãn giãn cơn khát này hết. Chúng ta tìm kiếm một tình yêu bền vững vượt trên những thỏa mãn về tiền bạc, một bến bờ an toàn là nơi chúng ta có thể chấm dứt những cuộc lang thang không ngừng nghỉ của chúng ta, một vòng tay ôm ấp bao la bất tận tha thứ và hòa giải.

Điều này hệ trọng biết bao nếu chúng ta lưu ý tới nỗi sợ hãi lan tràn ngày nay, ở chỗ những yếu dại của chúng ta là những gì không thể nào được tha thứ, không thể nào phục hồi và không thể nào được cứu vớt. Đối với Công giáo chúng tôi, trong những nghi thức ý nghĩa nhất của Năm Thánh này đó là nghi thức khiêm hạ và tin tưởng bước qua một cái cửa - Cửa Thánh - để bản thân mình được hoàn toàn hòa giải với lòng thương xót Chúa, Đấng tha thứ cho những sai phạm của chúng tôi. Thế nhưng điều này cũng đòi chúng ta phải tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta nữa (xem Mt 6:12), tha cho những người anh chị em phạm đến chúng ta. Chúng ta đã nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa để chia sẻ ơn ấy với người khác. Tha thứ thật sự là tặng ân lớn nhất chúng ta trao tặng cho nhau, vì nó đắt giá nhất. Tuy nhiên nó đồng thời cũng là những gì làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa nhất.

Lòng thương xót cũng vươn tới thế giới chung quanh chúng ta nữa, tới ngôi nhà chung của chúng ta là nơi chúng ta được kêu gọi để bảo vệ và gìn giữ nó cho khỏi bị hưởng thụ một cách bừa bãi và tham tàn. Chúng ta cần phải dấn thân trong việc hướng dẫn thực hiện tính cách chừng mực và tôn trọng, thực hiện lối sống chân thành và lớp lang hơn, nhờ đó các nguồn lợi thiên nhiên được sử dụng một cách khôn ngoan và điều hòa, biết quan tâm tới nhân loại như là một tổng thể cũng như tới các thế hệ tương lai, chứ không phải chỉ biết có những lợi ích của riêng nhóm chúng ta và các lợi lộc vào lúc này. Đặc biệt ngày nay, "cái trầm trọng của cuộc khủng hoảng về môi sinh đòi tất cả chúng ta phải để ý đến công ích, bằng việc dấn thân theo đuổi một con đường đối thoại đòi kiên nhẫn, tự chế và quảng đại" (Thông Điệp Laudato Si' - 201).

Chớ gì đó là con đường chúng ta theo đuổi. Chớ gì chúng ta loại bỏ những đường lối vô định của những gì là bất đồng và thiển cận. Chớ gì không bao giờ còn xẩy ra nữa các tôn giáo, vì hành vi của một số tín đồ của mình, truyền đạt một sứ điệp méo mó, không đúng với tính chất của sứ điệp thương xót. Buồn thay, không một ngày nào qua đi mà chúng ta không nghe thấy những hành động bạo lực, xung đột, bắt cóc, tấn công khủng bố, sát hại và hủy hoại. Có những lúc thật là kinh hoàng khi nhân danh tôn giáo hay nhân danh chính Thiên Chúa để biện minh cho những điều dã man tàn bạo ấy. Chớ gì có được một cuộc lên án rõ ràng những thái độ phản đạo lý làm tục hóa danh thánh của Thiên Chúa và tục hóa một cách bẩn thỉu việc tìm cầu đạo giáo của loài người. Trái lại, chớ gì cuộc gặp gỡ an lành giữa các tín đồ và quyền tự do tôn giáo chân thực được duy trì ở khắp mọi nơi. Nơi đây, trách nhiệm của chúng ta trước Thiên Chúa, nhân loại và tương lai thì lớn lao; nó cần một nỗ lực liên tục, không lơ mơ. Nó là một tiếng gọi thách đố chúng ta, là một đường lối cần phải cùng nhau theo đuổi, cho thiện ích của tất cả mọi người, với niềm hy vọng. Chớ gì các tôn giáo là những cung lòng của sự sống, mang tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa đến cho một nhân loại bị thương tích và nghèo khổ; chớ gì các tôn giáo là những cửa ngõ của niềm hy vọng  giúp băng qua những bức tường được dựng lên bởi lòng kiêu hãnh và nỗi sợ hãi. Xin cám ơn các bạn.

 

https://zenit.org/articles/popes-address-to-interreligious-gathering/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ nhấn mạnh tự ý

interreligious

or161103113258_24413