GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017

 

 

 

 

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

HUẤN TỪ TRUYỀN TIN

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA

26/11/2017

 

 

 

 

 

 "... chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa vươn tới đâu, vươn tới chỗ đồng hóa mình với chúng ta, không phải khi chúng ta tốt đẹp, khi chúng ta lành mạnh và hạnh phúc, mà là khi chúng ta cần được giúp đỡ. Và khi Người để mình được gặp thấy nơi cách thức kín đáo ấy, là Người giơ tay của Người ra như là một kẻ ăn mày ăn xin"

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Trong ngày Chúa Nhật cuối cùng của Phụng Niên, chúng ta cử hành Lễ Trọng Chúa Kitô Vua Vũ Trụ. Vương quyền dẫn dắt, phục vụ, vào ngày cùng tháng tận cũng là một vương quyền Phán Xét. Hôm nay, trước chúng ta đây là Chúa Kitô Vua, Vị Mục Tử và là Quan Án, Đấng cho thấy tiêu chuẩn thuộc về Vương Quốc của Thiên Chúa. Sau đây là tiêu chuẩn ấy.

Trang phúc âm hôm nay mở ra với một viễn ảnh huy hoàng. Quay về phía các môn đệ của mình Chúa Giêsu nói: "Khi Con Người đến trong vinh quang của mình, có tất cả mọi Thiên Thần theo Người, bấy giờ Người sẽ ngồi trên ngai vinh hiển của mình" (Mathêu 25:31). Đó là một dẫn nhập long trọng về trình thuật Chung Thẩm. Sau khi đã sống đời trần gian của mình một cách khiêm hạ và bần cùng, Chúa Giêsu bấy giờ tỏ mình ra trong vinh quang thần linh của Người, được cả một đạo binh thiên thần vây quanh. Toàn thể nhân loại được qui tụ lại trước nhan của Người, và Người hành sử quyền bính của Người bằng việc phân loại như vị mục tử phân chiên ra khỏi dê vậy.

Với thành phần ở bên phải của mình, Người phán: "Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã giành sẵn cho các người từ khi tạo thành thế giới; vì khi Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp nhận Ta, Ta bị trần trụi các ngươi đã mặc cho Ta, Ta đau yếu các người đã viếng thăm Ta, Ta bị ngục tù các ngươi đã đến với Ta" (các câu 34-36). Lời này không ngừng tác động chúng ta, vì nó cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa vươn tới đâu, vươn tới chỗ đồng hóa mình với chúng ta, không phải khi chúng ta tốt đẹp, khi chúng ta lành mạnh và hạnh phúc, mà là khi chúng ta cần được giúp đỡ. Và khi Người để mình được gặp thấy nơi cách thức kín đáo ấy, là Người giơ tay của Người ra như là một kẻ ăn mày ăn xin. Như thế là Chúa Giêsu cho thấy tiêu chuẩn quyết liệt nơi việc Phán Xét của Người, tức là tình yêu thương cụ thể với tha nhân của mình đang gặp khốn khó. Quyền lực của tình yêu thương, vương quyền của Thiên Chúa được tỏ ra như thế đó: ở chỗ liên kết với người khổ đau, để khơi động lên ở khắp nơi những thái độ và các việc làm thương xót. 

Dụ ngôn Phán Xét này tiếp tục khi Vị Vua xua đuổi những ai trong đời sống của họ không bận tâm với những nhu cầu của anh em. Trong trường hợp họ cũng tỏ ra ngỡ ngàng hỏi Chúa: "Lạy Chúa, có khi nào chúng tôi trông thấy Chúa đói khát, khách lạ, trần trụi, yếu đau hay tù ngục mà chúng tôi chẳng phục vụ Chúa đâu?" Nghĩa là "Nếu chúng tôi mà đã thấy Chúa thì chắc chắn chúng tôi đã giúp đỡ Chúa rồi!" Thế nhưng Đức Vua trả lời: "một khi các người không làm điều đó cho một trong những kẻ hèn mọn nhất này là các người đã không làm cho chính Ta" (câu 45). Vào lúc chấm dứt cuộc đời chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu, tức là về việc dấn thân cụ thể của chúng ta trong việc yêu thương và phục vụ Chúa Giêsu nơi những người anh em hèn mọn nhất và cần giúp nhất của chúng ta. Con người ăn xin ấy, con người cần giúp đỡ đang chìa bàn tay của mình ra xin chúng ta ấy là Chúa Giêsu; bệnh nhân mà tôi cần phải thăm viếng ấy là Chúa Giêsu, người bị ngục tù ấy là Chúa Giêsu, con người đói khát ấy là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nghĩ về điều này. 

Chúa Giêsu sẽ đến vào ngày cùng tháng tận để phán xét tất cả mọi dân nước, thế nhưng Người đến với chúng ta hằng ngày, bằng rất nhiều cách thức, và Người xin chúng ta hãy tiếp nhận Người. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta gặp gỡ và tiếp nhận Người nơi Lời của Người cũng như nơi Thánh Thể, và đồng thời nơi cả anh chị em đang chịu đựng đói khát, bệnh tật, đàn áp, bất công. Chớ gì tấm lòng của chúng ta tiếp nhận Người vào chính cái ngày hôm nay của cuộc đời chúng ta, để Người sẽ đón nhận chúng ta trong cõi vĩnh hằng của Vương Quốc ánh sáng và bình an của Người.

 

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-solemnity-of-christ-king-of-the-universe/ 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu  

Một Vị Thiên Chúa thương xót để được xót thương?

Cảm nhận thần linh của ĐTC Phanxicô trong Huấn Từ Truyền Tin CN Chúa Kitô Vua Năm A hôm nay có một câu được ngài bày tỏ rất đáng suy nghĩ:

1- "... chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa vươn tới đâu, vươn tới chỗ đồng hóa mình với chúng ta, không phải khi chúng ta tốt đẹp, khi chúng ta lành mạnh và hạnh phúc, mà là khi chúng ta cần được giúp đỡ".

 

Đọc thấy cảm nhận thần linh này của ngài, người dịch cũng cảm thấy thật là chí lý, khi người dịch bày tỏ cảm nhận của mình trong bài chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXXIV Chúa Kitô Vua này, một bài chia sẻ đã được gửi email đi từ 7 giờ sáng Thứ Bảy 25/11/2017:

 

"Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Kitô Vua lại đồng hóa mình với thành phần anh em hèn mọn nhất của Người, nếu không phải vì Người đã 'yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Người muốn chứng tỏ Người yêu họ đến cùng' (Gioan 13:1). Mà 'đến cùng' đây không phải chỉ đến cùng tình yêu của Người mà đến con người tội nhân khốn nạn cuối cùng. Bởi thế, tất cả vinh hiển và chân dung của Lòng Thương Xót vô cùng nhân hậu của Người được tỏ ra nơi những con người cùng tận này".

 

2- "Và khi Người để mình được gặp thấy nơi cách thức kín đáo ấy, là Người giơ tay của Người ra như là một kẻ ăn mày ăn xin".

Trong email phát động cho Ngày Thế Giới Người Nghèo lần đầu tiên trong Giáo Hội được ĐTC Phanxicô thiết lập và ấn định vào Chúa Nhật XXX Thường Niên hằng năm, năm 2017 vào ngày 19/11, người dịch cũng đã nhắc nhở Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương của mình trong việc tặng quà cho anh chị em homeless ở downtown Los Angeles như sau:

"Chúng ta sẽ trao tặng 600 phần Quà Tạ Ơn LTXC đã ban cho chúng ta để chúng ta có thể chia sẻ với chính Ngài là Đấng vô cùng giầu có nhưng đã trở nên nghèo khổ đáng thương nơi anh chị em homeless của chúng ta, cần chúng ta thương xót để được xót thương".

Qua cảm nhận này của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Huấn Từ Truyền Tin Lễ Chúa Kitô Vua 2017, vị đã mở Năm Thánh Thương Xót 2016, người dịch lại càng cảm thấy cụm từ mà người dịch (cũng như không ít người vẫn dùng) quen dùng và thích dùng là "Lòng Thương Xót Chúa" (LTXC) càng chí lý và thấm thía hơn nữa.

 

Trước hết, lý do là vì cả về vấn đề từ ngữ lẫn vấn đề thần học. Về vấn đề từ ngữ, "Lòng Thương của Xót Chúa", mà ngôn ngữ Việt Nam hay quen thói ngắn tắt nên nói gọn là "LTXC", cho thấy rất thích hợp với ngoại ngữ, khi dịch sang Việt ngữ, cách riêng là Anh ngữ, một ngôn ngữ bao giờ cũng nói đến "lòng thương xót" bằng danh từ mercy - mercy of God, hay tĩnh từ merciful - merciful God, chứ không bao giờ bằng động từ "thương xót", như "Lòng Chúa thương xót", nếu ở thể động từ thì lại phải là một động từ khác "have mercy on me"! Về vấn đề thần học, "lòng thương xót" là ưu phẩm (ở dạng danh từ hay tĩnh từ) tuyệt nhất của Thiên Chúa, hơn là hoạt động của Ngài, ở chỗ, nếu Ngài không phải là tình yêu vô cùng nhân hậu thì không bao giờ có các việc làm tỏ lòng thương xót.

 

Sau nữa, cụm từ "LTXC", vẫn biết theo từ ngữ không phải là ai nói "LTXC" là họ "thương xót Chúa", vì Người chẳng bao giờ đáng thương và cần thương xót như loài người yếu hèn, khốn nạn, tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên, nơi công cuộc cứu độ của Người, Người lại trở thành đáng thương hơn cả tội nhân cần cứu độ chúng ta, khi Người là Đấng vô tội lại bị treo trên cây thập tự giá vô cùng đớn đau ô nhục thay cho chúng ta, một thập giá mà đáng lẽ chính tội nhân chúng ta phải bị treo lên trên đó mới phải. Chưa hết, Người còn đồng hóa mình với những người anh chị em hèn mọn nhất của Người, thành phần đáng thương hơn ai hết và cần được thương xót hơn bao giờ hết.

"Con người ăn xin ấy, con người cần giúp đỡ đang chìa bàn tay của mình ra xin chúng ta ấy là Chúa Giêsu; bệnh nhân mà tôi cần phải thăm viếng ấy là Chúa Giêsu, người bị ngục tù ấy là Chúa Giêsu, con người đói khát ấy là Chúa Giêsu". Chúng ta hãy nghĩ về điều này". ĐTC Phanxicô trong cùng Huấn Từ Truyền Tin đã  nhắc nhở chúng ta như vậy.

 

Như thế, cụm từ "Lòng Thương Xót Chúa" chẳng những không sai gì, cả về ngôn ngữ học, mạc khải thần linh và tín lý thần học, mà còn là một cụm từ nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta cảm thấy "thương xót Chúa" thật, như các phụ nữ thành Giêrusalem khi trông thấy Chúa Kitô vác thập giá lên Núi Sọ, thì hãy theo lời Chúa nhắc nhở là chúng ta "hãy khóc thương bản thân mình và con cái mình" (Luca 23:28).

TĐCTT - HSTTM cao tấn tĩnh