TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2016

 

media

 

Khủng bố Berlin : Cả châu Âu bị thách thức

Cả châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng với vụ tấn công khủng bố dùng xe tải đâm vào chợ Noel Berlin tối ngày 19/12/2016, làm 12 người chết và 48 người bị thương. Sự kiện tiếp tục là chủ đề bao trùm các tờ báo Pháp ra hôm nay. Nỗi lo sợ khủng bố không chỉ còn riêng của nước Đức, mà của cả châu Âu.

Trang nhất các tờ báo như Le Figaro, Libération và La Croix đều đăng một tấm hình bà thủ tướng Angela Merkel trong bộ đồ đen cùng các quan chức chính quyền Đức tới thị sát hiện trường vụ tấn công khủng bố với nét mặt u buồn chưa hết thảng thốt.

Tựa chính của Le Figaro « Khủng bố Hồi giáo làm rung chuyển nước Đức ». Libération chạy tựa bằng một từ ngắn ngủi « Touchée », vừa có nghĩa xúc động, đồng thời cũng có nghĩa nước Đức bị dính khủng bố. Các báo đều dành nhiều trang bài cho sự kiện, và báo nào cũng dành bài xã luận để bày tỏ quan điểm về vụ khủng bố Berlin.

Với đa số các báo Pháp, khủng bố Hồi giáo cực đoan giờ không còn là chuyện riêng của một nước nào. Xã luận của Le Figaro than lên rằng : « Cái gì đó đã thay đổi từ tối thứ Hai ở châu Âu. Trong máu của những người vô tội, trong nước mắt của một dân tộc. Có cái gì đó đã thay đổi, bởi vì chưa bao giờ trong lịch sử gần đây, nước Đức rộng lớn bị đánh như vậy. Lần này nước Đức là nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố lớn do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tiến hành ».

Trước đây không phải ở nước Đức không có khủng bố, nhưng đó là những vụ nhỏ lẻ. Mục tiêu của những vụ lớn vẫn tập trung vào nước Pháp. Vì thế theo Le Figaro, sự kiện ngày 19 tháng 12 này chắc chắn sẽ khiến người Đức không còn ngây thơ nghĩ rằng khủng bố lớn không đụng đến họ, chính phủ của bà Angela Merkel không còn hồn nhiên trong chính sách nhập cư rộng lượng nữa.

Xã luận Le Figaro kết luận : « Khủng bố Hồi giáo không còn là vấn đề của nước Đức, hay của nước Pháp. Đó là việc một nền văn hóa, một thế giới, một nền văn minh đang bị nhằm đánh. Sau Berlin, các nước châu Âu tự thấy phải đoàn kết, tỏ cho thấy có hiệu quả » trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên các báo cũng có chung một quan điểm là không nên vì phải đối phó với khủng bố mà mỗi nước lại co mình lại, đưa vấn đề kiểm soát biên giới trở lại, mỗi nước mạnh ai nấy lo.

Xã luận Libération nêu một loạt ví dụ, khủng bố vẫn xảy ra : « ở Mỹ, nước vẫn giữ nguyên biên giới, ở Anh Quốc, nước được bảo vệ bằng biển xung quanh. Hay ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kenya, Thái Lan, những nước hoàn toàn khác với châu Âu, có đường biên giới khép kín mà khủng bố vẫn xảy ra ? Vì thế đặt vấn đề tính thống nhất của Liên Hiệp Châu Âu, xem lại kiểm soát biên giới chỉ là một thứ bung xung mị dân đánh lạc hướng dư luận ».

Cùng quan điểm với Libération, xã luận Le Monde khẳng định « Khép mình lại là hão huyền, là một ảo tưởng nguy hiểm ; cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo phải thông qua tăng cường hợp tác giữa các thành viên chứ không phải bằng sự phân rã châu Âu… ».

Trong khi đó bài xã luận mang tiêu đề « Sống tự do » của La Croix viết : « Berlin bị đánh giữa tim, sau Nice, Paris, Bruxelles, Luân Đôn, Madrid…. Châu Âu giờ là trọng tâm của các kế hoạch khủng bố. Qua nhiều năm, lục địa của chúng ta đang chứng kiến mối đe dọa thường trực đó…. ». Để nỗi sợ hãi ngự trị lúc này tức là đem lại chiến thắng cho những kẻ khủng bố. La Croix kết luận : chỉ có « hợp tác thì châu Âu mới mong chiến thắng được khủng bố. Vì không chỉ đơn thuần một quốc gia này hay quốc gia khác bị tấn công khủng bố nhắm vào. Mục tiêu của những kẻ reo rắc cái chết là toàn bộ giá trị của chúng ta. Đoàn kết tất cả, chúng ta sẽ bảo vệ các giá trị đó tốt hơn ».

Đức : Cuộc sống vẫn phải tiếp tục

La Croix nhận định « Sau cơn sốc, nước Đức bước vào kỷ nguyên mới ». Theo tờ báo, cuộc sống vẫn phải tiếp tục ngay ngày hôm nay tại Berlin. Hơn 60 khu chợ Noel tại thủ đô hôm qua đóng cửa, hôm nay được mở lại, các lễ hội đón năm mới theo dự trù vẫn được tiến hành, nhưng được đặt dưới sự kiểm soát cao độ. Toàn bộ hệ thống an ninh sẽ được rà soát, tăng cường.

Với riêng thủ tướng Đức, bà Angela đang phải chịu áp lực chính trị lớn sau vụ tấn công này. Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa đến ngày bầu Quốc hội, đó là dịp để bà Angela Merkel ra ứng cử nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 4. Người ta đang trông đợi những phản ứng của bà trước đe dọa khủng bố. Thảm kịch Berlin sẽ khơi dậy nhiều tranh luận đặc biệt về chính sách đón tiếp người nhập cư tị nạn của chính phủ Đức hiện nay.

Pháp : Báo động "cao" nâng thành "đặc biệt cao" ?

Bên cạnh nhiều trang bài dành cho vụ khủng bố Berlin, Libération có bài liên hệ với nước Pháp, đất nước có nguy cơ khủng bố cao nhất châu Âu, với bài “Pháp vẫn trong báo động đỏ”.

Libération cho hay, sau vụ tấn công bằng xe tải ở Berlin, chính phủ Pháp ngay lập tức đã thông báo một loạt các biện pháp tăng cường an ninh, cho dù từ 6 tháng nay, lực lượng cảnh sát Pháp vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.

Hôm qua, tổng thống Pháp François Hollande nhắc lại rằng nước Pháp vẫn bị đe dọa cao độ và tiếp tục huy động lực lượng và tập trung « cảnh giác ở mức đặc biệt cao ».

Các khu chợ Noel ở Pháp từ hôm qua đều được tăng cường các khối bê tông làm vật cản, bên cạnh đó lực lượng cảnh sát, hiến binh trang bị súng tiểu liên được điều động cắm chốt xung quanh chợ cũng như các tụ điểm đông người.

Một minh họa cho mối đe dọa khủng bố « đặc biệt cao » với nước Pháp, theo Libération, đó là từ giữa tháng 11 vừa qua, liên tục có các vụ bắt giữ các đối tượng có liên quan đến Hồi Giáo cực đoan ở nhiều vùng của nước Pháp. Theo chính quyền, từ hôm 14/7, ngày xảy ra vụ tấn công bằng xe tải ở Nice, an ninh Pháp đã phá vỡ được 12 âm mưu khủng bố, nếu tính cả năm 2016 là 17 vụ.

Nga độc quyền xử lý hồ sơ Syria ?

Vẫn ít nhiều liên quan đến khủng bố là chủ đề cuộc chiến Syria. Các báo đều không thể bỏ qua hội nghị ngoại trưởng ba bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Matxcơva hôm qua bàn về cuộc xung đột Syria đang đi vào bước ngoặt mới.

Các báo Pháp đều có chung một quan sát là Nga đã giành thế thượng phong trên cuộc cờ Syria. Les Echos có bài : « Hơn bao giờ hết, Nga ở trung tâm cuộc chơi tại Syria ». Tờ báo kinh tế ghi nhận, « ngày 20/12/2016 sẽ còn được ghi lại trong biên niên sử như là ngày mà Trung Đông bị đẩy về phía tam giác ngoại giao Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà cách đây vài tuần khó có khả năng xảy ra ».

Một ngay sau vụ đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại giữa thủ đô Ankara, các lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao của ba nước trên đã họp nhau tại Matxcơva để bàn về số phận tương lai của Syria. Cuộc họp này còn được dư luận chú ý nhiều bởi nó vắng bóng hoàn toàn những tác nhân từng có mặt ngay từ đầu tiến trình giải quyết hồ sơ Syria như : Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc.

Le Figaro nhận định « tương lai của Syria được bàn thảo ở Nga ». Bộ ba Iran-Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã áp đặt một tiến trình riêng giải quyết hồ sơ Syria. Họ thống nhất sẽ gặp nhau ở Kazakhstan để đưa ra một giải pháp chính trị cho Syria. Một thỏa thuận đang được thương lượng với chế độ Damas và phe đối lập. Theo Le Figaro, thì « trong suốt 5 năm, các nước phương Tây đã hoàn toàn thất bại không đưa được Syria thoát khỏi cuộc chiến hỗn loạn ». Đến giờ, tương lai của Syria nằm trong tay ba nước Thổ-Nga-Iran.

Nhờ can thiệp có hiệu quả vào chiến trường Aleppo làm thay đổi cán cân lực lượng, Nga ở thế làm chủ cuộc chơi. Nhưng để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, theo Le Figaro, con đường còn dài. Trong mối liên minh tay ba trên vẫn còn những trục trặc bất đồng.

Chính vì thế mà, mặc dù bất ngờ xảy ra vụ sát hại đại sứ Nga tại Ankara hôm 19/12, Matxcơva và Ankara vẫn cố gắng giảm thiểu tác động đến quan hệ hai nước vừa mới được cải thiện và đang trở nên quan trọng trong những ngày tới.

Ngoài ra người ta đang trông chờ nước Mỹ dưới chính quyền Trump. Trong cuộc chiến chống khủng bố, Donald Trump đã cam kết hợp tác với Nga. Tờ báo kết luận : « mối liên minh này sẽ được trắc nghiệm kể từ ngày 20 tháng Giêng năm tới, ngày ông Trump chính thức nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161221-vu-khung-bo-berlin-ca-chau-au-bi-thach-thuc
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161221-vu-khung-bo-berlin-ca-chau-au-bi-thach-thuc