SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

“Người động lòng thương”

con người lạc lõng

 (theo Phúc Âm Thánh Mathêu 9:35-38 & 14:14-21)

  

 

Dự án cứu độ và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa cho thấy Ngài quả thực muốn cứu con người cả hồn lẫn xác. Như Chúa Kitô đã làm cho xác cho Lazarô hồi sinh để làm cho những ai chứng dự bấy giờ tại hiện trường, bao gồm cả các tông đồ lẫn dân chúng, nhận biết mà được sự sống đời đời về phần hồn (xem Gioan 11:1-41). Hay như trong trường hợp của người nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Người chẳng những cứu chị khỏi chết về phần xác mà còn làm cho thành phần tố cáo chị biết mình hơn về phần hồn nữa (xem Gioan 8:1-11).

 

Tuy nhiên, trong việc chữa lành phần xác của con người, Chúa Kitô cũng đã nhắm đến sự sống đời đời của chính nạn nhân nữa, ở chỗ, nhờ được chữa lành mà họ nhận biết để được sự sống đời đời (xem Gioan 17:3). Về trường hợp bà góa thành Nain (xem Luca 7:11-17), Chúa Kitô chẳng những hồi sinh về phần xác cho cậu con trai duy nhất của bà, nhờ đó Người làm cho dân chúng chứng dự bấy giờ về phần hồn nhận biết Thiên Chúa, mà Người còn chữa lành cả tâm thần buồn thương của người mẹ góa vì vĩnh viễn bị mất đi những gì đã từng là lẽ sống của bà. 

 

Cũng vậy, trong hai bài Phúc Âm được Thánh ký Mathêu thuật lại, một ở đoạn 9 và một ở đoạn 14, liên quan đến tác động "Người chạnh lòng thương", cũng bao gồm hai phương diện nơi con người, phương diện tâm linh, khi thấy họ "lầm than vất vưởng" bơ vơ lạc lõng (đoạn 9), và phương diện thể xác, bị bệnh nạn tật nguyền cùng mệt mỏi đói khát (đoạn 14). Thế nhưng, ở cả hai trường hợp này, "Người động lòng thương" không phải chỉ tập trung vào từng cá nhân nữa, cho dù Người luôn lợi dụng cá nhân để nhắm đến lợi ích của nhiều người liên hệ bấy giờ, mà là chung dân chúng. Đó là lý do tại sao Thánh ký Mathêu đã viết rất rõ ràng rằng: "Ðức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương" (9:36); "Ðức Giêsu trông thấy một đám người đông đúc thì chạnh lòng thương" (14:14).

 

Đúng thế, cho dù Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái, nhưng đồng thời Người cũng là Chúa Cứu Thế của toàn thể nhân loại. Và chính vì Người là Đấng Thiên Sai của dân Do Thái mà là Chúa Cứu Thế của nhân loại. Bởi Chúa Cứu Thế được Thiên Chúa hứa ban cho chung loài người sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15) thuộc giòng dõi Do Thái, như gia phả về trần gian của Con Thiên Chúa làm người đã chứng thực: một gia phả được Thánh ký Mathêu thuật lại ngay ở đầu cuốn Phúc Âm ngài viết cho dân Do Thái, một gia phả được liệt kê từ tổ phụ Abraham của dân này xuống cho tới Chúa Kitô (xem 1:1-17), và một gia phả được Thánh ký Luca thuật lại ngay sau biến cố Chúa Kitô lãnh nhận phép rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan) trong cuốn Phúc Âm ngài viết cho Dân Ngoại, một gia phả được liệt kê từ Chúa Kitô ngược về tận nguyên tổ Adong của chung loài người (xem 3:23-38).

 

Theo Lịch Sử Cứu Độ thì dường như Thiên Chúa yêu thương dân Do Thái hơn Dân Ngoại, vì họ là thành phần dân được Ngài tuyển chọn giữa các dân tộc trên thế giới này để Ngài tỏ mình ra cho họ, làm cho họ nhận biết Ngài mà được sống. Thế nhưng, nếu chủ đích tối hậu của Thiên Chúa là cứu độ toàn thể loài người thụ sinh, trong đó có cả dân Do Thái, được Ngài tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài ngay từ ban đầu (xem Khởi Nguyên 1:26), thì dân Do Thái chỉ là đường lối, là phương tiện được Ngài dùng để qua họ Ngài có thể đến với chung loài người, tỏ mình ra cho loài người, nhờ đó Ngài hoàn thành dự án cứu độ của Ngài là vị "Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Và chân lý đó là chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một vị trung gian duy nhất là con người Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người" (1Timothêu 2:4-6).

 

Hình ảnh "đám đông" ở hai đoạn Phúc Âm của Thánh ký Mathêu được "Người động lòng thương" đây, ở một khía cạnh nào đó và một nghĩa nào đó, bao gồm cả "đám đông" nhân loại nữa, vì nếu dân Do Thái được Thiên Chúa tuyển chọn và luôn ở với họ mà còn ở trong tình trạng, như Thánh ký Mathêu viết "lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt" (9:36), thì Dân Ngoại lại càng đáng thương hơn họ gấp bội phần, vì Dân Ngoại khát vọng chân thiện mỹ nhưng lại sống đa thần theo niềm tin thiển cận chủ quan của họ, bởi họ đâu có được ai chăn dắt như dân Do Thái.

 

Thật vậy, dân Do Thái là thành phần dân luôn được Thiên Chúa chẳng những sai ngôn sứ của Ngài đến nhắc nhở họ sống đúng với giao ước của Ngài, mà còn sử dụng thành phần vua chúa được các vị tiên tri xức dầu để lãnh đạo họ về đời theo ý muốn của Ngài, cũng như thành phần tư tế để đại diện họ và cùng với họ tôn thờ Thiên Chúa theo đúng các qui định của Ngài trong lề luật v.v. Dân Ngoại, mang bản tính loài người bị nhiễm mắc nguyên tội như dân Do Thái, chẳng lẽ không bị bệnh hoạn tật nguyền như dân Do Thái và đói khát mệt mỏi như dân Do Thái hay sao, để được "Người động lòng thương" như dân Do Thái hay hơn dân Do Thái.

 

Phải chăng vì họ, cho dù có mục tử đó, thành phần được Thiên Chúa sai đến với họ, nhưng họ vẫn không chấp nhận thành phần lãnh đạo của họ, như họ "đã không chấp nhận" Lời Nhập Thể của Ngài (xem Gioan 1:11)?

 

Hay là phải chăng họ bị thành phần lãnh đạo của họ làm gương mù gương xấu, hay họ được thành phần lãnh đạo của họ chăn dắt họ theo đường sai nẻo xấu, bao gồm cả Moisen là vị được Thiên Chúa dùng để giải phóng họ khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập, và Đavit là vị vua được gọi là Thánh Vương với một đời sống gương mẫu nhất trong Chư Vương?

 

Bằng không tại sao chính Chúa Giêsu đã phải vừa phủ định vừa khẳng định rằng: "Tất cả những ai đến trước đều là trộm cướp" (Gioan 10:8), chỉ duy mình Người mới chính là Đấng "đến cho chiên được sự sống và là sự sống viên trọn" (Gioan 10:10), vì "Tôi là mục tử nhân lành; vị mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11).

 

Bằng không nhà giải phóng Moisen, về đặc ân, đâu có phải là con người duy nhất được Thiên Chúa tỏ danh tính của Ngài ra cho (xem Xuất Hành 3:14), đâu có quyền năng khiến Vua Pharaon buộc phải để dân Do Thái rời đất nước Ai Cập (xem Xuất Hành các đoạn 5-11), đâu có được một mình trong dân thông dự vào cuộc thần hiển vô cùng uy linh của Thiên Chúa ở Núi Sinai (xem Xuất Hành đoạn 19 và 33), và đâu có được đại diện dân Do Thái để lãnh nhận 2 bia đá Thập Giới của Thiên Chúa trên Núi Sinai (xem Xuất Hành đoạn 34), về tư cách đâu để có thể can thiệp hiệu nghiệm vào việc ngăn tay công thẳng của Thiên Chúa muốn hủy diệt dân Do Thái khi họ bỏ Ngài mà thờ con bò vàng (xem Đệ Nhị Luật đoạn 9), và về nhân đức đâu thể nào gánh vác nổi đám dân cứng cổ Do Thái đến độ được Thánh Kinh khen là "người hiền nhất loài người trên mặt đất này" (Dân Số 12:3). Thế mà ông vẫn không được vào Đất Hứa, chỉ vì một lần duy nhất không hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa, "không trung thành với Ta trong việc tỏ sự thánh thiện của ta ra trước mắt dân Yến Duyên (Israel)" (Dân Số 20:12)!

 

Bằng không Thánh Vương Đavít, một con người chẳng những mãnh liệt tin tưởng vào Thiên Chúa, qua việc đơn phương, với thân mình nhỏ bé và chẳng trang bị giáp y và vũ khí mà dám ngang nhiên giáp đấu với tên đại cao thủ khổng lồ Goliat trang bị hùng hậu đầy mình, mà vẫn vẻ vang thắng được đối thủ vô địch thiên hạ bấy giờ (xem 1Samuel  17:32-51), mà còn đầy lòng bác ái, nhất là đối với chính Vua Saulê là người ghen với Đavít sau chiến thắng oanh liệt đối với tên Goliát và đã hai lần đích thân lùng giết Đavít cô thân yếu thế, nhưng cả hai lần Đavít cho dù có cơ hội hạ sát vị vua của mình một cách dễ dàng mà vẫn không nỡ ra tay vì kính trọng vua là đấng đã được thiên Chúa xức dầu (xem 1Samuel đoạn 24 và 26). Thế mà Thánh Vương Đavít cũng đã từng chẳng những phạm tội ngoại tình với vợ của bày tôi của mình mà còn mưu sát chồng của bà ta nữa (xem 2Samuel đoạn 11).

 

Cho dù vị giải phóng dân Do Thái là Moisen, hình ảnh của Đấng đến giải phóng nhân loại, cũng là tiền thân của Chúa Kitô mà ông tiên báo "Chúa là Thiên Chúa của các người sẽ làm nổi lên cho anh em trong số con cháu của các người vị tiên tri như tôi" (Đệ Nhị Luật 18:15), và cho dù Thánh Vương Đavít có là vương tổ của Chúa Kitô chăng nữa (xem Luca 1:32), và cho dù cả hai nhân vật Moisen và Đavít này có không bị vướng mắc phải một chút (như trường hợp của Moisen) hay khá trầm trọng (như trường hợp Đavít), đến độ trở thành một trong "những kẻ đến trước đều là trộm cướp" (Gioan 10:8), phá hoại, hủy hoại, thì ngược lại, các vị cũng không thể nào có thể và có đủ tư cách mang lại "sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10) cho chiên của mình như Chúa Kitô, vị mục tử nhân lành đã hiến mạng sống vì chiên, đã Vượt Qua!

 

Trong cả 2 bài Phúc Âm liên quan đến tâm trạng "Người động lòng thương" của Chúa Kitô đối với chung đám đông dân chúng, Người đã bày tỏ lòng thương của Người qua các tông đồ ở cả 2 trường hợp, và vẫn tiếp tục như thế qua Giáo Hội của Người trong giòng lịch sử của con người. Thật vậy, vì "động lòng thương" dân chúng "lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt" mà "Người nói với môn đệ rằng: 'Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về'". Ở Phúc Âm Thánh ký Marcô, cùng đoạn tương đương với Phúc Âm Thánh Mathêu này, Thánh ký Marco còn cho biết cách thức Chúa Kitô bày tỏ tâm trưởng "động lòng thương" của Người ở chỗ "Người bắt đầu giảng dạy họ thật dài" (Marco 6:34).

 

Cũng vì "động lòng thương" dân chúng bệnh hoạn, còn đói khát nữa, con số lên đến 5 ngàn người đàn ông, như trong Phúc Âm Thánh Mathêu ghi nhận (14:14), cũng như đã được ghi chú kỹ hơn nữa trong Phúc Âm Thánh Marco ở đoạn 4 ngàn người, liên quan đến lý do Chúa Kitô ra tay làm phép lạ bánh hóa ra nhiều lần 2 đó là "vì cho đến nay họ đã theo Thày 3 ngày rồi mà không có gì ăn" (Marco 8:2). Tuy nhiên, trong cả 2 lần bánh hóa nhiều này, Chúa Kitô đều cần đến sự cộng tác của các tông đồ. Ở chỗ, các ông cần cung cấp cho Người những gì tối thiểu nhất của các ông và phân phát đi tất cả dồi dào của Người.

 

Trong Huấn Từ Truyền Tin trưa Chúa Nhật ngày 3/8/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn giải bài Phúc Âm này rất hay như sau:

 

“Trước đám đông vây quanh mình, đến độ có thể nói rằng ‘không để cho Người yên’, Chúa Giêsu đã không phản ứng một cách khó chịu. Người không nói rằng: ‘đám dân này làm phiền Ta!’ Không. Không. Người đã phản ứng bằng một cảm xúc xót thương, vì Người biết rằng họ không tìm kiếm Người bởi tò mò, mà là vì nhu cầu. Hãy lưu ý: cảm thương là những gì Chúa Giêsu cảm thấy chứ không phải chỉ cảm thấy thương hạiNó còn hơn thế nhiều! Nghĩa là có cảm tình, tức là cảm xúc trước nỗi khổ đau của những người khác cho đến độ tự mang lấy nó vào thânChúa Giêsu là như thế! Người cùng với chúng ta chịu khổ, Người chịu khổ với chúng ta, Người chịu khổ cho chúng ta.

 

“Dấu hiệu của lòng cảm thương này ở nơi nhiều lần Người đã ra tay chữa lành. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy đặt nhu cầu của người nghèo trước nhu cầu của chúng ta. Các nhu cầu của chúng ta, cho dù là chính đáng, không bao giờ được khẩn trương bằng các nhu cầu của người nghèo là những con người không có cả những cái cần để sống nữa. Chúng ta thường nói về người nghèo, thế nhưng khi chúng ta nói về người nghèo chúng ta có cảm thấy rằng những con người nam nữ ấy, những em bé ấy, không đủ sống hay chăng? Họ không có lương thực để ăn, họ không có quần áo để mặc, họ không có thuốc men để uống, thậm chí trẻ em không có cơ hội đến trường? Vì thế, nhu cầu của chúng ta cho dù có hợp tình hợp lý đến đâu vẫn không bao giờ khẩn trương bằng những nhu cầu của thành phần nghèo khổ, những con người thiếu cả những gì thiết yếu để sống.

 

“Trước tiên lòng cảm thương là những gì Chúa Giêsu cảm thấy, và rồi sau đó là chia sẻ. Thật là hữu ích khi so sánh phản ứng của các môn đệ, trước đám dân chúng mệt mỏi và đói khát, với phản ứng của Chúa Giêsu. Các vị tỏ ra dửng dưng. Các môn đệ nghĩ rằng giải tán họ thì tốt hơn, nhờ đó họ có thể đi mua đồ ăn. Trái lại, Chúa Giêsu lại nói: ‘Chính các con hãy cống hiến cho họ ăn gì đi’. Hai phản ứng khác nhau, phản ảnh hai thứ lý lẽ đối nghịch, ở chỗ, các môn đệ thì lập luận theo trần gian là thứ lập luận ai cũng cần phải nghĩ đến bản thân mình. Các vị phản ứng như thể các vị muốn nói rắng:Ai có thân thì người ấy lo - fend for yourselves!’

 

“Trái lại, Chúa Giêsu lại nghĩ theo lý lẽ của Thiên Chúa, thứ lý lẽ của chia sẻBiết bao lần chúng ta quay mặt đi để khỏi nhìn thấy anh em của chúng ta đang thiếu thốn cần thiết. Việc quay đi này là một cách nói lịch sự phủi tay rằng: ‘Có thân thì lo lấy - fend for yourselves’. Thái độ này không phải là thái độ của Chúa Giêsu. Đó là thái độ vị kỷ!

 

“Nếu Người giải tán đám đông dân chúng thì rất nhiều người sẽ phải bỏ về bụng trống. Trái lại, một ít ổ bánh và cá ấy, được Chúa chia sẻ và chúc phúc, đã trở thành đầy đủ cho hết mọi người. Hãy chú ý: đây không phải là một màn ảo thuật che mắt, mà là một ‘dấu lạ - sign’! Một dấu lạ mời gọi lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Người Cha quan phòng, Đấng không để chúng ta thiếu ‘lương thực hằng ngày’, nếu chúng ta biết chia sẻ nó như là những người anh chị em với nhau! Hãy Thương cảm, hãy Chia sẻ”. 

 

Việc "Người động lòng thương" dân chúng "lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt", bằng cách sai các tông đồ đi rao giảng nước trời cho dân chúng, và việc "Người động lòng thương" dân chúng "đã theo Thày 3 ngày rồi mà không có gì ăn", bằng cách đóng góp công của từ các tông đồ, tất cả đều cho thấy nhu cầu cần thiết của thừa tác vụ được Chúa Kitô ủy thác cho Giáo Hội trong sứ vụ loan truyền Lòng Thương Xót Chúa và ban phát Lòng Thương Xót Chúa như các "chứng nhân về những điều ấy" (Luca 24:48) cho chung nhân loại, nhất là cho riêng thành phần "anh chị em hèn mọn nhất của Thày" (Mathêu 25:40,45).

 

Nếu ngày xưa dân Do Thái, trong con mắt Chúa Kitô, mà còn "lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt" và còn "không có gì ăn", thì con người ngày nay còn lạc loài đến đâu, tới độ họ hầu như hoàn toàn đã bị tước lột trần trụi căn tính nhân bản đích thực của mình bởi quyền lực độc đoán của chủ nghĩa tương đối duy nhân bản và duy thực dụng, khiến tâm linh của họ cảm thấy đói khát bất khả lấp và bất khả dồn nén hơn bao giờ hết, cho dù họ có no thỏa với đủ mọi thứ văn minh vật chất chưa từng thấy và hưởng thụ đủ mọi thứ tiện nghi thoải mái. Bởi thế, cũng như xưa kia, thành phần thừa tác viên của Lòng Thương Xót Chúa và cho Lòng Thương Xót Chúa vẫn là những gì bất khả thiếu để hiện thực tất cả những gì "Người động lòng thương" cũng như vào bất cứ lúc nào "Người động lòng thương".

 

Tóm lại, “Người động lòng thương” con người lạc lõng ngay từ ban đầu nơi 2 nguyên tổ, ở chỗ họ đã đi tìm kiếm những gì ngoài ý muốn của Thiên Chúa, nên Người đã nhập thể để làm Chủ Chiên nhân lành của họ, đến độ đã hiến Thánh Th cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn (xem Gioan 10:10).

  

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Bài này đã được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phổ biến

trong Số Báo 3/2016 Năm Thánh Tình Thương)