TÌNH HÌNH THỜI CUỘC 2016

 

MÙA XUÂN Ả RẬP - SAU 5 NĂM

 

 

Sau 5 năm, cách mạng « Mùa xuân Ả Rập » trở thành thảm họa

Thu HằngĐăng ngày 14-01-2016 Sửa đổi ngày 14-01-2016 17:47

Người dân Tunisia xuống đường kỷ niệm 5 năm cách mạng "Mùa xuân Ả Rập" bùng nổ.REUTERS/Zoubeir Souissi

Ngày 14/01/2011, sự kiện Tổng thống Tunisia Ben Ali bị lật đổ trở thành nguồn sinh lực cho hàng loạt cuộc cách mạng dân tộc, mà sau này được gọi là « Mùa xuân Ả Rập », bùng nổ tại các nước Ai Cập, Syria, Libya, Yemen, Bahrein… Thế nhưng, trang nhất của nhật báo Le Figaro (14/01/2016) đánh giá : « Năm năm, Mùa xuân Ả Rập trở thành thảm họa ». Tình trạng bạo lực đang chạm tới cửa ngõ Châu Âu.

Le Figaro điểm lại tình hình biến động từ năm 2011 đến nay tại các nước từng diễn ra Mùa xuân Ả Rập. Xuất phát từ Tunisia, một thanh niên bán hàng rong đã tự thiêu tại Sidi Bouzid để phản đối cảnh sát tịch thu hàng của anh. Ngày 14/01/2011, sau 23 năm cầm quyền, tổng thống Ben Ali phải bỏ trốn trước sức ép của người dân. Tunisia là nước duy nhất vượt qua được giai đoạn chuyển tiếp, song thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công khủng bố.

Gần một tháng sau đó, ngày 11/02/2011, tới lượt tổng thống Ai Cập Moubarak, cầm quyền từ năm 1981, phải từ chức và trao lại quyền lực cho quân đội sau 18 ngày dưới sức ép của các cuộc biểu tình của người dân. Tại quốc gia nhỏ bé Bahrein, làn sóng phẫn nộ bắt đầu từ ngày 14/02/2011 do người Hồi giáo Shia khởi xướng để chống lại chính quyền Sunni, song phong trào nhanh chóng bị bóp nghẹt từ trong trứng nước.

Ngay hôm sau, ngày 15/02/2011, tới lượt người dân Libya vùng dậy chống chế độ của Tổng thống Mouammar Kadhafi. Từ ngày 19/03/2011, theo ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, liên quân do Hoa Kỳ, Nga và Anh đứng đầu, đã can thiệp quân sự nhằm lật đổ chế độ Kadhafi. Từ đó, quốc gia trở thành miếng mồi tranh giành giữa các phe phái trong nước và đang dần bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo từng bước xâm chiếm.

Đúng một tháng sau sự kiện tại Libya, tới lượt Tổng thống Syria phải đối mặt với các cuộc biểu tình ôn hòa, song ông mạnh tay đàn áp. Cho tới nay, cả nước chìm trong nội chiến với hơn 250.000 người chết và làm mồi cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Cuối cùng tới lượt Yemen, người dân xuống đường vào tháng 02/2012. Tổng thống Ali Abdallah Saleh buộc phải từ chức và vị Phó Tổng thống Rabbo Mansour Hadi lên thay.

Thế nhưng, theo đánh giá của Le Figaro, các cuộc cách mạng lại cho kết quả thảm hại : «Tiếp nối Mùa xuân cách mạng là mùa đông Hồi giáo cực đoan ». Khủng bố không loại trừ một ai, an ninh toàn cầu trở nên bất ổn. Những kẻ thánh chiến đưa ra một thách thức mới về hệ tư tưởng cũng như về quân sự mà cho tới nay, thế giới vẫn tỏ ra bất lực.

Về phần mình, nhật báo L’Humanité lại ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Tunisia. Các cuộc tấn công khủng bố tại Bardo, tại Sousse và trung tâm thủ đô Tunis hồi tháng 11 vừa qua, vẫn không làm nản lòng các lực lượng xã hội, thế hệ trẻ, phụ nữ và các nhà đấu tranh công đoàn. Đe dọa khủng bố cũng không ngăn cản được người dân Tunisia thành lập một bản Hiến pháp mà họ hoàn toàn có thể tự hào. Tuy nhiên, còn nhiều cuộc chiến khác đang chờ họ để vượt qua được mọi khó khăn khôn lường. Cuối cùng, nhật báo thiên hữu kết luận với đầy hy vọng : « Nhưng cây lài của cuộc cách mạng vẫn đang trổ đầy hoa ».