SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

“Người động lòng thương” 

con người chết chóc

 (theo Phúc Âm Thánh Gioan 11:1-44)

  

 

Toàn bộ 4 Phúc Âm chỉ thuật lại hai lần sự kiện Chúa Giêsu khóc hiếm thấy, một cử chỉ chứng tỏ mức độ tột đỉnh của tâm trạng "Người động lòng thương". Lần Người "khóc" (Gioan 11:35) đầu tiên xẩy ra trước khi Người hồi sinh Lazarô là người bạn thân của Người, và lần thứ hai xẩy ra sau khi Người vinh quang tiến vào bên trong Thành Thánh Giêrusalem (xem Luca 19:41).

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu "khóc"chỉ trong hai trường hợp này mà thôi? Cả hai có đáng cho "Người động lòng thương" đến độ chảy nước mắt ra hay chăng? Chẳng lẽ ở các trường hợp khác không đáng được Người "khóc" hay sao - Chẳng hạn như trường hợp người môn đệ Giuđa phản nộp Người, hay trường hợp người môn đệ Phêrô chối Người, hoặc trường hợp Mẹ của Người vô cùng khổ đau đứng dưới chân thập tự giá của Người?  

 

Bởi vì, cái chết về phần xác của Lazarô đâu có đáng thương bằng cái chết về phần hồn của một Giuđa và Phêrô, một cái chết về phần xác Người biết rằng Người có thể hồi sinh cho người bạn thân này của Người, và cái nguy nga tráng lệ của một Thành Thánh Giêrusalem đâu có cao quí bằng con người tuyệt vời đầy ân phúc của Mẹ Người là vị đã thụ thai, cưu mang và sinh dưỡng Người, vị đã xứng đáng hơn tất cả mọi sự trên trời dưới đất để trở thành cung thánh cho Người muôn đời hiển trị? Như thế, phải có một lý do nào rất chính đáng về cử chỉ "khóc" này của Con Thiên Chúa làm người... Phải chăng cả hai trường hợp đều có cùng một lý do như nhau hay giống nhau? Ở chỗ:

 

Nếu Thành Thánh Giêrusalem là biểu hiệu cho Giáo Hội của Người, hình ảnh về một Tân Thánh Đô Giêrusalem từ trời xuống diễm lệ để nghênh đón tân lang (xem Khải Huyền 21:2) vào lúc Thiên Chúa "canh tân lại tất cả mọi sự" (Khải Huyền 21:5), thì cử chỉ "khóc" của Chúa Giêsu khi Người tiến vào bên trong thành ấy, căn cứ vào những lời than của Người bấy giờ về thành này, cho thấy "Người động lòng thương" Giáo Hội được Người thiết lập sẽ bị quân thù tàn phá vào ngày cùng tháng tận đến độ bị khủng hoảng đức tin nơi hầu như khắp châu thân Giáo Hội (xem Luca 18:8; Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo - 675).

 

Cũng thế, nếu Lazarô, cùng với Matta và Maria chị em của mình là những người bạn thân của Chúa Giêsu, những con người được Thánh ký Gioan cho biết "Chúa Giêsu đã yêu thương Matta và đứa em gái của cô cũng như Lazarô rất nhiều" (Gioan 11:5), thì phải chăng Người khóc trước khi hồi sinh Lazarô là vì bấy giờ Người đã nghĩ đến "những ai thuộc về Người thì Người đã muốn tỏ lòng yêu thương họ cho tới cùng" (Gioan 13:1), muốn cứu họ cho tới cùng, bao gồm cả môn đệ Giuđa mà Người biết sẽ phản nộp Người, thế mà họ vẫn không thể nào ra khỏi hầm mộ chết chóc, trái lại muôn đời họ bị hư vong trong âm phủ.

 

Đúng thế, vì mục đích dựng nên con người là để cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài trong cõi vĩnh hằng, Thiên Chúa không thể nào lại vui thú khi thấy con người bị vĩnh viễn hư vong. Đó là lý do Ngài đã tìm hết cách để cứu độ họ, ở chỗ Ngài "đã yêu thế gian đến ban Con Một mình để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống" (Gioan 3:16), và chính Con của Ngài là Đấng Thiên Sai cũng đã "đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người" (Mathêu 20:28), tới nỗi "đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá" (Philiphe 2:8), để "khi thành toàn thì Người đã trở nên nguồn mạch cứu độ đời đời cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:9). 

 

Chúa Kitô "đã thành toàn" bằng Cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua từ Tử Giá đến Phục Sinh, để Người thực sự "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Thứ tự của lời tỏ mình ra này của Chúa Kitô trong bối cảnh chết chóc của một Lazarô cho thấy, trước hết, "Thày là sự sống lại" (về thể lý), ở chỗ Người đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi và sự chết, nhờ đó mà Người cũng chính "là sự sống", khi thông ban cho các tông đồ vào tối ngày thứ nhất trong tuần, từ thân xác phục sinh bất tử của Người, "Thánh Thần" (Gioan 20:22) "là Đấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính), Đấng đã làm cho cả Người lẫn chúng ta từ trong kẻ chết sống lại (xem Rôma 6:11). 

 

Tuy nhiên, cho dù theo dự án cứu độ của mình "Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Timotheu 2:4), trong công cuộc cứu chuộc thì về hoa trái chỉ có "ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống" (Gioan 3:16), và "Người đã trở nên nguồn mạch cứu độ đời đời cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:9) mà thôi. Vậy, trong trường hợp hồi sinh Lazarô, đương sự đã chết bốn ngày, không thể nào tự bày tỏ niềm tin tưởng của mình vào Đấng có thể hồi sinh mình, Đấng "là sự sống lại và là sự sống" thì đã có niềm tin của những người khác, như của người chị em Matta trong gia đình, thay thế và bù đắp cho: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến tyrong thế gian" (Gioan 11:27).

 

Trong lời trách yêu của cả hai chị em Matta và Maria, dù hai chị em đều không trực tiếp và chính thức xin người hồi sinh cho Lazarô: "Nếu Thày có mặt ở đây thì người anh em của con đâu có chết" (Gioan 11:21,32), cũng cho thấy cả hai đều tin rằng Người sẽ hồi sinh cho Lazarô. Riêng Matta chẳng những tuyên xưng về Chúa Kitô và cùng Maria trách yêu Người như thế, mà cô còn tin rằng Người vẫn có thể làm cho Lazarô hồi sinh nữa, khi nhấn mạnh với người và nhắc nhở Người rằng: "Cho dù là thế con vẫn tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho Thày bất cứ sự gì Thày xin" (Gioan 11:22). Lập tức cô nhận được đáp số từ Người: "Người anh em của con sẽ sống lại" (Gioan 11:23), không phải chỉ sống lại trong ngày sau hết như Matta sau đó nghĩ mà là sắp sửa theo lòng mong ước của cô.

 

Ở đây, chúng ta thấy quả thực Thiên Chúa muốn dùng hết cách để cứu con người: Ở lần chết theo nguyên tội, Ngài đã cứu họ bằng Lời Nhập Thể Vượt Qua đúng như lời Ngài hứa với 2 nguyên tổ (xem Khởi Nguyên 3:15). Thế rồi, ở lần chết theo tư tội, nhất là khi linh hồn ở vào những trường hợp băng hoại đến cùng tận về luân lý, đến xông mùi hỏa ngục, thậm chí còn cứng lòngkhông chịu ăn năn trở lại v.v. Ngài vẫn có thể cứu họ được, bằng mầu nhiệm các thánh cùng thông công, nhờ đức tin của một tâm hồn thánh đức âm thầm nào đó gần Ngài, một "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6), được bày tỏ bằng lời cầu nguyện của họ, hay bằng việc hy sinh hãm mình khổ chế của họ.

 

Đó là lý do cho dù đã được báo tin Lazarô bệnh nặng gần chết mà Người vẫn không vội vã đến chữa lành cho người bạn thân của mình lập tức, mà lại đợi cho tới khi anh bạn này chết 4 ngày đến xông mùi rồi mới tới. Và đó cũng là lý do Người đã nói với các tông đồ trước khi đến hồi sinh Lazarô rằng: "Lazarô đã chết. Vì các con mà Thày vui vì Thày đã không ở đó để các con tin tưởng" (Gioan 11;15). Đối với dân chúng cũng thế: "Con nói điều này vì quần chúng ở đây để họ tin rằng Cha đã sai Con" (Gioan 11:42).

 

Thánh ký Gioan đã cho thấy thành quả của việc Chúa Giêsu "là sự sống lại và là sự sống" hồi sinh Lazarô về thể lý đã thực sự mang lại sự sống thần linh là sự nhận biết thần linh nơi dân chúng đa số chân thành như thế này: "Điều ấy đã khiến cho nhiều người Do Thái đến thăm Maria, thấy những gì Chúa Giêsu làm, thì tin vào Người" (Gioan 11:45). Thậm chí cả thành phần không tin, đúng hơn sợ phải tin, nhất là thành phần thuộc Hội Đồng Đầu Mục, cũng gián tiếp chấp nhận sự thật không thể chối cãi về đối tượng họ đang muốn tận diệt, qua thái độ sợ hãi của họ được bày tỏ cho nhau như thế này: "Nếu chúng ta cứ để cho hắn làm như thế thì cả thế giới này sẽ tin vào hắn" (Gioan 11:48).

 

Tóm lại, trong trình tuật hồi sinh Lazarô về thể lý này, không phải chỉ riêng cá nhân người bạn thân Lazarô này và trước cái chết về thể lý của anh ta mà "Người động lòng thương". Có thể nói, đây là lần Người tỏ mình ra một cách chính yếu và cao độ nhất, trước Cuộc Vượt Qua của Người, một Cuộc Vượt Qua cũng chỉ để chứng thực và ứng nghiệm chính lời Người tuyên bố về mình ở biến cố hồi sinh Lazarô: "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Người đến, trước hết và trên hết, là để, bằng cuộc Vượt Qua của Người, ban sự sống là nhận thức thần linh cho tất cả mọi người, nhất là những ai tin vào người, chấp nhận Người, nhờ đó, vào ngày cùng tháng tận, chính thân xác của họ cũng được phục sinh trở nên giống như thân xác vinh hiển của Người (xem Philiphe 3:21).

 

Để áp dụng thực hành, xin hãy nhớ rằng, nếu ai không có thì bị lấy đi cả những cái họ có còn những ai đã có thì được ban thêm cho càng dư dật (xem Mathêu 13:12; 25:29) thì kẻ được dư dật không phải chỉ để hưởng thụ mà là để chia sẻ với những người bị tước đoạt hết. Đó là lý do thực tế cho thấy thành phần thánh nhân được dồi dào ân phúc là để chia sẻ với thành phần tội nhân, nhất là những người anh chị em đang hấp hối sắp sửa lìa đời, một giây phút quyết liệt nhất và tối ư quan trọng đối với thân phận làm người của họ, rất cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn. Việc chia sẻ ân phúc dồi dào về vật chất với những người anh chị em đang chết đói trên thế giới cũng có tác dụng siêu nhiên như việc Chúa Kitô hồi sinh Lazarô về phần xác mang lại sự sống thần linh nơi thành phần chứng dự vậy.

 

Và chỉ có thành phần biết chia sẻ ân phúc dồi dào của mình cho thành phần tội nhân mới thật là thánh nhân. Vì, ở một nghĩa nào đó và ở một khía cạnh nào đó có thánh nhân là nhờ ở tội nhân và tội nhân ngược lại được cứu là nhờ ở thánh nhân. Thánh nhân chỉ tích cực cứu các tội nhân với bất cứ giá nào khi họ ý thức được giá trị vô giá của ơn cứu chuộc, một ơn không phải chỉ cho riêng họ mà cho chung mọi người, nhất là khi họ được hiệp nhất nên một với cơn khát núi sọ của Chúa Kitô Tử Giá, tới độ có thể nói họ chính là cảm xúc xuất phát từ tâm trạng "Người động lòng thương".

 

Một vấn đề cũng liên quan đến mối liên hệ cứu độ giữa con người với nhau còn được tỏ hiện ngay ở câu Chúa Giêsu nói với dân chúng rằng "Hãy tháo gỡ cho anh ta để anh ta được bước đi một cách tự nhiên" (Gioan 11:44). Ý nghĩa của câu này có thể hiểu, trước hết về phía dân chúng, cần phải giúp Lazarô tháo cởi, vì tự Lazarô, cho dù đã đưoọc hồi sinh và thậm chí bước ra khỏi mồ vẫn chưa thể nào hoàn toàn đi đứng tự nhiên và trở lại nguyên vẹn hình hài như trước ở đằng sau những tấm khăn che mặt hay vải quấn quanh mình, và về phần Lazarô cũng cần phải để cho dân chúng tháo gỡ cho mới sau khi chính Chúa làm cho hồi sinh.

 

Đối với kitô hữu cũng thế, sau khi lãnh nhận Phép Rửa, họ cũng đã đươc hồi sinh, đã chẳng những được cứu khỏi tội lỗi và sự chết mà còn được sự sống thần linh nữa, một sự sống đã bị nguyên tội hủy hoại nhưng được Chúa Kitô phục hồi một cách "viên trọn hơn" (Gioan 10:10). Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người lãnh nhận Phép Rửa hoàn toàn thoát khỏi mầm mống tội lỗi là các đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu và khổ đau cùng sự chết, những gì vẫn ràng buộc con người của họ và che phủ dung nhan đích thực của họ, những ràng buộc và che phủ cần phải được tháo cởi và lột bỏ, một việc làm thuộc về cộng đồng dân Chúa của đương sự. Ở chỗ, cầu nguyện cho đương sự và hướng dẫn đương sự bao nhiêu có thể và trong những gì có thể.

 

Nhưng về phần chính đương sự, cần phải để cho mình được anh chị em mình giúp tháo cởi mới được. Như thực tế cho thấy, đặc biệt là bằng cách tha thứ cho anh chị em mình khi họ xúc phạm đến mình, những xúc phạm mà nếu mình không tự động thứ tha thì càng bị gò bó giam nhốt, trái lại, nếu biết thứ tha thì lòng cảm thấy nhẹ nhàng và tiến bước nhanh hơn trên đường thánh thiện. Một trong những lý do cho thấy Kitô hữu đạo đức tốt lành trong đời sống đạo hằng ngày, ở chỗ đọc kinh cầu nguyện, chay tịnh và dự lễ rước lễ hằng ngày mà vẫn dễ dàng và mau chóng lỗi phạm đến đức bác ái là vì họ vẫn không chịu để cho anh chị em mình tháo cởi những ràng buộc bằng những đụng chạm thanh luyện. Họ vẫn dậm chân tại chỗ, đôi khi còn ngã xuống không thể chối dậy được nữa, vì không có tự do và khả năng để chỗi dậy.   

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL 

(Bài này đã được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phổ biến

trong Số Báo 1/2016 Năm Thánh Tình Thương)