TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2016

 

Cuộc Khủng Hoảng giữa Ả Rập Xế Út với Iran đầu Năm 2016 - Nguy Cơ Bùng Nổ Đại Chiến Trung Đông

 

Ả Rập Xê Út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran

Tú Anh -

media

Người biểu tình Iran giương ảnh giáo sĩ đối lập Nimr Baqer al Nimr, bị Ryiad hành quyết, trước Sứ quán Ả Rập Xê Út tại Teheran, ngày 03/01/2016.6. - REUTERS/Raheb Homavandi

Vụ Ả Rập Xê Út hành quyết một chức sắc Shia đối lập ôn hoà gây phẫn nộ tại nhiều nước Hồi giáo cùng hệ phái ở Trung Đông và khối Ả Rập. Tại Iran, đại sứ quán của Ả Rập Xê Út bị đốt. Để trả đũa, Riyad quyết định đoạn giao với Teheran gây lo ngại căng thẳng leo thang.

Sự kiện vương triều Ả Rập Xê Út hành quyết 47 tù nhân cuối tuần qua trong số này có nhà đối lập Nimr Baqer al Nimr, một giáo sĩ rất được hệ phái Shia kính trọng đã gây phản ứng chỉ trích từ chính quyền Hồi giáo Iran và biểu tình phản đối.

Đêm ngày 02/01 rạng sáng ngày 03/01/2016, người biểu tình đốt cháy đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Teheran bằng bom xăng và tấn công vào toà lãnh sự ở Machhad, đông nam Iran. Khoảng 40 người gây bạo động đã bị bắt.

Tuy nhiên, ngay thứ Hai 03/01/2015, Ả Rập Xê Út thông báo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và ra lệnh cho các nhà ngoại giao Iran phải rời khỏi vương quốc Sunni « trong vòng 48 giờ ».

Quan hệ giữa hai cường quốc khu vực, một bên là lãnh đạo phe Shia và một bên thống lĩnh phe Sunni, thường xảy ra xung khắc. Sau vụ xung đột bạo lực giữa tín đồ Iran và cảnh sát Ả Rập Xê Út trong vụ hành hương năm 1987, quan hệ ngoại giao đôi bên đã bị đình chỉ từ 1987 đến 1991.

Giới phân tích lo ngại tình hình không dừng lại ở đây. Giáo chủ Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cảnh cáo Riyad bằng lời lẽ đe dọa : "Máu của thánh tử đạo đã đổ xuống một cách oan khiên, chính quyền Ả Rập Xê Út sẽ bị trời trừng phạt".

Vụ hành quyết 47 người bị quy tội "khủng bố" và nhất là giáo sĩ đối lập Nimr Baqer al Nimr 56 tuổi có thể sẽ làm cho cuộc tranh chấp ảnh hưởng giữa hai hệ phái Hồi giáo biến thành chiến tranh ủy nhiệm vượt qua tầm kiểm soát của Riyad và Teheran.


Ả Rập Xê Út : Hồi giáo Shia chống, Sunni ủng hộ

Tú Anh -

media

Ảnh của vua Ả Rập Xê Út Salmane bị người biểu tình Iran đốt để phản đối việc giáo sĩ Nimr al-Nimr bị Ryiad hành quyết, ngày 04/01/2016. REUTERS/Adnan Abidi

Pháp kêu gọi Teheran và Riyad xuống thang trong khi cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới chia làm hai phe sau vụ Ả Rập Xê Út hành quyết giáo chủ Shia Nimr Baqer al Nimr và đoạn giao với Iran.

Theo AFP, sự kiện Ả Rập Xê Út hành quyết 47 tù nhân chính trị trong đó có giáo chủ Nimr Baqer al Nimr gây bất bình cho cộng đồng Shia tại Irak, Liban, Yemen, Bahrein cho đến Pakistan và vùng Cachemire Ấn Độ. Hãng tin Pháp cho biết nhiều cuộc biểu tình được dự trù tại Irak trong khi hai đền thờ của hệ phái Sunni bị đặt bom vào sáng nay 04/01/2016.

Nếu tại Iran, đại sứ quán Ả Rập Xê Út đã bị khoảng một ngàn người Iran biểu tình tấn công đốt cháy bằng bom xăng thì ở nhiều nước Ả Rập trong đó Koweit, Qatar, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ai Cập và chính phủ Yemen thì lại phản ứng ngược lại. Các nước theo hệ phái Sunni này đều lên án hành động tấn công sứ quán Ả Rập Xê Út. Các nước này cũng ủng hộ « chính sách chống khủng bố » của Riyad.

Khủng hoảng ngoại giao cũng lan đến thể thao. Các câu lạc bộ bóng đá Ả Rập Xê Út đang tham gia cúp Châu Á kêu gọi các trận đấu với Iran phải được tổ chức ở một nơi khác.

Trong khi đó, Pháp kêu gọi hai chính quyền Iran và Ả Rập Xê Út « giảm căng thẳng ». Phát ngôn viên chính phủ Stéphane Le Foll tuyên bố « với vị thế có thể đối thoại với mọi phía, Ngoại trưởng Laurent Fabius kêu gọi hai bên xuống thang ».

 

 

Xung khắc Riyad-Teheran có nguy cơ kéo Trung Đông vào bạo loạn

Tú Anh -

media

Người Iran biểu tình gây hỏa hoạn trước sứ quán Ả Rập Xê Út tại Teheran, ngày 02/01/2016. - REUTERS/TIMA/Mehdi Ghasemi

Cuộc tranh giành ảnh hưởng của Iran theo hệ phái Shia và Ả Rập Xê Út theo hệ phái Sunni đã trở thành công khai. Vụ hành quyết giáo chủ Shia Nimr Baqr al Nimr rơi vào thời điểm xấu nhất, có thể biến thành chiến tranh ủy nhiệm qua các lực lượng Hồi giáo võ trang được Riyad và Teheran bảo trợ và trang bị, từ Irak, Syria, Liban cho đến Yemen cũng như phá hỏng chiến lược liên minh chống khủng bố Daech.

Đối với Teheran, vương triều Ả Rập Xê Út đã « phạm sai lầm nghiêm trọng khi hành quyết giáo chủ Nimr Baqr al Nimr, một chức sắc tôn giáo đáng kính của toàn thế giới Hồi giáo chứ không riêng gì một nước ». Nhận định này của Thứ trưởng Ngoại giao Iran sau khi Riyad yêu cầu « Ngoại giao đoàn Iran, trong vòng 48 giờ phải rời Ả Rập Xê Út » và lời đe dọa trước đó của Giáo chủ Iran Ali Khamenei « chính quyền Xê Út sẽ bị trời phạt » cho thấy xung khắc giữa hai chế độ có tham vọng lãnh đạo thế giới Hồi giáo không dừng lại ở khẩu chiến.

Đối với Iran, Ả Rập Xê Út làm thiệt hại quyền lợi của khối Ả Rập và Hồi giáo. Hai tội « lớn nhất » là sản xuất dầu khí với khối lượng lớn làm giá nhiên liệu giảm và ủng hộ khủng bố Sunni mà điển hình là Daech.

Ngược lại, Ả Rập Xê Út tố cáo Iran tài trợ cho các tổ chức Hồi giáo Shia cực đoan như phe Houthi ở Yemen, hay Hezbollah ở Liban, trực tiếp can thiệp vào Syria, bảo vệ chế độ Damas. Bên nào cũng có những lực lượng chính trị và võ trang đồng minh ở Trung Đông.

Tại Irak, giáo chủ Ali Sistani, lãnh đạo tinh thần của hệ phái Shia đã tỏ thái độ thận trọng để lên án Riyad có thái độ « gây hấn » khi hành quyết và bêu xác bốn giáo sĩ Shia ở Ả Rập Xê Út. Nhiều dân biểu Irak thuộc hệ phái Shia cũng đòi phải xử tử khoảng 60 tù nhân Ả Rập Xê Út đang bị giam tại Irak để trả thù.

Tại Yemen, cuộc nội chiến giữa phe Houthi nổi dậy do Iran tài trợ và chính phủ Yemen được Ả Rập Xê Út và liên minh quân sự Ả Rập hậu thuẩn sẽ gia tăng cường độ. Vài giờ sau khi Riyad hành quyết các giáo sĩ Shia, liên minh hủy bỏ lệnh ngưng bắn tạm thời tại Yemen. Viễn cảnh tìm một giải pháp đàm phán dự kiến vào trung tuần tháng Giêng 2016 đã xa dần.

Cũng như ở Yemen, khủng hoảng Syria cũng đang kỳ vọng vào một thỏa hiệp chính trị vào cuối tháng Giêng. Thế nhưng, khi hành quyết những chức sắc Shia, Ả Rập Xê Út xem Iran là kẻ thù và như vậy dự án Liên minh rộng lớn « chống Daech » trong đó có Nga và Iran tham gia khó có thể thực hiện.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Riyad hành quyết một loạt đối lập mà đa số là tín đồ Shia ?

Theo nhà phân tích Pháp Georges Maibrunot, Iran và Ả Rập Xê Út đang leo thang trả đũa nhau. Cách nay 10 hôm, thủ lĩnh một tổ chức đối lập Syria tên Zarhan Alloush bị không quân Damas giết chết. Nhân vật này là cột trụ của Ả Rập Xê Út và của « Quân đội Hồi giáo », một tổ chức nổi dậy tại Syria do Riyad tài trợ.

Ngoài việc hành quyết tín đồ Shia để trả thù Iran, Riyad còn có thể gia tăng viện trợ quân sự cho các tổ chức nổi dậy tại Syria thuộc phe Sunni và sẽ làm chiến sự leo thang trong những ngày tới.

Ẩn số duy nhất là liệu Riyad, bất chấp Nga dọa trả thù, có giao tên lửa phòng không địa đối không Stinger cho phe nổi dậy tại Syria hay không ? Phi công Nga, thời Liên xô, đã từng trả giá nặng vì Stinger trên chiến trường Afganistan.

Khi hành quyết chức sắc Shia, Ả Rập Xê Út trấn an được phe Sunni cực đoan nhất tại Trung Đông đang bất bình « phe Shia cuồng tín ». Thế nhưng, tính toán của Ả Rập Xê Út có thể lôi kéo cả Trung Đông, đang chìm trong máu lửa, vào vòng xoáy « ăn miếng trả miếng » đầy bất trắc.

 

Ả Rập Xê Út hành quyết gần năm chục tử tù

Anh Vũ

media

Biểu tình ủng hộ Cheikh al-Nimr, trước sứ quán Ả Rập Xê Út tại Sanaa, Yémen, hồi tháng 10/2014 - AFP PHOTO / MOHAMMED HUWAIS

 

Hôm nay 02/01/2016, Bộ Nội vụ Ả Rập Xê Út thông báo đã hành quyết 47 người bị kết tội « khủng bố », trong đó có một chức sắc cao cấp của hệ phái Hồi giáo Shia, Nimr Baqr al-Nimr, nhân vật chống đối gay gắt chính quyền Ryad.

Thông báo của Bộ Nội vụ được SPA, hãng tin chính thức Ả Rập Xê Út đăng tải, cho biết các vụ hành quyết đã diễn ra tại 12 thành phố của vương quốc.

Trong số những người bị hành quyết lần này, đặc biệt có Nimr al-Nimr, 56 tuổi, giáo chức cao cấp của hệ phái Shia, một gương mặt nổi bật của phong trào phản kháng triều đại Al –Saoud theo hệ phái Sunni.

Hồi tháng 10 năm 2014, nhân vật này bị tòa án đặc biệt xử tội khủng bố của Ryad kết án tử hình vì tội « nổi loạn », « bất phục tùng quốc vương » và tàng trữ vũ khí.

Iran, quốc gia theo hệ phái Hồi giáo Shia đã nhiều lần cảnh báo Ryad chống lại việc hành quyết giáo chức Shia nói trên.

Trong số bị hành quyết hôm nay cũng có một số người theo hệ phái Hồi giáo Sunni, bị kết tội can dự vào các vụ tấn công khủng bố do al-Qaida tổ chức hồi 2003 và 2004.

Hồi đầu tháng 12/2015 chi nhánh al-Qaida tại Yemen đã đe dọa gây « đổ máu » nếu chính quyền Ryad hành hình những chiến binh thánh chiến của họ.

Đây là vụ hành quyết hàng loạt đầu tiên ở vương quốc Hồi giáo này trong năm 2016. Theo con số chính thức được thông báo, năm ngoái Ả Rập Xê Út cũng đã thi hành án tử hình 153 người.