TÌNH HÌNH THỜI CUỘC
2016
Trân Châu Cảng, trận chiến Mỹ - Nhật làm thay đổi lịch sử
Cảnh chiến hạm của Mỹ tại Trân Châu Cảng, Hawai bị trúng bom của không quân
Nhật. Ảnh chụp ngày 7/12/1941.
Cách đây 75 năm, sáng sớm ngày 7 tháng 12 năm 1941, quân đội Nhật Hoàng mở
cuộc tấn công lớn vào căn cứ quân sự Mỹ Trân Châu Cảng, làm gần 2500 người
Mỹ thiệt mạng. Cuộc tấn công bất ngờ đó là điểm kích hoạt Hoa Kỳ tham chiến,
làm thay đổi cục diện của cuộc Thế chiến thứ 2. Trận Trân Châu Cảng vẫn được
đánh giá là một trong những cuộc tấn công hiệu quả nhất trong lịch sử quân
sự thế giới.
Ngược dòng thời gian trở về với bối cảnh lịch sử trước trận chiến. Vào năm
1931, đế chế Nhật Hoàng đã mở rộng bành trướng với cuộc xâm lược Mãn Châu Lý
rồi chiếm dần một phần rộng lớn lãnh thổ Trung Quốc. Năm 1940, quân đội Nhật
Hoàng gia nhập liên minh với Đức và Ý tạo thành khối Trục. Với mục tiêu mở
rộng tìm kiếm nguồn tài nguyên, Nhật Bản tiếp tục cuộc chinh phục thôn tín
châu Á, xâm chiếm Đông Dương lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp.
Để ngăn chặn đà bành trướng của đế chế quân phiệt Nhật, Hoa Kỳ áp đặt trừng
phạt kinh tế với nước Nhật vào mùa hè năm 1941. Người Nhật bị mất nguồn năng
lượng, nguyên liệu sản xuất, lại càng trở nên hung hăng mở rộng thuộc địa
tìm kiếm tài nguyên.Trong khi đó, nước Mỹ đang ở vào thời kỳ phồn thịnh kinh
tế, người dân không muốn có chiến tranh, chính phủ Mỹ ban đầu còn dè dặt
không muốn nhảy vào các mặt trận Châu Âu cũng như Thái Bình Dương.
Nhưng ván bài của nước Mỹ đã thay đổi hoàn toàn khi quân đội Nhật Hoàng bí
mật chuẩn bị hơn 400 chiến đấu cơ và 6 tàu sân bay bất ngờ mở cuộc tấn công
cảm tử vào căn cứ Trân Châu Cảng, một căn cứ lớn của Mỹ giữa Thái Bình
Dương. Mục đích là không để người Mỹ cản trở cuộc chinh phục Đông Nam Á của
đế quốc mặt trời mọc.
Sáng ngày 07/12/1941, các chiến đấu cơ của Nhật xuất phát từ nơi cách mục
tiêu 350 km đã ồ ạt mở cuộc tấn công vào đảo Oahu, trong quần đảo Hawai. Đợt
không kích đầu tiên bắt đầu lúc 7g55, rồi đợt thứ 2 sau đó 1 giờ. Bị tấn
công bất ngờ không kịp trở tay, căn cứ Mỹ đã bị thiệt hại nặng nề. Hơn 2400
binh lính và nhân viên Mỹ bị thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương. 21
chiến hạm bị đánh chìm hoặc hư hại nặng, 328 chiến đấu cơ bị phá hủy. Trong
trận chiến này, người Nhật chỉ bị mất 64 người, 29 máy bay và 5 tàu ngầm
loại nhỏ.
Cuộc giao chiến của quân đội Nhật Hoàng không chỉ dừng lại ở đó. Chưa đầy 24 giờ
sau oanh kích vào Trân Châu Cảng, Nhật tiếp tục mở các cuộc tấn công vào các lực
lượng Mỹ tai Philippines, tấn công quân Anh tại Hồng Kông, Singapore và
Malaysia.
Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1812, Hoa Kỳ bị tấn công ngay trên lãnh thổ của
mình và thiệt hại nặng nề chưa từng thấy. Tổng thống Roosevelt gọi hôm đó là «
ngày nhục nhã » của nước Mỹ.
Một ngày sau khi bị Nhật Bản dội bom đạn ồ ạt vào căn cứ lớn gây tổn thất nặng
nề, Quốc Hội Mỹ đã chính thức tuyên chiến với Nhật Bản, tiếp sau đó đến lượt
Vương Quốc Anh cũng chính thức nhảy vào cuộc chiến với Nhật. Ba ngày sau đó, đến
lượt nước Đức Quốc Xã của Hitler tuyên bố chiến tranh với Mỹ. Đến cuối tháng 12
năm đó, Churchill và Roosevelt quyết định tập hợp quân đội hai nước dưới sự chỉ
huy thống nhất để chống lại quân Đức Quốc Xã.
Tại Mỹ, mọi nguồn lực kinh tế và con người bắt đầu được huy động tổng lực cho
cuộc chiến tranh lớn. Toàn bộ hạm đội tàu chiến được xây dựng lại. Máy bay, đại
bác, chiến xa và các phương tiện hậu cần cho quân đội được sản xuất hàng loạt
trong các nhà máy chạy hết công suất. Tất cả các công dân Mỹ từ 20 đến 40 tuổi
đều được huy động vào quân đội.
Cuộc chiến Thái Bình Dương
Sáu tháng sau trận chiến Trân Châu Cảng, quân đội Nhật Hoàng tiếp tục bành
trướng khắp vùng Đông Nam Á. Các vùng đất Hồng Kong, Singapore, Philippines, các
đảo lớn của Indonesia như Borneo, Sumatra, Java rồi Miến Điện lần lượt rơi vào
tay quân Nhật. Kể từ năm 1942, Hoa Kỳ đã ngăn chặn được các cuộc tấn công của
quân đội Nhật ở các hòn đảo như Midway, Guadalcana và lần lượt giành lại nhiều
hòn đảo trong Thái Bình Dương.
Cuối năm 1944, người Mỹ mở cuộc tấn công ồ ạt bằng không quân vào đất Nhật và
khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 sắp kết thúc, người Mỹ đã có một quyết
định điên rồ nhất, có thể trong đó cũng ẩn chứa một chút hận thù với người Nhật,
đó là ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 06/08/1945 và Nagasaki ngày
090/8/1945. Nhật Hoàng phải ký đầu hàng đồng minh, kết thúc Thế chiến thứ 2 tại
châu Á.
Cùng lúc với mặt trên trên Thái Bình Dương, Hoa Kỳ còn mở rộng các cuộc ném bom
ồ ạt vào Bắc Phi, miền nam nước Ý và Pháp cho đến tận khi đế chế Quốc Xã của
Hitler sụp đổ hoàn toàn vào ngày 07/05/1945.
Trân Châu Cảng, nguồn cảm hứng cho kịch bản
"Thế chiến thứ 3"?
75 năm đã trôi qua, cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng vẫn luôn là bài học
lịch sử cho nước Mỹ nói chung và cho giới quân sự nói riêng. Bộ Quốc phòng Mỹ
giờ đây đặc biệt chú đến « Ghost Fleet », tên một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng
từ trận Trân Châu Cảng, giả định về một cuộc chiến tranh trong tương lai giữa
Hoa Kỳ với Trung Quốc và Nga.
Rất nhiều quan chức cao cấp quân sự Mỹ đã khuyên các cấp dưới của mình nên đọc
cuốn tiểu thuyết trên của hai đồng tác giả August Cole và P.W.Singer, xuất bản
năm 2015. Hai tác giả này còn được quân đội Mỹ nhiều lần mời tọa đàm về cuốn
sách của họ và nhất là các kịch bản chiến tranh mà họ viết trong sách.
Giới quân nhân Mỹ rất thích thú với cuốn tiểu thuyết đã mô tả chi tiết thế nào
là một cuộc chiến tranh trong tương lai với sự tham gia của các loại máy bay
được điều khiển từ xa, các máy tính với dung lượng cực mạnh, các hacker, laser
và cả một phi thuyền không gian.
Đô đốc Harry Harris, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đã bình luận :
« tác phẩm đã đặt lại vấn đề một
số học thuyết quân sự trên cơ sở cấu thành các lực lượng của chúng ta, trên sức
mạnh của hệ thống mới và trên cả cách thức chúng ta chiến đấu ».
Trong cuốn truyện « Ghost Fleet », tạm dịch : « Hạm đội ma », quân đội Trung
Quốc bất ngờ tấn công vào căn cứ Trân Châu Cảng, lần này còn có sự hiện diện của
các tàu chở hàng dân sự. Một lần nữa, giống như kịch bản cuộc tấn công của người
Nhật năm 1941, hạm đội Mỹ cũng bị phá hủy nặng nề.
Cuộc tấn công được quyết định bởi một « ban lãnh đạo » tức một nhóm tỷ phú và
chỉ huy quân đội Trung Quốc vừa chiếm quyền tại Bắc Kinh. Nhóm này muốn đế chế
của họ được tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng ở vùng biển sâu giữa Thái
Bình Dương.
Cũng như cuộc tấn công của quân đội Nhật năm 1941 đã lôi Hoa Kỳ vào Thế chiến
thứ 2, « ban lãnh đạo » Trung Quốc tìm cách ngay lập tức tiêu diệt đối thủ Mỹ
bằng cách đột ngột cắt đứt trung tâm đầu não của lực lượng Mỹ tại Thái Bình
Dương.
Nhưng cuộc tấn công thực sự bất ngờ của « ban lãnh đạo » Trung Quốc bắt đầu ở
những giờ trước khi có diễn ra trận đánh vào Hawai « trong không gian và trên
mạng ». Với việc phá hủy các vệ tinh viễn thông và quan sát của Mỹ nhờ một hệ
thống laser được kích hoạt từ một trạm quỹ đạo của Trung Quốc, toàn bộ hệ thống
định vị toàn cầu của Mỹ bị nhiễu loạn.
Như vậy người Trung Quốc đã làm tê liệt toàn bộ khả năng đáp trả của quân đội
Mỹ, lúc này chỉ còn như là người khổng lồ chân đất sét. Các máy bay tàng hình
F-35 của Mỹ bị gài các chíp điện tử của Trung Quốc trở nên mù, mất khả năng điều
khiển vũ khí. Các chỉ huy quân đội Mỹ bị mất hệ thống thông tin cực kỳ hiện đại…
Sau cơn choáng váng vì các đòn tấn công từ mọi phía, người Mỹ bắt đầu định thần
lại, họ huy động các hacker trẻ, một tỷ phú lập dị của Silicon Valley và cả một
dây chuyền hậu cần khổng lồ của nhà phân phối bán lẻ Walmart…. Tất cả lao vào
một cuộc phản công đầy kỳ thú và chiến thắng cuối cùng thuộc về người Mỹ.
Cuốn « Ghost Fleet » đã được tái bản nhiều lần ở Mỹ và đã được dịch ra nhiều
ngôn ngữ, trong đó có tiếng Hoa, nhưng dành cho thị trường Đài Loan.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161208-tran-chau-cang-tran-chien-my-nhat-lam-thay-doi-lich-su
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161208-tran-chau-cang-tran-chien-my-nhat-lam-thay-doi-lich-su
Pearl Harbor: Diều Hâu Nhật Abe và Bồ Câu Mỹ Obama đồng lòng hòa giải
Lịch sử tới đây có lẽ sẽ ghi nhận : Ngày 26/12/2016, lần đầu tiên sau ba
phần tư thế kỷ, một thủ tướng Nhật – ông Shinzo Abe – chính thức đến Hawaii,
75 năm sau cuộc tấn công của quân đội Nhật Hoàng đánh vào căn cứ Mỹ tại Trân
Châu Cảng (Pearl Harbor). Một hôm sau, ngày 27/12, thêm một sự kiện lịch sử
khác : Thủ tướng Nhật Bản cùng một tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Barack
Obama – đến đài tưởng niệm tôn vinh những người Mỹ đã hy sinh trong cuộc tấn
công của Nhật. Ý nghĩa biểu tượng của sự hòa giải Mỹ-Nhật này lại càng cao
khi ông Abe luôn được coi là một nhân vật diều hâu, trong lúc Obama được xếp
vào diện bồ câu, từng được trao giải Nobel Hòa Bình.
Phải nói là ý nghĩa biểu tượng của trận đánh Trân Châu Cảng rất to lớn, vì
nó là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ chính thức lao vào cuộc Chiến Tranh Thế
Giới Thứ Hai, dẫn đến một kết cuộc bi thảm cho Nhật Bản với hai quả bom
nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki.
Cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng được khởi động vào sáng sớm hôm
07/12/1941. Trước đó, phó đô đốc Nhật Nagumo Chūichi đã nhận được mật lệnh «
Leo núi Niitaka », để tung hạm đội của mình đến đánh Trân Châu Cảng.
Trong vòng một tuần trước ngày tấn công, 6 hàng không mẫu hạm Nhật, chở theo
gần 400 chiến đấu cơ, cùng với hai thiết giáp hạm, ba tuần dương hạm, chín
khu trục hạm, ba tàu ngầm và tám tàu tiếp liệu đã rình rập trong sương mù ở
vùng biển giữa quần đảo Kuril và Hawaii.
Đúng ngày tấn công, lợi dụng lúc đối thủ đang còn ngủ, vào lúc 07g30 sáng,
một chiếc phi cơ Nhật Bản đầu tiên đã bay qua căn cứ Mỹ và tung ra tín hiệu: «
Trân Châu Cảng đang ngủ ». Chỉ 23 phút sau, một đàn chiến đấu cơ, oanh
tạc cơ và máy bay phóng phóng ngư lôi của Nhật lao đến đánh phá các tàu Hải
Quân Mỹ đang neo đậu tại cảng.
Đó tuy nhiên chỉ là đợt đầu tiên trong một chiến dịch tấn công ồ ạt bất ngờ,
đã khiến cho gần 2.500 người Mỹ thiệt mạng, một nửa trong vụ nổ chiếc tàu
USS Arizona. Về phía Nhật Bản, họ chỉ bị mất 29 máy bay và sáu mươi binh sĩ.
Tuy nhiên, cái may cho phía Mỹ, và cũng là cái rủi cho phía Nhật Bản, là ba tàu
sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương, nhờ không có mặt tại Trân Châu Cảng lúc xẩy ra
cuộc tấn công, cho nên vẫn còn nguyên vẹn, giúp Mỹ bảo toàn được lực lượng để
sau này phản công.
Điều được giới quan sát ghi nhận là chiến thắng trên bề mặt của Nhật Bản tại
Trân Châu Cảng đã khích động lòng yêu nước của người Mỹ, với những hệ quả là Mỹ
tham chiến, đẩy lùi Nhật Bản ở khắp nơi trên vùng Thái Bình Dương và đẩy nước
Nhật đến chỗ phải đầu hàng.
Hệ quả của trận Trân Châu Cảng còn vượt xa quy mô của cuộc chiến vì chính từ khi
ấy mà Hoa Kỳ đã càng lúc càng tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện của mình
trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, một điều đã được chính ông Obama nhắc lại
khi ông khẳng định vai trò «
Cường quốc Thái Bình Dương » của
nước Mỹ.
Trong lịch sử Mỹ-Nhật, Hiroshima là vết thương lòng đối với người Nhật, trong
lúc Pearl Harbor là một cái gai nhức nhối đối với người Mỹ. Thế nhưng với thời
gian, các vết thương như đã được khép lại, và một cách ngẫu nhiên, chính ông
Shinzo Abe, một chính khách nổi tiếng diều hâu của Nhật Bản lại trở thành đối
tác trong việc thúc đẩy hòa giải giữa hai nước đã trở thành đồng minh.
Tiến trình hòa giải đã chuyển qua một bước ngoặt vào tháng năm vừa qua, khi
chính tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên
đặt chân đến Hiroshima, nơi quả bom nguyên tử Mỹ đã sát hại 140.000 người vào
năm 1945. Sự kiện ông Shinzo Abe đến Pearl Harbor ngày 27/12 đã bổ sung vào tiến
trình hòa giải.
Bên cạnh đó, cử chỉ lịch sử của ông Abe sẽ góp phần củng cố liên minh Nhật-Mỹ,
nhắc nhở rằng sự ổn định ở châu Á từ sau Thế Chiến Thứ II đã dựa trên sự phát
triển các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc, và sức mạnh quân sự của Mỹ. Trân
Châu Cảng còn là một sự kiện kết thúc một chu kỳ của chủ nghĩa biệt lập kinh tế
tại Mỹ, có khả năng được tổng thống Mỹ tới đây là Donald Trump thúc đẩy trở lại.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-pearl-harbor-dieu-hau-nhat-abe-va-bo-cau-my-obama-dong-long-hoa-giai
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161226-pearl-harbor-dieu-hau-nhat-abe-va-bo-cau-my-obama-dong-long-hoa-giai
Tại Trân Châu Cảng, thủ tướng Nhật cam kết không bao giờ gây chiến
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trân Châu Cảng, ngày
27/12/2016.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm qua,
27/12/2016, tại Trân Châu Cảng (Hawaii-Hoa Kỳ), đã tưởng niệm các nạn nhân
của trận tấn công cách nay 75 năm làm chấn động nước Mỹ.
Bảy tháng sau chuyến thăm lịch sử của cả hai đến Hiroshima, lần này hai lãnh
đạo Mỹ-Nhật đã dùng tàu đến đài tưởng niệm được xây trên xác thiết giáp hạm
Mỹ USS Arizona, bị không quân Nhật phá hủy hôm 07/12/1941. Hai người đã đặt
vòng hoa trước bức tường bên trên ghi tên của 1.177 người Mỹ bị tử nạn trong
chiếc Arizona, và dành một phút để mặc niệm các nạn nhân.
Thủ tướng Nhật Bản đã tuyên bố : « Trong
tư cách là thủ tướng Nhật Bản, tôi gửi lời chia buồn chân thành và vĩnh viễn
của tôi đến những người đã tử nạn tại đây ».
Ông Shinzo Abe nói tiếp : « Chúng
ta không được quyền để tái diễn những nỗi kinh hoàng của chiến tranh ».
Ông đồng thời nhấn mạnh đến « tình
bạn và các giá trị chung »
mà hai nước hiện đang chia sẻ trong một « liên
minh của hy vọng », coi
trọng « tinh thần khoan dung
và sức mạnh của sự hòa giải ».
Đáp lời lãnh đạo Nhật, tổng thống Mỹ cũng cho rằng liên minh Mỹ-Nhật là « trụ
cột của hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, một sức mạnh tiến bộ
cho toàn thế giới. » Ông đã
ca ngợi « cử chỉ lịch sử »
của ông Shinzo Abe như là một lời nhắc nhở rằng « ngay
cả những vết thương sâu nhất của chiến tranh cũng có thể nhường chỗ cho một
tình bạn lâu dài và hòa bình ».
Theo thông tín viên RFI tại Tokyo, các cựu chiến binh Nhật Bản trong trận
Trân Châu Cảng muốn tin vào sự chân thành của thủ tướng Abe khi ông cầu
nguyện cho các nạn nhân và hòa bình, cho dù ông nổi tiếng là một chính khách
muốn xóa nhòa quá khứ quân phiệt của Nhật Bản và tìm cách sửa đổi hiến pháp
chủ hòa vốn cấm Tokyo lâm chiến.
Một số người khác thì cho rằng liên minh với Mỹ rất quan trọng đối với an
ninh của Nhật Bản và châu Á, và Hoa Kỳ là người bạn duy nhất của Nhật Bản.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161228-tai-tran-chau-cang-thu-tuong-nhat-cam-ket-khong-bao-gio-gay-chien
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161228-tai-tran-chau-cang-thu-tuong-nhat-cam-ket-khong-bao-gio-gay-chien