GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2017
Bốn Năm của Đức Phanxicô. ĐHY Hummes:
"Mọi thứ canh tân cải cách đều gây ra những cuộc chống cưỡng"
Hình ảnh Đức Hồng Y Claudio Hummes Ba Tây và Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio Á Căn Đình ở Nhà Nguyện Sistine trong Mật Nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng 2013
Một số người cho ngài là một trong những "đại tuyển cử viên" của vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình. Ngài đã tỏ ra phản ứng một cách ôn tồn và không nhận bất cứ một công lênh nào. Ngài cũng chẳng bao giờ có thể ngờ rằng một câu nói đơn sơ được thốt ra như là một người bạn đã gây một ảnh hưởng như thế nơi Đức Jorge Mario Bergoglio. Thật vậy, vào ngày 13/3/2013, Vị Hồng Y Ba Tây Claudio Hummes là người đầu tiên ôm lấy vị tân cử Giáo Hoàng và đã thỏ thẻ vào tai của ngài rằng: "Xin đừng quên người nghèo". Chỉ có mấy lời đơn giản thế thôi mà đã gây tác dụng lớn lao trên vị Giáo Tông này, đến độ vị này đã lấy danh hiệu Phanxicô theo tên của nhân vật nghèo ở Assisi.
ĐHY Hummes, một tu sĩ Dòng Phanxicô, nguyên TGM TGP São Paulo và là nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vatican Insider đã tổng quan nhìn lại 4 năm của giáo triều Đức Bergoglio, thời gian Giáo Hội đã sống và đang sống như là "một cuộc đột biến mạnh / a strong shock" bất chấp một số chống cưỡng. Theo vị hồng y này thì những chống cưỡng ấy là những gì "bình thường" bởi "mọi thứ canh tân cải cách đều gây ra chống cưỡng".
Vấn: Ngài thấy 4 năm qua ra sao?
Đáp: Tuyệt vời. Đây là một giáo triều phi thường. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thúc đẩy Giáo Hội cởi mở, vươn mình ra ngoài, nhất là tới những vùng ngoại ô và người nghèo, kêu gọi tình đoàn kết và sự gần gũi cận kề. Ngài đã hết sức dấn thân thực hiện điều này. Có lẽ đó là đặc điểm hiển nhiên nhất của 4 năm này. Vấn đề hòa bình cũng thế, một thách đố thực sự khác nữa. Vị Giáo Hoàng này luôn ở nơi đang xẩy ra xung khắc, ngài ở đó, ngài đích thân đến và can thiệp với các thẩm quyền liên hệ để phấn khích họ khởi động các tiến trình cởi mở đối thoại cho hòa bình.
Vấn: Điều gì đã gây cho ngài ấn tượng nhất về giáo triều của Đức Jorge Mario Bergoglio?
Đáp: Tôi nhớ rằng sau khi được bầu chọn không lâu, khi ngài lo sợ trước mối đe dọa của Hoa Kỳ muốn can thiệp về quân sự ở Syria, thì Đức Thánh Cha đã kêu gọi một cuộc canh thức cho hòa bình. Ngài đã ở 6 tiếng đồng hồ với dân chúng qui tụ lại ở Quảng Trường Thánh Phêrô trong nguyện cầu. Kết cục là không xẩy ra chiến tranh. Tức là ngay cả Tổng Thống Barack Obama đã biết được... Việc cầu nguyện cùng Thiên Chúa có một quyền lực lớn lao và đã tác động tâm can của vị nguyên tổng thống Hoa Kỳ, vị đã suy nghĩ lâu dài về cử chỉ của vị Giáo Hoàng này trước khi chuyển quân. Sau đó vị Giáo Hoàng này đã triệu mời đến Vatican hai vị tổng thống Israel và Palestine để cầu cho hòa bình. Và họ đã tới! Ngài cũng đã đến Cuba để "lập một cây cầu nối" với Hoa Kỳ, ngài đã thực hiện một đại cuộc cho hòa bình. Ngài cũng thể hiện mối quan tâm thiên nhiên tạo vật, đến cuộc khủng hoảng về khí hậu và môi trường bằng bức thông điệp "Laudato si'" của ngài. Một trong những quyết tâm mạnh mẽ của ngài khác được kể đến là việc ngài chọn danh hiệu của mình là Phanxicô, một vị thánh của người nghèo, của hòa bình và của thiên nhiên tạo vật, như ngài đã giải thích cho các tường trình viên biết ở những giây phút sau khi ngài được chọn bầu. Ba đề tài này - người nghèo, hòa bình và thiên nhiên tạo vật - là những gì chính yếu nơi thừa tác vụ của ngài.
Vấn: Theo ngài nghĩ thì điều gì đã từng gây ảnh hưởng nơi vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình này trong Giáo Hội?
Đáp: Vấn đề về lòng thương xót đã là những gì làm rúng động Giáo Hội. Nó đã phấn khích việc ít dựa vào luật lệ hơn là vào tinh yêu, ít dựa vào các cấu trúc hơn là vào sự sống, thực hiện việc lành và sống gần gũi với dân chúng bằng một tác động an ủi. Vì chúng ta cần phải nhớ rằng không phải là lề luật mà chỉ có lòng thương xót mới có thể cứu chúng ta thôi. Đó là một bầu khí mới cho Giáo Hội theo chiều hướng cần phải thực hiện một cuộc mạnh mẽ trở về với nguồn Phúc Âm. Một cuộc hành trình qua giòng lịch sử bao gồm dân chúng mà không loại trừ bất cứ một ai.
Vấn: Thậm chí việc đối thoại cũng đã có một tầm vóc quan trọng nơi sứ vụ của vị Giáo Hoàng này...
Đáp: Một trong những điều quan trọng nhất đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đó là chia sẻ đường lối với hết mọi người: như là những thân hữu, như là những người anh em, chứ không phải như là thành phần đối phương, một cách tương kính, luôn liên kết khi có thể cho công ích và phần rỗi của nhân loại. Điều này đang soi sáng lịch sử, ở chỗ vị Giáo Hoàng này muốn đối thoại với các tôn giáo khác, với các Giáo Hội Kitô giáo khác, với tất cả mọi con người thành tâm thiện chí.
Vấn: Ngày 13/3/2013, khi Đức Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng thì ngài là vị Hồng Y đầu tiên ôm lấy người kèm theo câu nói nổi tiếng: "Xin đừng quên người nghèo". Tại sao ngài lại nói câu ấy?
Đáp: Tôi chẳng có sửa soạn gì hết, khi tôi ôm lấy ngài thì những lời này tuụ nhiên được bộc phát ra: "Xin đừng quên người nghèo!". Nó ở trong lòng của tôi, nhưng tôi chưa bao giờ nói như thế. Tôi cũng không thể nào tưởng được rằng câu này lại có một tác dụng mãnh liệt đến vị tân Giáo Hoàng, đến ý nghĩ của ngài. Chính ngài đã nói với tôi rằng ngài đã chọn danh hiệu Phanxicô là vì thế... Hiển nhiên là Thánh Thần là Đấng nói qua môi miệng của tôi.
Vấn: Ngoài những điều tích cực ấy, trong 4 năm qua, còn xẩy ra một số chống đối nữa. Ngài có mong rằng những thứ phê phán mạnh mẽ ấy chống lại việc canh tân cải cách Giáo Hội này hay chăng?
Đáp: Tất cả mọi thứ canh tân cải cách đều gây ra chuyện chống đối. Có những người cảm thấy thoải mái về cách thức những sự việc đang có và lo sợ bị mất mát một điều gì đó, hay có lẽ nó chỉ là một nhãn quan khác nhau. Tuy nhiên, tính chất đa dạng trong Giáo Hội không phải là điều xấu, vì giáo hội tự mình được hiệp nhất bằng tính chất đa dạng: đa dạng về văn hóa, về tư tưởng, về cách thức hiểu biết đời sống. Sự dữ chỉ xẩy ra khi nhũng gì là khác biệt ấy trở thành những gì là chia rẽ, những gì là tương phản, những gì là xung đột. Điều ấy là những gì bất khả chấp, chia rẽ là những gì hủy hoại Giáo Hội".
Vấn: Những thứ chống đối này là một hiện tượng theo thời hay đã có gốc rễ sâu xa nào đó rồi?
Đáp: Tôi rất lạc quan. Tôi tin rằng đó là tất cả những yếu tố làm nên đường lối, chúng ta cần phải tiến bước, và vị Giáo Hoàng này đã thực hiện điều này một cách hết sức thanh thản. Tất cả chúng ta đều cần hỗ trợ để bước đi. Cuối cùng Thiên Chúa sẽ chiếu soi chúng ta bằng ân sủng của Ngài. Thậm chí các cuộc canh tân cải cách còn đâm rẽ sâu nữa.
Vấn: Có lẽ thành phần phê bình chỉ trích không hoàn toàn hiểu được vị Giáo Hoàng này? Chẳng hạn, ngài có tin rằng đã xẩy ra chuyện hiểu lầm liên quan đến tông huấn "Niềm Vui Yêu Thương" hay chăng?
Đáp: Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này; cái bối cảnh đã quá nóng bỏng rồi. Tôi hoàn toàn ủng hộ tông huấn này. Chúng ta đừng quên rằng đã có đến hai thượng nghị giám mục khẳng định giáo huấn của vị Giáo Hoàng này.
Vấn: Vị Giáo Hoàng này được nhận định ra sao ở nam bán cầu?
Đáp: Gốc gác Mỹ Châu Latinh và không phải Âu Châu của vị Giáo Hoàng thật sự là một thứ vốn liếng. Giáo Hội đã thoát khỏi một thứ vòng đai lịch sử. Thật vậy, qua các thế kỷ, Giáo Hội vốn đã "tự đồng hóa mình / self-acculturated" ở Âu Châu, và việc tự đồng hóa mình này đã từng là một thành công lớn lao. Giờ đây, sự kiện vị Giáo Hoàng không thuộc về "cái vòng đai" này đang cống hiến cho Giáo Hội một thái độ toàn diện hơn và một tính cách đại đồng phổ quát mới mẻ. Không phải là trước đây chưa có tính cách đại đồng phổ quát, mà là hiện nay phong phú hơn và đa diện hơn. Giáo Hội không thể nào không đồng hóa từ các dân tộc khác nữa. Sự kiện vị Giáo Hoàng này xuất thân "từ bên ngoài" đang cống hiến cho Giáo Hội những cởi mở mới, những khả năng mới.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL