SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
“Người động lòng thương”
con người hoạn nạn
Nếu trong các trường hợp cụ thể được các Phúc Âm thuật lại cho thấy có một số
lần chính bản thân “Người động lòng thương”, và cả trong dụ ngôn vị vương chủ nợ
“động lòng thương”, ám chỉ về Cha hay về Người, tha nợ cho người bày tôi con nợ
của mình một cách quá ư là bao dung rộng lượng, thì trong dụ ngôn Người
Samaritanô nhân lành tâm trạng “động lòng thương” có thể không áp dụng cho Chúa,
đúng hơn áp dụng vào thành phần ngoài Kitô giáo, vì người Samaritanô này là
thành phần ngoại lai đối với dân Do Thái.
Đó là lý do tại sao nhiều khi chính Kitô hữu chúng ta tỏ ra tự phụ cho rằng
chúng ta được cứu độ bởi chúng ta đã chẳng những lãnh nhận Phép Rửa mà còn chịu
khó sống đạo đàng hoàng tử tế nữa, còn những ai ngoại giáo thì chưa chắc, kể cả
thành phần Kitô hữu Công giáo chỉ hăng say làm việc bác ái xã hội mà lại bỏ nhà
thờ thì phần rỗi của họ cũng chẳng chắc ăn bằng của chúng ta. Trong khi đó, cuộc
sống của chúng ta bề ngoài xem ra có vẻ đạo hạnh đó, gần Chúa đó, lại có những ý
nghĩ, ngôn từ và hành vi cử chỉ cùng phản ứng hầu như hay thường xuyên tỏ ra
"phản kitô", không yêu thương bác ái gì cả.
Nếu trong cuộc chung thẩm, Vị Quan Án tối hậu chí công là Chúa Kitô sẽ đến trong
vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, theo bề ngoài, được căn cứ vào đức
bác ái hơn là vào các việc đạo đức, đúng hơn vào "đức bác ái thể hiện qua đức
tin" (Galata 5:6), thì người Samaritanô trong dụ ngôn này là nhân vật tiêu biểu
cho thành phần được cứu độ, ở chỗ, người này đã tự động, mau mắn và hết sức tận
tình ra tay cứu giúp nạn nhân hoàn toàn xa lạ với mình, thậm chí là thành phần
vốn ác cảm với dân Samaritanô của mình, cứu giúp như chính người thân của
mình, vào chính lúc nạn nhân đang quằn quại ngấp ngoái bên đường sau khi bị bọn
cướp tước lột và hành hung.
Dụ ngôn người Samaritanô nhân lành này thậm chí cũng có thể áp dụng vào cả
trường hợp của Chúa Giêsu nữa. Ở chỗ, nếu những người Samaritanô bị dân Do Thái
coi là nhơ nhớp và tội lỗi vì tôn thờ tà thần ngoại bang, thì đối với dân Do
Thái, Chúa Kitô thậm chí còn là một tên phạm thượng đáng chết hơn bất cứ một
người Samaritanô nào, đáng bị đóng đanh như một tên đệ nhất ma đầu cần phải bị
diệt trừ giữa hai tên tử tội trên Đồi Canvê. Khi bắt đầu xuất thân rao giảng tin
mừng cứu độ, dân chúng thấy Người ở các miền thuộc Dân Ngoại ở Galilêa (xem
Mathêu 4:12-17), hơn là ở những nơi chính yếu của dân Do Thái, như thành
Giêrusalem hay trong Xứ Giuđêa.
Dụ ngôn Người Samaritanô Nhân Lành còn cho thấy chủ trương rất chính xác của
Công Đồng Chung Vaticanô II, qua Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội "Ánh Sáng Muôn Dân
- Lumen Gentium", các số 16-17, về phần rỗi của những ai không thuộc về Giáo Hội
Chúa Kitô, đó là: 1- trong các đạo giáo chân chính đều có mầm mống thần linh, 2-
và nếu không do lỗi lầm của mình mà chưa biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô mà vẫn
sống ngay lành theo lương tâm chân chính của mình thì vẫn được cứu độ.
Thế nhưng, theo bản tính tự nhiên vốn vị kỷ hơn vị
tha, thủ lợi hơn thất lợi, hưởng thụ hơn phục vụ, thì hầu như không ai có thể
tác hành như Người Samaritanô Nhân Lành trong dụ ngôn này, nếu không có ơn Chúa,
nếu không được Chúa Kitô chiếm đoạt để thực sự sống động trở thành hiện thân và
chứng nhân của Người và cho Người, công khai như một Phanxicô
Assisi thế
kỷ
13 ở Ý, một Gioan Thiên Chúa thế kỷ 16 ở Tây
Ban Nha, một Vinh Sơn Phaolô thế kỷ 17 ở Pháp hay một Chân Phước Têrêsa
Calcutta thế kỷ 20 ở Ấn Độ v.v. , hoặc âm thầm như một Marguerite Alacoque thế
kỷ 17 ở Pháp, một Thérèse Hài Đồng Giêsu thế kỷ 19 ở Pháp, một Faustina thế kỷ
20 ở Balan, một Giáo Hoàng Phanxicô thế kỷ 21 của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ
ở Rôma v.v.
Bởi thế, Người Samaritanô Nhân lành đây trước hết và
trên hết được hiểu là hình ảnh hiện thân của chính Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập
Thể, Đấng đã "đến để tìm kiếm và cứu vớt những
gì lạc loài hư hoại" (Luca 19:10). Đúng
vậy, hình ảnh của nạn nhân quằn quại ngấp ngoái nằm bên vệ đường không phải hay
sao là tiêu biểu cho một loài người đã bị bọn cướp ma qủi tước lột và hành hạ
ngay từ ban đầu đang quằn quại trên bờ vực thế gian này với một bản tính đã bị
nhiễm lây nguyên tội nên cần phải được cứu độ.
Nếu nạn nhân là hình ảnh của một nhân loại bị ma quỉ tấn công bóc lột đến chẳng
những mất Ơn Nghĩa Chúa mà còn bị thương tích trầm trọng nơi bản tính tự nhiên
của mình, là bởi vì họ, qua hai nguyên tổ, đã bỏ Chúa bất tuân theo ý của Ngài
mà chiều theo ý riêng của mình, nên mới lọt vào tay rắn quỉ satan, chẳng khác
nào nạn nhân lọt vào tay bọn cướp đã đi từ Giêrusalem (tiêu biểu cho nơi Thiên
Chúa hiển trị) xuống Giêricho (tiêu biểu cho tinh thần thế gian – xem Sách
Gioduệ toàn đoạn 6).
Và theo mạc khải thần linh và giáo huấn đức tin thì
con người không thể tự cứu được mình. Đó là lý
do vị tư tế, tiêu biểu cho việc thờ phượng của con người và thày levi, tiêu biểu
cho việc đạo đức của con người, cả hai đều là đồng bào ruột thịt của nạn nhân
vẫn không thể cứu được nạn nhân. Trong khi đó, người Samaritanô là thành phần
ngoại lai với Dân do Thái, tiêu biểu cho ân sủng ở bên ngoài bản tính tự nhiên
của con người, mới có thể cứu được họ. Nếu Chúa Kitô được biểu hiện nơi Người
Samaritanô nhân lành này thì tự mình, theo thần tính, Người là Đấng từ trời
xuống, và theo nhân tính, về huyết nhục, vẫn có liên hệ
với dân Do Thái, Người, nhưng về sứ vụ cứu
chuộc, Người xuất thân từ Galilêa nơi dân ngoại sinh sống, chứ không phải từ
Giuđêa là miền đất cha ông Đavít của Người.
Tác động đầu tiên của Người Samaritanô Nhân Lành để có
thể bày tỏ và chứng thực là mình quả thực đã "động
lòng thương" nạn nhân này, đó là "ông
ta lại gần" với nạn nhân, chứ không phải thấy
rồi bỏ đi như vị tư tế và Lêvi đồng hương với nạn nhân đã tỏ ra dửng
dưng
phũ phàng làm trước đấy, cho bay chết
mặc bay, vì nạn không phải là anh em của các vị đóng vai trò tôn giáo tự
bản chất phải có lòng thương người và có sứ vụ giúp người nhất là khi họ đang bị
lâm nạn như thế.
Thiên Chúa cũng đã "động lòng thương" con người ngay sau nguyên tội, và Ngài đã
"lại gần" con
người nạn nhân khi "hóa thành nhục thể"
(Gioan 1;14) nơi Con của Ngài, như một "Emmanuel
- Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Trong tác động "lại
gần" này của mình, chắc chắn là Người
Samaritanô Nhân Lành đã phải xuống khỏi con lừa đang cưỡi, tức đã phải hạ mình
xuống khỏi vị thế cao sang và làm chủ của mình. Nếu Chúa Kitô khi vinh quang vào
Thành Thánh Giêrusalem đã không cưỡi ngựa oai phong mà là cưỡi lừa (xem Mathêu
21:5) thì quả thực Chúa Kitô chính là Người Samaritanô Nhân Lành đã từ trên lưng
con lừa vinh quang tiến vào Thành Thánh Giêrusalem ấy mà hạ xuống tầm cấp
của một cuộc khổ nạn và tử giá vô cùng nhục nhả và đau thương.
Tác động của Người Samaritanô Nhân Lành thứ hai tiếp
theo sau tác động thứ nhất là tiến "lại gần"
với nạn nhân đáng thương, đó là việc ông ta ra tay chăm sóc cứu thương cho người
ấy một cách có vẻ chuyên nghiệp, bằng cách "lấy
dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại".
"Dầu" đây là
gì và "rượu"
đây là chi, và tại sao Người Samaritanô Nhân Lành lại sẵn có đầy đủ như vậy để
ra tay cấp cứu ngay như thế? Phải chăng ông là một lương y, như bản thân của vị
Thánh ký tác giả thuật lại dụ ngôn này? Phải chăng ông vốn là người thường ra
tay cấp cứu nạn nhân như vậy?
Nếu vết thương đổ máu của nạn nhân cần sát trùng thì "rượu"
là chất cồn (alcohol) rất thích hợp cho việc tẩy rửa vết thương. Nếu những chỗ
bầm dập trên thân thể của nạn nhân cần phải được thoa bóp cho bớt đau nhức thì "dầu"
là chất bồi dưỡng bấy giờ không xứng hợp và cần thiết hay sao! "Dầu"
và "rượu" đây
phải chăng ám chỉ bản chất "hiền lành và khiêm
nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29) của Chúa
Kitô, những yếu tố cần thiết bất khả thiếu và bất khả phân ly có thể giúp cho
"tâm hồn của các con được nghỉ ngơi" (Mathêu 11:29).
Thế nhưng, việc cứu thương này làm cho nạn nhân trầm
trọng bên đường chỉ là những gì tạm thời để nạn nhân có thể hồi sức một chút
trước khi được chữa trị thực sự sau đó. Bởi thế, tác động thứ ba của Người
Samaritanô Nhân Lành đối với nạn nhân bên đường này của mình đó là "đặt
người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc".
Thật vậy, Chúa Kitô không chỉ cứu chuộc con người bằng cuộc khổ nạn và tử giá,
Người còn thông ban cho con người sự sống bằng cuộc phục sinh của Người thế nào,
thì nạn nhân trong cuộc ở đây cũng đã được Người Samaritanô Nhân Lành
chẳng những "băng
bó" mà còn được vị này nâng lên "đặt trên
lưng lừa của mình",
tức là nạn nhân có thể di chuyển, ra khỏi tình trạng bị bất động của mình hay
tình trạng khó cử động của mình, nhưng không phải bằng chính sức lực của mình,
mà bằng tình thương
và quyền lực
của con người cấp cứu họ, con người đã nhường vị trí trên lưng lừa của mình cho
họ.
Phải chăng "lưng lừa"
đây là biểu hiệu cho đôi vai của vị mục tử vác từng con chiên lạc vui mừng mang
nó trở về đàn khi bỏ lại 99 con khác để theo đuổi tìm kiếm nó cho bằng được?
Phải chăng mỗi một con chiên được Chúa Kitô vác trên vai của Người như thế là
hình ảnh của cây thập tự giá mà Người cần phải vác để cứu chuộc họ?
Cuộc hành trình từ nơi nạn nhân được cấp cứu cho tới "quán
trọ", chắc cũng chẳng gần gũi cho lắm, bởi nạn
nhân bị cướp lột ở một đoạn đường vắng ít người qua lại. Cho nên, việc đưa một
nạn nhân nằm trên lưng lừa để tìm đến quán trọ gần nhất cũng không dễ dàng và
nhanh chóng gì, bởi lừa vốn là loài thú không thể đi nhanh như ngựa, mà nạn nhân
mình đầy thương tích lại cần phải được di chuyển một cách êm ái nhẹ nhàng
cho đỡ nhói đau. Bởi vậy mới biết được tấm lòng từ ái, cảm thương và đầy hy sinh
nhẫn nại đến đâu của Người Samaritanô Nhân Lành này đối với nạn nhân hoàn toàn
xa lạ chẳng quen biết thân thuộc gì của ông ta.
Chắc chắn là khi đến được quán trọ thì Người
Samaritanô Nhân Lành đã mệt mỏi lắm rồi, vì chẳng những phải mệt mỏi cuốc bộ để
dắt lừa một cách khéo léo mà đưa nạn nhân đến được "quán
trọ", mà khi tới nơi trời có thể đã khuya
lắm rồi. Thế mà Người Samaritanô Nhân Lành này vẫn tiếp tục "săn
sóc" cho nạn nhân, dường như thức thâu đêm
để canh chừng nạn nhân, cho đến "hôm
sau".
Phải, sang "hôm
sau", vì có chuyện cần phải đi, không thể
tiếp tục tự mình chăm sóc cho nạn nhân nữa, nhưng vẫn không vì thế mà bỏ rơi nạn
nhân, trái lại, Người Samaritanô Nhân Lành đã
"lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: 'Nhờ bác săn sóc cho người này,
có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác'".
Phải chăng "quán
trọ" đây là hình ảnh của Giáo Hội Chúa
Kitô, Đấng chính là Người Samaritanô Nhân Lành, vị đã tự mình chăm sóc cho con
người nạn nhân tội lỗi, chẳng những bằng cách đưa con người tội lỗi bất lực lên
lưng lừa của mình, khi Người bị treo trên thập tự giá để kéo mọi người lên cùng
Người (xem Gioan 12:32), mà còn thức thâu đêm qua thời gian nằm trong huyệt mộ
để tiếp tục chăm sóc cho họ, cho tới "hôm
sau" là thời gian Người phục sinh từ trong
kẻ chết, để rồi sau đó Người thăng thiên về trời cùng Cha, nhưng vẫn tiếp tục
chăm sóc cho con người nạn nhân nơi "quán trọ" Giáo
Hội bằng các Bí Tích Thánh của Người, đặc biệt là Bí Tích Hòa Giải Xá Tội và Bí
Tích Xức Dầu Bệnh Nhân, hai bí tích được biểu hiệu nơi “2
quan tiền”
người chủ quán nhận được,
cho đến khi Người lại đến trong vinh quang.
Giáo Hội Chúa Kitô quả thực là một "quán
trọ", mà là một "quán
trọ" chữa lành, và người "chủ
quán" đóng vai trò đại diện Chúa Kitô trên
trần gian, trước hết và trên hết là để chăm sóc và chữa lành cho con người nạn
nhân tội lỗi, thành phần
cho dù nhờ Phép Rửa, Thêm Sức và Thánh Thể, đã "được
tái sinh bởi trên cao" (Gioan 3:3), "bởi
nước và Thánh Thần" (Gioan 3:5), vẫn còn nguyên
mầm mống nguyên tội, vẫn mang thương tích nguyên tội nơi bản tính nhân loại của
mình, cần được liên tục canh chừng và chữa trị, bởi các vị tư tế thừa tác nói
chung, qua năng quyền ban phát các Bí Tích Thánh của các vị, hay bởi các vị mục
tử Giám Mục là
thành phần thừa kế tông đồ đoàn, nhất
là
bởi Giáo Hoàng là vị thừa kế Thánh Phêrô trong sứ vụ chăn chiên của Chúa Kitô để
làm sao cho chiên của Người “được sự sống và là
một sự sống viên mãn" (Gioan 10:10).
Ngoài ra, trong "quán
trọ" là nơi chăm sóc chữa lành ấy, không kể vị
"chủ quán", còn
bao gồm cả các nhân viên cộng tác với vị này nữa, để trở thành một đội ngũ phục
vụ thành phần nạn nhân đáng thương gây ra bởi các vết thương về thể lý hay tâm
lý hoặc luân lý hay cả hai hoặc cả ba. Thành phần nhân viên này bao gồm tất cả
mọi chi thể thuộc Nhiệm Thể Chúa Kitô, như cành nho còn dính liền với thân nho,
nhờ các Bí Tích Thánh cùng với đời sống thường nhật luôn nguyện cầu thân mật
hiệp nhất nên một với Ngài, để nhờ đó có thể thông truyền nhựa sống thần linh
của Chúa Kitô nơi mình cho tất cả mọi người mà mình là anh chị em của họ hơn họ
là anh chị em của mình, đúng như giáo huấn của Chúa Kitô trong dụ ngôn Người
Samaritanô Nhân Lành.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,