SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

“Người động lòng thương”

con người van xin

 (theo Phúc Âm Thánh Mathêu 18:21-35) 

 

Trong các đoạn Phúc Âm được các vị Thánh ký đề cập đến tâm trạng "Người động lòng thương": 1- "Người động lòng thương" đến độ "khóc" trước khi hồi sinh cho Lazarô cũng như khi Người tiến vào bên trong Thành Thánh Giêrusalem; 2- "Người động lòng thương" người phong cùi khốn khổ và người mẹ góa buồn đau đang đưa xác đứa con trai duy nhất của mình đi chôn táng; 3- "Người động lòng thương" đám đông dân chúng bơ vơ lạc lõng về tinh thần và đói khổ về phần xác, chúng ta đã thấy được phần nào các trường hợp khác nhau đã gây xúc động cho Vị Thiên Chúa làm người và Người đã tác hành ra sao nơi từng trường hợp được Người đặc biệt lợi dụng để tỏ tình thương của Người, từ đó chúng ta cảm nhận được Lòng Thương Xót Chúa của Người mà sống trong môi trường tông đồ hiện tại của chúng ta.

 

Tuy nhiên, cũng theo chủ đề "Người động lòng thương" này, còn 2 bài Phúc Âm nữa, có tính chất của một dụ ngôn hơn là truyện thật, vì Chúa Kitô muốn dùng 2 dụ ngôn này để dạy chúng ta sống Lòng Thương Xót Chúa đối với tha nhân như Người, theo tiêu chuẩn đúng như Người đã ấn định "Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy" (Gioan 13:34,15:12). Hai bài Phúc Âm dụ ngôn sống Lòng Thương Xót Chúa ấy đó là 1- một bài Phúc Âm của Thánh Mathêu, đoạn 18, có tính cách tiêu cực, ở chỗ chúng ta được tha thứ thế nào thì cũng hãy thứ tha cho nhau như thế; 2- và bài Phúc Âm của Thánh Luca, đoạn 10, có tính cách tích cực, ở chỗ hãy yêu thương cứu chữa tha nhân như anh chị em của mình, bất kể họ là ai.

 

Dụ ngôn được Thánh ký Mathêu thuật lại ở đoạn 18 về người bầy tôi được vị vương chủ của mình đầu tiên tha hết khoản nợ kếch sù không thể trả nổi của hắn, chỉ vì ông động lòng thương khi thấy hắn van xin ông khoan giãn cho việc trả nợ của hắn, nhưng sau đó hắn lại bị ông thẳng tay trừng phạt cho đến khi hắn trả cho ông hết tất cả số nợ của hắn.

 

Sau đây chúng ta cùng nhau phân tích ý nghĩa của dụ ngôn này, một dụ ngôn, nếu so sánh với loạt dụ ngôn được Thánh Ký Mathêu liệt kê ở đoạn 13 liên quan đến lúa tốt và cỏ lùng trong ruộng, đến hạt cải và men bột, đến kho tàng trong ruộng và việc mua tìm ngọc quí, đến cái rọ bắt cá được đặt ở dưới hồ, có thể nói là dễ hiểu nhất trong các dụ ngôn về Nước Trời, vì ngay ở đâu cũng như ở cuối đều là những lời Chúa Giêsu nói về vấn đề tha thứ cho nhau. Tuy nhiên, vì là dụ ngôn, những gì Chúa nói đến vẫn còn tính chất ẩn dụ cần được khai sáng bằng cách suy diễn theo chiều hướng chung của toàn diện dụ ngôn nhưng hoàn toàn hợp với chiều hướng của tâm lý tự nhiên. 

 

"Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách" (câu 23). "Nước Trời" ở đây, trong dụ ngôn này, liên quan đến "một ông vua kia" và việc ông "thanh toán sổ sách với các đầy tớ của mình". Vậy "Nước Trời" đây là gì, và "ông vua kia" là ai, còn "các đầy tớ" tất nhiên được hiểu là loài người chúng ta?

 

"Nước Trời" đây có thể hiểu là tình trạng trọn lành thánh đức: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48). Và "ông vua kia" là "Cha trên trời", vì khi kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu đã nhắc đến vị Cha trọn lành này: "Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (câu 35). Nghĩa là chính vì "Cha trên trời là Đấng trọn lành", ở chỗ Ngài luôn thương yêu tha thứ mà chỉ có những ai biết yêu thương thứ tha như Ngài mới được hiệp thông thần linh với Ngài, mới nên giống Ngài, mới thực sự sống bản tính thần linh viên mãn yêu thương của Ngài.

 

"Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng" (câu 24). "Vàng" ở đây liên quan những gì là sang trọng và cao quí, xứng với chức phận và uy quyền của "ông vua", bởi thể có thể ám chỉ đức mến của con người đối với Thiên Chúa, và món nợ "mười ngàn nén vàng" đây theo đó ngụ ý nói đến tất cả những gì con người đã phạm đến Thiên Chúa, vì họ đã không yêu mến Ngài, theo khả năng và tấm lòng của họ, xứng đáng một chút nào đó với bản tính của Ngài, nhất là với tình Ngài nhưng không vô cùng yêu thương họ, trái lại, họ còn yêu mình đến độ dám làm trái ý muốn tối thượng của Ngài, còn phản lại tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự.

 

"Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ" (câu 25). "Y không có gì để trả", bởi vì theo thân phận thấp hèn là bầy tôi, y làm gì có đủ khả năng về sở hữu để trả số nợ kếch sù như vậy, ngoại trừ suốt đời tình nguyện làm tôi không công hay làm nô lệ cho vị tôn chủ của y mới có thể đền trả mà thôi. Bởi thế, để bù lại số nợ kếch sù không thể trả và "không có gì để trả" đó, mà theo lệnh của vị "tôn chủ", tất cả những gì y có, bao gồm cả chính bản thân "y" cùng với "vợ con" và "tài sản" của y phải bán đi "mà trả nợ". Có nghĩa là người con nợ bầy tôi này để trả nợ phải chịu tước lột tất cả mọi sự có được, bao gồm 3 điều chính yếu, đó là bản thân "y", "vợ con" và "tài sản" của con nợ bày tôi này, những thứ chính yếu và căn bản cần phải bị "bán" đi, nghĩa là cần phải thực hiện một cuộc trao đổi công bằng. Ở chỗ, con người muốn bù lại món nợ yêu thương đối với tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa đã bị họ phạm đến, họ cần phải "kính mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức" (Đệ Nhị Luật 6:5; Marco 12:30).  

 

Muốn "kính mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng", con người cần phải từ bỏ bản thân mình, được hiện thân nơi chính ý riêng của họ, là những gì khiến họ làm tôi hai chủ, và thường không nhận biết vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình nữa. Muốn "kính mến Chúa là Thiên Chúa hết linh hồn", con người cần phải từ bỏ những gì là xác thịt, được hiện thân như "vợ con" của họ, là những ngẫu tượng do họ tạo nên và có một liên hệ mật thiết hầu như không thể nào dứt bỏ. Và muốn "kính mến Chúa là Thiên Chúa hết sức", con người cần phải từ bỏ những gì là tham lam dính bén thế tục, được hiện thân nơi "tài sản" của họ, những gì cầm giữ họ khiến họ không thể hay khó lòng siêu thoát.

 

"Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: 'Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết' (câu 26). Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ" (câu 27). Trước hết, về phía con nợ, thái độ của người con nợ bày tôi này có vẻ vừa khẩn trương vừa khiêm hạ lại vừa sòng phẳng bằng lời hứa quyết sẽ "trả hết", chứ không quịt nợ nhưng cần "hoãn lại" một thời gian để thanh toán món nợ. Do đó, về phía chủ nợ, thái độ và hành vi cử chỉ cùng lời nói của con nợ như thế đã hội đủ điều kiện để được vị vương chủ n "chạnh lòng thương", thương đến độ chính con nợ bầy tôi cũng không thể nào ngờ nổi là mình chẳng những được trả tự do - "cho y về", không bị bắt nợ nữa, mà còn được hoàn toàn thoát nợ, không bao giờ sẽ phải trả lại số nợ mà cả đời y không thể nào trả hết ấy nữa, vì vị vương chủ n của y quá ư là bao la rộng lượng đến độ "tha luôn món nợ" cho y, dù y hứa sẽ trả. Chỉ có ai không còn con nợ, như vị vương chủ trong dụ ngôn này, mới thật sự giầu sang phú quí, tự do thánh thoát, và thực sự có toàn quyền mà thôi: “Ai xin các con cứ cho, ai vay mượn các con đừng từ chối” (Mathêu 5:42).

 

"Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: 'Trả nợ cho tao!' (câu 28) Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: 'Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh' (câu 29). Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ" (câu 30). Vấn đề xẩy ra hoàn toàn trái ngược ở đây nơi người con nợ bày tôi này đó là cách y đối xử với con nợ của y, hoàn toàn trái ngược lại với vị vương chủ n vô cùng nhân hậu đối với y. Ở chỗ, "vừa ra đến ngoài, gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: 'Trả nợ cho tao!". Trong khi đó, "người đồng bạn" của y không khác gì y: 1- cũng ở vào cùng một hoàn cảnh nợ nần như y, tuy không nợ nhiều bằng y, chỉ có "một trăm quan tiền", chứ không phải là "mười ngàn nén vàng", vì chủ nợ của "người đồng bạn" này không phải là "một ông vua" uy nghi cao cả, mà chỉ là một người bày tôi như họ; 2- cũng tỏ thái độ giống hệt như y đã tỏ ra trước chủ nợ của y là "sấp mình xuống"; 3- và cũng hứa hẹn là sẽ trả nợ cho y như y cũng đã hứa với vị vương chủ n của y, miễn là làm sao "hoãn lại" một thời gian. 

 

Tuy "người đồng bạn" đã bày tỏ tất cả những gì giống như người bày tôi đã làm đối với vị vương chủ n của y, "y không chịu", tức y vẫn nhất định không chịu dung tha cho "người đồng bạn" của y như đã được vị vương chủ n chẳng những tha bắt nợ mà còn tha luôn cả món nợ kếch sù không thể trả của y. Đến độ, "cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ". "Ngục" ở đây không phải là của chính quyền, của "ông vua" chủ nợ của y, mà là chính tấm lòng hẹp hòi nhỏ nhoi chấp nhất của y, nơi y đã "tống" con nợ của y vào đó "cho đến khi trả xong nợ" cho y, có thể bằng cách "người đồng bạn" của y phải năn nỉ xin lỗi y, chứ tự mình y không thể nào dễ dàng tha thứ, hay làm hòa trước như Chúa dạy trước khi dâng của lễ (xem Mathêu 5:23-24), hoặc bằng cách "mắt đền mắt, răng đền răng" (Mathêu 5:38) với y, khi y trả thù hay phạm đến chính "người đồng bạn" này  cách nào tương đương nào đó v.v.

 

"Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện" (câu 31). "Các đồng bạn của y" đây là ai? Tại sao lại xem vào chuyện riêng tư của y, chuyện giải quyết và thanh toán nợ nần giữa y với "người đồng bạn" con nợ của y, ở chỗ họ cảm thấy "buồn lắm", không thể nào chịu nổi, thay vì trực tiếp nói chuyện với y để can ngăn hay khuyên răn y thì lại cần phải "đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện"?

 

Căn cứ vào tâm trạng "buồn lắm" và hành động "trình với tôn chủ" mà "các đồng bạn của y" cảm thấy và thực hiện thì phải công nhận rằng họ là những người bạn tốt, biết mình không thể nào giúp cho y được hơn là trực tiếp đến "trình bày với vị tôn chủ" của y, bằng cách cầu nguyện cùng Chúa là Cha trên trời cho y, vị đã tha nợ cho y nhờ đó có quyền dạy bảo y để y có thể mở mắt ra mà nghĩ lại, vừa có lợi cho y, cho "người đồng bạn" bị y bắt nhốt và cho cả Chúa là Đấng lại được dịp tỏ lòng thương xót y hơn nữa.

 

"Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: 'Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta (câu 32), thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?' (câu 33). Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông" (câu 34). "Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến", ở chỗ Ngài đánh động lương tâm của con người chấp nhất bủn xỉn hẹp hòi này, bằng những áy náy day dứt và tâm trạng nặng nề bởi nạn nhân đang bị nhốt trong lòng của đương sự.

 

Đó là lý do khi tha được cho nhau con người tự nhiên cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát hơn bao giờ hết. Và đó cũng là lý do bao lâu con người chưa chịu tha thứ cho nhau, sẵn sàng thứ tha cho nhau, bấy lâu lương tâm của họ cứ vẳng vẳng những lời nhắc nhở của Cha trên trời, Đấng đã tha thứ cho con người và cũng muốn con người tha thứ cho nhau, như thể bù đắp lại hay trả nợ cho Ngài một chút xíu số nợ kếch sù họ không thể trả cho Ngài: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta (câu 32), thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?". 

 

Việc vị vương chủ nợ đối xử với con người chấp nhất bủn xỉn hẹp hòi không chịu thứ tha cho anh chị em mình chẳng những ở chỗ trách móc họ mà còn thậm chí "trao y cho lính hành hạ" - "lý hình" đây có thể là chính lương tâm của họ hay là những người đồng bạn khác của họ cũng tỏ ra chấp nhất họ như họ đã chấp nhất, khiến họ cảm thấy nhức nhối, cảm thấy cứ bị ray rứt lương tâm, cảm thấy luôn bị nặng lòng không bao giờ được thanh thản, thì việc làm này của vị vương chủ nợ không phải là đã "tha tội" cho họ rồi mà còn "nhớ tội" của họ, vẫn còn chấp nhất họ, như họ đã từng chấp nhất "người đồng bạn" của họ, vì bấy giờ ông chẳng những đòi lại số nợ ông đã tự tha bổng cho y, mà còn "trao y cho lính hành hạ", như y đã hành hạ, bằng cách nhốt "người đồng bạn" con nợ của y vào ngục tù lòng của y.

 

Cho dù vị vương chủ nợ của y không ra tay đi nữa, thì tất cả những gì xẩy ra cho y, trong nội tâm và trong đời sống của y cũng chỉ là hậu quả gây ra bởi chính y: "Các con đong đấu nào thì đấu ấy sẽ được đong lại cho các con" (Mathêu 7:2). Nếu nhờ những ray rứt trong lương tâm và các trục trặc nơi mối liên hệ với "các đồng bạn" tha nhân của mình mà nghĩ lại khi y bị đối xử như y đối xử với "người đồng bạn" của y thì quả thực không phải là y đã giải phóng cho "người đồng bạn" bị y "tống ngục" cầm tù trong lòng mà chính bản thân y  đã được giải phóng. 

  

Đó là bài học tự thứ tha cho nhau, cho dù mình có bị đối phương cố tình xúc phạm và không được đối phương xin lỗi, không phải chỉ 1 lần hay 7 lần mà là tự động, luôn mãi, tất cả, như được Cha trên trời thứ tha cho mình, như Ðức Giêsu đã tuyên bố: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (câu 22). Thế nhưng, để có thể thứ tha, con người chẳng những cần được tha thứ mà còn làm sao để cảm nghiệm được ơn tha thứ mà truyền đạt ơn tha thứ cho nhau! 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

bài này đã được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phổ biến 4/2016