SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

 

"Đây là Vua Dân Do Thái"

 

 

 

 

Chúa Nhật Lễ Lá Năm C 20/3/2016 - Đầu Tuần Thương Khó

 

 

 

 

 

 

 

CHÚA NHẬT - RƯỚC LÁ TRƯỚC LỄ

 

 

Ngày thứ 40 của Mùa Chay, thời điểm vừa kết thúc 40 ngày Mùa Chay vừa bắt đầu Tuần Thánh, là Chúa Nhật mà chúng ta gọi là Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Chúa Nhật Thương Khó. 


Bởi vì, phụng vụ của ngày Chúa Nhật giao điểm kết thúc Mùa Chay và bắt đầu Tuần Thánh này bao gồm 2 biến cố hoàn toàn có tính cách khác nhau, đúng hơn hoàn toàn phản nghịch nhau: về chính bản thân Chúa Kitô thì Người đã đạt đến tột cùng vinh quang nhưng đồng thời cũng xuống tới tận cùng khổ nhục trước mặt trần gian, còn về phía chung dân chúng và môn đệ của Người thì vui thật là vui nhưng đồng thời cũng buồn thật là buồn, buồn đến hoảng sợ và hoảng loạn.


Trước hết, về khía cạnh vinh quang và vui mừng cho Chúa Nhật giao điểm này, được Giáo Hội cử hành trước Thánh Lễ, ở ngoài nhà thờ, với nghi thức làm phép lá và rước lá. Bài Phúc Âm cho nghi thức rước lá này, cả 3 chu kỳ A-B-C, đều thật sự cho thấy Chúa Kitô đã đạt đến tột cùng vinh quang của Người trước mặt trần gian khi Người tiến vào Thành Thánh Giêrusalem là giáo đô của Do Thái giáo.


Bài Phúc Âm của chu kỳ Năm C được Thánh ký Luca thuật lại rằng: "Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: 'Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời'".

 

 

 

 

 

 

Qua bài Phúc Âm này, chúng ta chẳng những thấy được tất cả lòng trọng kính, bái phục và tôn sùng của chung dân chúng cũng như môn đệ đoàn của Người, qua các việc họ "trải áo trên lối đi" và "hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa", những việc làm phải nói là chưa từng có cho bất cứ một ai (tiêu biểu và nổi tiếng nhất như tổ phụ Abraham, cứu tinh Moisen, tiên tri Elia, thánh vương Đavít, tiền hô Gioan v.v.) trong giòng lịch sử của dân Do Thái, mà còn thấy được cả cái bóng đen chập chờn bắt đầu xuất hiện, một chi tiết chỉ được một mình Thánh Luca thuật lại ở cuối bài Phúc Âm hôm nay: 


"Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: 'Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi'. Chúa Giêsu nói: 'Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên'".

Hiện tượng tương phản này cũng đã được Thánh ký Gioan ghi nhận như thế này: "Những kẻ ở với Người chứng kiến thấy việc Người gọi Lazarô ra khỏi mồ và làm cho ông ấy sống lại từ cõi chết. Dân chúng họ đi đón Người, bởi họ nghe biết Người đã làm dấu lạ ấy. Những người biệt phái mới bảo nhau rằng: 'Các ông thấy không, các ông chẳng đi đến đâu rồi đó! Kìa, cả thế gian đã chạy theo hắn ta mất rồi!" (Gioan 12:17:19).

Trước thái độ có vẻ ghen tương đầy thành kiến và ác cảm ấy của những người biệt phái, Chúa Giêsu đã nhắc khéo họ rằng: "nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên". Nghĩa là Người muốn nhắn nhủ họ rằng chỉ có ai tin tưởng vào Người mới có thể tỏ ra long trọng nghênh đón Người như thế mà thôi. Qua câu này Người cũng muốn nhắc nhở họ lời Người đã cảnh báo họ về lòng tin của họ trước kia, (trong bài Phúc Âm Thánh Gioan Thứ Ba Tuần V vừa rồi): "Tôi nói cho quí vị biết quí vị sẽ chết trong tội lỗi của các vị; quí vị sẽ chết trong tội lỗi của quí vị trừ phi quí vị tin vào Tôi" (Gioan 8:24).

Mà thật, đúng như những gì Người đã cảnh báo. Chính vì họ không tin mà họ đã thực sự chết trong tội lỗi của họ, khi họ càng trở nên mù quáng và điên cuồng lên án Người, vào chính lúc Người tỏ mình ra cho họ biết như họ nhân danh Thiên Chúa mà hỏi Người, và làm áp lực thẩm quyền đế quốc Roma để đóng đinh Người cho bằng được, dù vị tổng trấn Philatô này thấy Người vô tội và tìm cách tha Người. Chưa hết, trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người, các môn đệ thân tín của Người cũng vì Người mà vấp phạm nữa. Không phải vì các vị không tin Người mà chính vì các vị tin rằng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16).

 

Thật vậy, chính vì các vị tin rằng Vị Sư Phụ "đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14) của các vị chính là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" như thế mà các vị, qua lời can gián tiêu biểu của tông đồ Phêrô (xem Mathêu 16:22-23), đã cho thấy các vị không thể nào chấp nhận được sự kiện Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa vô cùng thiện hảo và toàn năng bị khổ nạn và tử giá như là một tên tử tội. Bởi thế, khi thấy Thày mình bị bắt và bị lên án tử các vị đã thật sự không thể nào không bị chao đảo đức tin!

 

 

Bài Phúc Âm trong Thánh Lễ hôm nay, dù theo chu kỳ A-B-C cũng đều thuật lại biến cố cứu độ vô cùng quan trọng này, một biến cố theo thời điểm xẩy ra vào Thứ Sáu trong tuần, nhưng lại là một biến cố cần phải long trọng cử hành vào Chúa Nhật cho mọi người môn đệ của Người được tham dự vào mầu nhiệm này. Đó là lý do Chúa Nhật Lễ Lá cũng là Chúa Nhật Thương Khó mở màn Tuần Thánh vậy.

 

CHÚA NHẬT - THƯƠNG KHÓ TRONG LỄ

Giáo Hội cử hành biến cố khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô trong Thánh Lễ Chúa Nhật này với phần phụng vụ lời Chúa, trước hết về thái độ của Người (như Tiên Tri Isaia cho biết trong Bài Đọc 1 cho thấy), sau nữa về thân phận của Người (như Thánh Phaolô cảm nhận trong Bài Đọc 2), và sau hết về công cuộc cứu chuộc của Người (như Thánh ký Luca trình thuật trong Bài Phúc Âm).

 

 

Trước hết về thái độ của Chúa Kitô, Người đã được Tiên Tri Isaia tiên báo hoàn toàn hiền lành như con chiên bị mang đi sát tế: "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn". Tất cả đã được ứng nghiệm nơi Người như chúng ta sẽ thấy rõ hơn trong Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, để chứng tỏ Người thật sự đã Đấng Thiên Sai đến không phải để làm theo ý mình mà là ý Cha là Đấng đã sai Người.

 

 

 

 

 

Thái độ hiền lành như chiên bị mang đi sát tế của Chúa Kitô còn được Thánh Vịnh 21 diễn tả trong Bài Đáp Ca hôm nay, nhất là 3 câu đầu, tất cả cũng đã ứng nghiệm trong Bài Phúc Âm hôm nay:

 

 

1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: "Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương".

 

2) Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con.

 

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm... Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.

 

 

 

 

Sau nữa về thân phận của Người, Người đã được Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, vị đã được mang lên tầng trời thứ ba để nghe thấy những lời khôn tả chưa từng nghe thấy ai nói (xem 2Corinto 12:2-4), và là vị chiêm ngưỡng thấy một "Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá".

 

 

 

 

 

 

Và chính vì thân phận vô cùng cao cả như Thiên Chúa và bằng Thiên Chúa của mình như thế mà Người mới có tư cách và quyền năng cứu độ nhân loại, ở chỗ tất cả những gì Người làm nhất là những gì Người chịu mới có một giá trị vô cùng, chẳng những cứu được một thế giới nhân loại tội lỗi này mà còn cả ngàn muôn ức triệu thế giới tội lỗi khác. Nếu để ý đến thân phận vô cùng cao cả của Chúa Kitô là Thiên Chúa, chúng ta mới thông cảm được cái vấp phạm của các tông đồ, mới thấy được Thiên Chúa toàn thiện toàn ái đã yêu thương con người tạo vật vô cùng thấp hèn bất xứng của Ngài là chừng nào, và mới thấy tội lỗi của nhân loại kinh hoàng khủng khiếp đến đâu!

 

 

Sau hết về công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, một công cuộc cứu chuộc lên đến tột đỉnh vào Tam Nhật Thánh, một tam nhật, theo thứ tự, bao gồm các biến cố chính yếu sau đây: 1- Chúa Giêsu ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở Bữa Tiệc Ly thiết lập Thánh Thể (Chiều Tối Thứ Năm Tuần Thánh); 2- Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu (Đêm Thứ Năm Tuần Thánh); 3- Chúa Giêsu bị bắt giải đến Hội Đồng Đầu Mục Do Thái (Rạng Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh); 4- Chúa Giêsu được xét xử trước Tổng Trấn Philatô (Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh); 5- Chúa Giêsu vác thập giá và bị đóng đanh vào thập giá (Trưa và Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh).

 

 

Ở đây, chỉ trích lại những chi tiết đặc biệt và chuyên biệt được Thánh ký Luca đề cập tới mà không có trong các Phúc Âm khác, nhất là trong bộ Phúc Âm Nhất Lãm bao gồm cả Thánh ký Mathêu và Thánh ký Marcô, những chi tiết chỉ có trong cuốn Phúc Âm Thánh Luca là phúc âm được người môn đệ lương y của Thánh Phaolô này viết cho Dân Ngoại, nhấn mạnh đến khía cạnh về nhân tính của Chúa Kitô và về Lòng Thương Xót Chúa (LTXC), những yếu tố bất khả thiếu (nhân tính) và then chốt (LTXC) trong và cho công cuộc cứu độ của Người.

 

 

 

1- Chúa Giêsu ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở Bữa Tiệc Ly thiết lập Thánh Thể (Chiều Tối Thứ Năm Tuần Thánh):

 

 

 

 

 

 

Tuần Thánh không thể nào thiếu biến cố thiết lập Bí Tích Thánh Thể, vì Bí Tích Thánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập là để cho công cuộc cứu chuộc của Người được Giáo Hội liên lỉ cử hành để tưởng nhớ đến Người, để hiện thực hóa hy tế cứu độ vô giá của Người, nhờ đó ơn cứu chuộc vô cùng của Người được tiếp tục thông ban trên thế gian cho tới khi Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

 

 

Đó là lý do chỉ có trong Phúc Âm Thánh Luca mới có câu "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày" sau khi Người ban Mình Thánh của Người: "Này là Mình Ta hiến ban vì các con". Chi tiết quan trọng này được bắt nguồn từ Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, như ngài đã tuyên bố trong Thư 1 Corinto đoạn 11:23-25, là chi tiết chính ngài nhận được từ Chúa Kitô để truyền lại cho Giáo đoàn này nói chung, bao gồm cả các môn đệ của ngài, trong đó có cả Thánh ký Luca. Trong Đoạn Thư ấy, Thánh Phaolô đều bao gồm chi tiết "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày" cả sau khi ban Mình Thánh lẫn Máu Thánh của Người.

 

 

Chính nhờ có câu nói then chốt này của Chúa Giêsu: "các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày", mới có Bí Tích Truyền Chức Thánh trong Giáo Hội, mới có thành phần thừa tác viên thánh chức là các vị giám mục và linh mục để ban phát mầu nhiệm thánh của Người và cho Người. Các vị là các mục tử thay cho Chúa Kitô trong cộng đoàn dân Chúa được ủy thác cho các vị, để các vị chăn dắt bằng sứ vụ tam diện của các vị là quản trị, giảng dạy và thánh hóa. Các vị được đồng hóa với Chúa Kitô đến độ Chúa Kitô trở thành "Cái Tôi" của các vị, nhất là trên bàn thờ khi các vị ở vào "Cái Tôi" Giêsu để truyền phép bánh và rượu cho hình bánh và hình rượu này trở thành Mình Thánh và Máu Thánh Người. 

 

 

Ngoài ra, trong hai lời ban phát Mình Thánh và Máu Thánh của mình trong Bữa Tiệc Ly để thiết lập Bí Tích Thánh Thể ấy, Chúa Giêsu không hề bảo các tông đồ hãy nhận lấy mà ăn và hãy nhận lấy mà uống. Thánh ký Marco cũng thế. Chỉ có Thánh ký Mathêu nhắc đến chi tiết "các con hãy nhận lấy mà ăn" (26:26) sau khi Người ban Mình Thánh của Người. Và chính lời truyền này đã làm nên việc hiệp lễ của chung cộng đồng Dân Chúa khi cử hành vào Mầu Nhiệm Thánh là Mầu Nhiệm Yêu Thương, Mầu Nhiệm Chúa Kitô ban mình cho Nhiệm Thể Giáo Hội của Người, "cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10).

 

 

Chưa hết, trong hai lời ban mình và máu của Người cho các tông đồ, được Thánh ký Luca thuật lại, đều trực tiếp liên hệ với các tông đồ bấy giờ và Giáo Hội của Người trong tương lai mà thôi. Vì "Này là Mình Ta hiến ban vì các con" và "Máu Ta sẽ đổ ra vì các con", chứ không phải "cho nhiều người", như Thánh ký Mathêu (26:28) hay Thánh ký Marco (14:24) đã ghi lại sau lời ban Máu Thánh của Người.

 

 

Cả 2 chi tiết này: "vì các con" và "cho nhiều người", hoàn toàn không phản nghịch nhau mà là bổ túc cho nhau. Nghĩa là Chúa Kitô "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), để Giáo Hội nên tinh tuyền thánh hảo xứng đáng với Người (xem Epheso 5:25-27), nhờ đó Giáo Hội, qua thành phần thừa tác viên thánh chức, ban phát "cho nhiều người", thành phần tin vào Người qua Bí Tích Thánh Tẩy để trở thành những cành nho được cây nho hay thân nho là chính Chúa Kitô thông nhựa sống thần linh của Người cho qua Bí Tích Thánh Thể của Người.

 

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải là được thánh tẩy tái sinh là Kitô hữu không bao giờ còn phạm tội nữa, các vị giám mục và linh mục của Giáo Hội cũng thế, không phải được truyền chức thánh là tự nhiên các vị có thể sống thánh hảo trọn lành như chính Chúa Kitô là Cái tôi của các vị trên bàn thờ. Trái lại, các vị vẫn có thể sa ngã làm gương mù gương xấu cho chiên của các vị, vẫn càng dễ trở thành phản kitô. Đó là lý do trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cảnh báo cho chính vị lãnh đạo tông đồ đoàn là vị giáo hoàng tiên khởi quản trị Giáo Hội của Người rằng:

 

 

"Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin". Ở đây Chúa Giêsu không gọi tên Phêrô mà Người đã đổi cho ngài (xem Mathêu 16:18; Gioan 1:42) mà gọi tên tục của ngài, tên trần gian của ngài, một cái tên tự nhiên do cha mẹ đặt cho, ám chỉ con người phàm tục vốn yếu đuối của ngài, nhưng lại được chính Người cố ý tuyển chọn và sử dụng để có thể tỏ mình ra cho ngài cũng như qua ngài cho đàn chiên của ngài.

 

 

 

2- Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu (Đêm Thứ Năm Tuần Thánh);

 

 

 

Ở biến cố Vườn Cây Dầu, có một chi tiết chỉ duy Thánh ký Luca thuật lại, ngoài các chi tiết khác giống như Phúc Âm Thánh Mathêu và Thánh Marco là Người cầu nguyện theo ý Cha của Người và Người kêu gọi các tông đồ cùng Người canh thức cầu nguyện bởi đã tới giờ của Người, một thời điểm mà Người đã biết trước các tông đồ không thể nào không vì Người mà vấp phạm, nên cần phải "cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ".

 

 

Có thể nói cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô được bắt đầu từ Vườn Cây Dầu vào Tối Đêm Thứ Năm Tuần Thánh này. Bởi vì, ở đây, vào lúc ấy, Người đã bắt đầu chịu đau buồn ngay trong tận thâm tâm của Người, đến độ, như Bài Phúc Âm Thánh ký Luca hôm nay cho thấy: "Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người. Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, và mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất".

 

 

Không biết cái gì đã làm cho Chúa Giêsu, một vị Thiên Chúa nhập thể làm người đã quá buồn khổ về tâm thần như thế, có thể nói đã lên tới cực độ như vậy. Phải chăng là chính cuộc khổ nạn và tử giá vô cùng kinh hoàng khủng khiếp mà Người sắp phải trải qua?

 

 

Phải chăng là chén đắng Người cần phải uống bởi Người nghĩ đến chính công ơn cứu chuộc vô giá của mình chẳng những không cứu được tất cả mọi người như lòng Người mong ước và như dự án thần linh của Cha Người, mà còn nên chính án phạt cho những linh hồn hư đi nữa?

 

 

Phải chăng Người bấy giờ cũng đã nghĩ đến và thương cho một trong 12 người môn đệ thân tín của Người được Người tuyển chọn để làm chứng nhân cho Người thì lại trở thành tay sai khốn nạn cho Satan, cho quyền lực sự dữ, người môn đệ sắp xuất hiện để làm hiệu bắt chính Thày của mình một cách phũ phàng và trắng trợn: "Người còn đang nói, thì này đây một lũ đông, và một người trong nhóm Mười Hai là Giuđa dẫn đầu. Hắn lại gần Chúa Giêsu để hôn Người. Chúa Giêsu bảo hắn: 'Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?'"

 

 

 

 

Cái hôn của tông đồ Giuđa Íchca được người môn đệ bất hạnh gian ác lạc loài này sử dụng để làm dấu phản nộp Vị Thày đáng kính đáng mến vô tội của mình chẳng những cho thấy Chúa Giêsu đã thật sự hòa đồng với các môn đệ của Người thế nào, đến độ người ngoài không thể nào nhận ra người là Thày của các vị, nếu không được chính các vị điểm mặt, thậm chí chính các vị cũng không nhận ra chân dung đích thực của Người, nên đã vì Người mà vấp phạm, như đã bí mật phản nộp Người như người môn đệ này đã và đang làm lúc bấy giờ, mà còn cho thấy con người ta dù có thể biến lành thành dữ, tức sử dụng cái hôn là cử chỉ thân thiết nhất để phản nộp Người là hành động xấu xa nhất, Người vẫn có thể biến sự dữ của chính họ gây ra thành sự lành cho chung loài người, bao gồm cả đương sự phạm nhân, theo đúng dự án thần linh của Cha là Đấng đã sai Người trong vai trò làm Đấng Thiên Sai Cứu Thế.

 

 

 

3- Chúa Giêsu bị bắt giải đến Hội Đồng Đầu Mục Do Thái (Rạng Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh);

 

 

 

Trong biến cố bị bắt giải đến Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, thẩm quyền lãnh đạo tối cao của Do Thái giáo bấy giờ, trong bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm đều bao gồm chi tiết quan trọng nhất nơi biến cố này đó là chi tiết về vị thượng tế Caipha nhân danh Thiên Chúa để hỏi một cách dứt khoát về thân phận đích thực của nhân vật lịch sử Nazarét, một nhân vật đã từng cho mình là có trước cả tổ phụ Abraham (trong Bài Phúc Âm Thứ Năm Tuần V Mùa Cay) và là Con Thiên Chúa (trong Bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay tuần trước), một chân lý cuối cùng đã được chính Người tái minh định trước toàn thể giáo quyền Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay: "'Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?' Người đáp: 'Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa'".

 

 

Chính vì họ, thành phần lãnh đạo Do Thái giáo bấy giờ  không thể nào tin được một nhân vật lịch sử như tên Giêsu ấy, một nhân vật tầm thường vô danh tiểu tốt xuất thân từ Galilêa là nơi không có một vị tiên tri nào, và từ Nazarét là một tỉnh lỵ hẻo lánh nghèo hèn chẳng có tiếng tăm gì, mà lại là có thể Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa. Nên họ đã cho Người là lộng ngôn và bị quỉ ám (trong Bài Phúc Âm Thứ Năm Tuần V Mùa Chay), và thậm chí còn lấy đá ném Người cùng tìm cách bắt Người (trong Bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay tuần trước), mà họ mới cần phải nhân danh Thiên Chúa để chất vấn Người, hay đúng hơn truyền lệnh cho Người phải thú thật (tự thú sự thật về Người) trước khi công khai chính thức đồng thanh kết án Người.

 

 

Riêng Phúc Âm theo Thánh ký Luca lại còn có một chi tiết đặc biệt khác hoàn toàn không có trong 2 Phúc Âm Thánh Mathêu và Thánh Marco, đó là chi tiết về tông đồ Phêrô được tác động ăn năn thống hối. Đúng thế, vị tông đồ lãnh đạo tông đồ đoàn này, cho dù đã được toàn bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm đều cho biết như nhau là đã chối Thày mình 3 lần đúng như Chúa Giêsu đã báo trước cho ngài, cho dù ngài cũng liều mình "đi theo xa xa" sau khi Chúa Giêsu bị bắt giải đi "tới nhà thầy thượng tế", nhưng chỉ riêng Phúc Âm Thánh ký Luca mới cho chi tiết đặc biệt này: "Khi ông còn đang nói, thì lập tức gà liền gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô. Bấy giờ Phêrô mới sực nhớ lời Chúa đã bảo ông trước: Khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần. Phêrô liền ra ngoài và khóc lóc thảm thiết".

 

 

 

 

Thật vậy, chính vị tông đồ lãnh đạo này đã được Người báo trước rằng: "Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Thày đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin", mà lời Người hứa với ngài rằng "Thày đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin" đã được thực hiện tỏ tường, ở ngay nơi cử chỉ Người "quay lại nhìn Phêrô" bấy giờ, một cái nhìn nhắc nhở, một ánh mắt cảm thông, chất chứa và ẩn tàng cả một tấm lòng bao dung tha thứ của Người, khiến vị tông đồ vấp phạm vì quá nhiệt thành và hoàn toàn bởi lòng ngay này đã không thể nào không "khóc lóc thảm thiết" về tội công khai trắng trợn chối bỏ chính Đấng ngài đã chính xác tuyên xưng: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16).

 

 

Đến đây chúng ta mới thấy thật sự và hoàn toàn ứng nghiệm những gì Chúa Kitô đã báo trước cho các vị tông đồ trong Bữa Tiệc Ly là các vị không thể nào theo Người bấy giờ được, mà cần phải chờ cho tới sau khi Người đã đi dọn chỗ cho các vị đã, bằng cuộc Vượt Qua của Người, để Người ở đâu các vị được ở đó với Người, bằng cuộc tử đạo của từng vị với tư cách là thành phần chứng nhân tiên khởi của Người, thì các vị mới có thể theo Người cho tới cùng, đi đến bất cứ nơi nào Người tới (xem Gioan 13:33,14:2-3, 21:19; Khải Huyền 14:4). Đó là lý do, vị lãnh đạo tông đồ đoàn Phêrô cho dù chưa dám theo sát Người, mới chỉ "đi theo xa xa" mà đã vội vã chối bỏ Người khi bản thân ngài bị lật tẩy, nghĩa là ngài đã lấy chính Thày mình ra để chống đỡ, để chịu đòn thay cho ngài, Đấng cũng đã "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19). 

 

 

Với chính người môn đệ chủ chốt của tông đồ đoàn mà còn chối bỏ Người như vậy thì về phần dân chúng nói chung và các vị lãnh đạo của họ nói riêng lại càng xẩy ra đúng như lời Chúa Giêsu đã cảnh báo với dân Do Thái và về dân do Thái bấy giờ, trong chính khi họ đi tìm Người thì họ vì Người mà vấp phạm (xem Gioan 7:33-34, 8:21), ở chỗ trong chính lúc họ thật sự muốn biết Người đúng là ai, từ đâu đến, thì họ lại bị chết đuối trong tội lỗi của họ, khi họ tẩy chay Người, không thể nào chấp nhận được những gì Người đã công khai tuyên xưng liên quan đến tất cả sự thật về Người trước mặt họ và theo lệnh truyền của họ. Trái lại, như Thánh ký Luca cho biết: "Bấy giờ họ nói: 'Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói'. Ðoạn tất cả bọn họ đứng dậy và giải Người đến Philatô".

 

 

 

4- Chúa Giêsu được xét xử trước Tổng Trấn Philatô (Sáng Thứ Sáu Tuần Thánh);

 

 

 

 

 

Trong trình thuật về biến cố Chúa Giêsu được giải từ dinh Thượng tế Caipha đến dinh Tổng Trấn Philatô để thẩm quyền đế quốc Roma xét xử, bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm đều bao gồm: 1- việc đối đáp giữa quan Philatô với thành phần tố cáo Chúa Giêsu, 2- việc tổng trấn Philatô chất vấn Chúa Giêsu để xem Người có thực sự như bị đối phương tố cáo hay chăng, 3- việc vị tổng trấn tìm cách tha Chúa Giêsu bằng cách tha cho một tù phạm, 4- việc vị tổng trấn này bị áp lực của dân Do Thái đã nhượng bộ và chiều theo ý họ muốn đóng đanh Chúa Giêsu vô tội.

 

 

Tuy nhiên, ở trong Phúc Âm Thánh ký Luca còn hai chi tiết hoàn toàn không có trong 2 Phúc Âm còn lại của bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm. Đó là chi tiết liên quan đến quận vương Hêrôđê để căn cứ vào chứng từ của vị quận vương Hêrôđê này mà tha cho Chúa Giêsu, nguyên văn như sau:

 

 

"Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau. Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ: 'Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi".

 

 

Mục đích của việc thành phần lãnh đạo Do Thái giáo bấy giờ dẫn Chúa Giêsu đến cho tổng trấn Philatô là vì muốn sử dụng bàn tay dân ngoại để giết Người. Đó là lý do, trong nội bộ họ lên án tử cho Người vì họ cho rằng Người lộng ngôn, ở chỗ chỉ là một con người thuần túy mà dám cho mình ngang hành với Thiên Chúa vô cùng cao cả. Thế nhưng, với chính quyền đế quốc Rôma, họ lại viện những lý khác liên quan đến luật pháp Roma để tố cáo Người, chẳng hạn như: "xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua". Nhưng cái tội họ tố cáo Người lại bị chính vị quan này phủ nhận ngay lập tức: "Ta không thấy người này có tội gì", nghĩa là Người "không có (một) tội nào" trong tất cả các tội được họ liêt kê và bị họ tố cáo với ông. Đã phóng lao nên họ đành phải theo lao: "Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây".

 

 

May quá, đang muốn trốn lánh trách nhiệm ra tay sát hại một con người mà vị quan tổng trấn này biết rõ là vô tội, nên "Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy".

 

 

Tuy nhiên, ông vẫn không thể nào trốn chạy trách nhiệm. Bởi thế, diệu kế của ông đã thất bại ngoài ý muốn. Ở chỗ: "Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô".

 

 

Tại sao Chúa Giêsu chỉ trả lời cho Hội Đồng Đầu Mục Do Thái và cho Tổng Trấn Philatô mà lại giữ im lặng trước quận vương Hêrôđê? Phải chăng vì Người biết rằng vị quận vương này cũng chẳng có đủ thẩm quyền để giải phóng Người, để tha cho Người, Đấng đã tự nộp mình và không muốn thoát thân?? Hay vì nhân vật quận vương đã ra tay sát hại Tiền Hô Gioan Tẩy Giả của người chỉ vì sợ mất danh dự một cách đê hèn không đáng để Người đối đáp??? Hoặc vì Người muốn chính dân ngoại, cùng với thẩm quyền Do Thái giáo, cũng cần phải góp phần vào cuộc khổ nạn của Người, vì công cuộc cứu chuộc của Người bao gồm toàn thể nhân loại, trong đó có cả dân Do Thái lẫn dân ngoại, một dân ngoại lại có thẩm quyền lên án tử cho Người với tư cách Người là "vua dân Do Thái", một danh hiệu vinh dự quận vương Hêrôđê không thể nào dám chuyển nhượng cho Người!

 

 

Tuy không thành công, tổng trấn Philatô cũng sử dụng chính quận vương Hêrôđê để chứng minh cho thành phần lãnh đạo Do Thái tố cáo Người rằng không phải chỉ có một mình ông thấy nhân vật bị họ tố cáo là vô tội đáng tha bổng mà cả quận vương Hêrôđê là thẩm quyền dân sự của dân Do Thái cũng thế:

 

 

"Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ: 'Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi'".

 

 

Tuy nhiên, bằng các chứng từ mạnh mẽ như thế, vị tổng trấn cả nể và nhút nhát này, ở chỗ thấy được sự thật mà vẫn không được sự thật giải phóng cho, trái lại, đã bị gian ác giam giữ như là một tên nô lệ, tác hành theo lệnh truyền của nó, trước áp lực hầu như bất khả kháng của đám dân chúng hầu như đang điên cuồng muốn nổi loạn bấy giờ:

 

 

"Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng: 'Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi'. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng".

 

 

 

5- Chúa Giêsu vác thập giá và bị đóng đanh vào thập giá (Trưa và Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh).

 

 

 

 

 

 

Trong biến cố xẩy ra ở Sọ Trường Golgotha, một biến cố vô cùng quan trọng cho phần rỗi của nhân loại, cả 4 Phúc Âm đều thuật lại, trong đó, bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm có những chi tiết giống nhau, như: 1- Chúa Giêsu vác thập tự giá từ dinh Philatô lên Đồi Canvê, 2- được một người vác đỡ thập giá với Người, 3- Người bị đóng đanh vào thập giá, giữa 2 tên tử tội trộm cướp, 4- bị chung dân chúng cùng thành phần lãnh đạo trong dân mỉa mai chế nhạo Người, 5- Người thốt lên những lời sau cùng trên thập giá và chết trên thập giá, và 6- cuối cùng được hạ xác xuống khỏi thập giá và chôn táng trong mồ.

 

 

Tuy nhiên, trong 6 tiết mục của biến cố khổ nạn và tử giá được liệt kê trên đây, Thánh ký Luca và Thánh ký Gioan có những chi tiết đặc biệt hoàn toàn không có trong các Phúc Âm khác. Chẳng hạn chỉ có Thánh ký Gioan thuật lại sự kiện Chúa Giêsu trăn trối Mẹ của Người cho tông đồ Gioan và tông đồ Gioan cho Mẹ, và sự kiện máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị lưỡi đòng đâm vào của Người sau khi Người tắt thở. Thánh ký Luca cũng thế, cũng thuật lại một số sự kiện hoàn toàn chuyên biệt, điển hình nhất là 4 sự kiện tiêu biểu sau đây:

 

 

1- "Mấy người phụ nữ khóc thương Người":

 

 

 

 

"Ðám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng: 'Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con. Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: Hãy đổ xuống đè chúng tôi, và nói với các gò nổng rằng: Hãy che lấp chúng tôi đi. Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?'"

 

 

Trong chính lúc bản thân mình bị bỏ rơi bởi các môn đệ của Người, và trong chính lúc thân xác đã bị tan thây nát thịt vì đòn vọt lại còn bị cây thập tự giá nặng đè lên vai loạng choạng vác lên dốc từ trong thành Giêrusalem ra ngoài thành này như thế, đáng lẽ Người phải cảm thấy an ủi và phấn khởi hơn khi nghe thấy có những tiếng khóc thút thít hay vang lên quanh Người của nhóm phụ nữ có cảm tình với Người giữa muôn vàn tiếng thét gào đầy hận thù sắt máu, trái lại, Người còn cố gắng "ngoảnh mặt lại bảo họ rằng: 'Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi'".

 

 

Thật vậy, lời khuyên nhủ này của Người không phải chỉ cho riêng nhóm phụ nữ chân yếu tay mềm chẳng làm được gì để cứu Người khỏi khổ hay để giảm bớt nỗi khổ cho Người, ngoài hành động chân thành duy nhất có thể của họ đó là tỏ ra thương cảm với Người, mà còn nhắm đến tất cả những ai cho mình là ngon lành, như người phụ nữ Samaritanô được Người xin chị cho giãn khát (xem Gioan 4:9-10), tưởng rằng mình có phúc hơn Người, một nạn nhân trước mắt họ bấy giờ vô cùng khốn nạn và bất hạnh của thời cuộc, của hận thù ghen ghét, của quyền lực tôn giáo và chính trị trong thời điểm ấy, của quyền lực sự chết và hỏa ngục, nhưng nạn nhân đáng thương này lại chính là một đại ân nhân của họ, đã "tự ý bỏ sự sống mình đi để rồi lấy lại" (Gioan 10:17) cho phần rỗi đời đời của họ, nên họ mới là nạn nhân đáng thương hơn là Người, cần đến ơn cứu độ của Người, cần đến chính những khổ nạn Người đang chịu vì họ như họ bấy giờ đang chứng kiến thấy: "đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi'".

 

 

 

2- "Hai tên gian ác... hai tên trộm cướp":

 

 

 

 

 

"Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: 'Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm'. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: 'Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa'. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: 'Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?' Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: 'Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi'. Chúa Giêsu đáp: 'Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta'".

 

 

Chúng ta không biết được người tử tội trộm cướp nào, người trộm bị đóng đinh ở bên phải hay bên trái Chúa Kitô, đã thách đố Người hay đã bênh vực Người trong đoạn Phúc Âm trên đây của riêng Thánh Luca. Tuy nhiên, ban đầu thì cả hai đều có một tâm trạng như nhau, đều vào hùa với chung dân chúng và thành phần lãnh đạo trong dân mỉa mai thách đố Người, như Thánh ký Mathêu (xem 27:14) và Thánh Marco (15:22) tiết lộ cho biết, nhưng chỉ có Thánh Luca là cho biết một trong hai tên trộm cướo tử tội này lên tiếng rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa", còn tên kia nghe thấy thế liền nhắc nhở đồng bạn tử tội của mình rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?"

 

 

Tại sao có sự thay đổi mau chóng nơi người tử tội trộm cướp mà chúng ta cho là "người trộm lành" hay người trộm bị đóng đanh ở bên hữu của Người như thế? Phải chăng ngay sau khi anh ta nghe thấy lời Chúa Giêsu vang lên rằng "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm", một lời đã tỏ ra vô cùng từ bi nhân hậu đối với kẻ thù của mình, thực sự đã đánh động anh ta và rất chí lý về chính bản thân của anh ta, mà cho đến giây phút ấy, giây phút cuối cùng của đời người ngắn ngủi mau qua ấy, anh ta mới ý thức được thì đã muộn...

 

 

Thế nhưng, vẫn còn may, vẫn còn kịp, để anh ta bày tỏ lòng ăn năn thống hối của anh ta với chính Đấng cứu chuộc của anh ta, Đấng mà anh ta khi còn đang hành nghề trộm cướp gian dối hại người chẳng bao giờ ngờ được rằng chính vào giây phút cuối cùng của đời mình, anh ta lại gặp chính Đấng Thiên Sai Cứu Thế, và lại là tên đệ nhất ma đầu đã tài tình ngoạn mục trộm cướp được cả Nước Trời trong khoảnh khắc: "Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: 'Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi'. Chúa Giêsu đáp: 'Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta'".

 

 

 

3- "Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha":

 

 

 

 

Trong những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập tự giá, được ghi lại bởi các thánh ký, Thánh Mathêu (27:46) và Thánh Marco (15:34) chỉ có 1 lời duy nhất là "Chúa Trời của Tôi ơi, Chúa Trời của Tôi ơi, nhân sao Ngài lại bỏ rơi Tôi", và Thánh ký Gioan có 4 lời: "Này là con bà" (Gioan 19:26), "Này là Mẹ của con" (Gioan 19:27), "Tôi khát" (Gioan 19:28) và "Đã hoàn tất" (Gioan 19:30), thì Thánh ký Luca trong bài Phúc Âm Năm C hôm nay có 3 lời: ""Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm", "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta", "Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha".

 

 

Có thể nói trong 8 lời (hơn là 7 lời như vẫn nói) cuối cùng của Chúa Giêsu được cả 4 vị Thánh ký ghi nhận, 3 lời trong Phúc Âm của Thánh ký Luca là những lời đầu tiên (1 và 2) và cuối cùng (8), nhưng cả 3 đều liên quan trực tiếp đến Lòng Thương Xót Chúa là đặc điểm chuyên biệt của Phúc Âm Thánh Luca.

 

 

Trong ba lời được Thánh ký Luca ghi lại này thì lời đầu tiên và lời cuối cùng Chúa Kitô dâng lên chính Cha của Người: Lời đầu tiên Người xin Cha Người tha tội cho chung nhân loại, từ hai nguyên tổ cho tới con người cuối cùng sinh vào trần gian này, và cho riêng những ai đã trực tiếp nhúng tay vào cái chết của Người, cả giáo quyền Do Thái lẫn chính quyền Roma bấy giờ, cả thành phần dân chúng bị xui bậy lẫn các vị tông đồ, tất cả đều lầm lạc nơi việc họ làm, cho dù họ có cố tình đến đâu chăng nữa, như một hội đồng lãnh đạo Do Thái cố tình vu khống cho Người và sẵn sàng chấp nhận một hoàng đế Rôma Cesar thù địch và một tên trộm Baraba tội lỗi hơn là Người, hay như một Philatô hoàn toàn chối bỏ sự thật. Bởi vì, "nơi Tôi đi các người không thể nào tới được" như Người đã khẳng định với cả dân do Thái lẫn các môn đệ của Người (xem Gioan 13:33, 7:33, 8:21).

 

 

Lời cuối cùng Chúa Kitô cũng dâng lên Cha của Người, nhưng không có vẻ ai oán trách móc như lời được Thánh Ký Mathêu và Marco thuật lại có vẻ lạnh lùng xa cách như chẳng có chút tình nghĩa cha con nào hết: "Chúa Trời của Tôi ơi, Chúa Trời của Tôi ơi, nhân sao Ngài lại bỏ rơi Tôi". Lời cuối cùng của Người "Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha" chứng thực Người quả là "Con Cha yêu dấu, đẹp lòng Cha mọi đàng" (Luca 3:22), một Người Con đến để làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người cho đến cùng, cho dù có phải uống chén Cha trao tới giọt đắng sau hết, giọt đắng được tiêu biểu nơi dấm chua Người nếm khi đám lính Roma đưa lên cho Người để đáp lại cơn khát núi sọ của Người (xem Gioan 19:28-30), một nỗi khát vọng duy nhất và trên hết là hoàn thành ý Cha của Người, bằng cách "dù là Con Người cũng đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu để khi hoàn thành, Người đã trở nên căn nguyên cứu độ cho những ai tín phục Người" (Do Thái 5:8-9).

 

 

 

4- "Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về":

 

 

Đúng thế, chính khi Chúa Kitô làm theo ý Cha của Người, Đấng "muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Timotheu 2:4), mà chân lý đây được sáng tỏ nơi việc Người hoàn toàn và tuyệt đối tuân phục Cha của Người, nhất định cho dù có thể nhưng vẫn cương quyết không xuống khỏi thập tự giá như thách thức đầy cám dỗ của thành phần dân chúng và lãnh đạo dân Do Thái.

 

 

Nhờ đó, ngay sau cái chết vô cùng đau thương và nhục nhã của Người, một nhân vật lịch sử Nazarét đã từng bịt miệng thành phần luật sĩ và biệt phái sư phụ trong dân, đã từng chữa lành đủ mọi thứ bệnh tật của dân chúng, đã từng trừ quỉ, đã làm cho một tử thi chết 4 ngày hồi sinh bước ra khỏi mồ, và nhất là mới vinh quang tiến vào giáo đô Giêrusalem, nhưng đã trở nên hoàn toàn bất lực mà vẫn vô cùng từ bi nhân ái đối với những kẻ sát hại Người, một thái độ không một ai thuần nhân trên đời này có thể làm được, mà cả thành phần dân ngoại, tiêu biểu nơi viên đại đội trưởng Roma, nhận biết Người: "Ông này quả thật là người công chính", lẫn dân Do Thái bấy giờ "chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về".

 

 

 

 

Thế là ứng nghiệm lời tiên báo của vị lão thành tư tế Simêon khi ông ẵm Con Trẻ Giêsu trên tay lúc Người được cha mẹ dâng vào Đền Thờ Giêrusalem vào thời điểm 40 ngày được hạ sinh: "Này đây Con Trẻ nàt sẽ trở thành cớ cho nhiều người trong dân Israel được chỗi dậy hay vấp phạm, như một dấu tương phản, và phần bà sẽ có một lưỡi gươm đâm vào lòng, để ý nghĩ của nhiều người được lộ ra" (Luca 2:34-35).

 

 

Quả thật, Bài Phúc Âm Thương Khó của Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, cho dù chu kỳ phụng niên năm nào chăng nữa, A-B-C, cũng đều cho thấy ứng nghiệm hoàn toàn lời tiên báo của vị tư tế lão thành Simeon này nơi Chúa Kitô, Đấng đã được ông tràn đầy Thánh Thần nhận biết và công khai tuyên xưng hết sức chính xác là "Ánh sáng chiếu soi Dân Ngoại và là vinh quang của dân Israel" (Luca 2:32).

 

 

Giờ đây chúng ta hãy cùng với Giáo Hội dâng lên Chúa Giêsu lời cầu và Thiên Chúa lời nguyện trong giờ Kinh Sáng Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay (theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Giờ Kinh):


Lời
cầu

 

Chúa Giêsu khi vào thành Giêrusalem đã được dân chúng tung hô là Vua và là Ðấng Thiên Sai. Vậy chúng ta hãy thờ lạy Người và hoan hỷ tung hô:

Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa đến cùng chúng con.

Hoan hô Chúa là Con vua Ðavít, là vua đến muôn đời,  - hoan hô Chúa, Ðấng chiến thắng tử thần và âm phủ.

Chúa đã lên Giêrusalem chịu khổ hình để bước vào vinh quang,  - xin giúp cho Hội Thánh Chúa, sau khi vượt qua cõi đời này, được đạt tới vinh quang bất diệt.

Chúa đã làm cho cây thập giá trở thành cây đem lại phúc trường sinh,  - xin ban sự sống đời đời cho những ai sắp được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy.

Chúa đã đến cứu độ chúng con là những kẻ tội lỗi,  - xin đưa vào Nước Chúa tất cả những ai suốt đời đã cố gắng sống niềm tin cậy mến.


Lời nguyện

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn cho Ðấng Cứu Thế mang thân phận người phàm và chịu khổ hình thập giá, để nêu gương khiêm nhường cho thiên hạ noi theo. Xin cho chúng con biết đón nhận bài học Người để lại trong cuộc thương khó, và thông phần vinh quang phục sinh với Người. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến  muôn đời.

 


 

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

Kiệu Lá:

Bài Phúc Âm: Lc 19, 28-40

"Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi trước lên Giêrusalem. Và xảy ra là khi Người đến gần Bếtphaghê và Bêtania, giáp núi gọi là núi Cây Dầu, Người sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp con lừa con cột sẵn đó chưa ai cỡi bao giờ; các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con "Tại sao các ông mở dây?", thì hãy nói thế này: "Vì Chúa cần dùng đến nó". Hai người được sai ra đi, và gặp lừa con đứng đó như Chúa đã bảo. Hai ông đang mở dây lừa con, thì chủ nó hỏi rằng: "Sao các ông mở dây lừa con?" Hai ông đáp: "Vì Chúa cần đến nó". Hai ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, trải áo lên mình lừa và đặt Chúa lên trên. Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời". Một vài người biệt phái trong đám đông nói cùng Người rằng: "Thưa Thầy, xin hãy mắng các môn đệ Ngài đi". Chúa Giêsu nói: "Tôi bảo cho các ông biết: nếu họ làm thinh, thì những viên đá sẽ la lên".

Ðó là lời Chúa.

 

 

 

Thánh Lễ:

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

"Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn".

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con? (c. 2a)

Xướng: 1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: "Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương". - Ðáp.

2) Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con. - Ðáp.

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm... Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ. - Ðáp.

4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. "Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!" - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

"Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

 

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2, 8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

 

Bài Thương Khó: Lc 22, 14 - 23. 56 (bài dài) Hoặc đọc bài vắn này: Lc 23, 1-49

"Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

 

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Luca.

Ðến giờ, Chúa Giêsu vào bàn ăn với mười hai tông đồ và bảo các ông:

J. "Thầy đã tha thiết ước ao ăn Lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ nạn. Thầy bảo các con, Thầy sẽ chẳng bao giờ ăn lễ này nữa, cho đến khi lễ này được thực hiện trong nước Thiên Chúa".

C. Rồi Người cầm chén, tạ ơn và phán:

J. "Các con hãy lãnh nhận chén này mà chia cho nhau: Thầy bảo cho các con biết: Thầy sẽ không uống thứ nho này nữa cho đến khi nước Thiên Chúa đến!"

C. Ðoạn Người cầm bánh và tạ ơn, bẻ ra và trao cho các ông mà phán:

J. "Này là Mình Ta hiến ban vì các con, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta".

C. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén mà phán:

J. "Chén này là Tân ước trong Máu Ta sẽ đổ ra vì các con. Vả lại này tay kẻ nộp Ta đang ở gần Ta, ngay trên bàn này. Ðành rằng Con Người sẽ ra đi như đã được ấn định, nhưng vô phúc cho kẻ nộp Người!" 

C. Bấy giờ các ông bắt đầu hỏi nhau xem ai trong nhóm họ là kẻ làm điều đó. Giữa các ông cũng xảy ra một cuộc tranh giành xem ai trong họ được coi là cao trọng hơn hết. Nhưng Người bảo:

J. "Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân, và những kẻ có quyền hành trên dân thì bắt dân gọi mình là ân nhân. Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và kẻ làm đầu, hãy trở thành như người hầu bàn. Vì người ngồi ăn và kẻ hầu hạ, ai trọng hơn, nào chẳng phải là người ngồi ăn ư? Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ. Còn các con, các con đã kiên trì với Thầy trong các cơn gian nan của Thầy, và Thầy xếp đặt nước trời cho các con như Cha Thầy đã xếp đặt cho Thầy, để các con sẽ được ăn uống đồng bàn trong nước Thầy, và được ngồi trên toà xét xử mười hai chi tộc Israel!"

C. Rồi Chúa nói:

J. "Simon, Simon, này ma quỷ đã đòi sàng các con như sàng gạo, nhưng Ta đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin".

C. Ông thưa Người:

S. "Lạy Thầy, con sẵn sàng theo Thầy, dù vào tù hay đi chịu chết".

C. Nhưng Người đáp:

J. "Phêrô, Thầy bảo cho con biết: hôm nay khi gà chưa gáy, con đã chối rằng không biết Thầy".

C. Và Người bảo các ông:

J. "Khi Thầy sai các con đi không mang theo túi tiền, không bị, không giày dép, nào các con có thiếu thốn sự gì không?"

C. Các ông thưa:

S. "Không thiếu gì cả".

C. Vậy Người nói:

J. "Nhưng bây giờ ai có túi tiền, hãy cầm lấy, ai có bị, cũng hãy làm như vậy, và ai không có gươm, thì hãy bán áo choàng mình mà mua lấy gươm. Vì Thầy bảo các con hay: còn điều này chép về Thầy cũng cần phải được ứng nghiệm: "Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác". Vì mọi điều đã chép về Thầy phải được hoàn tất".

C. Các ông thưa Người:

S. "Thưa Thầy, này có hai thanh gươm đây".

C. Và Người bảo:

J. "Ðủ rồi".

C. Ðoạn Người ra đi lên núi cây ôliu như thường lệ. Các môn đệ cũng đi theo Người. Ðến nơi, Người bảo các ông:

J. "Các con hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ".

C. Rồi Người đi xa các ông một quãng bằng ném một hòn đá và quỳ gối cầu nguyện rằng:

J. "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con muốn, một theo ý Cha".

C. Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện ra an ủi Người. Và lâm cơn hấp hối, Người cầu nguyện thiết tha hơn, và mồ hôi Người chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong, Người đứng dậy, trở lại chỗ các môn đệ, và thấy các ông còn đang ngủ vì buồn sầu. Người liền bảo:

J. "Các con ngủ ư? Hãy dậy và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ".

C. Người còn đang nói, thì này đây một lũ đông, và một người trong nhóm Mười Hai là Giuđa dẫn đầu. Hắn lại gần Chúa Giêsu để hôn Người. Chúa Giêsu bảo hắn:

J. "Giuđa, ngươi lấy cái hôn để nộp Con Người ư?" 

C. Thấy các sự sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi:

S. "Thưa Thầy, chúng con có nên dùng gươm mà chém không?"

C. Và một người trong các ông chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt tai phải. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo:

J. "Thôi, đủ rồi".

C. Và Người sờ vào tai người đầy tớ ấy mà chữa cho y lành lại. Rồi Chúa Giêsu bảo các kẻ đến bắt Người gồm các thượng tế, trưởng vệ binh đền thờ và kỳ lão rằng:

J. "Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp ư? Hằng ngày Ta ngồi trong đền thờ giữa các ngươi mà các ngươi không bắt Ta. Nhưng đây là giờ của các ngươi và của quyền lực tối tăm".

C. Chúng liền bắt Người và điệu tới nhà thầy thượng tế. Còn Phêrô đi theo xa xa.

Họ đốt lửa ngay giữa sân và ngồi vòng quanh, Phêrô cũng ngồi lẫn với họ. Một đứa đầy tớ gái thấy ông ngồi gần lửa, thì nhìn kỹ ông và bảo:

S. "Cả ông này cũng theo hắn".

C. Nhưng ông chối và nói:

S. "Này chị, tôi đâu quen biết người ấy".

C. Một lát sau, có người khác nhìn ông và nói:

S. "Chính ông cũng là người trong bọn đó".

C. Nhưng Phêrô đáp:

S. "Này anh, đâu có phải tôi".

C. Chừng một giờ sau, một người khác lại quả quyết rằng:

S. "Ðúng ông này cũng theo người ấy: vì ông ta cũng là người xứ Galilêa".

C. Phêrô đáp:

S. "Này anh, tôi không biết anh muốn nói gì?"

C. Khi ông còn đang nói, thì lập tức gà liền gáy. Chúa Giêsu quay lại nhìn Phêrô. Bấy giờ Phêrô mới sực nhớ lời Chúa đã bảo ông trước: Khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần. Phêrô liền ra ngoài và khóc lóc thảm thiết. 

Những kẻ canh giữ người, nhạo cười và đánh đập Người. Chúng che mặt Người, vả mặt mà hỏi Người rằng:

S. "Hãy đoán xem ai đánh ngươi đó".

C. Và chúng còn thốt ra nhiều lời khác nhục mạ Người. Vừa sáng ngày, các kỳ lão trong dân, các thượng tế và các luật sĩ hội lại và cho điệu Người ra trước công nghị mà nói:

S. "Nếu ông là Ðấng Kitô, hãy nói cho chúng tôi hay".

C. Người trả lời:

J. "Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời và cũng chẳng tha tôi. Nhưng từ giờ đây, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng".

C. Mọi người đều hỏi lại:

S. "Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?"

C. Người đáp:

J. "Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa".

C. Bấy giờ họ nói:

S. "Chúng ta còn cần chứng cớ chi nữa? Vì chính chúng ta cũng nghe y nói".

C. Ðoạn tất cả bọn họ đứng dậy và giải Người đến Philatô.

Họ bắt đầu tố cáo Người rằng:

S. "Chúng tôi đã thấy người này xúi giục dân nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua".

C. Philatô bảo các thượng tế và đám đông rằng:

S. "Ta không thấy người này có tội gì".

C. Nhưng họ cố nài rằng:

S. "Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Giuđêa, bắt đầu từ Galilêa đến đây". 

C. Philatô vừa nghe nói đến Galilêa, liền hỏi cho biết có phải đương sự là người xứ Galilêa không. Và khi đã biết Người thuộc thẩm quyền Hêrôđê, quan liền sai giải Người cho Hêrôđê cũng có mặt tại Giêrusalem trong những ngày ấy. Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu, ông ao ước thấy Người, bởi đã nghe nói về Người rất nhiều, và hy vọng xem Người làm một vài phép lạ. Nhà vua hỏi Người rất nhiều lời, nhưng Người không đáp gì hết. Trong khi ấy, các thượng tế và luật sĩ ở đó tố cáo Người dữ dội. Còn Hêrôđê cùng các quan lính thì khinh dể và nhạo báng Người, đoạn khoác cho Người một cái áo choàng trắng và gởi trả Người cho Philatô. Chính ngày đó, Hêrôđê và Philatô trở thành bạn hữu, vì trước kia họ là thù địch với nhau.

Bấy giờ Philatô triệu tập các thượng tế, các thủ lãnh và dân chúng lại, rồi bảo họ:

S. "Các ngươi đã nộp cho ta người này như một kẻ xúi giục dân làm loạn, nhưng đây ta đã tra xét trước mặt các ngươi, và ta không thấy người này phạm tội nào trong những tội các ngươi tố cáo. Cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy, vì ta đã cử các ngươi đến nhà vua và nhà vua cũng không thấy có chi đáng tội chết cả. Vậy ta sẽ cho sửa phạt, rồi tha đi".

C. Mỗi dịp lễ, quan tổng trấn phải phóng thích cho họ một người tù. Vậy toàn dân đồng thanh kêu lên:

S. "Hãy giết người này, và tha Baraba cho chúng tôi".

C. Tên này vì dấy loạn trong thành và giết người, nên đã bị tống ngục. Nhưng Philatô muốn tha Chúa Giêsu, nên lại nói với dân chúng. Nhưng chúng càng la to hơn và nói:

S. "Hãy đóng đinh nó, hãy đóng đinh nó vào thập giá!"

C. Lần thứ ba, quan lại nói với dân chúng:

S. "Người này đã làm gì xấu? Ta không thấy nơi ông ấy có lý do để lên án tử hình. Vậy ta sẽ trừng phạt, rồi tha đi".

C. Chúng lại la lớn tiếng, nhất định đòi đóng đinh Người vào thập giá, và tiếng la hét của chúng càng dữ dội hơn. Philatô liền tuyên án theo lời chúng yêu cầu. Vậy quan phóng thích tên đã bị cầm tù vì dấy loạn và giết người, là kẻ mà chúng đã xin tha, còn Chúa Giêsu thì quan trao phó để mặc ý chúng.

Khi điệu Người đi, chúng bắt một người xứ Xyrênê, tên Simon, ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác thập giá theo sau Chúa Giêsu.  

Ðám đông dân chúng theo Người, có cả mấy người phụ nữ khóc thương Người. Nhưng Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại bảo họ rằng:

J. "Hỡi con gái Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, hãy khóc thương chính các ngươi và con cái các ngươi. Vì này, sắp đến ngày người ta sẽ than rằng: "Phúc cho người son sẻ, phúc cho những lòng không sinh nở và những vú không nuôi con". Bấy giờ người ta sẽ lên tiếng với núi non rằng: "Hãy đổ xuống đè chúng tôi", và nói với các gò nổng rằng: "Hãy che lấp chúng tôi đi". Vì nếu cây tươi còn bị xử như vậy, thì gỗ khô sẽ ra sao?"

C. Cùng với Người, chúng còn điệu hai tên gian ác nữa đi xử tử. Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu và một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng:

J. "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". 

C. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Dân chúng đứng đó nhìn xem, và các thủ lãnh thì cười nhạo Người mà rằng:

S. "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Ðấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn".

C. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói:

S. "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi".

C. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "Người này là vua dân Do-thái". Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng:

S. "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa".

C. Ðối lại, tên kia mắng nó rằng:

S. "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao. Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn Ông này, Ông có làm gì xấu đâu?"

C. Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng:

S. "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".

C. Chúa Giêsu đáp:

J. "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

C. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa. Lúc đó Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

J. "Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha".

C. Nói đoạn, Người trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Thấy sự việc xảy ra, viên sĩ quan ca tụng Thiên Chúa rằng:

S. "Ông này quả thật là người công chính".

C. Và tất cả dân chúng có mặt thấy cảnh tượng đó, và chứng kiến những sự việc xảy ra, liền đấm ngực trở về. 

Ðứng xa xa, có những kẻ quen biết Người, và mấy phụ nữ đi theo Người từ xứ Galilêa, họ cũng chứng kiến. Tuy nhiên, có một công nghị viên tên là Giuse, người tốt lành và công chính. Ông này đã không đồng ý với mưu toan và hành động của các công nghị viên khác, ông quê ở thành Arimathia trong xứ Giuđêa, chính ông cũng trông đợi nước Chúa. Ông đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Ðoạn ông hạ xác Người xuống, liệm trong khăn và táng trong mồ đã đục sẵn, nơi chưa táng xác ai. Hôm đó là ngày chuẩn bị và sắp bước sang ngày Sabbat. Trong khi đó, những người phụ nữ đã đi với Người từ xứ Galilêa, cũng theo đến xem mồ và xác Người được táng như thế nào. Rồi các bà về sửa soạn thuốc thơm và dầu thơm. Nhưng trong ngày Sabbat, các bà nghỉ theo đúng luật.