SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

"Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu chúng ta trước" 

 

(1Gioan 4:16-19) 

 

(16) Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. (17) Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Ðức Giêsu thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này. (18) Trong tình yêu không có sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo. (19) Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.

 

 

"Thiên Chúa là tình yêu"

 

"Thiên Chúa là tình yêu". Đó là câu định nghĩa về Thiên Chúa, một câu định nghĩa ở trong Thánh Kinh, nơi Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan Tông Đồ đoạn 4 câu 8 và 16. 

 

Câu định nghĩa là này một câu định nghĩa rất chí lý, chính xác và hoàn toàn chân thực về vị "Thiên Chúa là Thần Linh" (Gioan 4:24), "vị Thiên Chúa vô hình" (Colose 1:15), bởi những lý do sau đây. 

 

Trước hết, bởi nó xuất phát từ trong Thánh Kinh là mạc khải thần linh không bao giờ sai lầm, tức nó được linh ứng bởi Thánh Linh là "Thần Chân Lý" (Gioan 15:26, 16:13). 

 

Sau nữa, bởi nó là cảm nghiệm thần linh của một "người môn đệ được Chúa Giêsu yêu" (Gioan 13:23; 19:26; 21:7), người môn đệ được diễm phúc ngả vào ngực của Thày mình (xem Gioan 13:25), và là người môn đệ viết cuốn Phúc Âm yêu thương liên quan đến Ba Ngôi Thiên Chúa bao gồm cả Cha, Con và Thánh Thần, đến giới răn mới, đến mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, đến sự hiệp nhất nên một v.v.

 

Sau hết, bởi nó phản ảnh trung thực bản tính của một vị Thiên Chúa là Đấng Tối Cao không phải chỉ ở chỗ toàn năng và thượng trí mà còn là và nhất là toàn thiện. Bởi không toàn thiện thì vị Thiên Chúa toàn năng sẽ chỉ là một ác chúa, động một tí là trừng phạt và hủy diệt, và vị Thiên Chúa thượng trí sẽ chỉ là một vị Thiên Chúa duy công lý không biết xót thương. 

 

Đúng thế, "Thiên Chúa là tình yêu" chính là vị Thiên Chúa toàn thiện, ở chỗ, về nội tại, là chính thực tại hiệp thông thần linh trong mối liên hệ Ba Ngôi Thiên Chúa, và về ngoại tại, là một "Tình Yêu" ban tặng một cách nhưng không, một cách thủy chung, một cách thân mật và một cách tận tuyệt. 

 

"Thiên Chúa là tình yêu": Liên hệ  

 

Nói đến tình yêu là nói đến những gì có liên hệ với nhau. Liên hệ ruột thịt, liên hệ vợ chồng, liên hệ huynh đệ, liên hệ phụ tử, liên hệ mẫu tử, liên hệ thân thuộc, liên hệ thân hữu, liên hệ xã hội, liên hệ tôn giáo, liên hệ văn hóa, liên hệ dân tộc, liên hệ đồng loại v.v.  

 

Vì có liên hệ với nhau một cách nào đó nên mới yêu thương nhau, hay dễ yêu thương nhau và gắn bó với nhau. Tâm lý tự nhiên đã chứng tỏ điều ấy. Bình thường ở giữa một đám đông toàn là người lạ mặt, chúng ta sẽ cảm thấy rất mừng rỡ và an toàn hơn khi gặp được một người đồng hương, hay cho dù lạ mặt nhưng chúng ta cảm thấy tâm đắc.

 

Theo mạc khải thần linh, nhất là trong Thánh Kinh Cựu Ước, qua Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, Thiên Chúa luôn tỏ mình ra là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không có một chúa tể nào khác. Và một trong những đường lối tỏ mình ra là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của Dân Do Thái, Thiên Chúa thường trừng phạt họ khi họ bỏ Ngài mà đi tôn thờ tà thần, ngẫu tượng. 

 

Nhưng chính việc trừng phạt của Ngài cũng cho thấy "Thiên Chúa là tình yêu", và vì "là tình yêu" nên Ngài tỏ ra "ghen tương" (Nahum 1:2) khi thành phần dân tuyển chọn của Ngài, được Ngài yêu thương, chở che, bênh vực và cứu độ trắng trợn chối bỏ Ngài, phản bội Ngài mà đi ngoại tình với tà thần ngẫu tượng của họ trước nhan Ngài. 

 

Tuy nhiên, chỉ ở trong Thánh Kinh Tân Ước, mạc khải thần linh, nhất là qua Chúa Giêsu Kitô, nơi Phúc Âm Thánh ký Gioan, mới tỏ tường minh nhiên cho thấy vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này có 3 Ngôi, cho dù thực tại thần linh về 3 Ngôi Thiên Chúa này, một phần nào đó đã được kín đáo mạc khải từ trong Cựu Ước, như nơi 2 biến cố tiêu biểu là biến cố tạo dựng (xem Sách Khởi Nguyên 1:2,3 - gió biểu hiệu cho Thánh Linh, nước biểu hiệu cho Ngôi Lời, tiếng phán tạo dựng từ Chúa Cha), và biến cố xẩy ra hiện tượng bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2,6 - bụi gai biểu hiện Ngôi Lời nhập thể tử giá, lửa cháy biểu hiệu cho Thánh Linh và lời phán ra từ bụi gai của Thiên Chúa Ngôi Cha).

 

Tuy Ba Ngôi Thiên Chúa được mạc khải thần linh cho thấy rõ nhất bằng văn từ ở Phúc Âm Thánh ký Mathêu, nơi câu Chúa Giêsu phán: "Và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mathêu 28:19), hay khá rõ qua biểu hiệu ở biến cố Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa (xem Mathêu 3:16-17) và biến hình trên núi (xem Mathêu 17:5), nhưng chỉ có ở trong Phúc Âm của vị thánh ký định nghĩa "Thiên Chúa là tình yêu" chúng ta mới thấy được mối liên hệ thần linh giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, cho dù rất huyền nhiệm, tiêu biểu nhất là các câu Phúc Âm sau đây:

 

"Thần Chân Lý là Đấng từ Cha mà đến cũng là Đấng chính Thày sẽ từ Cha sai đến sẽ làm chứng về Thày" (15:26)... "Ngài sẽ tôn vinh Thày vì Ngài sẽ lãnh nhận từ Thày những gì Ngài sẽ truyền đạt cho các con. Tất cả những gì Cha có đều thuộc về Thày. Đó là lý do Thày nói Ngài sẽ truyền đạt cho các con những gì Ngài sẽ lãnh nhận từ Thày" (16:14-15).

 

"Thiên Chúa là tình yêu": Hiệp thông 

 

Không thể chối cãi về một thực tại tình yêu lại phi liên hệ, nhưng không phải liên hệ nào cũng xuất phát từ tình yêu, thể hiện tình yêu hay phản ảnh tình yêu. Chẳng hạn những thứ liên hệ xác thịt ngoại hôn, liên hệ hôn nhân đồng tính, liên hệ dâm ô ngoại tình v.v.

 

Tự mình, nếu tình yêu là một thực tại bất khả thiếu liên hệ, thậm chí còn là chính liên hệ, thì tình yêu là một liên hệ tay đôi hay liên hệ song phương, giữa chủ thể yêu (thường được gọi là người yêu) và đối tượng yêu (thường được gọi là người tình). Và nếu không phải liên hệ nào cũng xuất phát từ tình yêu, thể hiện tình yêu hay phản ảnh tình yêu, thì tình yêu đích thực phải là hiệp thông, hiệp thông hữu thể, giữa chủ thể yêu và đối tượng yêu, tức hiệp thông sự sống. Như thế, yêu chính là hiệp thông sự sống, bằng không, không phải là yêu, một khi chủ thể yêu và đối tượng yêu hoàn toàn tách biệt nhau, kỵ ứng nhau, đối chọi nhau, loại trừ nhau, sát hại nhau, không bao giờ hiệp nhất nên một.

 

Nơi Thiên Chúa cũng thế, tình yêu thực sự là thực tại hiệp thông sự sống nơi Thiên Chúa, là chính Thánh Linh, Đấng được Giáo Hội Công Giáo tuyên xưng: "Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra". Thánh Linh chính là thực tại hiệp thông sự sống Cha Con. Trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội Chính Thống Giáo Thánh Linh chỉ "bởi Đức Chua Cha mà ra" chứ không bởi cả "Đức Chúa Con" nữa. 

 

Tuy nhiên, theo đức tin của Giáo Hội Công Giáo về Thánh Linh là Đấng "bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra", và nếu Thánh Linh "thấu suốt những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa" (1Corinto 2:10), thì Thánh Linh cũng chính là Ý Thức Thần Linh nội tại Cha Con: Cha nhận biết Con và Con nhận biết Cha, ở chỗ vì Cha nhận biết Mình nơi Con Ngài và Ý Nghĩ của Cha về Mình chính là Con của Ngài mà "Con là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Do Thái 1:3), một Thực Tại Thần Linh cho thấy "Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" (Gioan 17:21), một Thực Tại Thần Linh đã được Lời Nhập Thể Con Cha là Chúa Giêsu Kitô minh nhiên xác nhận và khẳng định một cách "hân hoan trong Thánh Linh" (Luca 10:21) rằng: "Không ai biết Con ngoài Cha và không ai biết Cha ngoài Con và những ai được Con tỏ cho biết" (Luca 10:22 và Mathêu 11:27).

 

Thánh Kinh Tân Ước nói chung đã cho thấy tất cả sự thật về Thực Tại Thần Linh: Thiên Chúa thực sự là Thiên Chúa chân thật duy nhất đúng như Thánh Kinh Cựu Ước đã ghi nhận theo mạc khải thần linh được tỏ ra qua Lịch Sử Cứu độ của Dân Do Thái, nhưng đồng thời Ngài cũng là vị Thiên Chúa chân thật duy nhất có 3 Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần, tuy mỗi Ngôi là một Ngôi Vị khác nhau về vai trò của mình, nhưng đồng bản thể thần linh như nhau: Ngôi Con là "Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha", và Thánh Thần là Ngôi Ba "bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra", tức là một Ngôi Vị Thần Linh được nhiệm xuất (proceed) trực tiếp từ Ngôi Cha và Ngôi Con (xem Gioan 15:26 và16:14-15), chứ "không phải được tạo thành". 

 

Tuy nhiên, Ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất chứ không phải là 3 Thiên Chúa, vì 3 Ngôi đồng bản thể. Thật vậy, nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) thì Ngôi Con là "ánh sáng bởi ánh sáng" vì Con được sinh ra chứ không phải được tạo thành, và Thánh Linh là Ngôi Vị Thần Linh nhiệm xuất từ Cha "là ánh sáng" và từ Con là "ánh sáng bởi ánh sáng" nên cũng nhiệm xuất "bởi ánh sáng" Cha Con. Theo tự nhiên, đã là ánh sáng thì phải chiếu soi, bằng không, không phải là ánh sáng, và đã là ánh sáng đích thực thì phải xua tan tăm tối tiêu biểu cho sự chết, tức ánh sáng chiếu soi đó phải chất chứa nhiệt lực mang lại sự sống nữa. 

 

Bởi vậy, nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" thì không thể nào không chiếu soi, không tỏ mình ra, bởi thế "Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), là "ánh sáng chiếu trong tăm tối... ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Gioan 1:5,9), là "Đấng đã tỏ Cha ra" (Gioan 1:18). Và chính vì "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) mà nhờ Lời Nhập Thể bóng tối chết chóc trên thế gian đã bị xua tan nơi "những ai ngồi trong tăm tối và bóng tối chết chóc" (Luca 1:79), trái lại, "họ sẽ được ánh sáng sự sống - the light of life" (Gioan 8:12). 

 

"Ánh sáng sự sống" xuất phát từ Chúa Giêsu Kitô này, được chiếu tỏa qua bản thân, lời nói và việc làm của Người, chính là Thánh Linh là Đấng đã được Người thông ban cho chung Giáo Hội trước hết nơi các tông đồ sau khi Người từ trong cõi chết sống lại: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22), thậm chí làm cho hai môn đệ trên đường về Emmau đang hoang mang dường như chán chường thất vọng cảm thấy "lòng mình được bừng nóng lên" (Luca 24:32), nhất là sau khi về trời Người sai Thánh Thần hiện xuống trên các vị "như hình lưỡi lửa" (Tông Vụ 2:3), một thứ lửa sự sống thần linh Người đã muốn làm bừng lên trên thế gian này (xem Luca 12:49).

  

"Thiên Chúa là tình yêu": Ban tặng

 

Nếu "Thiên Chúa là ánh sáng" không thể không chiếu soi mà còn là ánh sáng thế nào thì "Thiên Chúa là tình yêu" không thể nào không yêu thương mà còn là Thiên Chúa như vậy. Và chính vì "Thiên Chúa là tình yêu" mà Ngài đã yêu thương nơi Con của Ngài: "Thiên Chúa đã tỏ tình của Ngài nơi chúng ta là ở chỗ Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để nhờ Người chúng ta được sự sống" (1Gioan 9), và Con của vị "Thiên Chúa của tình yêu" đã bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa ở chỗ "Cha Thày yêu Thày thế nào Thày cũng yêu các con như vậy" (Gioan 15:9).

 

Nếu "Thiên Chúa đã tỏ tình của Ngài nơi chúng ta là ở chỗ Ngài đã sai Con Một của Ngài đến thế gian để nhờ Người chúng ta được sự sống" (1Gioan 9), thì "sự sống" đây liên quan đến Thánh Thần của Ngài, Đấng được Ngài ban cho thế gian qua Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể và Vượt Qua. Như thế, khi yêu thương con người là tạo vật của mình, vị "Thiên Chúa là tình yêu" đã ban tặng cho loài người tạo vật chẳng những chính Bản Thân Ngài là Con Một Ngài nơi Chúa Giêsu Kitô mà còn ban cho loài người cả Thánh Thần của Ngài để nhờ đó "họ được nên một như Chúng Ta là một" (Gioan 17:22).

 

Nếu Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự như Ngài với mục đích duy nhất là để con người tạo vật tự bản chất vô cùng thấp hèn và bất toàn trước nhan Ngài có thể được hiệp thông thần linh với Ngài là nguyên thủy và là cùng đích của họ, thì Ngài phải ban cho họ cả Con Một của Ngài và Thánh Thần của Ngài. Bởi vì, muốn hiệp thông thần linh với vị "Thiên Chúa là tình yêu", con người cần phải nhận biết Ngài, Đấng đã tỏ tất cả bản thân của Ngài ra nơi Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9).

 

Nhưng để có thể chấp nhận Con của Ngài, loài người phàm nhân hạn hẹp vốn thiển cận lại đầy những mù tối cần phải được Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho nữa: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con ngợi khen Cha vì những gì Cha đã giấu thành phần thông thái và khôn ngoan thì Cha lại tỏ ra cho những con trẻ bé mọn nhất biết" (Mathêu 11:25), và Thánh Thần là Đấng chỉ được Ngài ban cho con người một cách trọn vẹn nhất nơi Chúa Giêsu Kitô, "Đấng làm phép rửa bằng Thánh Linh" (Gioan 1:33), ở chỗ: "Các con sẽ được rửa bằng Thánh Linh... Các con sẽ lãnh nhận quyền lực khi Thánh Thần xuống trên các con" (Tông Vụ 1:5,8), vì "Thày sẽ sai xuống trên các con lời hứa của Cha. Các con hãy ở lại trong thành này cho tới khi các con được mặc lấy quyền lực từ trên cao" (Luca 24:49). 

 

"Thiên Chúa là tình yêu": Nhưng không

 

Đối với loài người, "Thiên Chúa là tình yêu" tỏ tình với họ không phải chỉ ở chỗ ban tặng những gì quí nhất của mình là chính Bản Thân Mình nơi Con của Ngài và Sự Sống Mình nơi Thánh Thần của Ngài, mà còn ở chỗ nhưng không nữa. Bởi vì loài người tạo vật là gì để đáng được Ngài yêu. Họ hoàn toàn bất xứng và tự mình chẳng có một giá trị gì trước nhan của Ngài. 

 

Trước khi được tạo dựng nên, loại người tạo vật chỉ là hư không, tuyệt đối chẳng biết gì, chẳng biết Đấng tự hữu, hằng hữu và toàn hữu là Đấng sẽ dựng nên họ, chẳng biết mình, và lý do họ được tạo dựng nên, động lực khiến họ được từ hư không mà có, mà hiện hữu trên trần gian này trong thời gian, nhất là được hiện hữu trong thân phận là con người, mang hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự như Ngài, hơn là thân phận đất đá, cây cỏ hay thú vật, là vì chính "Thiên Chúa là tình yêu", Đấng toàn mãn đã tự động muốn ban phát, một cách nhưng không.

 

Chính vì không phải "là tình yêu" như Thiên Chúa, tức tình yêu không phải là bản tính tự nhiên của mình như nơi Thiên Chúa, mà loài người tạo vật chỉ có tình yêu, được biểu hiệu nơi hình ảnh của con tim, nhờ đó họ có khả năng yêu, họ có thể yêu, một khi cảm nhận được tình yêu hay được tác động bởi tình yêu, đúng như "người tông đồ được Chúa Giêsu yêu" cảm nhận và xác tín: "Tình yêu là ở chỗ không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa mà là Ngài đã yêu thương chúng ta" (1Gioan 4:10), bởi thế: "về phần mình, chúng ta hãy yêu mến vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước" (1Gioan 4:19). 

 

Tuy được Thiên Chúa yêu nhưng không như vậy, yêu đến ban tặng tất cả Bản Thân Mình và Sự Sống Mình của Ngài cho như thế, nhờ đó con người cảm nghiệm được tình yêu vô đối của Ngài, nhờ đó con người mới có thể yêu thương, nhưng thực tế cho thấy tình yêu của con người vẫn có khuynh hướng vị kỷ, khi đáp ứng tình yêu vô cùng toàn hảo của Thiên Chúa cũng như (đúng hơn nhất là) khi yêu thương tha nhân, nên họ tự mình sẽ không thể nào và không bao giờ có thể đạt tới "đức ái trọn hảo - perfectae caritatis" - "yêu nhau như Thày đã yêu thương các con" (Gioan 13:34,15:12)... cho đến khi được vị "Thiên Chúa là tình yêu" hoàn toàn chiếm đoạt, làm chủ và điều khiển, đến độ: "Sự sống tôi đang sống đây không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20).

 

"Thiên Chúa là tình yêu": Thủy chung

 

Vị "Thiên Chúa là tình yêu" tỏ mình ra chẳng những ở chỗ ban tặng Bản Thân Mình và Sự Sống Mình cho loại tạo vật nhân loại vô cùng hèn hạ và bất xứng một cách nhưng không, mà còn một cách thủy chung nữa, tức Ngài đã yêu thương loài người yếu đuối từ đầu (thủy) cho đến cuối (chung), bất chấp tất cả mọi lỗi lầm lớn nhỏ, vô tình hay cố tình của họ, bất chấp tất cả mọi thứ chống đối và phản bội của họ, như được tỏ tường thấy trong Lịch Sử Cứu Độ của dân Do Thái.

 

Đúng thế, vì là nguồn gốc của con người, Đấng Tự Hữu cũng là Đấng Hóa Công tạo dựng nên con người mà Thiên Chúa bao giờ cũng luôn luôn và liên lỉ hiện diện trong lịch sử của thế giới cũng như trong cuộc đời của từng người, Ngài hằng có mặt trước con người và đi trước con người trong tất cả mọi sự, kể cả trước khi họ có hữu thể, có sự sống, có nhận thức, có khả năng hoạt động và có thể đáp ứng.

 

Trong Cựu Ước, qua hiện tượng thần hiển (theophany) ở bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, Thiên Chúa đã mạc khải cho Moisen, nhân vật được Ngài tuyển chọn để giải phóng dân Ngài khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập, tên thật của Ngài "là hiện hữu" hay "là có" (Xuất Hành 3:14), với biệt chú thêm: "Chúa là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp đã sai tôi đến với các người" (Xuất Hành 3:15), một danh xưng (name) và danh hiệu (title) được Ngài khẳng định như thế này: "Đó là danh hiệu muôn đời của Ta, đó là biệt hiệu của Ta cho muôn thế hệ" (Xuất Hành 3:15).

 

Qua tên thật kèm theo danh xưng hay danh hiệu này của Thiên Chúa, vị "Thiên Chúa là tình yêu" đã mạc khải cho thấy tình yêu thủy chung của Ngài. Ngay từ ban đầu Ngài đã yêu thương, vì nếu Ngài "là hiện hữu" mà Ngài lại "là tình yêu" nên Ngài hiện hữu tức là Ngài yêu thương. Và vì Ngài "là hiện hữu", không thôi hiện hữu, nên Ngài không bao giờ thôi yêu thương, liên lỉ yêu thương, lúc nào cũng yêu thương, yêu thương từ đầu đến cuối, yêu thương cho đến cùng. 

 

Đó là lý do Ngài còn có danh xưng và danh hiệu: "Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp đã sai tôi đến với các người", một danh hiệu cho thấy cho dù con người có qua đi 3 đời, thì Ngài vẫn tồn tại, vẫn yêu thương, "vẫn nhớ đến lòng thương xót của Ngài, như Ngài đã phán hứa với các tổ phụ của chúng ta, cho Abraham và giòng dõi của ông đến muôn đời" (Luca 1:54-55), để hoàn tất giao ước được chính Ngài đã tự động thề hứa với Abraham là ban cho giòng dõi của ông mảnh Đất Hứa, bằng cách, sau 400 năm ở Ai Cập, dân của Ngài được Ngài, qua trung gian Moisen, giải phóng mà mang về Đất Hứa (xem Khởi Nguyên 15:7,13-14,18). 

 

Thế nhưng, lời hứa trên hết của vị "Thiên Chúa là tình yêu" đã trung thành cho đến cùng đó là lời Ngài hứa ban cho chung nhân loại một Đấng Cứu Thế, như Ngài đã hứa rõ ràng với nhị vị nguyên tổ Adong và Evà (xem Khởi Nguyên 3:15), một Vị Thiên Sai xuất thân từ giòng dõi Do Thái, như Ngài đã kín đáo hứa với tổ phụ Abraham về giòng dõi nhiều như sao trời cát biển mà nhờ họ tất cả mọi dân tộc được chúc phúc (xem Khởi Nguyên 22:17-18), một lời hứa đã được lập lại với Vua Đavít (xem 2Samuel 7:12-16), một lời hứa đã được thật sự và trọn vẹn hoàn tất "khi đến thời điểm viên trọn thì Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, hạ sinh bởi một người nữ, hạ sinh theo lề luật... " (Galata 4:4).

 

"Thiên Chúa là tình yêu": Thân mật

 

Nói đến tình yêu không thể nào không nói đến tính chất thân mật bất khả thiếu của nó nữa, một thứ thân mật là cốt lõi của các thứ liên hệ và mức độ liên hệ. Chỉ có thân mật với nhau mới tâm sự với nhau, mới tỏ cho nhau nghe những thâm cung bí sử của lòng mình, của đời mình. Và tính chất thân mật tối thiểu đòi hai người yêu nhau phải coi nhau như bạn hữu, ngang hàng với nhau, gần gũi nhau, ở bên nhau, chung vai sát cánh với nhau lúc vui cũng như lúc buồn, lúc gian nan khốn khó cũng như lúc an vui may lành v.v.

 

Chính vì thế mà "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) đã "hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), nơi mầu nhiệm nhập thể và giáng sinh của Đức Giêsu Kitô Con của Ngài. "Thiên Chúa là tình yêu" ở với chúng ta nơi Con của mình không phải để thông cảm với loài người tạo vật chúng ta hơn. Vì là Thiên Chúa thông biết mọi sự Ngài đã quá biết tạo vật của Ngài ra sao rồi. Ngài ở với loài người tạo vật chúng ta chính yếu là để tỏ tình với chúng ta, để yêu loài người chúng ta bằng chính con tim của/như chúng ta, nhờ đó nhân tính vô cùng thấp hèn chúng ta được thần linh hóa và có thể yêu Ngài như Ngài là và đáng yêu. 

 

Trong bản tính loài người của loài người chúng ta, Vị "Thiên Chúa là tình yêu" thật sự đã tỏ tình yêu thương chúng ta theo cách thức loài người của chúng ta và ở tầm mức khả chấp của loài người chúng ta. Đến độ, nếu không ai yêu bạn hữu mình bằng người thí mạng sống mình vì bạn hữu (xem Gioan 15:13) thì Ngài cũng đã chứng tỏ tình Ngài yêu thương nhân loại nơi cái chết tử giá Con của Ngài, Đấng Ngài đã không dung tha vì tất cả chúng ta (xem Roma 8:32).

 

Tính chất thân mật của Vị "Thiên Chúa là tình yêu" không phải chỉ ở chỗ ở với chung loài người nơi Lời nhập thể giáng sinh, cũng như ở chỗ hiến mạng sống mình để cứu chuộc toàn thể nhân loại, mà còn ở chỗ tìm cách đến với từng người bằng Thánh Thể Con của Ngài, chẳng những ở trong linh hồn của họ bằng Thánh Sủng mà còn ở cả trong thân xác vô cùng hèn hạ của họ bằng Thánh Thể Chúa Kitô nữa, một thân xác sẽ được sống lại như thân xác vinh hiển của Con Ngài. 

 

Tính chất thân mật của Vị "Thiên Chúa là thần linh" chính yếu còn ở chỗ "tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta qua Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta" (Roma 5:5). Và nhờ Thánh Thần là Đấng thấu suốt mọi sự kể cả thâm cung của Thiên Chúa (xem 1Corinto 2:10) mà con người Kitô hữu mới có thể hiệp nhất nên một với Chúa Kitô như chi thể hiệp nhất với đầu, và nhờ đó mới có thể "yêu thương nhau như Thày đã thương yêu các con" (Gioan 13:34;15:12), nhất là nhờ đó mới "hiệp nhất nên một trong chúng ta... như Chúng ta là một" (Gioan 17:21-22).

 

"Thiên Chúa là tình yêu": Tận tuyệt

 

Vị "Thiên Chúa là Tình Yêu" chẳng những "yêu trước", yêu nhưng không, mà còn yêu cho đến cùng nữa, yêu đến độ, về chính chủ thể yêu là Ngài thì Ngài không thể nào yêu hơn được nữa, và về đối tượng yêu thì Ngài yêu tất cả mọi người không phân biệt ai, và yêu từng người, bất chấp họ ra sao, bất chấp họ bất xứng, bất chấp họ bất trung, miễn là họ đừng bao giờ chối bỏ Ngài.

 

"Thiên Chúa là tình yêu", qua Con của mình, đã không yêu thương con người đến tận tuyệt hay sao, khi Con của Ngài đã tự hiến mạng sống mình cho họ. 

 

Ngài cũng đã không yêu họ đến tận tuyệt hay sao khi Ngài, qua Con của Ngài, đã đi tìm kiếm từng con chiên lạc trong họ, cho dù là con chiên lạc duy nhất, con chiên thứ 100, điển hiển nhất là trường hợp của người tông đồ Giuđa Íchca, khi Con của Ngài quì xuống rửa chân cho người môn đệ đã chủ tâm mưu toan phản nộp Người. 

 

Ngài đã không yêu thương con người đến tận tuyệt hay sao, qua lời van xin của Con Ngài, xin Ngài tha cho những kẻ hành hình Con Ngài vì họ lầm không biết việc họ làm, cho dù họ cố tình cương quyết sát hại Con của Ngài cho bằng được. 

 

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước"

 

 

Chính vì "Thiên Chúa là tình yêu", Đấng đã yêu thương tạo vật của Ngài một cách nhưng không, đã tự động ban tặng bản thân mình cho tạo vật, mà Ngài quả thực là Đấng đã yêu thương chúng ta trước, được tỏ hiện ở việc quan phòng thần linh của Ngài, ở chính lương tâm Ngài cài đặt nơi thâm cung của mỗi người, ở các hiện sủng tác động của Ngài, ở ơn an ủi thu hút mời gọi của Ngài, và thậm chí ở chính đau khổ thử thách của Ngài, cần tạo vật nói chung và các tâm hồn ưu tuyển của Ngài nói riêng nhận biết, chấp nhận và đáp ứng, cho đến độ để Ngài được tự do yêu thương, chiếm đoạt, làm chủ và hoạt động. 

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước" - Quan phòng thần linh.

 

Việc quan phòng thần linh của Thiên Chúa là một trong những bằng cớ và dấu hiệu cho thấy "Thiên Chúa là tình yêu ... đã yêu chúng ta trước". Có nhiều khi và hầu như bao giờ cũng thế, bị gò bó hạn hẹp trong không gian và thời gian, loài người chúng ta chỉ biết giây phút hiện tại, nhất là khi gặp gian nan khốn khó hay xui xẻo bất hạnh cách nào, để tìm cách thoát nạn hay chữa trị v.v. 

 

Thế nhưng, kinh nghiệm sống đạo cho thấy, sau khi trải qua một biến cố nào đó, nhìn lại, chúng ta mới thấy được bàn tay quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan và toàn năng của Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta trước, biết chúng ta hơn chúng ta biết mình, lo cho chúng ta hơn chúng ta lo cho mình, đã thực hiện những gì thiện hảo nhất cho chúng ta, ngoài lòng mong ước của chúng ta, cho dù có bắt chúng ta chịu khổ ngoài ý muốn của chúng ta và bị chúng ta oan uổng oán hận trách móc!

 

"Chúng ta biết rằng Thiên Chúa thực hiện mọi sự cho thiện ích của những ai Ngài định liệu. Những ai Ngài biết trước thì Ngài cũng tiền ịịnh cho chia sẻ hình ảnh Con của Ngài... Những ai Ngài tiền ịịnh thì Ngài cũng kêu gọi, những ai Ngài kêu gọi thì Ngài công chính hóa; và những ai Ngài công chính hóa thì Ngài ban vinh quang" (Rôma 8:28-30). Việc quan phòng thần linh của Vị "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu thương chúng ta trước" được thể hiện qua nhiều hình thức hay phương cách như nhắc nhở lương tâm, tác động hiện sủng, mời gọi ân sủng và đau khổ thử thách v.v.

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước" - Lương tâm nhắc nhở

 

Bắng cớ và dấu chứng cho thấy "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu chúng ta trước" là ở ngay lương tâm của mỗi người chúng ta. Lương tâm không phải là một tài năng hay khả năng thuộc về con người và làm nên con người như trí khôn và lòng muốn. Lương tâm là bộ phận thần linh được Thiên Chúa cài đặt nơi con người để hướng dẫn con người ăn ngay ở lành xứng với thân phận và ơn gọi làm người của họ.

Trong cơ cấu tổ chức của dân Chúa trong Cựu Ước thường có 3 vai trò bất khả thiếu, đó là vương đế, tư tế và tiên tri. Nếu vương đế là vai trò lãnh đạo dân sự của quốc gia thì nơi từng người vai trò cai trị này thuộc về ý chí con người. Nếu tư tế là vai trò liên quan đến việc tôn thờ thần linh thì nơi từng người vai trò tư tế này có thể áp dụng cho lòng mến hay tình yêu nơi con người. Và nếu tiên tri là vai trò chuyển đạt ý định thần linh hay nhắc nhở ý định thần linh cho dân chúng thì vai trò tiên tri này chính là vai trò của lương tâm nơi con người vậy.

 

Đúng thế, ngay khi con người có ý định làm một điều gì đó, nhất là việc dữ, lương tâm là ánh mắt thần linh, như vệ tinh tinh thông, đã biết ngay ý định của họ và lên tiếng ngay, ngăn cản họ đừng làm. Ngược lại, khi con người đang ngần ngại làm một việc lành cần làm, họ cũng nghe thấy tiếng lương tâm thúc giục họ làm. Lương tâm là nguồn mạch gây ra những chấn động nơi con người, khiến họ cảm thấy động lòng và từ đó họ dấn thân thực hiện việc bác ái cứu trợ, hay ngược lại, khiến họ áy náy bất an bởi đã không làm lành lánh dữ.

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước" - Hiện sủng tác động

 

Hiện sủng cũng là bằng cớ và dấu chứng cho thấy Vị "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu chúng ta trước". Bởi vì, chúng ta không biết được Thánh ý vô cùng sâu nhiệm của Thiên Chúa, không biết Ngài muốn chúng ta làm gì, nên chúng ta thường cầu xin cho được biết đâu là Thánh Ý Chúa mà làm theo. Bởi thế, đáp lời cầu xin của chúng ta, Chúa có thể ban ơn soi sáng cho chúng ta một cách nào đó, qua vị linh hướng hay qua biến cố bất ngờ xẩy ra v.v. 

 

Có những lúc Chúa tự động tỏ cho chúng ta biết ý Ngài muốn nơi chúng ta, chẳng hạn gợi lên trong chúng ta một ước muốn lành thánh nào đó, hay gặp một hoàn cảnh nào đó chúng ta nẩy sinh một ý nghĩa dấn thân phục vụ nào đó v.v. Chẳng hạn ở những trường hợp khác nhau của các thánh lập dòng trong lịch sử của Giáo Hội tư trước đến nay. Hay nơi trường hợp của những ai được Ngài gọi theo Chúa Kitô Con Ngài sống đời trọn lành hơn bằng ba lời khấn tu trì, hoặc nơi trường hợp của những ai được kêu gọi làm linh mục triều v.v.

 

Tất cả những gì xẩy ra trong đời sống Kitô hữu đều có thể là những dấu chỉ thời đại được Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta, là hiện sủng của Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta biết Ngài muốn gì nơi chúng ta, hay tác động trong chúng ta để thúc đẩy chúng ta làm một điều gì đó của Ngài cho thiện ích của cộng đồng dân Chúa của Ngài. Chỉ có những ai luôn lắng nghe tiếng Chúa, gắn bó với Ngài, như Mẹ Maria luôn lưu giữ và suy niệm trong lòng những gì xẩy ra cho Mẹ (xem Luca 2:19,51) mới nhạy cảm thấy "gió muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8) và dễ dàng cùng mau mắn chiều theo (đáp ứng) tác động thần linh.

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước" - Ân sủng mời gọi

 

Vị "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu chúng ta trước" còn ở chỗ mời gọi chúng ta, quyến rũ chúng ta, hấp dẫn chúng ta nữa. Trường hợp này thường xẩy ra nơi những tâm hồn mới đi đường nhân đức trọn lành, mới được Chúa gọi theo Chúa trong đời sống tu trì chẳng hạn. Bấy giờ, họ được rất nhiều ơn an ủi tâm hồn và ơn soi sáng trí khôn. Họ cảm thấy gần Chúa hơn bao giờ hết, đến độ chẳng còn thiết gì trên thế gian này nữa, dễ dàng hy sinh từ bỏ và hãm mình khổ chế, thậm chí có tử đạo cũng sẵn lòng.

 

Thế nhưng, ơn an ủi ban đầu ấy chẳng khác gì như sữa ngọt để nuôi những tâm hồn còn bé mọn mỏng dòn trên đường nhân đức, chưa ăn được đồ cứng của người lớn (xem 1Corinto 3:2). Tất nhiên, cho đến giai đoạn bị cai sữa, vì tâm hồn đã nhờ sữa mà được tăng trưởng để có thể dùng đồ cứng là những lương thực xứng hợp hơn cho việc tăng trưởng theo tầm vóc của mình, họ bắt đầu cảm thấy khô khan nguội lạnh, chán ngán đời sống thiêng liêng đạo đức, chẳng còn hứng thú gì nữa, chỉ muốn buông xuôi. 

 

Tuy không ban cho tâm hồn ơn an ủi như thuở tuần trăng mật ban đầu nữa, Vị "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu chúng ta trước" tự động tiến đến chỗ thay thế ơn an ủi của Ngài bằng ơn cứng cát, khi thôi ban ơn an ủi, để nhờ đó tâm hồn có thể tăng trưởng hơn trong đời sống thiêng liêng, một đời sống thiêng liêng cần phải được xây nhà tâm hồn trên đá đức tin hơn là trên cát vụn tình cảm rời rạc đổi thay (xem Mathêu 7:24-27). Thiên Chúa, qua Thánh Thần của Ngài, là hướng dẫn viên thiêng liêng của tâm hồn, cho đến khi Ngài hoàn toàn làm chủ họ, toàn quyền trên họ.

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước" - Đau khổ thử thách

 

Đau khổ thử thách cũng là bằng cớ và dấu chứng cho thấy "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu thương chúng ta trước". Thật vậy, có những đau khổ bất ngờ xẩy ra cho chúng ta, nhất là khi không do lỗi lầm của chúng ta, trái lại, càng sống công chính chúng ta lại càng gặp đầy những gian nan khốn khó hoạn nạn tứ phía trăm bề, thì còn có thể nói rằng những đau khổ ấy xuất phát từ Thiên Chúa và Ngài đã ra tay trước, đã sử dụng đau khổ để tỉa cắt chúng ta là những cành nho đã sinh hoa trái cho càng sai trái hơn (xem Gioan 15:2).

 

Tuy nhiên, trong trường hợp đau khổ là hậu quả tất yếu do tội lỗi chúng ta gây ra, xẩy ra sau khi chúng ta phạm tội, thì làm sao có thể xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng không dựng nên sự dữ đau khổ và làm sao có thể là tác động thần linh "yêu trước" của Ngài? Thế nhưng, xét cho cùng thì hậu quả khổ đau do tội lỗi của con người gây ra đó cũng được xuất phát đầu tiên từ Thiên Chúa, Đấng đã phán với hai nguyên tổ trước khi sa ngã phạm tội rằng ngươi không được ăn hay đụng đến trái cấm, bằng không sẽ phải chết (xem Khởi Nguyên 2:17).

 

Chưa hết, đau khổ là hậu quả do tội lỗi của loài người gây ra đó, lại được Vị "Thiên Chúa là tình yêu ... đã yêu thương chúng ta trước" lợi dụng để biến dữ thành lành cho tội nhân chúng ta, ở chỗ, nhờ đó, chúng ta có thể nhận biết mình hơn và thông cảm với những tâm hồn tội nhân cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn, không dám khinh một ai, thậm chí còn nhờ đau khổ do lỗi lầm của mình gây ra đó mà thoát được những ràng buộc hay quyến luyến trần gian nữa. Tức là, đau khổ là hậu quả của tội lỗi quá khứ đã trở thành tác động thần linh cứu độ và thánh hóa cho những tâm hồn nào có một tấm lòng tan nát khiêm cung. 

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước" - Nhật biết, chấp nhận và đáp ứng

 

Nhân loại tạo vật chúng ta không thể nào nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, nếu Ngài không yêu chúng ta trước. Đó là lý do người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mới khẳng định và kêu gọi: "Tình yêu là ở chỗ không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa mà là Ngài đã yêu thương chúng ta, và đã sai Con Ngài đến làm hy tế đền tội lỗi của chúng ta" (1Gioan 4:10); "Phần chúng ta, chúng ta yêu mến vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước" (1Gioan 4:19).

 

Đúng thế, có bao giờ chúng ta nghĩ rằng chúng ta "được" yêu Thiên Chúa hay chăng?! Thường chúng ta chỉ nghĩ đến đặc ân chúng ta "được" Thiên Chúa yêu. Và chúng ta sợ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Thế nhưng chúng ta lại không để Chúa yêu. Ở chỗ chúng ta sợ "bị" Chúa yêu, kẻo phải bỏ mình và vác thập giá mà theo Người. Có lẽ vì thế mà chúng ta chưa nghĩ đến diễm phúc chúng ta "được" yêu Thiên Chúa. 

 

Bởi vì, so với Thiên Chúa là Đấng vô cùng uy nghi cao cả và trọn hảo, chúng ta chỉ là một tạo vật vô cùng thấp hèn, khốn nạn và tội lỗi, chúng ta có "xứng" yêu Thiên Chúa, có "dám" yêu Thiên Chúa hay chăng. Nếu "đáng" hay "dám" thì chẳng khác gì chúng ta chỉ là một cô nàng ăn mày què quặt, đen ngòm xấu xí, thối tha trần truồng, chẳng ai thèm dòm ngó, sống trong vũng bùn lầy bẩn thỉu nhơ nhuốc, mà muốn tỏ tình yêu thương, thậm chí mơ mộng được lấy vị hoàng đế Solomon khôn ngoan nhất, giầu sang nhất và đẹp trai nhất trần gian này vậy. 

 

Một trong những lý do chính yếu trong việc "Thiên Chúa yêu chúng ta trước" đó là để chúng ta có đủ phẩm vị và đủ khả năng để kính mến Thiên Chúa là Đấng vô cùng chí tôn, chí thánh, chí ái như Ngài xứng đáng và như Ngài yêu thương chúng ta. Nhờ Lời nhập thể mà Thánh Thần đã được ban cho chúng ta để nhờ bởi Thánh Thần chúng ta kính mến Thiên Chúa như chính Chúa Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã yêu mến Ngài. 

 

Bởi thế, tất cả những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta, không phải vì lợi ích của Ngài cho bằng của chúng ta. Ngài làm gì thì làm cũng làm vì Ngài, bởi không ai hơn Ngài để trở thành nguyên nhân đệ nhất và động lực tối hậu cho tất cả các việc Ngài làm, nhưng tất cả những việc Ngài làm đều nhắm đến lợi ích vĩnh cửu của tạo vật được Ngài dựng nên, đó là tình trạng con người tạo vật được vĩng viễn hiệp thông thần linh với Ngài. 

 

Thế nhưng, để được hiệp thông thần linh với vị Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu thương chúng ta trước", loài người cần phải tỏ ra nhận biết tình yêu nhưng không của Ngài, chấp nhận tình yêu thủy chung của Ngài, và đáp lại tình yêu tận tuyệt của Ngài, bằng ý thức thần linh và cảm nghiệm thần linh liên quan đến các tác động thần linh của Thiên Chúa qua Thánh Linh trong tâm hồn của mình cũng như trong cuộc đời của mình.

 

"Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước" - Chiếm đoạt, làm chủ và tác động

 

Con người tạo vật đạt đến tột đỉnh của tình trạng hiệp thông thần linh chỉ khi nào họ được Vị "Thiên Chúa là tình yêu... đã yêu thương chúng ta trước" hoàn toàn chiếm đoạt, làm chủ và tác động. Như thế không có nghĩa là con người tạo vật hoàn toàn trở thành thụ động hay bất động hoặc tiêu cực, trái lại, là một tạo vật có ý thức và tự do, lại thêm khuynh hướng qui kỷ và vị kỷ, nhất là sau nguyên tội, họ cần phải có một đức tin phi thường họ mới có thể dám liều mình để cho Vị "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24), "vô hình" (Colose 1:15), Đấng thường có những tác động thần linh oan nghiệt và đọa đầy đối với cảm giác sợ hãi tự nhiên của tạo vật, chỉ huy điều khiển họ như vậy.

 

Đó là lý do ai cũng cảm thấy tủi nhục khi bị hất hủi, bỏ rơi, quên lãng, trái lại, cảm thấy diễm phúc, sáng giá và hãnh diện khi được yêu, nhất là được các đấng bậc để ý quan tâm, nhất là đấng bậc ấy lại là Chúa tể trời đất này, Đấng vô cùng toàn thiện vá chí ái chí tôn. Thế nhưng, kinh nghiệm sống đạo cho thấy, hầu như tự nhiên ai cũng sợ bị Chúa yêu, không dám để Chúa yêu, không dám để Ngài chiếm đoạt, cho dù biết là Ngài yêu mình hơn ai hết, đến không tiếc Con Một của Ngài (xem Roma 8:32), và nhờ đó mình được hiệp nhất nên một với Ngài. 

 

Chính vì sợ hãi mà nhiều linh hồn đã bỏ cuộc oan uổng đáng thương. Họ sợ bỏ mình và vác thập giá theo Chúa. Họ sợ bị mất tự do để được làm theo ý riêng của họ hơn là theo Ý Chúa là những gì họ vẫn cầu xin cho được biết để sống bằng an. Và sở dĩ con người mâu thuẫn như thế và hoảng sự bị Chúa yêu như thế là vì họ không tin hay chưa hoàn toàn tin vào Chúa. Đôi khi biết đấy, tin đấy (theo lý thuyết), nhưng vẫn không dám làm, vẫn không dám "tin tưởng - trust / tín thác - entrust" vào Ngài, vẫn không dám liều mình mù quáng phó mình trao thân cho Đấng đã dựng nên mình theo hình ảnh thần linh của Ngài, đã cứu độ mình nơi Con Một của Ngài, và hằng ở với mình bằng Thánh Linh của Ngài. Như thế, cốt lõi vấn đề là ở chỗ: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!". 

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

(Bài này đã được Nguyệt San Hiệp Nhất của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam phổ biến

trong 3 Số Báo 1-3/2016 Năm Thánh Tình Thương)